(Bình luận quốc tế) – Một lần nữa Tổng thống Nga Vladmir Putin đã đi nước cờ cao tay hơn ông Obama và đưa Moscow trở lại trong việc thiết lập luật chơi mới ở Syria.
CNN ngày 1/10 đã đăng tải bài phân tích của chuyên gia Justin Bronk, đến từ Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) ở London (Anh) về chiến lược của ông Putin trong việc tiến hành không kích ở Syria.
Theo đó, việc Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Syria đã làm đảo lộn kế hoạch của phương Tây trong cuộc nội chiến ở Syria, chống lại phiến quân Hồi giáo IS. Ông Putin đã khẳng định tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông cũng như nỗ lực bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Không giống như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng như sự can thiệp ở miền đông Ukraine, bước đi mới nhất của ông Putin rõ ràng đã khiến phương Tây bế tắc trong việc đưa ra đối sách bởi Nga đã thể hiện rõ mục tiêu chống khủng bố.
Mức độ hiện diện quân sự ở Syria trong vài tuần qua đã cho thấy rằng, phương Tây không nên phụ thuộc vào nỗ lực chống IS của Moscow mà không hiểu rõ ý đồ thực sự của ông Putin, theo chuyên gia Bronk.
Trong vòng một năm qua, chiến dịch không kích IS của Mỹ và đồng minh cũng như hỗ trợ phe đối lập ở Syria rõ ràng đã thất bại. Nhiều quốc gia ở châu Âu đã bày tỏ hoài nghi trước cuộc khủng hoảng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi.
Đây là cơ hội để ông Putin thuyết phục những quốc gia này trong việc chấp nhận giải pháp do Nga áp đặt nhằm ổn định tình hình ở Syria. Qua đó, lập trường của Nga về vấn đề Crimea hay miền đông Ukraine sẽ cũng sẽ được củng cố.
Trong lịch sử, Nga rõ ràng có nhiều kinh nghiệm trong chiến dịch chống lại các lực lượng ly khai, đặc biệt là sau cuộc chiến Chechnya lần II (1999-2000). Hiện Moscow mới chỉ triển khai các đợt không kích chiến thuật nhỏ lẻ do các máy bay Su-24 và trực thăng tấn công xuất phát từ căn cứ không quân ở Latakia.
Chuyên gia Justin Bronk cho rằng, những đợt không kích này khó có thể làm thay đổi cục diện nội chiến ở Syria. Hàng ngàn đợt không kích của Mỹ sử dụng vũ khí với độ chính xác cao trong vòng hơn một năm qua vốn đã không thể làm suy yếu IS.
Nga rõ ràng không muốn sử dụng bộ binh ở Syria trong khi những đợt không kích hạn chế cũng không thể giúp quân đội Syria giành lại các vùng đất bị phe đối lập và IS chiếm đóng.
Như vậy, những gì mà Moscow giành được trong chiến dịch không kích ở Syria nằm ở hai vấn đề chính. Đầu tiên, Nga muốn đảm bảo rằng ông Assad vẫn còn nắm quyền trong tương lai gần.
Trong khi việc triển khai máy bay và các trang thiết bị hạng nặng không tạo nên sự khác biệt chiến lược nhằm đẩy lùi IS ra khỏi lãnh thổ Syria, Moscow lại tạo ra ưu thế quan trọng trong việc thể hiện những cam kết đối với quốc gia đồng minh ở Trung Đông.
Thứ hai, một loạt những chiến lược của ông Putin thời gian qua bao gồm cả việc không kích ở Syria đã cho thấy sự trở lại của Nga trên trường quốc tế. Tổng thống Mỹ Obama hay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều đã có cuộc gặp với ông Putin. Trong khi trước đó, Nga đã bị cô lập về ngoại giao vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trên thực tế, sự hiện diện của tiêm kích đa năng Su-30 và chiến đấu cơ Su-34 tối tân ở Syria đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Các máy bay này có thể kiểm soát mọi hoạt động quân sự của phương Tây nếu cần thiết, ngoại trừ máy bay tàng hình F-22 Raptors của Mỹ.
Điều này không chỉ khiến liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu buộc phải đối thoại với Nga mà sức mạnh không quân Nga cũng tạo nên mối đe dọa nhất định đối với các chiến dịch trên không của liên minh.
Các máy bay Nga cũng như tên lửa đất-đối-không triển khai ở Latakia cũng xóa bỏ mọi toan tính lập vùng cấm bay của Mỹ nhằm khống chế lực lượng không quân Syria.
Chuyên gia Bronk kết luận, với việc triển khai lực lượng quân sự và rủi ro chính trị ở mức tối thiểu, ông Putin đã khiến OTổng thống Mỹ Obama trở nên lép vế. Nga giờ đây đã trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng và có tiếng nói trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria.
Đăng Nguyễn