Tại sao Eximbank từ một ngân hàng gạo cội, có ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ lại trở nên yếu đuối đến mức bị đánh bật khỏi tốp các ông lớn ngân hàng Việt…
Eximbank sẽ trở lại quỹ đạo trước kia hay gục ngã và trượt sâu như hiện tại? Ảnh Vneconomictimes Sa sút
Đại hội cổ đông ngân hàng Eximbank năm nay diễn ra từ 8h sáng đến gần 5h chiều ngày 21/7, cổ đông chất vấn cặn kẽ các vấn đề từ quản trị tài chính, nhân sự, lương hội đồng quản trị đến cổ tức.
Đa số cổ đông đều trong tậm trạng gay gắt trước tình hình “bết bát” của ngân hàng. Khi con số lợi nhuận sau thuế năm trước chỉ 56 tỷ đồng được công bố, không ít cổ đông bàng hoàng. Hàng trăm cổ đông đứng bật dậy chất vấn nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu vì sao tăng… thậm chí cả các vấn đề được coi là nhạy cảm như tiền chi trả thù lao hội đồng quản trị, tiền thuê tư vấn, năng lực điều hành cũng được cổ đông thẳng thắn đòi giải đáp.
Nhiều người có mặt tại đại hội hôm đó cho hay, trước đây các đại hội cổ đông thường niên Eximbank thường khá bình lặng, dù vài năm trở lại việc kinh doanh của ngân hàng có sa sút song cổ đông hầu như chỉ bức xúc chuyện chia cổ tức chứ ít khi có biểu hiện mãnh liệt. Dường như những lời hứa hẹn về tăng trưởng của lãnh đạo Eximbank đã khiến cổ đông thất vọng khi con số lợi nhuận hàng năm của Eximbank sụt giảm quá khủng khiếp qua các năm: từ 3.000 tỷ đồng năm 2011 còn hơn 2000 tỷ năm 2012, tiếp tục giảm xuống 658,7 tỷ năm 2013 và chỉ vẻn vẹn 57 tỉ đồng năm 2014.
Mặc dù trước đó, theo lãnh đạo Eximbank, ngân hàng sa sút mạnh lợi nhuận do mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối và từ từ chứng khoán đầu tư. Cùng với đó, việc trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC nên lợi nhuận hợp nhất cuối năm của Eximbank đạt thấp. Song dường như các cổ đông vẫn chưa thấy hài lòng. Của đau con xót, có lẽ chính những con số có đôi phần “tàn nhẫn” đó đã khiến đa số cổ đông không nén nổi cảm xúc và bật thành những câu chất vấn chát chúa.
Lao đao vì tin đồn
Cùng với sự sa sút lợi nhuận, Eximbank những năm gần đây cũng trở thành tâm điểm chú ý của không chỉ giới tài chính, đầu tư, cổ đông mà cả cộng đồng doanh nghiệp. Sự chú ý này, ít nhiều liên quan đến các tin đồn.
Đầu năm nay, thương vụ M&A giữa NamA Bank – Eximbank được bàn luận nhiều. Khả năng đến đích càng chắc chắn hơn khi vào tháng 3, hai vị trí quan trọng trong ban điều hành NamA Bank đã từ nhiệm và cũng đồng thời có tên trong danh sách ứng cử vào hội đồng quản trị Eximbank. Tuy nhiên, khi thông tin NamA Bank – Eximbank sẽ vẫn “đường ai nấy đi” đã khiến thị trường bất ngờ.
Cũng từ đầu năm, liên tục có những phiên giao dịch thỏa thuận cổ phiếu của Eximbank với khối lượng khủng, trong bối cảnh ngân hàng sẽ có thay đổi về nhân sự cấp cao đã gây những dấu hỏi cho nhà đầu tư. Đâu đó có nghi vấn, phải chăng đang có “âm mưu” thâu tóm Eximbank?
Nửa cuối tháng 8 Vn-Index chứng kiến sự giảm sàn của Eximbank. Nguyên nhân được cho là do tin đồn liên quan đến việc Eximbank bị kiểm soát đặc biệt và ông Lê Hùng Dũng bị bắt.
Tin đồn về Eximbank xuất hiện sau khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Cùng với đó, thị trường cũng có lí do để lo lắng khi các vấn đề của Eximbank như nợ xấu tăng cao, lợi nhuận sụt giảm, trích lập nghèo nàn và đề án nhân sự còn bỏ ngỏ dường như vẫn chưa có đáp án.
Đứng dậy hay gục ngã
Từng có tên trong top ngân hàng cổ phần mạnh, được coi là định chế tài chính có khả năng tác động tới thị trường, nắm trong tay nhiều hào quang, song hoạt động kinh doanh đi xuống mạnh trong các năm qua đã khiến Eximbank trở nên yếu đuối. Giờ đây, Eximbank đang đứng trước hai khả năng, hoặc vùng đứng dậy trở lại quỹ đạo vốn có và phát triển hoặc tiếp tục trượt dài, chới với như hiện tại.
Trên thực tế, mặc dù tổng tài sản “bốc hơi”, vốn huy động giảm, nợ xấu tăng song Eximbank cũng đang nỗ nực dịch chuyển cơ cấu. Trong hơn 1 năm qua, Eximbank đã bán hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu cho VAMC. Cùng với đó, ngân hàng cũng đang chuyển các khoản vay tín chấp bằng thế chấp nhằm giảm thiểu rủi ro. Việc huy động vốn cũng đang được cải thiện. Đề án nhân sự mới cũng đã có và đang chờ ngân hàng nhà nước duyệt.
Eximbank đã bỏ lại phía sau thời kỳ đầy khó khăn và đang theo đuổi một mô hình quản trị ít rủi ro cũng như cố gắng tận dụng hiệu quả thế mạnh của mình. Câu hỏi liệu Eximbank có trở lại quỹ đạo trước kia và tiếp tục phát triển sẽ có câu trở lời trong thời gian vài năm tới!
Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) mới đây đã đưa bản tin nhận định thị trường mới nhất, trong đó dự báo LNTT của Eximbank (EIB) trong 20115 đạt khoảng 800 tỷ đồng. HSC cho rằng, LNTT của Eximbank trong 3 năm tới sẽ có mức tăng trưởng gộp là 56,35% – một con số khiêm tốn. |
H. Hưng