Dư luận những ngày qua đang hướng sự chú ý tới việc tỉnh Hà Tĩnh ký công văn hỏa tốc yêu cầu các lãnh đạo tham dự lễ hội bia Sài Gòn được diễn ra tối 5-9, tại tỉnh này.
Nhiều luật sư cũng đã trả lời báo điện tử Người Đưa Tin về sự việc.
Chung quan điểm rằng việc tỉnh Hà Tĩnh ký công văn hỏa tốc yêu cầu các lãnh đạo tham dự lễ hội bia Sài Gòn không vi phạm luật cạnh tranh, song các luật sư nhận định việc làm trên khá “kỳ quặc”, “rất khôi hài” và “dễ tạo tiền lệ xấu.”
Công văn “lạ” của Hà Tĩnh. Ảnh chụp Không vi phạm luật cạnh tranh
Ngày 1/9, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng tỉnh Hà Tĩnh đã ký mời và đóng dấu hỏa tốc gửi tới các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo các huyện trên địa bàn… để tới tham gia chương trình “Lễ hội “Tôi yêu Bia Sài Gòn””.
Động thái này ngay lập tức khiến cho dư luận bức xúc bởi đây không phải lần đầu tiên Hà Tĩnh công khai yêu cầu mọi người tham gia dùng bia Sài Gòn.
Dư luận có ý kiến cho rằng khuyến khích người dân dùng hàng Việt là đúng nhưng rầm rộ khuyến khích uống bia Sài Gòn thì… chưa ổn. Đặc biệt, không phù hợp với thời buổi kinh doanh thị trường và cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp hiện nay.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh công văn “lạ” này.
Trả lời báo điện tử Người Đưa Tin hôm 9/9, luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm, việc Hà Tĩnh hay bất cứ tỉnh nào có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn trong tỉnh về cả lý lẫn tình đều không sai, song phải tế nhị.
“Bia, rượu là chất kích thích mà cả xã hội đang kêu gọi hạn chế dùng, việc ủng hộ doanh nghiệp cần tế nhị,” ông Tú nói.
Cũng theo luật sư Tú, những việc như trên lãnh đạo tỉnh nên điện thoại thông báo hoặc để ban tổ chức mời chứ không nên sử dụng công văn hỏa tốc.
Khi được hỏi, việc ký mời như trên có vi phạm luật cạnh tranh không, luật sư Tú cho biết: “Trường hợp công văn bắt buộc dùng sản phẩm bia của một đơn vị thì không phù hợp vì vi phạm luật cạnh tranh nhưng ký mời tham dự lễ hội thì không vi phạm.”
Đồng quan điểm với luật sư Tú, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng công văn trên không vi phạm luật cạnh tranh.
Lí do, theo luật sư Tuấn, “về hình thức và nội dung, công văn trên chưa tạo ra lợi thế (cưỡng bức) đối với sản phẩm bia Sài Gòn tại thị trường so với các sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác.”
Dù “chưa đủ căn cứ để khẳng định việc làm này vi phạm Luật cạnh tranh” song luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc ban hành văn bản này của Hà Tĩnh “dễ gây hiểu lầm cho người dân và các doanh nghiệp khác đó là cơ quan nhà nước đang đứng về phía một doanh nghiệp và tạo ra một lợi thế cho một doanh nghiệp tổ chức lễ hội bia, hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh và quảng bá của họ.”
Theo luật sư Hòe, việc “Hà Tĩnh ban hành công văn yêu cầu một số lãnh đạo cơ quan tham dự lễ hội này là không phù hợp.”
Hình ảnh tại Lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” tối 5/9 tại Hà Tĩnh. Ảnh PVMT Kỳ quặc, rất khôi hài, dễ tạo tiền lệ xấu
Ở một góc nhìn khác, các luật sư cho rằng dù không vi phạm luật cạnh tranh song việc ra công văn trên khá kỳ lạ.
“Việc ký mời hỏa tốc trên có hơi kỳ quặc.”
“Lễ hội là chương trình nếu ai thích thì đến dự, không thích thì thôi, đâu phải việc hành chính mà ra công văn kỳ lạ thế,” – Luật sư Trương Anh Tú nói.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho đó là việc làm “rất khôi hài” và “sai nguyên tắc”.
“Bản thân cụm từ “Lễ hội “Tôi yêu Bia Sài Gòn năm 2015”’ đã hết sức khôi hài. Chúng ta LỄ cái gì, LỄ cái sản phẩm bia rượu mà nhà nước phải dùng đến thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế nó? Nếu dùng từ chuẩn thì là ngày HỘI chứ không thể là LỄ HỘI được.”
“Khôi hài nữa là giấy mời lại được soạn thảo dưới dạng công văn. Đặc biệt có dấu hỏa tốc vào cái gấy mời đó thì với cá nhân tôi, tôi cho rằng người ra văn bản đó quả là rất hài hước. Đã nói đến hài hước thì không thể nói là đúng nguyên tắc được.” – ông Tuấn bình luận.
Trong khi đó luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng hiện nay các cơ quan có thẩm quyền thường chỉ sử dụng công văn hỏa tốc vào những việc có tính chất đặc biệt cần kíp (như thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt …) trong khi đó, ở đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại sử dụng công văn hỏa tốc vào việc tham gia lễ hội bia (một hoạt động chỉ mang tính chất quảng bá, sử dụng sản phẩm không mang tính chất đặc biệt).
“Việc sử dụng công văn hỏa tốc mời các lãnh đạo tham gia lễ hội bia như thế sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho việc sử dụng công văn sau này,” ông Hòe nói.
Không nên sử dụng “mệnh lệnh hành chính”Theo quan điểm của tôi, việc sử dụng thì trong những trường hợp như trên, cơ quan nhà nước không nên sử dụng “mệnh lệnh hành chính” bởi mệnh lệnh hành chính mang tính chất bắt buộc. Theo đó, mệnh lệnh hành chính có tính đơn phương áp đặt nhiệm vụ và phương án hành động cho đối tượng quản lý. Ban hành văn bản dưới hình thức này thể hiện tính chất quyền lực của hoạt động quản lý, thể hiện mối quan hệ mệnh lệnh – phục tùng giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý và nó là cần thiết để bảo đảm cho hoạt động quản lý tiến hành có hiệu quả và bảo đảm kỷ luật nhà nước. Tuy nhiên, ở đây lại là việc ban hành văn bản mời tham dự một lễ hội mang tính chất quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp thì không nên sử dụng mệnh lệnh hành chính. Việc sử dụng mệnh lệnh hành chính ở đây có thể tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh cùng một mặt hàng. Vì vậy, cơ quan hành chính chỉ nên hỗ trợ về mặt chính sách và chỉ nên ban hành các văn bản mang tính chất khuyến khích như người tiêu dùng sử dụng (Ví dụ như chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam như thế mới tạo sự cạnh tranh công bằng)… Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) Trường hợp nào CV được đóng dấu hỏa tốc?Hiện tại Chính phủ chưa có quy định rõ ràng về việc văn bản nào được phép đóng dấu hỏa tốc, khẩn, thượng khẩn. Tuy nhiên, văn bản có đóng dấu hỏa tốc là loại văn bản có mức độ khẩn gửi đến cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cần phải giải quyết ngay một vấn đề cụ thể nào đó. Và vấn đề cụ thể đó phải là việc công. Trường hợp ra CV sai, pháp luật quy định trách nhiệm như thế nào?Tùy từng trường hợp cụ thể. Sai về mặt hình thức, thủ tục hay sai về mặt nội dung và hậu quả của nó như thế nào? Nếu chỉ sai về mặt hình thức và thủ tục thì thể hiện người soạn thảo ra văn bản đó không có trình độ nghiệp vụ văn thư, tùy theo mức độ mà người quản lý ra các quyết định phù hợp. Còn nếu sai về mặt nội dung thì người ký CV đó phải chịu trách nhiệm, và căn cứ vào hậu quả còn có thể bị xử lý hình sự. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) |