(Bình luận quân sự nước ngoài) – Tàu đổ bộ trực thăng Mistral từ lâu đã bị biến thành “chiếc vali không có tay cầm”, khó mang theo vì nặng nhưng bỏ đi thì tiếc.
“Thời điểm này, Việt Nam mua tàu đổ bộ trực thăng Mistral là quá sớm bởi Hải quân Việt Nam không có đủ số lượng tàu hộ tống cho Mistral và hơn nữa điều kiện kinh tế hiện nay không cho phép Hà Nội mạo hiểm với những thử nghiệm đắt tiền” – chuyên gia Nga bình luận.
Nhà bình luận quân sự Nga Ilya Kramnik
Ngày 8/9, báo Lenta của Nga đăng tải bài viết của chuyên gia, nhà bình luận quân sự Nga Ilya Kramnik với tiêu đề “Chiếc vali đổ bộ đa năng không có tay cầm”; trong đó tác giả đưa ra các nhận định về khả năng của một số nước có thể mua tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Theo chuyên gia Ilya Kramnik, các tranh luận xung quanh số phận của 2 tàu đổ bộ đa năng Mistarl mà Pháp đóng theo đơn đặt hàng của Hải quân Nga nhưng không chuyển giao được dần đi đến hồi kết. Trong thời gian tới, có thể xuất hiện nhà đặt hàng mới – chủ sở hữu 2 chiếc tàu này.
Việt Nam luôn tính toán kỹ trước khi mua sắm các loại phương tiện quân sự đắt tiền, cỡ lớn bởi khi mua sắm còn liên quan cả đến vấn đề huấn luyện, vận hành và bảo trì sau khi mua
Chuyên gia Nga bình luận, đối với tất cả các bên tham gia (đặc biệt đối với Pháp), Mistral từ lâu đã bị biến thành “chiếc vali không có tay cầm”, khó mang theo vì nặng nhưng bỏ đi thì tiếc.
Công cuộc tìm kiếm đối tác mua thay thế Mistral đã bắt đầu sau những thông tin đầu tiên về những khó khăn trong việc cung cấp cho Hải quân Nga. Lúc đầu danh sách các khách hàng tiềm năng rất nhiều, tuy nhiên hiện nay các ứng viên có khả năng mua Mistral ngày càng ít đi.
Chuyên gia Ilya Kramnik cho biết, Việt Nam là phương án phù hợp, đáp ứng tất cả các yêu cầu, là một trong những quốc gia được Pháp đánh giá có tiềm năng mua tàu đổ bộ Mistral.
Theo chuyên gia, trên thực tế, Việt Nam có nhu cầu sử dụng các loại tàu này để thực hiện các nhiệm vụ trên biển.
Chuyên gia Nga cho biết, hiện nay Trung Quốc đang rất quan tâm đến 2 chiếc Mistral của Pháp
Tuy nhiên, phải nói rằng, Việt Nam mua tàu Mistral lúc này là quá sớm bởi Hải quân Việt Nam hiện nay chưa có đủ số lượng tàu hộ tống cho tàu đổ bộ Mistral và điều kiện kinh tế hiện nay không cho phép Việt Nam mạo hiểm với những thử nghiệm đắt tiền.
Hơn nữa, khoản chi chính của Hải quân Việt Nam trong thời gian dài tới vẫn sẽ là củng cố hạm đội tàu ngầm Kilo dự án 630 mới được thành lập – chuyên gia Nga bình luận.
Chuyên gia Ilya Kramnik tiết lộ thêm, hiện nay Hải quân Trung Quốc đang rất quan tâm đến tàu Mistral mặc dù ở nước này đang thực hiện các dự án tàu đổ bộ đa năng của riêng mình.
Sở dĩ, Trung Quốc quan tâm đến Mistral là vì Trung Quốc có truyền thống “khao khát tiếp cận” với các công nghệ hiện đại của nước ngoài trong lĩnh vực quân sự và Bắc Kinh hiểu rằng, nếu sở hữu được Mistral thì đồng nghĩa với việc có được sự giúp đỡ của Nga trong vấn đề đào tạo chuyên gia và mua lại các trực thăng đổ bộ của Nga, vốn dĩ Moscow đang có kế hoạch chào hàng bán kèm Mistral.
Nga đang chào hàng bán trực thăng tấn công Ka-52 chuyên dùng trên tàu đổ bộ trực thăng Mistral
Tuy nhiên, chắc chắn việc quyết định cung cấp Mistral cho Trung Quốc sẽ là vấn đề gây bất đồng quan điểm giữa Nga và Pháp.
Xét một cách chủ quan, nếu Trung Quốc có nhã ý thực sự đối với Mistral thì Moscow sẽ không hề lưỡng lự, sẵn sàng ủng hộ Bắc Kinh, nhưng trái lại, Paris không dễ gì khi phải hy sinh các lợi ích cốt lõi của mình trong quan hệ với Mỹ để đổi lấy chút lợi ích kinh tế từ thương vụ Mistral nếu có với Trung Quốc.
Chắc chắn, Pháp sẽ không muốn làm mất lòng Mỹ bởi Paris thừa hiểu hiện nay Washington không hân hoan chào đón sự tăng cường sức mạnh hải quân của một quốc gia vốn dĩ Mỹ luôn coi là một trong những đối thủ chính có khả năng tranh giành ngôi vị số 1 của mình trên trường quốc tế.
Nguyễn Hoàng