(Bình luận quốc tế) – Việc lãnh đạo Trung Quốc nói cắt giảm quân số 300 ngàn chỉ là sự điều chỉnh từ lục quân sang hải quân, không quân…
Tờ The Straits Times ngày 5/9 đưa tin, phát biểu trong lễ duyệt binh hôm 3/9, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm 300 ngàn quân trong đội quân 2,3 triệu người của nước này.
Ông Bình tuyên bố: “Bài học chiến tranh khiến cho mọi người trân trọng hòa bình hòa bình. Bất kể trong tình huống nào Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền, bành trướng”.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình
Theo bài viết, có nhiều nước hoài nghi về “thông điệp hòa bình” trong bài diễn văn ông Tập Cận Bình đọc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II.
Các quan chức Philippines tin rằng Trung Quốc cắt giảm quân số không làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Các nhà phân tích Ấn Độ thì nhìn thấy cuộc duyệt binh này là một chương trình phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, họ kêu gọi New Delhi đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân sự của mình.
Các nhà bình luận Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đào bới quá khứ chỉ nhằm thổi bùng tình cảm chống Nhật nhằm đánh lạc hướng dư luận nước này khỏi những vấn đề nội bộ.
Bình luận về phát biểu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Chales Jose nhận xét: “Chúng tôi muốn thấy khoảng cách giữa những tuyên bố của Trung Quốc và những hành động thực tế trên thực địa”.
Còn nhà phân tích quốc phòng Richard Javad Heydarian nhận định, việc Trung Quốc nói cắt giảm quân số 300 ngàn chỉ là sự điều chỉnh từ lục quân sang hải quân, không quân. Thậm chí sau khi “cắt gọt”, Trung Quốc sẽ còn leo thang mạnh hơn bây giờ trên Biển Đông.
Ông June Teufel Dreyer, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami (Mỹ) nhận định. “Trung Quốc càng hiện đại hóa vũ khí càng không cần nhiều nhân lực để vận hành. Nguồn ngân sách sẽ được tái phân bổ sang các lĩnh vực khác như phát triển máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến hay tên lửa”.
Việc cắt giảm quận đội sẽ đặt nền móng cho cuộc cải tổ sâu rộng trong hàng ngũ PLA với lực lượng khoảng 2,3 triệu quân, đưa quân đội Trung Quốc tiến gần hơn đến cấu trúc chỉ huy tác chiến của Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể sẽ rút gọn từ 7 quân khu như hiện nay xuống còn 4 quân khu.
Một hệ thống chỉ huy tác chiến chung là điều cần thiết trong thời đại mới nhằm tăng cường khả năng liên lạc và phối hợp giữa các lực lượng trong quân đội, theo Bloomberg.
Thanh Ngọc