ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Ác mộng khiến nông dân và bệnh nhân ‘cửa nát nhà tan’
Thursday, September 24, 2015 5:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Các cơ sở đa cấp đã dụ dỗ những người nông dân chân lấm tay bùn, đang chạy ăn từng bữa, dám vay tín dụng đen hàng chục, hàng trăm triệu đồng để “đổ” vào đa cấp với ảo tưởng… làm giàu siêu tốc.

Hình thức bán hàng đa cấp đang ngày càng vươn “vòi” đến các vùng quê. “Cơn bão” đa cấp đang tràn về các vùng quê của một số tỉnh như Hưng Yên khiến nhiều người dân nơi đây gặp ác mộng thật sự. Bằng lời nói “mật ngọt chết ruồi”, các cơ sở này đã dụ dỗ những người nông dân chân lấm tay bùn, đang chạy ăn từng bữa, dám vay tín dụng đen hàng chục, hàng trăm triệu đồng để “đổ” vào đa cấp với ảo tưởng… làm giàu siêu tốc. Hiện nay, một số người đã cửa nát, nhà tan…

Khi làng quê không còn là chốn bình yên

Làng quê nhiều vùng thuộc tỉnh Hưng Yên giờ đã không còn yên ả từ khi có “đội quân” của hệ thống bán hàng của doanh nghiệp mang tên Thiên Ngọc Minh Uy tràn về. Vì nhẹ dạ cả tin, nhiều nông dân chân chất đã bỏ mặc ruộng vườn để tham gia bán hàng và các hoạt động khác của doanh nghiệp này mong nhanh chóng được đổi đời. Nghe những lời có cánh của nhân viên cơ sở này, họ đã vay mượn tiền đầu tư kinh doanh với hy vọng vừa được chữa bách bệnh, vừa được thu siêu lợi nhuận. Không chỉ ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên… loại hình kinh doanh mang hình thức đa cấp này đang len lỏi và vươn “vòi bạch tuộc” tại nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước. Rất nhiều đối tượng, từ sinh viên đến nông dân và cả người già cũng tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp, với niềm tin sẽ kiếm được thật nhiều tiền trong thời gian ngắn mà chẳng phải đổ giọt mồ hôi.

  Ác mộng khiến nông dân và bệnh nhân 'cửa nát nhà tan' - Ảnh 1

Thẻ nhân viên tham gia bán hàng của công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy ở Hưng Yên.

Các đối tượng làm thế nào có thể “xui khiến”, dắt mũi người nông dân các vùng quê ở Hưng Yên mù quáng đi vay hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đổ vào kinh doanh đa cấp? Theo tìm hiểu của PV, để biến những người nông dân chân chất thành nhân viên bán hàng đa cấp, cơ sở này không từ chiêu trò, thủ đoạn nào. Trong cuộc nói là hội thảo cho sang trọng, song thực chất là buổi thuyết trình, diễn ra tại Hưng Yên, đại diện của Thiên Ngọc Minh Uy rỉ tai, rót những lời đường mật về cách làm giàu chóng vánh bằng hình thức kinh doanh đa cấp đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều người chăm chú như nuốt từng lời thuyết giảng của một bạn trẻ, tự giới thiệu có mức thu nhập khủng 40 triệu đồng/tháng và đang là thành viên của Thiên Ngọc Minh Uy: “Cháu sinh năm 1991 mà mỗi tháng, các bác biết thu nhập của cháu được bao nhiêu không? 30-40 triệu đồng đấy…”. Thế rồi, thành viên này nói, giọng rất xúc động rằng: “Tôi rất cảm ơn những người đã giới thiệu tôi vào đây. Tôi ham lắm, đóng nhiều lắm rồi, hơn 100 triệu đồng rồi. Mình đã bắt tay vào làm rồi thì mình chỉ muốn bỏ hết công việc, chỉ muốn đi đến đây làm giàu thôi. Ham lắm! Em cam đoan với chị, chỉ cần làm 3 năm thôi, thu nhập 30-50 triệu đồng/tháng không hề khó…”, trích băng ghi âm buổi thuyết trình.

Thực chất, chiêu trò của thuyết trình viên sinh năm 1991 đó không mới nhưng cách thuyết trình kèm cảm xúc đã khiến trò quảng bá mức lợi nhuận siêu khủng từ bán hàng đa cấp đi vào suy nghĩ của nông dân ít va chạm với mơ ước làm giàu mà không phải làm việc vất vả. Thế là họ đã đầu tư vào cơ sở này tất cả tài sản mình có. Nhiều hộ còn cắm sổ đỏ ở ngân hàng, vay tín dụng đen đầu tư vào bán hàng đa cấp. Bác Nguyễn Văn Tiên, ở huyện Khoái Châu tâm sự rằng: “Đừng đưa địa chỉ cụ thể của tôi lên, tôi không muốn bị đám người “mù mắt” về đa cấp nhiếc nhóc, chửi rủa. Chỉ vì tôi không đồng ý cho vợ đem sổ đỏ đi cắm mà gia đình tôi tan nát. Nhưng, có nhiều gia đình, họ cắm hết rồi cũng tan nát. Khi tôi biết vợ tham gia bán hàng đa cấp, tôi khuyên không được, đến nhà người rủ vợ tôi tham gia, nói phải trái. Tôi bị nhân viên này “mắng” té tát. Cô ta bảo tôi là đồ ngốc, đã không biết làm giàu để lo lắng cho vợ con lại còn cấm cản vợ con làm giàu”. Theo bác Tiên, gia đình bác tan nát nhưng bác vẫn giữ được nhà, tài sản cho con cái. Nhiều nhà đúng nghĩa là “tan cửa, nát nhà” vì tham gia bán hàng đa cấp.

Mảnh đời khốn khó gắn thêm ác mộng

Một mình sống trong căn nhà vắng vẻ, phải là sự mê hoặc ghê gớm lắm mới có thể khiến người đàn bà góa chồng bán hết tài sản, đi vay tín dụng đen cả trăm triệu đồng để tham gia kinh doanh đa cấp. Những tưởng đây là cơ hội trời cho, người phụ nữ này liền giới thiệu cho vợ chồng người em cùng tham gia. Bà Nhung, người tham gia đa cấp tại Hưng Yên chia sẻ: “Một lần, tôi được nghe những lời giới thiệu về cách làm giàu từ những nhân viên của công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Gia đình nhà tôi nghèo, thấy những lời họ nói bùi tai, đầy sức thuyết phục nên muốn kiếm tiền để về sửa lại ngôi nhà. Bên cạnh đó, vì thấy gia đình cô em chồng tên là H. có chồng bị bệnh thần kinh, bản thân thì đau ốm liên miên, nay viện này mai viện khác, con gái mới học xong lớp 9 cũng phải nghỉ học để đi kiếm tiền nên tôi cũng rủ tham gia để có tiền chữa bệnh”. Là hộ vừa thoát nghèo, gia đình chỉ trông vào cái quán hàng xén kiếm được vài ba chục nghìn đồng mỗi ngày. Vậy mà nghe lời người chị dâu giới thiệu, người đàn bà ốm yếu cũng giấu chồng vay số tiền đến cả trăm triệu đồng để đổ vào kinh doanh đa cấp. Trong cái xóm nghèo này cũng không thiếu những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin khác cũng mụ mị gia nhập đội ngũ đa cấp.

  Ác mộng khiến nông dân và bệnh nhân 'cửa nát nhà tan' - Ảnh 2

Nạn nhân của bán hàng đa cấp tại Hưng Yên.

Sau một tháng tham gia, lời lãi chưa thấy đâu chỉ thấy các chủ nợ liên tục đòi tiền người phụ nữ góa bụa này. Chẳng biết đào đâu ra lấy tiền trả nợ, bà Nhung chỉ còn biết trông chờ vào mấy sào đất ông bà để lại. Nhưng có bán hết đất đi, bà Nhưng chỉ trả được phân nửa món nợ rồi ngày mai người nông dân không một tấc đất biết trông chờ vào ai. Bà Nhung bộc bạch, người có tiền sẵn tham gia thì còn đỡ nhưng nhiều người tiền mặt không có phải đi vay tín dụng đen, “nướng” hết vào đa cấp rồi thì giờ lấy tiền đâu mà trả. Như trường hợp của chị H., chồng thì thần kinh không ổn định, vợ thì đau ốm triền miên, để kiếm được tiền trả nợ thì có cả đời cũng không xong. Nỗi lo khoản tiền tín dụng đen khiến chị H. bệnh ngày càng nặng hơn.

Ông Nguyễn Văn Trình, người dân huyện Khoái Châu kể lại, ông đã được một người thân giới thiệu đến nghe một buổi thuyết trình về kinh doanh đa cấp của một công ty bán thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, khi đến hội thảo, ông Trình và hàng trăm người tham dự không được nghe về tính năng, chất lượng của thực phẩm chức năng, mà chủ yếu nghe những thông tin: Làm thế nào để kiếm tiền nhanh nhất? Ông cũng được tư vấn để tham gia chuỗi bán hàng với tiêu chí nếu càng giới thiệu được nhiều người tham gia thì ông Trình sẽ có thêm thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thực tế không phải như vậy, mặc dù kéo được một số người thân tham gia mua hàng nhưng tiền hoa hồng cũng không có, mà sản phẩm cũng chẳng thấy đâu. Biết mình bị lừa, nhưng ông Trình cũng đành ngậm đắng nuốt cay vì đã được cảnh báo rồi mà vẫn ham hố.

Trao đổi với PV, ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc sở Công Thương tỉnh Hưng Yên xác nhận: “Đối với những công ty đa cấp, bây giờ Sở không quản lý trực tiếp. Họ được phép hoạt động nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện nay, việc cấp phép cho các công ty này do cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công Thương chịu trách nhiệm. Chúng tôi vẫn thường xuyên khuyến cáo người dân trước các chiêu lừa đảo và khuyên họ không nên hám lợi mà tiền mất, tật mang. Trong vấn đề này, chính quyền địa phương cần phải nắm rõ, quản lý chặt và sát đối với các cơ sở bán hàng đa cấp, nếu phát hiện dấu hiệu hoạt động trái với pháp luật, cần phối hợp để xử lý kịp thời, tránh để người dân phải chịu thiệt thòi”.

Nhóm PV

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.