(Bình luận quốc tế) – Mặc dù Trung Quốc đang suy yếu vì nền kinh tế đi xuống, Tổng thống Mỹ Obama nhiều khả năng sẽ không gây sức ép trong chuyến thăm của ông Tập vào tháng 9 tới.
Theo phân tích của tác giả David Ignatius đăng tải trên tờ Washington Post, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã lên kế hoạch đối phó với một Trung Quốc mạnh mẽ và tự tin trong chuyến thăm của ông Tập đến Washington.
Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ giờ đây đang phải đối mặt với một thách thức khác bởi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Tác giả Ignatius so sánh rằng, ông Tập đang chèo lái một con thuyền Trung Quốc lung lay dữ dội, bề ngoài trông vẫn hào nhoáng nhưng bên trong thì đã rò rỉ và méo mó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) vào tháng 9 tới.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ làm cách nào để hợp tác với một Trung Quốc suy yếu và đang tìm cách khôi phục sự tăng trưởng kinh tế và ổn định.
Có một nghịch lý rằng Trung Quốc dễ bị tổn thương lại khó có thể đối phó hơn là ở điều kiện bình thường, tác giả Ignatius nhận định.
“Trung Quốc đang hướng đến một giai đoạn bất ổn và đầy lo âu ở trong nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ thay đổi cách tiếp cận đối với quốc tế”, ông Kurt Campbell, người định hướng chính sách châu Á trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama bình luận.
“Ông Tập cận Bình nhiều khả năng sẽ lựa chọn một lập trường cứng rắn hơn nhằm né tránh bất kỳ một biểu hiện yếu đuối hay dễ bị tổn thương”.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã đặt ra hai mục tiêu cải cách thị trường tự do và phát động chiến dịch chống tham nhũng. Cả hai nỗ lực đều nhằm nâng cao sự ổn định của Trung Quốc và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
Tuy nhiên, ông Tập chưa đạt được mục tiêu cải cách như đã muốn trong khi chiến dịch chống tham nhũng đã khiến Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt với nhiều kẻ thù. Ông Tập được cho là muốn cắt đứt quyền lực trong phe cánh của người tiền nhiệm. Thay vào đó, nhóm này lại tỏ ra táo bạo hơn trong việc phê phán ông Tập.
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Washington với một cơ sở chính trị mong manh cũng như nền kinh tế đang gặp khủng hoảng. Ông Tập rõ ràng mong muốn một biểu tượng quyền lực mà hội nghị ở Washington có thể đem lại.
Bên cạnh đó, ông Tập cũng sẽ chống lại bất kỳ sự nhượng bộ nào có thể ảnh hưởng đến uy tín khi trở về Trung Quốc. “Đó là những gì biểu hiện ra bên ngoài, sự tôn trọng có thể nhìn thấy được của Mỹ”, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell giải thích.
Giới chức diều hâu Mỹ có thể cho rằng, đây là cơ hội để gây sức ép lên Bắc Kinh. Một số quan chức Lầu Năm Góc còn muốn Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, thể hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bằng việc điều các máy bay và tàu chiến đến khu vực Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép.
Một cuộc tranh luận nổ ra về cách Washington tiếp cận đối với diễn biến căng thẳng ở Biển Đông. Các quan chức Lầu Năm Góc lo ngại rằng, Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự (phi pháp) mà không bị ngăn cản bởi Mỹ.
Nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng mong muốn Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển.
Chính quyền Tổng thống Obama vẫn sẽ giữ quan điểm từ chối lời kêu gọi này, lo ngại một chuỗi phản ứng không thể đoán định trước. Trước khi ông Tâp đến Mỹ, Nhà Trắng chắc chắn sẽ từ chối mọi hành động leo thang căng thẳng giữa hai nước.
“Hãy nói cho tôi biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo” có thể sẽ là phản ứng của ông Obama trong vấn đề Biển Đông, giống như ở Syria và Ukraine.
Trong khi nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, Tổng thống Mỹ Obama nhiều khả năng theo đuổi một chương trình nghị sự hạn chế trong cuộc gặp với ông Tập.
Chủ đề trong chuyến thăm sẽ là kịch bản hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng hợp tác vì sự ổn định và phát triển toàn cầu.
Những nội dung chủ chốt có thể bao gồm, sự khẳng định của Trung Quốc về chương trình hạt nhân Iran, hợp tác trong vấn đề an ninh mạng, tuyên bố chung về Triều Tiên hay gia hạn cam kết hạn chế lượng khí thải carbon trước hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris vào tháng 12 tới.
Chuyến thăm của ông Tập đến Washington vào tháng 9 tới có thể là điểm nhấn minh họa cho những giới hạn quyền lực của hai cường quốc hàng đầu thế giới, tác giả David Ignatius kết luận.
Đăng Nguyễn