Nô lệ tình dục: Vết nhơ lịch sử của đất nước Nhật Bản
Tuesday, August 11, 2015 19:37
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Qua những câu chuyện mà các nô lệ tình dục của quân đội Nhật kể, ta mới hiểu được sự kinh hoàng của những nhà thổ quân đội này.
Di sản đau thương
Trong số những “di sản” khủng khiếp nhất mà cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 để lại, sự tồn tại của các “trạm giải khuây” là một trong những vấn đề dai dẳng và ám ảnh nhất. Đó là những khu vực được quân đội Nhật Bản tổ chức và điều hành ở những quốc gia mà họ chiếm đóng, nơi những người phụ nữ bản địa bị đẩy vào con đường mại dâm cưỡng bức để “giải khuây” cho binh lính Nhật.
Những cô gái bị cưỡng bức phục vụ tình dục trong các trạm giải khuây này được gọi là “phụ nữ giải khuây” hay “an ủi phụ”, một dạng nô lệ tình dục quy mô lớn của quân đội Nhật Bản. Ước tính có khoảng 200.000 cô gái từ các quốc gia châu Á đã bị cưỡng ép trở thành nô lệ tình dục trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản.
Nhiều người đã chết trong nỗi đau đớn, tủi hổ tột cùng ở các địa ngục này, và nhiều người cũng qua đời sau đó. Những nạn nhân còn sống hiện nay đều đã tuổi cao sức yếu, và những nhân chứng sống cho tội ác này ngày một ít đi. Qua những câu chuyện họ kể, ta mới hiểu được sự kinh hoàng của những nhà thổ quân đội này.
Bà Niyem ở Indonesia là một trong vô số nô lệ tình dục của quân đội Nhật. Bà kể rằng bà bị bắt cóc và đẩy lên một chiếc xe tải toàn phụ nữ hướng tới một doanh trại quân đội ở Tây Java.
Bà phải ở chung lều với 10 cô gái khác, nơi binh lính công khai cưỡng hiếp họ. Bà kể lại: “Lúc đó tôi vẫn còn quá nhỏ. Chỉ chưa đến 2 tháng, tôi hoàn toàn trở nên thân tàn ma dại. Tôi không còn được coi là một con người nữa, chỉ là một thứ đồ chơi cho binh lính Nhật.”
Hai tháng sau, khi Niyem tìm cách trốn thoát và trở về nhà, bố mẹ cô không nhận ra được con gái mình. “Tôi không dám kể với bất cứ ai rằng tôi đã bị cưỡng hiếp, tôi không muốn làm bố mẹ bị tổn thương. Tôi không dám kể vì sợ rằng sẽ không có ai thương tôi, rằng tôi sẽ bị gạt ra ngoài. Nhưng mọi người vẫn lăng mạ tôi bằng cách gọi tôi là ‘đồ trao tay của bọn Nhật’. Tôi đi xa lâu như vậy nên họ đồn đoán về những việc đã xảy ra. Điều đó đã khiến tôi vô cùng đau đớn.”
Một người phụ nữ khác cũng đã bị đày đọa trong địa ngục trần gian đó là bà Yi Ok-seon đến từ Hàn Quốc. Bà kể rằng hồi nhỏ bà từng van xin cha mẹ cho bà đến trường, nhưng với gia đình hơn chục miệng ăn, họ không đủ tiền chu cấp cho bà.
Hồi 15 tuổi bà phải rời gia đình để đi làm ăn và bị một gã Hàn Quốc cùng một tên Nhật đưa tới vùng tây bắc Trung Quốc dưới quyền kiểm soát của quân Nhật. Đến Trung Quốc, bà bị ép buộc làm nô lệ tình dục trong 3 năm ở các “trạm giải khuây” do quân Nhật dựng lên phục vụ cho binh lính.
Bà kể lại: “Lúc đó tôi mới chỉ là một thiếu nữ, tôi cảm thấy bị chà đạp, bị lừa dối và bị lấy mất tuổi thanh xuân. Nơi đó giống như lò mổ, không phải cho động vật mà là cho con người. Ở đó họ làm những việc vô nhân tính.” Trên cánh tay và chân bà chằng chịt những vết sẹo do bị dao đâm. Bà còn phải chịu đựng những vết thương khác khiến sau này bà không thể có con.
Còn đối với bà Sanikem, một trong 18 phụ nữ Indonesia bị lính Nhật bắt làm nô lệ tình dục, cuộc sống đã không bao giờ còn như cũ sau năm 1942. Lúc đó bà vừa mới lấy chồng thì lính Nhật tràn đến và bắt bà tới một doanh trại ở Yogyakarta. Ở đó ngày nào chúng cũng cưỡng hiếp bà trong nhiều tháng trời.
“Vết phấn đen trang điểm cô dâu vẫn còn trên trán khi tôi bị cưỡng bức lần đầu tiên. Tôi co rúm người lại vì sợ, cuộn người vào manh chiếu và khóc như mưa như gió. Nhưng khóc lóc không giúp gì được tôi cả. Chúng vẫn cứ đến và tôi sợ rằng chúng sẽ bắn chết mình.”
Nếu nói rằng những người phụ nữ này đã “may mắn” sống sót có lẽ là không phù hợp. Rất nhiều người như họ đã bỏ mạng trong chiến tranh, nhưng cũng rất nhiều phụ nữ sống sót đã phải trải qua cú sốc tinh thần quá lớn trong suốt quãng đời còn lại, họ không thể kể về những gì đã trải qua ngay cả với những người thân yêu nhất.
Tìm một chỗ đứng trong lịch sử
Suốt thời gian qua, vấn đề nô lệ tình dục đã không chỉ bị các quan chức chính phủ phớt lờ mà còn bị che giấu ngay cả ở các quốc gia có những phụ nữ bị ép buộc làm “phụ nữ giải khuây”. Chẳng hạn ở Indonesia, trong khi những nạn nhân này và gia đình họ nhận được rất ít tiền bồi thường từ chính phủ thì những câu chuyện của họ lại bị cả xã hội gạt bỏ.
Theo nhà báo Hilde Janssen đến từ Hà Lan, những câu chuyện của các nô lệ tình dục này bị phớt lờ vì đó là nỗi hổ thẹn trong con mắt của cả xã hội. Việc nói đến tình dục là một điều tương đối cấm kỵ trong văn hóa Indonesia, thế nên các “phụ nữ giải khuây” này cảm thấy quá tội lỗi và xấu hổ khi kể lại những ký ức kinh hoàng của mình.
Trong một hội thảo do Ủy ban Quốc gia về Quyền Phụ nữ được tổ chức ở Indonesia, nhà báo Janssen lên tiếng: “Câu chuyện của những người ‘phụ nữ giải khuây’ này cần phải được ghi nhận như bất cứ câu chuyện lịch sử nào khác trong Thế chiến 2, chỉ khác đó là lịch sử của sự đày đọa.”
Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các tài liệu và chứng cứ lưu trữ hiện nay cho thấy hệ thống “trạm giải khuây” này đã được quân đội Nhật lập ra nằm trong chiến lược chiến tranh phục vụ cho binh lính để tránh các vụ cưỡng hiếp người dân sở tại làm “mất đi hình ảnh của đế quốc Nhật Bản”. Để thực hiện chiến lược phòng ngừa tội ác đó, họ đã thực hiện một tội ác cũng dã man không kém, đó là bắt cóc, cưỡng ép những người phụ nữ vào trong các nhà thổ quân đội để mua vui cho binh lính.
Từ ngày 8-12/12/2000, Tòa án Tội phạm Chiến tranh quốc tế về Nô lệ tình dục trong Quân đội Nhật đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Tại phiên tòa do một số tổ chức bảo vệ nhân quyền và nữ quyền ở châu Á tổ chức này, 35 nô lệ tình dục đến từ các quốc gia châu Á Thái Bình Dương đã ra làm chứng.
Ngày 4/12/2001, tòa án ra phán quyết tại Hague, Hà Lan rằng cựu Nhật Hoàng Hirohito và một số quan chức cấp cao của Nhật Bản đã phạm tội ác chống lại loài người đối với hệ thống “phụ nữ giải khuây” này, đồng thời yêu cầu Nhật Bản xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân còn sống. Thế nhưng các nạn nhân nô lệ tình dục này vẫn không nhận được lời xin lỗi chính thức và số tiền bồi thường cũng không đến được tay họ.
Chẳng hạn như ở Indonesia, từ năm 1997-2009, Nhật Bản đã trả 4,4 triệu đô-la tiền đền bù cho nạn nhân nô lệ tình dục ở nước này thông qua Quỹ Phụ nữ châu Á. Chính phủ Indonesia đã dùng số tiền này để xây các nhà dưỡng lão mà không trả trực tiếp cho các nạn nhân.
Một số nạn nhân đã từ chối nhận tiền đền bù trước khi chính phủ Nhật Bản chính thức lên tiếng xin lỗi, và một nạn nhân tiêu biểu là bà Mardiyem, người đã tích cực lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân nô lệ tình dục, người đã qua đời năm 1997 mà không nhận được bất cứ khoản bồi thường hay lời xin lỗi nào.
Dẫu biết rằng lịch sử luôn được viết ra theo cách nhìn của người chiến thắng để ngợi ca vinh quang của quốc gia, tuy nhiên, những câu chuyện đau thương mà các nạn nhân nô lệ tình dục đã trực tiếp trải qua trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản phải xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử, như lời một chuyên gia nghiên cứu lịch sử đã thốt lên: “Chúng ta không thể bỏ rơi nạn nhân bởi một quốc gia vĩ đại rút ra bài học từ các nạn nhân, phục hồi nhân phẩm cho họ và đảm bảo rằng những điều tương tự sẽ không bao giờ còn xảy ra.”
Sự thật bị lẩn tránh
Ngày 25/5/2013, trong đoàn người tụ tập biểu tình ở Osaka miền tây Nhật Bản có một bà cụ hơn 84 tuổi ngồi xe lăn. Ít ai biết rằng, hơn 70 năm trước, cô bé Kim Bok-dong lúc đó mới 14 tuổi đã bị những tên lính Nhật ra lệnh đi làm việc tại một nhà máy may quân phục, thế nhưng cuối cùng cô lại rơi vào một nhà thổ của quân đội Nhật Bản ở miền nam Trung Quốc.
Trung bình mỗi ngày cô bé phải “tiếp” 15 tên lính, và cứ đến ngày cuối tuần, hàng chục tên lính thay nhau giày vò thân xác cô. Đến cuối ngày, thân thể cô chảy máu và không thể đứng lên được vì quá đau đớn. Cô và những cô gái khác bị lính canh theo dõi chặt chẽ nên không thể trốn thoát được. Đó là bí mật mà Kim Bok-dong đã chôn giấu hàng chục năm trời, thậm chí người đàn ông mà sau này cô lấy làm chồng cũng không hề biết đến.
Không chỉ riêng Kim Bok-dong, hàng chục ngàn phụ nữ trên khắp các thuộc địa ở châu Á của đế quốc Nhật Bản trước và trong Thế chiến 2 cũng có những câu chuyện tương tự. Nhiều người đã qua đời mà không dám và không thể kể ra câu chuyện của mình, còn những người đang sống và dũng cảm kể ra giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời của họ vẫn đang khắc khoải đợi chờ một lời xin lỗi chính thức cùng những hình thức bù đắp của chính phủ Nhật Bản.
Phát biểu trong một trung tâm cộng đồng ở Osaka, bà Kim Bok-dong năm nay 87 tuổi nghẹn ngào: “Ngày hôm nay tôi đến đây không phải vì tôi muốn mà vì tôi phải đến. Tôi đến đây để yêu cầu Nhật Bản giải quyết những điều sai trái họ đã làm trong quá khứ. Tôi chỉ hy vọng rằng chính phủ Nhật Bản giải quyết những vấn đề đó càng sớm càng tốt khi những người phụ nữ già cả như chúng tôi vẫn đang còn sống.”
70 năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, khi tất cả những thứ khác đã được chôn chặt vào dĩ vãng, vấn đề nô lệ tình dục vẫn là một nỗi nhức nhối cho cả Nhật Bản lẫn các nước láng giềng. Và vết thương chưa lành miệng đó lại một lần nữa toác ra khi gần đây viên thị trưởng Osaka của Nhật Bản Toru Hashimoto đưa ra lời bình luận mà theo một quan chức ngoại giao của Mỹ là “ngớ ngẩn và làm tổn hại hình ảnh Nhật Bản” về vấn đề nô lệ tình dục. Viên thị trưởng này đã “vô tư” thốt lên rằng “phụ nữ giải khuây” là cần thiết để duy trì kỷ luật quân đội và giải tỏa bức xúc cho binh lính trên chiến trường.
Tuyên bố này của ông Hashimoto đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp Hàn Quốc và Trung Quốc, đặc biệt là đối với những người phụ nữ đã từng bị hành hạ trong các nhà thổ của quân đội Nhật. Đối với nhiều người, thậm chí là với cả người dân Nhật Bản, những tuyên bố này của ông Hashimoto chứng tỏ rằng sau ngần ấy năm trời, các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn không muốn thừa nhận một cách đầy đủ những hành động sai trái mà quân đội nước này đã làm trong chiến tranh, vẫn không thèm đếm xỉa đến những suy nghĩ, cảm xúc của các nạn nhân nô lệ tình dục và cộng đồng quốc tế và thậm chí là của chính người dân Nhật Bản.
Giáo sư Koichi Nakano thuộc Đại học Sophia Nhật Bản cho hay: “Đó không phải là vấn đề của quá khứ. Đó đang là vấn đề của hiện tại liên quan đến những người đang sống. Có vẻ như Nhật Bản chỉ đang chờ đợi những người này chết đi trong khi vẫn tìm kiếm một phương kế hoãn binh khác. Từ góc độ nhân văn, điều đó quả thật rất tồi tệ.”
Những tuyên bố gây sốc của ông Hashimoto được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang quan ngại về xu thế dịch chuyển sang chủ nghĩa dân tộc của các nhà lãnh đạo Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, người đã từng nói rằng ông muốn xem xét lại những lời xin lỗi của Nhật Bản về cuộc chiến tranh xâm lược trong quá khứ và thay đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của nước này. Theo một khảo sát gần đây của báo Sankei và đài truyền hình FNN, hơn 75% người dân Nhật Bản cho rằng những tuyên bố về nô lệ tình dục của ông Hashimoto là không phù hợp, đồng thời tỉ lệ ủng hộ giành cho đảng của ông này giảm xuống còn một nửa so với tháng trước.
Năm 1993, Nhật Bản đã từng lên tiếng xin lỗi những “phụ nữ giải khuây” trong một tuyên bố của Chánh Văn phòng Nội các thời đó là ông Yohei Kono và thừa nhận “nỗi đau không gì đo đếm được và những vết thương thể xác và tinh thần không thể nào chữa lành.”
Tuy nhiên đối với bà Kim Bok-dong và hàng ngàn nô lệ tình dục còn sống khác, điều đó vẫn là chưa đủ. Họ muốn nhận được lời xin lỗi đầy đủ được Quốc hội Nhật Bản thông qua và khoản bồi thường chính thức của chính phủ nước này. Tuy nhiên, Tokyo vẫn luôn một mực bác bỏ yêu cầu chính đáng này với lý do họ đã chi tiền bồi thường chiến tranh cho Hàn Quốc và một số nước khác trong các hiệp ước nối lại quan hệ sau chiến tranh. Năm 1995, Tokyo lập nên một quỹ bồi thường từ các khoản đóng góp tư nhân để bồi thường cho các nạn nhân nô lệ tình dục mà không chấp nhận phương án bồi thường chính thức.
Quỹ tư nhân này đã trả 20.000 đô-la mỗi người cho khoảng 280 phụ nữ ở Philippines, Đài Loan và Hàn Quốc, đồng thời chi tiền xây dựng các nhà dưỡng lão cho các nạn nhân ở Indonesia cũng như hỗ trợ y tế cho khoảng 80 cựu nô lệ tình dục Hà Lan. Riêng ở Hàn Quốc, đã có 207 phụ nữ được công nhận đủ tiêu chuẩn để nhận số tiền bồi thường này, tuy nhiên chỉ một phần trong số họ được quỹ này chấp nhận chi trả, còn những người khác chỉ nhận được sự giúp đỡ từ phía chính phủ Hàn Quốc và một nhóm hỗ trợ.
Về phía người dân Nhật Bản, trong những năm gần đây dư luận ngày càng ít thông cảm hơn đối với những nạn nhân ở các quốc gia châu Á từng bị đế quốc Nhật Bản xâm lược. Thuật ngữ “phụ nữ giải khuây” hay “an ủi phụ” từng một lần xuất hiện trong sách giáo khoa Nhật Bản giờ cũng đã biến mất.
Phần lớn những tranh cãi đối với vấn đề “phụ nữ giải khuây” đều tập trung quanh vai trò của chính phủ Nhật Bản hồi đó trong việc tổ chức hệ thống nhà thổ quân đội và việc những người phụ nữ này có bị ép buộc hay không và bị ép buộc đến mức độ nào. Tuyên bố của cựu Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kono nói rằng quân đội Nhật Bản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thiết lập và quản lý hệ thống nhà thổ ở tiền tuyến và nhiều phụ nữ trong các nhà thổ này “bị đưa vào trái với ý nguyện của họ thông qua việc dụ dỗ hoặc cưỡng ép.”
Tháng 3/2006, cựu Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Nobuo Ishihara cho biết kết quả phỏng vấn 16 phụ nữ Hàn Quốc ở Seoul đưa đến kết luận rằng “những điều họ kể không phải là thêu dệt” và chắc chắn là họ đã bị cưỡng ép trở thành phụ nữ giải khuây trái với ý muốn. Ông Ishihara tuyên bố: “Dựa vào báo cáo của nhóm điều tra, chúng tôi, chính phủ Nhật Bản, kết luận rằng đã có sự cưỡng ép.”
Cuộc điều tra của chính phủ Nhật Bản còn cho thấy nhiều nạn nhân người Hà Lan được lựa chọn từ các trại tập trung và bị ép tới các nhà thổ, trong khi những phụ nữ ở Philippines và Indonesia bị cưỡng hiếp ngay trên chiến trường, bị bắt cóc và bị bắt ép “mua vui” cho binh lính trong điều kiện bị giam hãm.
Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều người Nhật hiện nay mà tiêu biểu là thị trưởng Osaka Hashimoto, việc những người phụ nữ này bị lừa gạt hoặc cưỡng ép vào các nhà thổ không có nghĩa là chính phủ Nhật Bản thời Thế chiến 2 đã ép buộc các cô gái bán dâm một cách có hệ thống. Hashimoto cho rằng các hồ sơ lịch sử đều không ghi chép rõ ràng về việc này, và cách nhìn này cũng tương tự như quan điểm của Thủ tướng Abe rằng không hề có chứng cứ chứng tỏ chính phủ Nhật thời đó đã ra lệnh cưỡng ép các cô gái làm nô lệ tình dục.
Nhà sử học Yoshiaki Yoshimi đến từ Đại học Chuo đồng thời là một trong những chuyên gia đáng kính trọng nhất của Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ giải khuây” đã chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Nhật Bản vì đã áp dụng cách diễn giải cực kỳ hẹp hòi đối với định nghĩa ép buộc. Chuyên gia này chỉ ra rằng đa số các “phụ nữ giải khuây” đến từ Nhật Bản đều là các gái làng chơi chuyên nghiệp, số ít còn lại là những cô gái bị chính gia đình mình bán cho các nhà thổ vì họ quá nghèo. Tuy nhiên, ở các quốc gia châu Á bị Nhật Bản xâm lược, những phụ nữ giải khuây này không hề biết đến khái niệm “quyền của thiểu số” hay “quyền được từ bỏ”, đây chính là những gì tạo nên sự ép buộc theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Chuyên gia này nhận định: “Cả Thủ tướng Abe lẫn Thị trưởng Hashimoto đều không hề tìm cách nhìn nhận những cô gái và những phụ nữ trẻ này đã bị ngược đãi ra sao. Cách nhìn của họ hoàn toàn khác với cách nhìn của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.”
Những nô lệ tình dục này đã bị ngược đãi ra sao, sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản không hề đề cập tới. Kim Bok-dong đã bị lính Nhật đưa đi lưu lạc khắp nơi, từ Hong Kong tới Singapore và Indonesia cho tới lúc cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1945. Bà đã được tự do ở Singapore rồi tìm đường trở về nhà vào năm 1946. Sau đó bà kết hôn, nhưng cũng giống như các nô lệ tình dục khác, bà không bao giờ có thể tiết lộ quá khứ của mình với bất cứ ai ngoại trừ mẹ đẻ.
“Ngay cả khi trở về quê hương, tôi vẫn không bao giờ có được tự do thật sự. Làm sao tôi có thể kể với ai về những gì đã diễn ra với mình trong chiến tranh? Những ký ức đó như một tảng đá đè nặng trên ngực tôi.”
Mãi đến năm 1981, vài năm sau khi chồng bà qua đời, bà Kim mới đủ dũng khí để phá vỡ sự im lặng. Sau đó bà tham gia vào một nhóm phụ nữ đấu tranh để được chính thức công nhận là nạn nhân nô lệ tình dục của Nhật Bản và đi nhiều nơi trên thế giới để kể với mọi người về câu chuyện của mình. “Chúng tôi không còn sống được bao lâu nữa. Nhưng chúng tôi phải kể cho mọi người về câu chuyện của mình bởi chúng tôi không muốn lỗi lầm tương tự xảy ra một lần nữa.”
Theo KHÁM PHÁ (2013)
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo