Ông Sơn từng có 2 năm làm Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank, ngân hàng mới bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.(Ảnh: pvoil.com.vn)
Đây là lần đầu tiên có từ cho thôi chức, thay vì cách chức, miễn nhiệm ở Việt Nam. Ngày 19.7, ông Nguyễn Xuân Sơn được cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ông Sơn từng có 2 năm làm Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank, ngân hàng mới bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.
Cùng ngày, vị trí chủ tịch Hội đồng thành viên PVN được giao cho ông Nguyễn Quốc Khánh – Tổng Giám đốc PVN – tạm thời kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV PVN. Tân Chủ tịch Nguyễn Quốc Khánh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ tháng 11.2014. Trước đó, ông cũng là Phó TGĐ PVN. Ông Khánh sinh năm 1960 tại Hà Tĩnh, từng là TGĐ TCty Dầu Việt Nam (PV Oil) trước khi làm Phó TGĐ PVN.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, được giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ngày 8/7/2014. Ông Sơn sinh ngày 20.11.1962 tại Đức La – Đức Thọ – Hà Tĩnh, là thạc sĩ chuyên ngành kinh doanh.
PVN là cổ đông Ocean Bank
Vào thời kỳ thịnh vượng của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang thu lợi nhuận cao, thì hàng loạt các tập đoàn kinh tế có sức mạnh của Việt Nam đều tham gia góp vốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh, trong đó có đầu tư vào thành lập các ngân hàng. Vì chạy theo đầu tư ngoài ngành nên PVN lúc đó là cổ đông lớn của Ocean Bank, với khoản đầu tư 800 tỉ đồng tại Ocean Bank.
Là một cổ đông lớn, PVN được cử người làm tổng giám đốc Ocean Bank. Chính vì vậy, ông Sơn, phó tổng giám đốc PVN được bổ nhiệm chức vụ TGĐ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) từ tháng 12/2008 đến tháng 11/2010. Người tiếp quản sau đó là bà Nguyễn Minh Thu, (SN 1973). Tháng 1/2015, bà Thu đã bị cơ quan điều tra khởi tố cùng với tội danh của ông Hà Văn Thắm về “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Năm 2014, khi các tập đoàn bị áp lực thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, PVN đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi Ocean Bank, song chưa thể thực hiện, vì Ocean Bank làm ăn thua lỗ.
PVN nguy cơ mất 800 tỷ đã đầu tư tại Ocean Bank
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức công bố quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), theo đó chuyển từ hình thức ngân hàng thương mại cổ phần thành ngân hàng TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu vào ngày 25/4/2015. Theo đó, NHNN mua lại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng.
Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mua toàn bộ cổ phần OceanBank
Như vậy, NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương. Chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương. Những cổ đông của Ocean Bank có nguy cơ mất trắng vốn khi NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
PVN là cổ đông lớn của Ocean Bank, nhưng việc mua lại này của NHNN chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu. Nếu NHNN áp dụng cách đã làm với Ngân hàng Xây dựng thì các cổ đông (không phân biệt cổ đông lớn, cổ đông nhà nước, cổ đông cá nhân hay đối tác chiến lược) đều mất hết quyền sở hữu, nghĩa là PVN đang đứng trước nguy cơ mất khoản đầu tư 800 tỉ đồng tại Ocean Bank.
Theo quy định, nếu để mất vốn nhà nước thì tùy mức độ vi phạm, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và TGĐ PVN sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc để mất 800 tỷ theo thời giá 2007, sau đó có thời kỳ lạm phát đến 18%/năm, nếu quy đổi theo giá hiện tại thì giá trị còn lớn hơn nhiều.
Những khoản đầu tư ngoài ngành khác của PVN
Theo báo cáo tài chính được công bố gần nhất của PVN, những khoản đầu tư ngoài ngành còn rất nhiều, như: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PvcomBank, khởi phát từ Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam. Đến 30/06/2014, tổng số vốn đầu tư của PVN tại ngân hàng này là 4.680 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 52%.
PVN cũng đầu tư 831,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 35,5% vào Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI); đầu tư 105 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 35% vào Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí; đầu tư 180 tỷ đồng sở hữu 29% cổ phần tại Công ty Cổ phần Phát triển Đông Dương Xanh…
Xót xa tiền của dân đem đầu tư tràn lan, kém hiệu quả
Những năm 2005, khi mà thị trường còn tràn đầy màu hồng, nhìn vào đâu cũng thấy lợi nhuận. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những doanh nghiệp đầu đàn, được đầu tư vốn rất lớn, với rất nhiều ưu đãi đã đầu tư ra ngoài ngành quá lớn, không có ai kiểm soát.
Khi đó, các tập đoàn nhà nước không tập trung vào chuyên môn, chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, họ tưởng rằng kinh doanh không cần tri thức, kinh nghiệm gì hết, chỉ cần bỏ vốn vào là thu được lợi nhuận. Thế là họ mang vốn đi đầu tư vào những lĩnh vực thấy mang lại lợi nhuận cao, để rồi nhiều người không có một ngày làm ngân hàng cũng được làm tổng giám đốc ngân hàng, làm tổng giám đốc công ty tài chính, chứng khoán…để rồi ngân hàng đi đến phá sản.
Ngay cả lúc này, điều nhầm lẫn lớn nhất là các tập đoàn vẫn cho rằng tiền vốn của tập đoàn mình, hoặc tập đoàn đi vay ngân hàng chứ phải đâu là của nhà nước, của nhân dân, phải đâu là nguồn nội lực phát triển của đất nước.
Vì thế các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư tràn lan ra ngoài ngành với lượng vốn rất lớn. Theo Bộ Tài chính, tính đến 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tung ra hơn 22.000 tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành, chủ yếu đổ vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng.
Nên nhớ rằng toàn bộ tiền vốn đó là của nhân dân, giao cho các tập đoàn kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Thật xót xa cho tiền của nhân dân bị đem đi đầu tư tràn lan, kém hiệu quả như thế, trong khi nước mình còn đang rất nghèo, cần phải chắt chiu từng đồng vốn để phát triển. Vì vậy, các tập đoàn phải có trách nhiệm để thu hồi tiền vốn và tài sản của nhân dân, phải có trách nhiệm với đất nước.
Hermes – Theo Daikynguyenvn.com