Một thời để nhớ – Ban nhạc hay nhất mọi thời đại!
Sunday, July 5, 2015 10:11
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
THOMAS ANDERS – QUÁ TAM BA BẬN
Xin mời các bạn gặp lại những người quen cũ:
Chắc mọi người đã nhận ra hai giọng ca mà có thể nói đã hiện diện trong từng hộ gia đình chúng ta vào những năm 80-90, Sandra& Thomas Anders (“The Night Is Still Young”). Họ vẫn đẹp lắm, nhưng quả thật chúng ta đã ít nghe họ, thậm chí chẳng còn nghe nữa, lẽ nào…?
Mới đó mà đã ba chục năm khi chúng ta mới bắt đầu làm quen với dòng nhạc “thị trường” này (có thể gọi nó là europop, eurodance gì đấy). Chúng ta đã nghe không biết bao nhiêu băng, đĩa (đa phần là in lậu hehe) của hai thiên thần này, và tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp lại họ, nhanh thôi…
Người Đức vốn nổi tiếng về tài năng âm nhạc và lòng yêu nhạc, chưa kể sau chiến tranh thế giới chẳng ai ngờ là kinh tế Đức (lúc này là Tây Đức) đã hồi phục nhanh kỷ lục như vậy. Những năm 60-70 Đức đã là thị trường âm nhạc lớn nhất châu Âu, hãy nhớ lại cả ban nhạc huyền thoại The Beatles cũng bước đầu bằng cách sang “kiếm cơm” ở Hamburg. Hay những ca sĩ hàng đầu Dalida, Nana Mouskouri, Demi Roussos vẫn hát tiếng Đức đều đều, và hồi đó những bài “hit” tiếng nước khác đều phải có bản chuyển sang tiếng Đức để “đánh” vào thị hiếu dân Đức, Thụy Sĩ, Áo…đó. Có một điều dễ thấy là tiếng Đức khá “thiệt thòi” trong ca hát so với tiếng Anh, tiếng Pháp, Tây Ban Nha…chưa kể thị trường âm nhạc lớn nhất dù sao cũng là Mỹ, nên Đức quá khó duy trì vị trí hàng đầu như vậy ở châu Âu. Người Đức vẫn nghe Volksmusik (một dạng Country tiếng Đức), Schlaeger (một dạng các bài hát pop tiếng Đức, đa phần vui vẻ) nhưng giới trẻ thì nghe tiếng Anh là chính. Phải nói là Đức có rất nhiều tác giả nhạc, producer giỏi, đầu tư âm nhạc rất siêu nên rất nhiều bài hát, ban nhạc thành danh trên thế giới thực ra có “dấu ấn” của người Đức trong đó. Và bắt đầu những năm 80 của thế kỷ 20…
Cậu bé Bernd Weidung (1963) sống ở một ngôi làng nhỏ gần Koblenz, từ 13 tuổi đã tự học piano và công việc yêu thích nhất là ca hát (chứ ngại nhất là đá bóng). Cậu có thể tự soi gương, tập hát hàng giờ và có giọng hát rất đẹp. Giống như lũ trẻ con Đức khác, từ bé cậu đã tự tìm cách kiếm tiền, nhưng cậu kiếm bằng ca hát là chính: hát trong các dịp Phục sinh hay ngày lễ khác nhau, và đã kiếm được những đồng tiền ít ỏi đầu tiên của mình. Khác với tính “ky bo” của dân Đức, tuy còn ít tuổi nhưng bằng những đồng tiền đó cậu thích đi taxi, thích ngồi trầm ngâm một mình trong quán đẹp để nghĩ sự đời-điều làm bố mẹ cậu khá lo lắng vì với tính cách này cậu sau anỳ sẽ phải kiếm được rất nhiều tiền (chứ cứ đủ 18 tuổi là thanh niên phải tự lập rồi-đó sẽ là việc của Bernd thôi!). Cậu tham gia mấy cuộc thi hát, toàn bị xử ép, tuy vậy cũng được studio Daniel David ký hợp đồng, tất nhiên là hát tiếng Đức rồi:
Thomas Anders 1981 (chưa vỡ hết giọng hát “Du Weinst Um Ihn”-Em khóc vì anh ta):
Để in đĩa hãng này đề nghị cậu thay tên là Tommy, nhưng cậu kiên quyết đòi lấy cái tên người lớn nghiêm túc hơn, Thomas. Còn tay chủ hãng mang cái họ Anders, muốn “trói” cậu dài lâu, thế là bảo cậu lấy họ đó luôn-Thomas Anders ra đời! (Từ đó về sau cậu dùng tên này, thậm chí cả trên visit cards, đến mức có lần bị báo cảnh sát vì dùng thẻ tín dụng có tên thật Weidung-chả ai tin đây là họ của cậu).
Cậu bắt đầu hát ở TV, hát live và in đĩa đầu tiên “Judy”-lập tức quen được Nora Isabel Balling-photomodel nghiệp dư cao hơn cậu cả một cái đầu. Nora nhà rất giàu, nhưung rồi bố mẹ mất cả, nên tự do hoàn toàn, họ lấy nhau khi Thomas mới 21 còn Nora 20. Và ngay lúc đó họ gặp Dieter Bohlen (1954)!
Dieter cũng con nhà nghèo thích nhạc giống Thomas, tự học guitar vì đi học một buổi, thuận tay trái nên thày không muốn dạy. Thế là dần dân cậu chàng tự học chơi trên mấy loại nhạc cụ, và quan trọng nhất là biết nhạc lý và sáng tác rất không tồi! Tóm lại cậu biết làm mọi việc từ A-Z, cả trên sân khấu và nhất là trong phòng thu. Các bài hát của cậu dần dần cũng có ca sỹ sử dụng, cậu bỏ diplom kỹ sư kinh tế đi theo nghề nhạc và làm tại công ty Hansa, nhưng vẫn luôn hy vọng nhiều hơn thế-thị trường quốc tế! Đây là sản phẩm của 2 chàng trai, hình như cũng bán được 30000 đĩa: bài “Wovon Träumst Du Denn” (Em mơ về điều gì)
Dieter rất thích giọng của Thomas, và sau này nói :”Trong giọng hát của Thomas có nhiều mật ngọt đến mức có cảm giác có thể phết bánh mỳ mà ăn. Tôi nổi hết da gà-đây là lần duy nhất trong đời tôi gặp được người biểu diễn có giọng hát thực sự hay…”. Và Dieter đưa ra một đề nghị tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra là “cách mạng” đối với cả hai người: PHẢI HÁT TIẾNG ANH! Siêu phẩm ra đời như thế đấy (1984):
Chẳng bao lâu khắp châu Âu vang lên bài hát của một chàng trai “yểu điệu thục nữ” tóc dài, giọng ngọt như mật, bên cạnh có chàng guitar tóc vàng nhún nhảy, má lúm đồng tiền:
Dieter Bohlen sáng tác ra nó khá nhanh với tựa đề “My Love Is Gone”. Và Dieter còn có một “sáng kiến” phải nói là cũng xứng đồng tiền bát gạo: khi đoạn điệp khúc vang lên thì sẽ có hát bè hai bằng giọng “castrata” (giọng như người bị thiến hát), rồi lại dùng tiếng vọng nữa! Như vậy Dieter có cớ để xuất hiện trên sân khấu, và lối hát này sẽ kết hợp với giọng đầy mật ngọt của Thomas thành một dấu ấn không lẫn vào đâu được của Modern Talking! Riêng đĩa đơn của bài này đợt ấy đã bán được 8 triệu bản toàn cầu!
(Và bài hát đã có trước ban nhạc, lúc đầu hãng đĩa định đặt tên ban nhạc là “Turbodiesel”-may sao cuối cùng lại có được cái tên lịch sử kia). 30 năm nay bài hát này vẫn “làm mưa làm gió” bất cứ khi nào nó vang lên, bất cứ ở đâu!Nó là bài hay nhất cho đến nay của ban nhạc chỉ gồm 2 thành viên với tên gọi “Modern Talking” (1984). Sau này dù chia tay thì cả hai vẫn dùng đến “You`r My Heart, You`r My Soul”-dù Thomas thì hát còn Dieter thì dùng đến nhạc thôi:
2013:
Quay lại thời điểm 1985-cả châu Âu tràn ngập âm điệu disco của “Modern Talking”. Mỗi tuần riêng nước Đức tiêu thụ 40000 băng đĩa, toàn những giai điệu đơn giản dễ nhớ, còn giọng của Thomas không thể lẫn với bất cứ ca sỹ nào khác được (rất hiếm có trong disco đấy!). Cùng với những hits tiếp theo, nhất là “Cheri Cheri Lady” và “Brother Louie” thì chỉ trong mấy năm 1985-1987 Modern Talking bán được 60 triệu băng đĩa toàn cầu! Đến nước Liên Xô mới vừa hé mở cửa, thì MT cũng là ban nhạc Tây Âu đầu tiên được xuất bản đĩa!
Cheri Cheri Lady:
Tưởng như với nhịp độ “cày” 300 buổi diễn trong năm, chưa kể thu 2 album/năm như thế thì đã quá sức lắm rồi, nhưng hóa ra Dieter Bohlen còn làm được nhiều chuyện hơn nữa-không hiểu vô tình hay cố ý. Anh viết nhạc cho rất nhiều ca sỹ trong và ngoài nước, toàn bày hay và khá hay, hay nhất có lẽ là “Midnight Lady” dành cho Chris Normal:
Chưa hết, Bohlen còn viết bài và làm producer cho ca sỹ trẻ, thành công nhất là C.C.Catch, cũng vào 1985: ”I Can Lose My Heart Tonight”, cũng dòng nhạc disco
Và nữa, Dieter Bohlen lập ban nhạc “Blue System” 1987-dường như để cạnh tranh với chính ban “Modern Talking” của bản thân! Tên ban nhạc này anh ta lấy tên hãng áo khoác bò đang mặc của mình, đơn giản vậy thôi (thế mà cũng ra đều khoảng mỗi năm một đĩa thành công đấy!).
Tưởng cứ trên đà thắng lợi thế này thì chả mấy chốc thành ban nhạc giàu nhất thế giới, thì đùng một cái tới 1987 đường ai nấy đi! Nguyên nhân ai cũng nhìn thấy nhưng nói do lỗi của ai nhiều hơn thật khó. Cô vợ Nora còn quá trẻ, quá “quyền lực” đối với người chồng hiền lành Thomas nên cứ tham gia vào mọi hoạt động của ban nhạc, thế là “chiến đấu” với anh già Bohlen có vợ nhưng sống kiểu vừa độc thân lăng nhăng, vừa tham công tiếc việc, vừa coi thường Thomas sợ vợ, suốt ngày đeo cái dây chuyền tên vợ to tướng trên cổ, rồi họ cũng lấy họ Balling theo vợ! Và quan trọng nhất là Bohlen đã từng trải, đã biết thành công nay có đấy mai có thể mất, quen rồi, mọi cái phải tự giành giật…Đỉnh điểm là đến một buổi diễn live, Nora và cô bạn gái quen thói đòi đứng sau nhún nhảy làm cảnh và hát bè, Dieter mang đến hai cô ca sỹ hát bè của mình, cấm Nora thò chân lên sân khấu. Thế là Thomas theo vợ bỏ chương trình…Tuy không tuyên bố giải thể nhưng từ đấy Modern Talking không diễn nữa!
(Sau này Dieter đổ hết là tại Nora, còn Thomas thì phân tích cụ thể hơn, nói là lý do vì Nora chỉ chiếm 15% thôi, chứ nguyên nhân chính là lịch diễn quá nặng nề, anh muốn nghỉ vài tháng nhưng “thợ nhạc” Dieter kiên quyết không nghe-đó mới là rạn nứt).
Dieter Bohlen thì đã có sự chuẩn bị rồi, vừa dựng Blue System dậy vừa viết nhạc (ví dụ cho Bonie Taylor), làm chương trình, sản xuất…có vẻ thành công chả kém gì trước. Cô nàng đỏng đảnh C.C.Catch ra đi thì Dieter có ngay hết cô này đến cô khác, hát là phụ mà đẹp mới là chính, còn Dieter thì mãi độc thân. Cách làm ăn của Dieter vẫn như cũ: cố tình xuất xưởng hàng loạt những bài na ná giống nhau-thể nào khán giả cũng bị “nhập tâm”!Thomas với vợ sang Mỹ, thay đổi image, hát những bài ballad nên tuy ở Mỹ khôgn có tiếng tăm gì nhưng khá nổi ở châu Mỹ la tinh! Ngày nay nhìn lại ta thấy có vẻ Thomas “thiệt thòi” hơn khi Dieter ở lại Đức, tăng cường các mối quan hệ sẵn có, vẫn là một ngôi sao trong khi anh ở Mỹ như một ca sỹ đơn ca không thể tạo được bước đột phá nào đáng kể…
1998 Thomas hay về Đức tìm cơ hội, còn Nora không về, có thể cô ân hận vì cảm giác đã cản trở con đường sự nghiệp của chồng chăng? Ở quê hương chàng trai nổi tiếng thế giới này lại trở thành một con người bình thường, anh làm quen với cô đồng hương Klaudia, cuối cùng cũng ly dị được Nora và chính thức lấy vợ lần thứ hai. Thần tượng của hàng triệu cô gái trẻ, nhưng thực sự trong cuộc đời Thomas chỉ có đúng hai tình yêu, đó là hai người vợ! Và có vẻ như vợ mới mang lại “vận tốt” cho anh-có đề nghị tái hợp mà Dieter Bohlen đã đồng ý, thế nên Thomas Anders suy nghĩ không lâu rồi quyết định thử thời vận lần nữa- Modern Talking tái xuất năm 1998!
Comeback thành công vượt mọi mong đợi! Hình thức tất nhiên thay đổi hẳn, đầy nam tính! Có ca khúc mới của Bohlen, nhưng chủ yếu vẫn các bài hit cũ nhưng phối kiểu mới, có cả rap thêm vào:
Brother Louie 1998:
Trong các bài mới có vẻ “Victory” là lạ hơn cả:
5 năm, lại hơn 60 triệu bản được bán toàn cầu, Thomas giải thích thành công lần này như sau: “ngày nay lắm ban nhạc quá nên người ta thích nghe cái gì quen quen, đó là chúng tôi, vì cách đây 15 năm có ít ban nhạc lắm”! Trong một buổi diễn, không biết xảy ra cái gì sau cánh gà, nhưng người tổ chức lên chính thức xin lỗi và thông báo Modern Talking không còn tồn tại nữa!
Bây giờ nguyên nhân chả còn là Nora nữa, còn Klaudia đâu có dính dáng gì đến hoạt động ban nhạc. Dieter kiện Thomas nhập nhèm tài chính, Thomas kiện ra toàn và thắng kiện, Dieter bị cấm nhắc lại điều đó nữa, nhưng anh chàng đã kịp viết trong hồi ký…Đúng là chia tay theo kiểu Đức! Quan trọng nhất: họ CHƯA BAO GIỜ LÀ BẠN thực sự của nhau!
Dieter Bohlen tiếp tục con đường thành công của mình, Blue System: hát cover lại các bài cũ của MT với dàn dựng mới, múa phụ họa, ánh sáng, âm thanh…:
Thomas Anders đã thành một ca sỹ trung niên rất nam tính, lãng tử và có lẽ giọng hát của anh bây giờ mới thực sự chín muồi, anh được mời lưu diễn khắp nơi, đến đâu cũng trở thành thần tượng của phái nữ:
“The Sweet Hello The Sad Goodbye”:
Tât nhiên đi đến đâu anh cũng vẫn “bị” coi là ca sỹ của “You’re my heart You’re my soul” dù đó có là liên hoan nhạc jazz 2006:
Giọng hát của anh càng ngày càng đầy nội lực, hiếm có ca sỹ nào có thể hát live hay, “sung” và nhiều như anh. Vi dụ
“Lady Lai” + “I Will Follow You”:
“Tenderness”-bài hát về cái chết của phi công vũ trụ Gagarin:
tại Kiev 2008:
tại Moscow 2013:
Anh hát song ca cũng rất tuyệt với chất giọng mật ngọt trời cho của mình:
Kamalya & Thomas: “No Ordinary Love”
Hát với Sandra tại sân khấu ngoài trời, live:
Thực sự những bài ballad của anh đều được trình diễn đầy tình cảm, xúc động:
“I miss You”:
“Just Dream” (live):
Nhưng dù Thomas có hát hay đến đâu chăng nữa, thì chắc anh chẳng còn cơ hội vượt ra khỏi cái bóng của chính mình trong Modern Talking! Dòng nhạc disco dễ nhớ ấy bây giờ với Modern Talking 2015 remix trở thành nhạc dance, rất hấp dẫn nhưng bằng các thủ pháp khác (trong đó có tăng tốc của nhạc lên…):
Những tưởng con đường của hai thành viên Modern Talking vĩnh viễn không cắt nhau nữa, thì giữa năm 2014 họ lại nhận được lời đề nghị “khiếm nhã”: tái hợp lại với giá 20 triệu Euro! Lần tái hợp thứ ba liệu sẽ đem lại cái gì mới? Người đề nghị chỉ yêu cầu 10 buổi diễn tại Nga, cùng với một tour trong nước! Tạm thời 2 anh chàng này “chống cự” được một năm, chả gì thì họ cũng đã rất giàu rồi. Nhưng tôi tin rằng chẳng lâu nữa đâu họ sẽ có lần thứ ba nữa, vì cả hai đều đầy tham vọng, họ tuy không là những người bạn nhưng đã hiểu rất rõ rằng đơn lẻ họ không phải là những siêu sao, nhưng nếu là Modern Talking thì khó ban nhạc nào với dạng bài hát Italo-disco có thể sánh ngang với họ. Họ sẽ hát không phải chỉ vì tiền, mà còn vì tôi, vì các bạn, những người đã không quên họ sau 30 năm!
Lần thứ ba sẽ đem lại cho ban nhạc những điều gì mới? Khó đoán trước được, hãy nghe lại bài hay nhất 1986: “Give Me Peace On Earth”
được hát lại cực kỳ xuất sắc năm 2014:
Tôi sẽ rất mừng nếu lúc nào đó không phải đội Man “xanh” sang Việt Nam đá dạo, mà là nhóm nhạc lịch sử Modern Talking! Các nhà phê bình âm nhạc từ trước tới nay luôn chê bai nhạc Modern Talking hãy chuẩn bị luận cứ để chê tiếp nhé, nếu hai chàng trai Đức này lại ngọt ngào hát vào tai họ “You`re My Heart, You`re My Soul”…
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo