Một phần tư thế kỷ đã trôi đi sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, cựu lãnh tụ sinh viên Ngô Nhĩ Khai Hy (Wuer Kaixi) đêm đêm vẫn giật mình thức giấc, bị ám ảnh bởi kỷ niệm về các bạn học bị sát hại.
Vào mùa xuân năm 1989, trên quảng trường rộng mênh mông ở trung tâm Bắc Kinh, địa điểm biểu tượng cho quyền lực Trung Quốc, các sinh viên đòi dân chủ và tự do đã được đại đa số người dân ủng hộ, trong một không khí hồ hởi lan truyền trên toàn quốc.
Nhưng sau bảy tuần lễ chiếm giữ quảng trường, sinh viên biểu tình đã bị quân đội truy sát đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng Sáu, một vụ đàn áp đẫm máu làm cho hàng trăm cho đến hơn một ngàn người chết, theo nhiều nguồn khác nhau.
Ngô Nhĩ Khai Hy, người nổi tiếng nhất trong số các lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn, lúc đó mới 21 tuổi, hiện đang tị nạn ở Đài Loan, sau khi trở thành nhân vật thứ hai trong danh sách những người bị truy nã tại Trung Quốc. Anh kể lại với hãng tin Pháp AFP: « Vào thời đó, dường như hoàn toàn có khả năng chính quyền sẽ lùi bước, đáp ứng lời kêu gọi cải cách chính trị của chúng tôi. Tôi nghĩ là khi mới bị đàn áp, tất cả mọi người đều cảm thấy bị sốc, và tôi là người đầu tiên ».
Được nuôi dưỡng bằng nỗi bất bình chồng chất trong một thập kỷ kinh tế xáo trộn, phong trào phản kháng của sinh viên đã lan rộng khi lễ tang của cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) qua đời hôm 15/4, trở thành một cuộc biểu dương lực lượng, vinh danh nhà lãnh đạo chủ trương cải cách chính trị, bị Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) cách chức sau làn sóng biểu tình sinh viên đầu tiên.
Sinh viên chọn quảng trường Thiên An Môn làm nơi tập họp. Hàng ngàn thanh niên bắt đầu tuyệt thực. Đối diện với bức chân dung Mao Trạch Đông, họ dựng lên một bức tượng « Nữ thần Dân chủ », theo mô hình tượng Nữ thần Tự do của Mỹ.
Ngô Nhĩ Khai Hy trở nên nổi tiếng từ một cuộc tranh luận với Thủ tướng Lý Bằng (Li Peng), được trực tiếp truyền hình. Anh sinh viên không ngần ngại cắt lời và chất vấn ngược lại người lãnh đạo có chủ trương cứng rắn.
Anh nhớ lại : « Chúng tôi duy trì áp lực và hy vọng chế độ sẽ có sự chọn lựa tích cực. Họ có thể mở ra đối thoại và như vậy chắc chắn sẽ có thể tiếp tục đóng một vai trò quyết định trong sự tiến triển về chính trị của Trung Quốc. Nhưng thay vì thế, chính quyền đã có chọn lựa khác : đàn áp bằng quân đội ».
Ngày 15/5, chuyến viếng thăm của Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbatchev, được báo chí quốc tế theo dõi chặt chẽ, bị nhòa nhạt đi bởi sự kiện đông đảo người dân Bắc Kinh nô nức xuống đường chào mừng nhà cải cách Nga.
Bị chia rẽ sâu sắc, ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nghiêng sang phía « cứng rắn » do Đặng Tiểu Bình cầm đầu, chủ trương tuyên bố thiết quân luật để đàn áp những người bị phe này cho là « nổi dậy phản cách mạng ».
Lãnh tụ ôn hòa, Tổng bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) xuất hiện lần cuối tại quảng trường Thiên An Môn hôm 19/5. Mắt nhòa lệ, ông nài nỉ những người biểu tình trở về nhà. Bị cách chức sau đó, ông bị quản thúc cho đến tận khi qua đời vào năm 2005.
Được tuyên bố vào ngày 20/5, lệnh thiết quân luật vấp phải sự kháng cự đồng loạt nhưng ôn hòa của người dân. Cho đến khi Giải phóng quân Trung Quốc, huy động đến hàng chục ngàn lính với hàng trăm chiến xa, bắn thẳng vào đám đông ở hiện trường đêm 3 rạng 4 tháng Sáu.
(Hình Ngô Nhĩ Khai Hy)
Ngô Nhĩ Khai Hy kể : « Những viên đạn rít lên ngay trên đầu bạn, đó là điều mà người ta chưa hề biết được qua những cuốn phim hay trong văn chương. Cho đến ngày mà nó trở thành sự thật ».
Chính quyền truy lùng các lãnh tụ của phong trào, nhiều người bị bắt giam, cho dù có một mạng lưới ở Hồng Kông giúp cho các sinh viên chạy trốn khỏi đất nước. Khai Hy nhớ lại : « Ở khắp nơi, những người Hoa ủng hộ chúng tôi và giúp cho tôi trốn thoát. Tôi đã thành công trong việc vượt qua biên giới phía nam ».
Sau cơn phẫn nộ của cả thế giới, quốc tế đưa ra các biện pháp trừng phạt chế độ Bắc Kinh. Nhưng trước sự cất cánh kinh tế ngạo nghễ – Trung Quốc nay là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới – nhiều Nhà nước ngày nay ít muốn đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Vào thời gian đầu khi mới đi tị nạn, Khai Hy « buồn rầu, trầm cảm », nhưng sau đó « cần phải đối đầu ». Có tài hùng biện và năng động, xuất thân từ một gia đình trí thức Duy Ngô Nhĩ, anh lập nghiệp trong ngành tài chính và trở thành nhà bình luận chính trị. Nhưng Khai Hy cho biết vẫn bị « ám ảnh » với ký ức Thiên An Môn. Anh chưa bao giờ có thể trở lại Trung Quốc đã thăm cha mẹ nay đã già yếu.
« Thật là đáng buồn ! Buồn cho tôi, cho gia đình tôi, nhưng cũng cho cả Trung Quốc. Tôi không thể sống lưu vong một cách yên ổn, tôi không chấp nhận việc bị áp bức bởi một trong những chế độ độc tài mạnh mẽ nhất thế giới ».
Nhưng ban đêm, kỷ niệm về những người bạn học bị giết hại tàn nhẫn vẫn thường ngăn cản anh chìm vào giấc ngủ. Khai Hy giải thích : « Tôi không thể sống an nhàn vì đã sống sót sau vụ thảm sát ấy ».