Chỉ nửa tháng sau ca nhiễm virus MERS-CoV đầu tiên, số trường hợp nhiễm virus chết người này ở Hàn Quốc hiện tới 25 người. Virus này cũng đã xuất hiện ở hàng chục nước trên thế giới.
Tử vong nhanh chóng
Ngày 1/6, Hàn Quốc ghi nhận những trường hợp đầu tiên tử vong vì virus MERS-CoV. Nạn nhân là một phụ nữ 58 tuổi. Người phụ nữ này đã tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm MERS-CoV ở Hàn Quốc khi người này đang điều trị tại bệnh viện. Ngày 25/5, người phụ nữ này nhập viện vì khó thở và tử vong 6 ngày sau đó.
Nạn nhân thứ hai người Hàn Quốc cũng mới tử vong vì nhiễm MERS-CoV là một người đàn ông 71 tuổi. Ông bị nhiễm loại virus chết người này khi tiếp xúc với một trường hợp nhiễm MERS-CoV đầu tiên tại Hàn Quốc.
Và thủ phạm gây nên những vụ lây nhiễm virus chết người này là người đàn ông 68 tuổi, trở về từ Hàn Quốc sau một chuyến công tác ở Saudi Arabia vào giữa tháng 4/2015 và được xác nhận nhiễm bệnh vào ngày 20/5.
Một bệnh nhân đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm bệnh MERS, hội chứng hô hấp Trung Đông, tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, ngày 1/6/2015.
Hơn 628 người Hàn Quốc đã bị cách ly sau khi tiếp xúc với những ca nhiễm bệnh đầu tiên. Tổng thống Hàn Quốc, Park Geun-hye chỉ trích các quan chức y tế do đã không kịp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh MERS-CoV (hay còn gọi là Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông).
Tổng thống nước này cũng kêu gọi chính phủ tăng cường nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng của virus MERS-CoV. Một khu vực cách ly được lập ra khẩn cấp tại Trung tâm Y tế Quốc gia ở Seoul tháng 1/2015.
Tuy nhiên, tính đến ngày 2/6, số ca nhiễm MERS-CoV ở Hàn Quốc đã tăng lên 25 người, một con số đáng báo động khiến người dân nước này hết sức lo lắng sự lan rộng của dịch bệnh. Riêng trong ngày 2/6 đã có thêm 6 ca nhiễm mới.
Ngày 3/6, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc, Hwang Woo-yea cho biết 209 trường học, tức là hơn 1% tổng số trường của nước này, đã đóng cửa do lo ngại sự lây lan của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông. Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa được áp dụng sau khi Hàn Quốc ghi nhận hai trường hợp tử vong do MERS, 3 trường hợp lây nhiễm cấp ba.
Hầu hết các trường học phải đóng cửa đều nằm ở tỉnh Gyeonggi, ngay sát thủ đô Seoul, nơi có bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong vì MERS-CoV đầu tiên ở Hàn Quốc.
Ông Kim Woo Joo, giáo sư bệnh truyền nhiễm của Đại học Hàn Quốc, cũng đang tiến hành nghiên cứu các biện pháp nhằm giúp chính phủ ngăn chặn dịch MERS-CoV. Ông kêu gọi người dân sử dụng nhiều biện pháp đề phòng để hạn chế sự lây lan của bệnh này như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và che miệng khi ho.
Mối đe dọa toàn cầu
MERS-CoV là một chủng virus mới, tương tự virus gây SARS năm 2003 khiến 8.273 người nhiễm bệnh và hơn 800 người trong số đó đã tử vong. Dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS-CoV lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu nên tỉ lệ tử vong lên tới gần 30% trường hợp mắc bệnh. Giống như Sars, virus gây bệnh MERS-CoV đã được truyền từ động vật sang người, gây nên các triệu chứng như ho, sốt, viêm phổi.
Tuy nhiên khi còn ở trong cơ thể động vật, MERS-CoV không hoạt động và những con vật này không có triệu chứng mang bệnh. Chỉ khi vào đến cơ thể người, loài virus này mới trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát.
Điều thực sự có thể biến MERS-CoV thành một dịch bệnh thế kỷ đó là virus truyền bệnh có thể di chuyển từ người sang người. Theo các nhà khoa học, MERS-CoV có thể truyền giữa những cá thể có tiếp xúc trực tiếp với nhau, thường thông qua đường hô hấp nhưng trong phạm vi giới hạn.
Sự lây lan nhanh chóng và dễ dàng của virus MERS-CoV khiến các chuyên gia y tế khắp thế giới đau đầu. Một trong những thách thức lớn nhất là họ vẫn chưa biết được gì nhiều về loại virus chết người này.
Một nỗi lo khác là diễn biến bệnh do virus này quá “lặng lẽ” khiến các bác sỹ không chú ý kịp thời. Theo WHO, nhiều trường hợp nhiễm bệnh gần đây nhất ở Ả Rập Saudi không có các triệu chứng đặc trưng như sốt cao, ho và viêm phổi.
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, virus MERS-CoV lây từ người sang người, nguy hiểm không kém dịch SARS năm 2003. Nếu như virus Ebola có thể biến mất sau một thời gian thì virus Mers có thể tồn tại trong thời gian dài.
Hơn 1000 trường hợp mắc bệnh
Kể từ khi được phát hiện vào năm 2012, đến nay đã phát hiện 1.154 trường hợp nhiễm bệnh do virus MERS-CoV tại 26 nước trên thế giới, trong đó Khu vực Trung Đông có 9 quốc gia: Ả-rập Xê-út, Quata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Cô Oét, Lebenon, Jordan và Iran. Châu Âu có 9 quốc gia: Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Mỹ có 1 quốc gia là Mỹ. Châu Phi có 3 quốc gia: Ai Cập, Tunisia và Algeria. Châu Á có 4 quốc gia: Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngày 29/05, tại Trung Quốc cũng ghi nhận một trường hợp mắc bệnh đầu tiên, là công dân Hàn Quốc. Bệnh nhân này trước đó đã bị lây nhiễm từ Hàn Quốc, khi sang Trung Quốc thì khởi phát bệnh. Tại Châu Á, ca đầu tiên nhiễm MERS-CoV là một người đàn ông Malaysia qua đời hồi tháng 4 sau khi trở về từ một chuyến hành hương đến Ả Rập Saudi. Hôm 3/5, Mỹ cũng đã có bệnh nhân đầu tiên, người mới trở về từ Saudi Arabia, nhiễm loại virus này. Ai Cập cũng đang xem xét khả năng một phụ nữ 60 tuổi chết vì MERS-CoV. Hồi đầu tháng 5, căn bệnh nguy hiểm này đã khiến trên 414 người phải nhập viện, trong đó có 115 người tử vong tính đến ngày 6/5. |
Thanh Ngọc
2015-06-03 08:16:35
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/mers-cov-nguy-hiem-hon-dai-dich-sars-a192196.html