Kết luận của bà Lê Thị Phi Vân về năng suất cây trồng biến đổi gen
Monday, June 8, 2015 20:37
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Ở Việt Nam, hiện đang có những cuộc tranh luận sôi nổi về cây trồng biến đổi gen, với 2 quan điểm rõ rệt: Quan điểm cho rằng, nên nên trồng các loại cây biến đổi gen trên diện rộng và quan điểm nên duy trì các loại cây truyền thống.
Trước một vấn đề thời sự nóng hổi và đầy giá trị khoa học đó, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn IPSARD xin trân trọng giới thiệu bài viết của 2 tác giả: TS. Lê Đức Thịnh – Trưởng Bộ môn thể chế nông thôn (thuộc Ipsard) với những kiến giải và cái nhìn mang tính “giải mã” về những tranh cãi xung quanh những ảnh hưởng về sức khỏe đối với con người của các cây trồng biến đổi gen; và bài của Th.S Lê Thị Phi Vân về vấn đề biến đổi gen ở cây ngô cho nông nghiệp Việt Nam. (Th.s Lê Thị Phi Vân là chuyên gia của Bộ môn thể chế nông thôn.)
Ipsard xin trân trọng giới thiệu.
Th.S Lê Thị Phi Vân: Phát triển ngô biến đổi gen trên diện rộng ở Việt Nam, nên hay chưa?
1. Thông tin chung về cây trồng biến đổi gen
Cây trồng biến đổi gen (BĐG) được phát triển và đưa vào sản xuất thương mại từ giữa thập niên 1990 tại Mỹ. Tới nay đã có 29 quốc gia trồng cây BĐG trên diện tích 148 triệu ha. Với những lý lẽ như cây BĐG là giải pháp đột phá trong việc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, những người ủng hộ cây trồng BĐG đang ra sức cổ xúy cho việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất đại trà. Vậy cây trồng biến đổi gen có thực sự mang lại năng suất cao, tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường như những gì người ta nói hay ngược lại?
Không có sự khác biệt đáng kể về năng suất. Ngành công nghệ sinh học cho rằng thực phẩm biến đổi gen có thể nuôi sống thế giới nhờ tạo ra năng suất cây trồng cao hơn. Thực tế chứng minh điều ngược lại. Sau một thời gian, năng suất cây BĐG thấp hơn cây trồng thông thường và đòi hỏi lượng tương đương các hóa chất diệt cỏ độc hại như glyphosate. Hàng ngàn thử nghiệm ngoài ruộng trong 20 năm qua về gen nhằm tăng năng suất cây trồng cho thấy quyết tâm đáng kể. Tuy nhiên, không một thử nghiệm đồng ruộng nào mang lại năng suất trong cây trồng thương mại trừ ngô Bt. Hơn nữa, sự tăng năng suất khiêm tốn của ngô Bt lại chủ yếu do việc cải tiến giống truyền thống.
Nghiên cứu của Glenn Stone thuộc ĐH Washington, St.Louis chỉ ra rằng năng suất của bông biến đổi gen ở Ấn Độ đã bị cường điệu quá mức. Trên thực tế sản lượng bông tăng khiêm tốn là nhờ việc quản lý trang trại hợp lý, tuy nhiên việc gieo trồng hạt giống BĐG kéo theo những vấn đề mới. Nghiên cứu của Abdul Quayum và Kiran Sakkhari cho thấy Bollgard (bông Bt của Monsanto) đã thất bại thảm hại về mặt năng suất đối với nông dân sản xuất nhỏ. Trong khi năng suất bình quân 3 năm của bông phi Bt vẫn ở mức 650 kg/acre thì năng suất bông Bt chỉ có 535 kg. Cùng là nông dân sản xuất nhỏ với cùng điều kiện sản xuất dựa vào nước trời như nhau nhưng bông phi Bt vượt bông Bt về năng suất khoảng 30% với chi phí thấp hơn 10%.
Th.S Lê Thị Phi Vân
Cây trồng biến đổi gen không giúp tiết kiệm chi phí. Nghiên cứu của Charle Benbrook chỉ ra rằng cây biến đổi gen làm giảm lượng thuốc sâu sử dụng trong 2-3 năm đầu (1996-1998) xuống từ 1,2% đến 2,3% mỗi năm nhưng sau đó lại làm tăng lượng thuốc sâu sử dụng lên 20% vào năm 2007 và 28% năm 2008. Trong giai đoạn 1996-2008 cây BĐG làm tăng lượng thuốc sâu sử dụng lên thêm 314,8 triệu pound so với cây không BĐG. Nghiên cứu cũng cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong xu thế sử dụng thuốc trừ cỏ trên 1 acre đất trồng cây BĐG và cây truyền thống. Hai lý do chính dẫn đến sự khác biệt này là: a) sự xuất hiện và lan mạnh của cỏ kháng Glyphosate; và b) mức giảm đáng kể tỷ lệ thuốc diệt cỏ sử dụng bình quân trên một đơn vị diện tích cây truyền thống. Trong 13 năm từ 1996 đến 2008 cây BĐG đã làm tăng lượng sử dụng thuốc diệt cỏ ở Mỹ lên thêm 383 triệu pound. Mức tăng này triệt tiêu tác dụng của việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong trồng ngô và bông BĐG và làm cho tổng lượng hóa chất sử dụng trở nên cao hơn.
Mặc dù việc sử dụng thuốc trừ sâu từ lúc trồng bông Bt đã giảm đi nhưng số lượng sâu hại mà bông Bt không chống chịu được như aphids, bắt đầu bùng phát kéo theo sự gia tăng trở lại của thuốc trừ sâu. Chi phí kiểm soát sâu bệnh gia tăng do sâu bệnh kháng thuốc và phí dịch vụ công nghệ tăng. Năm 1995 trồng 1 acre bông chi hết $12.75 đến $24. Năm 2005 1 acre bông Bollgard, Roundup Ready chi hết $52 và năm 2010 với giống bông Bollgard II và Roundup Ready Flex nông dân phải chi tối thiểu $85/acre. Tại Mississippi nhiều người còn phải chi tới trên 100 USD cho việc kiểm soát sâu ăn lá.
Từ năm 1996 trong khi giá giống ngô truyền thống hầu như không tăng hoặc tăng rất ít thì giá ngô BĐG giống đã tăng lên rất nhiều. Năm 2009 giá ngô BĐG giống chiếm 19% thu nhập thuần và 34% chi phí vận hành trên 1 acre, bằng 2 lần mức gía của thời kỳ 1975-1996. Chênh lệch giữa giá ngô BĐG giống với ngô truyền thống là 69%. Giống ngô truyền thống cho đến năm 2007 vẫn ở mức dưới $100 một đơn vị , giá ngô “SmartStax” năm 2010 là $320 một đơn vị. Hiện tại người trồng giống SmartStax phải chi nhiều hơn 2,1 lần so với giống truyền thống và khoảng 4 lần giống truyền thống so với 10 năm trước.
Cây trồng biến đổi gen không giúp giảm nghèo, thậm chí ngược lại. Do cả tin vào những lời hứa hẹn về những vụ mùa bội thu, hàng triệu nông dân Ấn Độ đã chuyển sang trồng giống biến đổi gen. Họ đã vay tiền để mua hạt giống với giá cắt cổ vì được thuyết phục rằng đó là hạt giống thần diệu sẽ mang lại năng suất cao hơn mà không bị sâu bệnh. Tuy nhiên, cây biến đổi gen không chỉ bị sâu bệnh tàn phá. Nó còn cần gấp đôi nhu cầu nước. Trong hai năm thời tiết khô hạn, nhiều cây biến đổi gen khô héo và chết. Trước kia, khi mùa màng thất bát nông dân vẫn có thể để giống và trồng lại năm sau, nhưng với cây biến đổi gen họ không thể làm vậy. Sahebrao Yawiliker, một nông dân Ấn Độ nói: “Chúng tôi bị các công ty giống lừa. Năng suất không như họ hứa, thậm chí chưa bằng một nửa, trong khi đó chi phí quá cao làm chúng tôi nợ nần chồng chất”.
Các công ty giống lớn với sự hỗ trợ đắc lực của nhà nước đã loại bỏ các giống lai giá rẻ và các giống truyền thống khỏe hơn, rẻ hơn rất nhiều và thay thế bằng các sản phẩm của họ. Năm 1991 nông dân có thể mua 1 kg giống bông địa phương với giá từ 7 đến 9 rupi. Năm 2003 họ phải trả 350 rupi (7USD) cho 1 túi 450 gram hạt giống lai. Năm 2004 một túi 450 gram hạt giống bông Bt của Monsanto có giá từ 1,650 đến 1,800 rupi (33 đến 36 USD). Cùng với chi phí tăng lên, tín dụng tăng lên và nợ vượt tầm kiểm soát, làn sóng tự tử tràn lan ở Ấn Độ. Những vùng có diện tích bông Bt cao nhất Ấn Độ cũng là vùng có tỷ lệ nông dân tự tử nhiều nhất (4000 người/năm).
Cây trồng biến đổi gen làm cho sâu bệnh trở nên kháng thuốc. Việc trồng phổ biến cây BĐG đã làm tăng mạnh lượng thuốc diệt cỏ sử dụng, dẫn tới xuất hiện dịch siêu cỏ kháng glyphosate. Lượng thuốc nhiều hơn đã phải dùng để diệt siêu cỏ dại nhưng chúng vẫn không chết. Nông dân phải dùng kết hợp cả thuốc diệt cỏ độc hại hơn gồm paraquat và 2,4-D, một trong những thành tố của chất độc màu da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã bị cấm sử dụng do liên quan đến ung thư, sảy thai và tổn hại thần kinh.
Mới đây Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã kết luận rằng ấu trùng của sâu bướm fall armyworm (S. frugiperda) đã bộc lộ khả năng kháng lại chất độc Cry1f trong ngô Bt. Mức độ kháng sâu bệnh cao đến mức giống Herculex đã bị thu hồi khỏi thị trường và người trồng được khuyến cáo phun kết hợp các loại thuốc trừ sâu. Ngô Bt của Monsanto ở Nam Phi cũng bị sâu đục thân B. fusca kháng độc tố ở các vụ mùa năm 2005-06 và 2007-08. Sự tái nhiễm rộng rãi hơn của sâu ăn quả với bông Bt ở Đông Nam nước Mỹ trong khoảng 1992-2006 cũng đã được đăng ở ít nhất 5 tạp chí khoa học. Nghiên cứu của trường Đại học bang Iowa chỉ ra rằng sâu đục rễ ngô miền Tây vẫn sống sót sau khi ăn chất độc do cây ngô sản sinh ra.
Cây trồng biến đổi gen có thể ảnh hưởng bất lợi tới môi trường. Nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy, cùng với việc gia tăng diện tích bông Bt thì các trang trại cũng trở thành nguồn nhiễm rệp, ban đầu chỉ là loài gây hại hy hữu và nhỏ, sau phát tán ra xung quanh thành dịch gây hại cho chà là, nho, táo, đào, lê. Trước khi có bông Bt các loại thuốc dùng để diệt sâu đục quả bông cũng kiểm soát được rệp. Giờ đây nông dân phải phun nhiều hơn để diệt rệp. Việc giảm sử dụng thuốc sâu trong bông Bt dẫn đến đảo ngược vai trò sinh thái của bông từ chỗ là bể hấp thụ rệp trong hệ thống thông thường trở thành nguồn dịch hại thực sự trong hệ thống canh tác bông Bt.
So sánh đất ở những cánh đồng trồng bông Bt với những cánh đồng kề bên trồng các cây không phải bông Bt, Navdanya phát hiện ra trong 3 năm bông Bt đã làm giảm 17% số lượng khuẩn tia (Actinomycet), loại khuẩn có ý nghĩa sống còn trong việc phân hủy cellulose và tạo ra mùn. Vi khuẩn giảm 14%; Vi khuẩn tổng số giảm 8,9%. Các enzyme hữu ích của đất làm cho cây có thể hấp thụ chất dinh dưỡng cũng giảm mạnh. Acid Phosphatase, chất góp phần hấp thu phosphate giảm 26,6%. Nitrogenase enzyme, chất giúp cố định đạm giảm 22,6%. Với tốc độ này thì 1 thập niên trồng cây biến đổi gen Bt có thể hủy hoại hoàn toàn kết cấu đất, làm cho nó không thể sản xuất ra lương thực.
Cây trồng biến đổi gen tiềm ẩn ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe con người và vật nuôi. Công nghệ gen vốn đã không an toàn. Dựa trên niềm tin rằng mỗi gen chỉ mang 1 tính trạng duy nhất, người ta cho rằng có thể truyền các tính trạng bằng cách truyền các gen đơn lẻ. Tuy nhiên, từ 2007 các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nhất trí rằng điều này hoàn toàn sai. Hiệu lực của mỗi gen được quyết định bởi sự tương tác với nhiều gen khác và với môi trường của chúng.
Công nghệ biến đổi gen thủ tiêu quá trình sinh sản tự nhiên, việc chọn tạo xuất hiện ở cấp độ tế bào đơn lẻ. Cơ chế này có tính đột biến cao và thường xuyên vượt khỏi giới hạn gen, tuy nhiên, không dễ gì đánh giá rủi ro của thực phẩm BĐG đối với sức khỏe con người. Rủi ro chỉ có thể nhận biết được trong dài hạn trong khi đó công nghệ mới chỉ được sử dụng trên 10 năm. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu đã chứng minh thực phẩm BĐG có nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe về mặt độc tố, dị ứng, chức năng miễn dịch, sức khỏe sinh sản, chuyển hóa, v.v. Các bất ổn đáng kể về miễn dịch bao gồm bất ổn về sự phân bào liên quan đến bệnh hen, dị ứng và viêm nhiễm; sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng gan, bao gồm sự chuyển hóa lipit và cacbonhydrat và thay đổi của tế bào dẫn tới đẩy nhanh quá trình lão hóa và tích tụ những loài phản ứng lại với oxy (ROS). Nghiên cứu của Pusztai, Ermakova, v.v đã chỉ ra mối liên hệ giữa thực phẩm biến đổi gen với khả năng vô sinh, sự còi cọc, tỷ lệ chết cao của con non; sự phát triển nhân tế bào biến thái và những biến dị tế bào khác; sự tổn hại trong đường ruột như tăng nhanh số lượng tế bào và phá vỡ hệ thống miễn dịch ruột; sự thay đổi của tuyến tụy, v.v.
Các nhà khoa học đã tìm thấy DNA của thực phẩm BĐG cho chuột có chửa ăn trong não của con chúng. DNA của thực phẩm BĐG cũng được tìm thấy trong máu, lá lách, gan và thận của lợn con được nuôi bằng ngô BĐG. Protein trừ sâu Cry1Ab cũng được phát hiện ở 94% mẫu máu của các bà mẹ, 80% mẫu máu của các bào thai và ở 69% mẫu máu kiểm tra của những phụ nữ không mang thai. Cry1Ab cũng được tìm thấy trong dạ dày-ruột của động vật ăn ngô BĐG. Điều này dấy lên quan ngại rằng độc tố có thể không được loại bỏ hoàn toàn ở người và sử dụng thịt nhiễm độc tố có thể tiềm ẩn rủi ro cao.
Vì sao cây trồng BĐG vẫn được chấp nhận và phát triển mạnh bất chấp nhiều cảnh báo?
Cây BĐG là sản phẩm độc quyền của các công ty xuyên quốc gia. Hàng năm các sản phẩm này góp phần mang lại cho các công ty này hàng chục tỷ đô la doanh thu và hàng tỷ đô la lợi nhuận. Năm 2010 doanh thu bán hàng ròng của Monsanto là 10,5 tỷ USD, của Syngenta là 11,6 tỷ; lợi nhuận ròng của Monsanto là 1,1 tỷ, của Syngenta là 1,4 tỷ USD. Cây BĐG giúp cho các công ty này tối đa hóa lợi nhuận bằng cách làm cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ. Khoản thu nhập hấp dẫn do cây trồng biến đổi gen mang lại khiến các công ty này không từ thủ đoạn để thuyết phục, gây sức ép, thậm chí mua chuộc các nước đưa chúng vào sản xuất đại trà.
Dưới sức ép và sự vận động hành lang của Monsanto chính phủ Mỹ đã quyết định cấm dán nhãn các sản phẩm “phi BĐG”. Việc cấm dán nhãn đồng nghĩa rằng người tiêu dùng không biết bao nhiêu trong số khẩu phần ăn của họ có chứa BĐG. Điều này cũng có nghĩa nhiều bác sỹ cũng không thể biết liệu có mối liên hệ nào đó giữa thực phẩm BĐG với bệnh tật ở người.
Trong khi những khoản lợi nhuận hấp dẫn làm mờ mắt các công ty, các nghiên cứu về an toàn của sản phẩm biến đổi gen vẫn còn hời hợt. Thay vì sử dụng vật nuôi còn non là những con nhạy cảm hơn, Các nhà nghiên cứu của Monsanto đã sử dụng những con trưởng thành, pha loãng đậu tương BĐG tới 12 lần, sử dụng quá nhiều protein, không bao giờ cân các bộ phận và bỏ qua những khác biệt về dinh dưỡng, ví dụ họ báo cáo chất gây dị ứng, chất ức chế trypsin tăng có 27% trong khi số liệu phát hiện ra tăng con số lên 3 hoặc 7 lần sau khi đậu tương được nấu.
Những nhà khoa học phát hiện ra bằng chứng buộc tội hay thậm chí thể hiện mối quan tâm về công nghệ thường bị sa thải, đe dọa, tước bỏ trách nhiệm hoặc khiển trách. Khi vấn đề xảy ra chúng không được tiếp tục nghiên cứu. Bất chấp thực tế hàng ngày có hàng triệu người ăn thực phẩm biến đổi gen, không có những phân tích thỏa đáng về sinh hóa, miễn dịch, bệnh lý mô, chức năng ruột, gan, thận, còn những nghiên cứu về thức ăn cho động vật thì quá ngắn để có thể phân tích thỏa đáng về ung thư, vấn đề sinh sản hay ảnh hưởng tới thế hệ sau.
2. Có nên trồng ngô biến đổi gen ở Việt Nam?
Những người ủng hộ ngô biến đổi gen (BĐG) cho rằng nếu trồng ngô BĐG Việt Nam sẽ không phải nhập và sẽ tiết kiệm được khoảng nửa triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên lý do này không thực tế. Hiện tại hàng năm Việt Nam trồng khoảng 1 triệu ha ngô, cho sản lượng khoảng 4,5 triệu tấn và lượng thiếu hụt phải nhập khoảng trên dưới 1 triệu tấn. Khả năng mở rộng thêm diện tích là rất ít vì ở những diện tích còn lại ngô khó cạnh tranh nổi với cây trồng khác. Để thay thế nhập khẩu, năng suất bình quân của ngô BĐG phải cao hơn ngô thường ít nhất 2 lần. Điều này khó xảy ra nếu không nói là không thể.
Khảo nghiệm trên diện rộng các giống ngô chuyển gen tại Hưng Yên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đăk Lăk, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy, tại những điểm có áp lực sâu tự nhiên lớn như Vĩnh Phúc, giống ngô chuyển gen có năng suất cao hơn từ 17% – 35%. Tại những nơi áp lực sâu đục thân thấp, năng suất của ngô biến đổi gen không khác biệt, thậm chí sâu bệnh ở các ruộng ngô biến đổi gen còn có phần nhiều hơn. Các giống ngô lai truyền thống ở những vùng có điều kiện thâm canh tốt ở Sơn La cũng đã đạt năng suất từ 8 đến 10 tấn, thậm chí có nơi đạt 12 tấn/ha.
Ngay cả ở những nơi có năng suất khác biệt như Vĩnh Phúc, mức tăng năng suất như vậy sẽ không thể bù đắp cho mức tăng giá giống lên tới từ 2 đến 5 lần. Thực tế cho thấy, ở những vùng mà sâu bệnh không phải là vấn đề lớn thì việc đưa ngô BĐG vào là không có ý nghĩa về kinh tế. Ngoài ra, cây BĐG đòi hỏi trình độ kỹ thuật và chi phí cao hơn trong khi phần khá lớn diện tích ngô hiện đang được trồng ở vùng cao, phụ thuộc vào nước trời, nơi trình độ dân trí và khả năng tiếp thu khoa học công nghệ cũng như năng lực tài chính còn rất hạn chế. Nếu không có hỗ trợ của nhà nước chắc chắn nông dân sẽ không chấp nhận ngô BĐG. Ý tưởng sử dụng giống BĐG để sản xuất ngô thay thế nhập khẩu bằng mọi giá đồng nghĩa với việc dùng thuế của người dân để tài trợ cho các công ty xuyên quốc gia chiếm lĩnh thị trường hạt giống ngô trong nước. Hiện tại đây không phải là cách làm tốt do ngành công nghệ sinh học của Việt Nam quá yếu để có thể sau vài năm chủ động sản xuất được giống đáp ứng nhu cầu trong nước.
Phát triển ngô BĐG không những không giải quyết được vấn đề thiếu ngô cho chăn nuôi mà còn làm nông dân ngày càng phải phụ thuộc vào các công ty giống. Hiện tại Monsanto đã đăng ký bản quyền và nắm trong tay hơn 11,000 hạt giống trên thế giới. Nông dân phải ký hợp đồng với Monsanto trong đó qui định chỉ được sử dụng thuốc Roundup và phải mua hạt giống mới mỗi vụ. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, bất cứ nông trại nào bị nhiễm giống của Monsanto đều là vi phạm và phải tiêu hủy hết tất cả hạt giống trên đó. Từ năm 1998-2000, Monsanto đã kiện 9.000 nông dân và buộc tội họ ăn cắp hạt giống BĐG của Monsanto. Tất cả nông dân này sau đó “bắt buộc” phải dùng giống của Monsanto vì giống của họ đã bị tiêu hủy sạch và nếu không dùng giống của Monsanto thì cũng lại bị nhiễm và lại phải ra tòa. Ngoài ra cùng với việc đưa cây BĐG vào sản xuất đại trà việc cung ứng giống truyền thống sẽ ngày một ít đi khiến nông dân phải mua giống BĐG dù muốn hay không. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra như đã xảy ra với trường hợp giống lai hiện nay (gồm các giống lai F1 và giống cải tiến).
Giá giống tăng và nhu cầu sử dụng thuốc để kiểm soát cỏ tăng làm giảm lợi nhuận. Vì thu nhập giảm, nông dân có ít tiền hơn để đầu tư cho sự bền vững của nông trại. Và vì lợi nhuận của các công ty giống tiếp tục tăng, họ sẽ quyết tâm và có khả năng tiếp tục khai thác công nghệ sinh học để tăng lợi nhuận, đồng thời kiểm soát cả về kinh tế và chính trị mục tiêu thu hút đầu tư vào khâu giống cây trồng.
Việt Nam là nước xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông sản. Lượng xuất khẩu rất cao nhưng giá trị thu về thuộc loại thấp nhất thế giới. Việt Nam luôn phải đối mặt với nghịch lý được mùa thì mất giá và được giá thì mất mùa. Nếu phát triển ngô biến đổi gen những cây trồng có lợi thế so sánh và là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu như cà phê, gạo, hạt tiêu, điều, v.v. rất có thể bị một số nước nhập khẩu từ chối. Nếu không muốn để bị nhiễm, chi phí cho cách ly sẽ rất tốn kém, chưa kể người trồng phải gánh thêm chi phí phân tích, giá sẽ rẻ hơn nếu bị nhiễm. Mới đây Nhật bản đã từ chối sản phẩm bánh phở của Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi vì phát hiện có chất BĐG trong sản phẩm. Vụ việc này còn đang chờ kết quả điều tra khẳng định lại, tuy nhiên nó cho thấy nguy cơ tiềm ẩn mới cho ngành xuất khẩu của Việt nam.
Ở Việt Nam thời gian qua, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã cấp giấy phép khảo nghiệm hạn chế và khảo nghiệm diện rộng cho 3 Công ty: Monsanto Thái Lan với 3 giống ngô chuyển gen gồm MON 89034; NK 603 và MON 89034 x NK 603; Syngenta Việt Nam với 2 giống ngô chuyển gen BT 11 và GA 21; Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam với 1 giống ngô chuyển gen TC1507. Việc khảo nghiệm được thực hiện trong 2 vụ trên diện hẹp và 1 vụ trên diện rộng chưa đủ cơ sở để kết luận ngô BĐG có an toàn hay không, tuy nhiên đây lại là cơ sở gần như là duy nhất để các bộ ngành dựa vào đó và ra quyết định có cho phép sản xuất đại trà, dùng làm thức ăn chăn nuôi hay thực phẩm.
Ngoài ra trình độ hạn chế của cán bộ tham gia khảo nghiệm cũng là một vấn đề cần lưu ý. Trong khi mục tiêu của khảo nghiệm trên diện rộng giống ngô BĐG hiện nay mới chỉ gói gọn trong khuôn khổ đánh giá tính an toàn đối với đa dạng sinh học và môi trường thì báo cáo kết quả khảo nghiệm giống ngô BĐG của Monsanto tại Vĩnh Phúc mặc dù không hề có thông tin gì về giá các loại đầu vào, đầu ra lại kết luận về hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, kết luận trong báo cáo này chưa xác đáng khi so sánh khập khiễng giữa năng suất của ngô biến đổi gen có hai tính trạng kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ với năng suất của ngô đối chứng không được phun thuốc sâu và làm cỏ. Trong khi đó, thực tế năng suất của giống ngô đối chứng không biến đổi gen được phun thuốc diệt cỏ kết hợp với làm cỏ bằng tay và phun thuốc sâu cũng tương đương, thậm chí cao hơn năng suất của ngô BĐG thì đã bị cố tình phớt lờ.
Thực tế trồng bông Bt hơn một thập niên qua cũng đã có thể khẳng định rằng không nên trồng cây BĐG ở Việt Nam. Tại Việt Nam, bông Bt được đưa vào sản xuất đại trà từ năm 1999. Tuy nhiên, từ đó đến nay diện tích bông không những không tăng lên mà còn giảm đi một cách thảm hại. Trước kia diện tích bông cả nước đã có lúc đạt tới 32 ngàn ha nay chỉ còn khoảng 5-6 ngàn ha. Nếu như bông Bt tốt như những gì người ta nói thì tại sao diện tích lại teo đi nhiều đến như vậy? Thực tế cho thấy, trong khi giống bông địa phương kháng rầy xanh và bọ phấn trắng thì bông Bt bị nhiễm rầy xanh nặng và phải phun thuốc ngay từ đầu, nếu không sẽ nhiễm bước 2 là rệp (Aphids). Do phải xịt nhiều lần nên bùng phát nạn sâu xanh và sâu khoang. Khó khăn trong việc kiểm soát sâu bệnh hại cộng với chi phí đầu vào gia tăng mạnh trong khi năng suất tăng không đáng kể làm cho bông Bt không thể cạnh tranh với các cây trồng khác.
3. Kết luận
Cây trồng biến đổi gen không làm tăng năng suất đáng kể, không giúp giảm chi phí và cũng không an toàn với môi trường, với sức khỏe con người như những gì ngành công nghệ sinh học tuyên truyền. Trước mắt cây biến đổi gen chưa phải là giải pháp tối ưu để đảm bảo nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi thay thế nhập khẩu, càng không phải là giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Phát triển cây biến đổi gen chỉ càng làm cho nông dân phụ thuộc hơn vào các công ty giống, trong khi các công ty giống sẽ có khả năng kiểm soát cả về kinh tế và chính trị mục tiêu thu hút đầu tư vào khâu giống cây trồng.
Lê Thị Phi Vân -Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển NNNT
Tài liệu tham khảo
1. Abdul Quayum and Kiran Sakkhari, 2005. Bt cotton in Andhra Pradesh. A three year assessment.
2. Báo cáo tài chính 2010 của các công ty Monsanto và Syngenta
3. Charle Benbrook, 2009. Impact of generally engineered crops on pesticide use in the United States: the first thirteen years.
4. Charles Benbrook, 2009. The magnitude and impact of the biotech and organic seed price premium.
5. Christoph Then, 2010. New pest in crop caused by large scale cultivation of Bt corn
6. Công văn số 3300/BNN-VP về Kiểm tra sản phẩm gạo có chứa chất biến đổi gen
7. Friend of the Earth, 2006. Briefing GM animal feed.
8. Bruce E. Tabasnik et al, 2009. Field-Evolved Insect Resistance to Bt Crops: Definition, Theory and data.
9. Genetically Modified Foods Position Paper AAEM. ttp://www.aaemonline.org/gmopost.html
10. Glenn David Stone, 2010. Field versus Farm in Warangal: Bt cotton, higher yields and larger questions
11. http://tintuc.xalo.vn/00-1285580921/Cuoi_nam_2012_VN_se_co_cay_ngo_chuyen_gen.html
12. http://abcnews.go.com/WN/pig-weed-threatens-agriculture-industry-overtaking-fields-crops/story?id=8766404
13. http://www.newsmaxhealth.com/headline_health/genetically_modified_food/2010/01/15/308880.html
14. http://indiatoday.intoday.in/story/toxin-from-gm-crops-found-in-human-blood/1/137728.html
15. http://nguoinoitieng.blognhanh.com/2011/11/monsanto-cac-san-pham-ai-hoa-cho-gioi.html
16. http://www.treehugger.com/files/2011/08/early-sign-end-of-bt-corn-may-be-upon-us.php
17. ISIS Report 06/01/10. Farmer suicides and Bt cotton nightmare unfolding in India
18. ISIS Report 01/02/10. GM Crops Facing Meltdown in the USA
19. ISIS Report 23/02/09. Monsanto’s Bt Cotton Kills the Soil as Well as Farmers
20. F. William Engdahl, 2011. Seeds of Destruction: The Hidden Agenda of Genetic Manipulation
21. F. William Engdahl, 2010. GMO Crop Catastrophe in USA a lesson for World
22. Monsanto biotech corn not killing pests, research finds. GEORGINA GUSTIN, St Louis Post Dispatch, September 2 2011. http://www.stltoday.com/business/local/article_48721bc6-38cb-5cf0-aae1-2b1a7e85cea5.html
23. Yanhui Lu et al. Mirid bug outbreaks in multiple crops correlated with wide scale adoption of Bt cotton in China. www.sciencemag.org; Science vol. 328, May 28, 2010.
24. Cao Thị Mai, 2011. Kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen MON89034 và MON89034xNK603
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo