Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Tác giả bài Thay đổi avatar lục sắc để làm gì? viết thế này: “Nhưng tôi cho rằng chẳng hề có sự kì thị, phân biệt đối xử nào hiện hữu cả… Chẳng có ai ngược đãi cả. Chỉ là chính cộng đồng LGBT đã quá tự ti, tự mặc cảm về bản thân, khiến giữa họ và bao người bỗng nhiên có khoảng cách”. Vậy thế nào mới là kì thị?
|
Hành động thay cầu vồng lục sắc trên Avatar giống một tiếng vỗ tay, nó đơn giản, nhẹ nhàng, nó là một sự biểu thị mà Facebook dành cho cư dân mạng của họ – Ảnh (minh họa): Chụp màn hình Daily Mail |
Kì thị thế nào mới đủ?
Trong một văn bản tôi đọc trên
phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, văn bản đã mở đầu câu chuyện bằng 3 trường hợp các cặp đôi đồng tính, với những vấn đề họ gặp phải khi cuộc hôn nhân không được công nhận.
James Obergefell đã gặp John Arthur 2 thập niên trước. Họ yêu nhau và chung sống, thiết lập một mối quan hệ bền vững và có cam kết. Tuy nhiên, năm 2011, Arthur bị chẩn đoán mắc bệnh ALS. Chứng bệnh này gây suy nhược cơ thể, tiến triển nhưng không có cách điều trị. Hai năm sau, Obergefell và Arthur quyết định một lần nữa đính ước và gắn bó với nhau, bằng một đám cưới thực sự trước khi Arthur mất. Để thực hiện lời hứa này, họ phải đi từ Ohio đến Maryland, nơi chấp nhận hôn nhân đồng giới. Arthur không di chuyển được vì bệnh tật, nên họ đã phải làm đám cưới trong một chiếc máy bay vận chuyển y tế ngay khi nó còn nằm trên đường băng.
Ba tháng sau, Arthur mất. Luật của Ohio không cho phép Obergefell được ghi tên là vị hôn phu còn sống trong giấy chứng tử của Arthur. Theo luật, họ vẫn phải là người lạ ngay cả khi đã chết. Obergefell được mô tả là “sẽ đau khổ suốt phần đời còn lại”.
Hành động thay cầu vồng lục sắc trên Avatar giống một tiếng vỗ tay, nó đơn giản, nhẹ nhàng, nó là một sự biểu thị mà Facebook dành cho cư dân mạng của họ. Nhiều tiếng vỗ tay hiển thị như những dải màu cầu vồng rộng lớn, nơi những bạn LGBT cảm thấy rằng họ không đơn độc, hoặc đơn giản là những người khác họ không kì thị họ, không ghét bỏ và đẩy họ vào vùng tối, với những tên gọi đầy ác ý và hành xử hằn học.
Một trường hợp khác, cô April Deboer và Jayne Rowse ở Michigan. Họ tổ chức một lễ đính ước bên nhau vào năm 2007. Cả hai đều là y tá. Năm 2009, họ nhận nuôi một bé trai. Cùng năm đó, họ nhận nuôi thêm một em bé khác. Cậu bé thứ hai sanh thiếu tháng và bị mẹ ruột bỏ rơi, đòi hỏi phải có người chăm sóc 24/24. Một năm sau, gia đình họ nhận nuôi một em bé có hoàn cảnh đặc biệt nữa. Tuy nhiên, bang Michigan chỉ cho phép các cặp đôi khác giới tính kết hôn, hoặc cho phép cha/mẹ đơn thân nhận nuôi trẻ. Vậy là mỗi đứa con chỉ được nhận 1 trong 2 người là cha/mẹ hợp pháp. Nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra, trường học và bệnh viện sẽ chỉ đối xử với 3 đứa bé như thể chúng chỉ có 1 mẹ.
Và nếu có tình huống xấu nào xảy ra cho Deboer hay Rowse, người kia sẽ không có bất cứ quyền hợp pháp nào chăm sóc đứa trẻ, vì người kia không có giấy phép nhận nuôi bé.
Khác với việc công nhận người đã mất hay buộc phải làm mẹ đơn thân, trung sĩ Ijpe DeKoe và người yêu Thomas Kostura ở Tennessee gặp phải một trắc trở khác. Năm 2011, DeKoe nhận được lệnh đến Afghanistan. Trước khi đi, anh và Kostura kết hôn ở New York. Một tuần sau đó, DeKoe lên đường nhận nhiệm vụ trong 1 năm. Khi DeKoe về nước, cả hai định cư ở Tennessee, nơi DeKoe làm việc toàn thời gian cho căn cứ quân đội. Chứng từ hôn nhân hợp pháp của họ bị tước bỏ và không có giá trị, dù họ có sống ở đâu tại Tennessee. DeKoe, người đã phục vụ cho nền tự do mà Hiến Pháp Mỹ bảo vệ, giờ phải chịu gánh nặng trên chính mình.
Văn bản cũng nêu rõ: “Không được công nhận, được sống ổn định và nhận thấy các điều kiện hôn nhân ổn định, những đứa trẻ được nuôi nấng trong các gia đình đồng giới phải chịu cảnh bị kì thị vì nghĩ rằng gia đình mình, theo một cách nào đó, kém cỏi hơn người khác. Trẻ con cũng phải chịu chi phí vật chất cao hơn khi được nuôi nấng bởi các cha mẹ không thể kết hôn, đồng nghĩa với việc cuộc sống gia đình khó khăn và bất an hơn. Ở điểm này, luật hôn nhân đã gây hại và làm tổn thương con cái của các cặp đôi đồng giới.”(*)
“Những trường hợp này cho thấy những cặp đôi hôn nhân đồng giới không hề muốn hủy hoại hay bôi nhọ hôn nhân, mà muốn sống cuộc đời của chính họ, tôn vinh ký ức về người họ yêu và sự gắn kết họ đã dành cho nhau suốt đời.” (*)
Những người hi vọng ở “cầu vồng”
Kì thị không phải là cứ đến gần người ta nhổ nước bọt, hay đánh đập, bắt nạt, chửi bới mới đúng là “tỏ thái độ”. Hãy nhớ lại câu chuyện của
hai cô gái làm đám cưới với nhau ở Việt Nam mấy năm trước. Sau đám cưới, họ bị xã xuống “phạt”. Một cô giáo chuyển giới không thể làm lại giấy CMND với giới tính khác, một cặp đôi bạn nam làm đám cưới bị dân mạng tung ảnh, xỉ vả đủ điều, rồi cũng bị chính quyền địa phương xuống… phạt tiền.
Sự kì thị ở đây khủng khiếp hơn nhiều, nó có nghĩa là những người đồng giới không có quyền làm giấy đăng ký kết hôn, họ không được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra tranh chấp hôn nhân, và cũng như ba trường hợp được Tòa án Tối cao Mỹ dẫn chứng, họ không có quyền nuôi dạy con cái trong sự ổn định và bảo vệ mà xã hội dành cho những gia đình truyền thống.
Vậy thì, những người ở Việt Nam hay bất cứ ai đang sống trong một quốc gia không thừa nhận hôn nhân đồng giới là hợp pháp, có quyền coi ngày 26.6 lịch sử đó của nước Mỹ như một sự thán phục và trải nghiệm mơ ước mà họ cần đến để tiếp tục đấu tranh cho niềm tin của họ vào giá trị mà họ xứng đáng được hưởng – như những con người bình thường.
Hành động thay cầu vồng lục sắc trên Avatar giống một tiếng vỗ tay, nó đơn giản, nhẹ nhàng, nó là một sự biểu thị mà Facebook dành cho cư dân mạng của họ. Nhiều tiếng vỗ tay hiển thị như những dải màu cầu vồng rộng lớn, nơi những bạn LGBT cảm thấy rằng họ không đơn độc, hoặc đơn giản là những người khác họ không kỳ thị họ, không ghét bỏ và đẩy họ vào vùng tối, với những tên gọi đầy ác ý và hành xử hằn học.
Trong 3 câu chuyện được kể trong văn bản của Tòa án Tối cao Mỹ, các cặp đôi đồng giới đã phải chịu những “sứt mẻ” mà xã hội của những người tự cho mình là bình thường gây ra với họ. Và ngày 26.6 là mốc chấm dứt những phân biệt đau khổ và ngấm ngầm ấy.
Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu một gia đình có con cái chung, và người cha/mẹ bị ủy ban nhân dân từ chối ghi tên họ vào cột “Họ tên mẹ” trong giấy khai sinh của đứa bé, đó có đủ là sự kì thị chưa?
Hay đó ngẫu nhiên chỉ là một cái cầu vồng lục sắc mà các bạn đang đơn thuần thấy ngứa mắt “như một con người bị giam cầm trong 6 song sắt” – vì người khác lỡ yêu thích treo lên Avatar.
Còn trên kia là câu chuyện của những người xa lạ ở một nước Mỹ đã chiếu ánh đèn 7 sắc màu lên Nhà Trắng, như một lời tôn vinh nghiêm túc dành cho giá trị vĩnh cửu của gia đình, nền tảng của toàn bộ xã hội cũng như mọi nhà nước.
Khải Đơn*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người viết tự do tại TP.HCM.
(*) Trích từ: http://www.supremecourt.gov/opinions/14pdf/14-556_3204.pdf
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo