Không xuất hiện trong “Tam quốc diễn nghĩa”, cũng không được ghi chép nhiều trong chính sử, thế nhưng Hổ Báo Kỵ có thể nói là đội quân đặc chủng vào loại tinh nhuệ nhất thời Tam Quốc.
Sách “Tam quốc chí” phần “Ngụy Thư” có đoạn chép: “Hổ Báo Kỵ do (Tào) Thuần chỉ huy, là lực lượng tin h nhuệ trong thiên hạ, trăm người mới tuyển được một”. Chính nhờ có sự giúp sức của đội Hổ Báo Kỵ lừng danh này, Tào Tháo mới có thể chém Viên Đàm, đánh bại Lưu Bị cho tới diệt được đội thiết kỵ Tây Lương nổi tiếng của Mã Siêu…
Ảnh minh họa.
Theo sách “Hậu Hán Thư”, quân đội của Tào Tháo lúc bấy giờ gồm 3 bộ phận: Quân trung ương, Quân địa phương và Quân đồn điền. Quân địa phương chính là đội quân trấn giữ các châu quận. Quân đồn điền là quân trấn giữ biên phòng. Quân trung ương do Tào Tháo trực tiếp chỉ huy, được phân làm ngoại quân và trung quân. Ngoại quân trấn thủ bên ngoài và được giao cho các tướng thân tín. Trong khi đó, trung quân còn gọi là Vũ Vệ Doanh, là đội cấm vệ quân bảo vệ kinh thành và hoàng cung, thông thường có khoảng 100 ngàn người, do Tào Tháo trực tiếp quản lý. Đội Hổ Báo Kỵ chính là đội quân tinh nhuệ nhất trong số 100 ngàn biên chế của lực lượng trung quân này.
Từ những gì còn được ghi chép lại có thể thấy, đội Hổ Báo Kỵ là đội quân mạnh nhất trong quân đội Tào Tháo và do vậy được Tào Tháo cực kỳ coi trọng. Theo sử liệu ghi chép, những người thống lĩnh đội Hổ Báo Kỵ trước sau đều là tướng lĩnh của gia tộc họ Tào như Tào Nhân, Tào Hưu, Tào Thuần, Hạ Hầu Đôn… Trong cuộc đời mình, Tào Tháo tin tưởng nhất là những tướng lĩnh trong dòng họ của mình. Do vậy, việc để những tướng lĩnh cùng họ được tin tưởng nhất thống lĩnh đội Hổ Báo Kỵ cũng đủ thấy Tào Tháo coi trọng đội quân này đến mức nào.
Liên quan tới vị trí của Hổ Báo Kỵ, sử sách còn ghi chép lại một câu chuyện thú vị rằng, khi đó, thống lĩnh của đội quân này là Tào Thuần qua đời, cần phải chọn một thống lĩnh mới. Tuy nhiên, chọn tới chọn lui vẫn chưa chọn được người nào ưng ý. Tào Tháo bèn nói: “Khó ai có thể so sánh với tài năng của Tào Thuần được! Lẽ nào ta lại tự làm thống lĩnh trung quân?”. Vì thế, sau đó Tào Tháo không chọn thống lĩnh Hổ Báo Kỵ nữa mà tự mình làm. Có thể thấy, Tào Tháo luôn lý chặt chẽ nhất của mình. Nguyên nhân là vì đây là đội quân tinh nhuệ và quan trọng nhất của Tào Tháo.
Hổ Báo Kỵ được Tào Tháo thành lập khi nào, cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi do không có bất cứ sử liệu nào ghi chép. Cái tên Hổ Báo Kỵ lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách là vào năm Kiến An thứ 10, trong cuộc chiến Nam Bì giữa Tào Tháo và Viên Đàm. Tuy nhiên, một số người cho rằng, đội Hổ Báo Kỵ khét tiếng của Tào Tháo có thể được thành lập vào năm Kiến An thứ 4, khi Tào Tháo thiết đặt chức quan Trung lãnh quân, cai quản đội trung quân của mình. Một số người khác thì lại cho rằng, vào năm Kiến An thứ 4, Tào Tháo chuẩn bị bước vào trận chiến Quan Độ với Viên Thiệu, đối thủ lớn nhất khi đó, do vậy, khó có thời gian để kiện toàn một đội quân riêng cho mình. Vì vậy, đội Hổ Báo Kỵ có thể được Tào Tháo thành lập sau khi trận Quan Độ kết thúc. Lúc bấy giờ Tào Tháo vừa đánh bại Viên Thiệu, uy chấn Hoa Hạ, thế lực mở rộng rất nhanh do vậy, việc thành lập đội quân thân tín và tinh nhuệ do chính mình chỉ huy là rất hợp lý.
Số lượng đội Hổ Báo Kỵ là bao nhiêu cho tới nay cũng không được ghi chép cụ thể. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, với tư cách là đội quân tinh nhuệ nhất trong quân đội Tào Ngụy, việc lựa chọn thành viên của Hổ Báo Kỵ cực kỳ nghiên ngặt, khắt khe. Bên cạnh đó, trong thời Tam Quốc, kỵ binh là binh chủng vào loại “đắt đỏ” nhất. Việc xây dựng một đội kỵ binh tinh nhuệ là cực kỳ tiêu tốn. Do vậy, trên lý thuyết, biên chế của đội Hổ Báo Kỵ chắc chắn không nhiều. Tuy nhiên, Hổ Báo Kỵ là một đơn vị độc lập có thể tự tác chiến trên chiến trường. Do đó, số lượng của đội Hổ Báo Kỵ theo suy đoán có thể vào khoảng 5-6 ngàn người.
Mặc dù những ghi chép liên quan tới việc đội Hổ Báo Kỵ tham gia chiến đầu không nhiều, song từ những ghi chép ít ỏi đó, người ta vẫn có thể thấy, đội Hổ Báo Kỵ đã cống hiến cho quân đội Tào Ngụy không ít.
Đầu tiên là vào năm Kiến An thứ 9, trong cuộc chiến Nam Bì với quân Viên Đàm. Đây là lần đầu tiên đội Hổ Báo Kỵ của Tào Tháo xuất hiện trong sử sách. Theo đó, Tào Thuần, khi đó là thống lĩnh đội Hổ Báo Kỵ bao vây Nam Bì. Đội Hổ Báo Kỵ tấn công quyết liệt, quân Đàm bại trận bị đội quân của Thuần chém đầu. Tiếp đó, vào năm Kiến An thứ 12, khi quân Tào ngược lên phía bắc chinh phạt các bộ tộc Ô Hoàn của Hung Nô. Trong cuộc chiến này, chính đội Hổ Báo Kỵ do Tào Thuần thống lĩnh đã chém đầu thiền vu của Ô Hoàn là Thạp Đốn ngay trên chiến trường.
Tới năm Kiến An thứ 13, Tào Thuần theo Tào Tháo đi chinh phạt Kinh Châu. Trong cuộc chiến này, quân Kinh Châu đại bại, Tào Thuần cùng đội Hổ Báo Kỵ của mình truy đuổi Lưu Bị ở dốc Trường Bản. Nếu không có Quan Vũ ứng cứu kịp thời, Lưu Bị có lẽ đã bỏ mạng trong cuộc chiến này và lịch sử cũng không tồn tại giai đoạn Tam Quốc nữa. Đội quân 5000 kỵ binh truy đuổi Lưu Bị được mô tả trong “Tam quốc diễn nghĩa” chính là đội Hổ Báo Kỵ lừng danh. Tuy nhiên, do “Tam quốc diễn nghĩa” là cuốn tiểu thuyết “ủng hộ Lưu Bị, chống lại Tào Tháo” nên ngay cả tên của đội quân này cũng không được nhắc đến.
Bốn năm sau đó, trong cuộc chiến giữa Tào Tháo và quân Quan Tây của Mã Siêu cũng chính đội Hổ Báo Kỵ lập công trạng lớn trong việc tiêu diệt viên tướng lừng danh họ Mã. Quân Quan Tây của Mã Siêu cũng có đội kỵ binh gọi là ‘Tây Lương thiết kỵ’ nổi tiếng. Theo sử liệu Trung Quốc, Mã Siêu “dùng sức một châu đối đầu với toàn bộ Tào Ngụy, tất cả dựa vào ‘Tây Lương thiết kỵ’”, đủ thấy sức mạnh của lực lượng này. Tuy nhiên, Tây Lương thiết kỵ vẫn không địch lại sức mạnh khủng khiếp của đội Hổ Báo Kỵ của họ Tào. Sử chép, “ban đầu, (Tào Tháo) dùng khinh binh khiêu chiến. Sau một thời gian khi cuộc chiến đã kéo dài, (Tào Tháo) dùng đội Hổ Báo Kỵ tấn công chớp nhoáng, phá quân của Mã Siêu”. Ngoài ra, có người nói rằng, vào năm Kiến An thứ 23, Tào Hồng, Tào Hưu đánh bại Trương Phi và Ngô Lan tại Hạ Biện cũng là nhờ Hổ Báo Kỵ. Mặc dù sử liệu không nói thật rõ ràng Tào Hưu đã dùng đội Hổ Báo Kỵ để tấn công, song từ việc Tào Hưu là một trong những thống lĩnh của đội quân này có thể suy đoán nhiều khả năng đội Hổ Báo Kỵ tham gia cuộc chiến này.
Từ những chiến tích trên đây, có thể thấy rằng, gần như trong mỗi cuộc chiến, Tào Tháo đều dùng đội Hổ Báo Kỵ vào những thời điểm quan trọng nhất. Thêm vào đó, những cuộc chiến mà đội Hổ Báo Kỵ tham dự đều là những cuộc chiến khó khăn nhất. Chẳng hạn cuộc chiến Nam Bì với Viên Đàm thực chất là cực kỳ gian khổ. Tào Tháo từng có ý định bỏ cuộc, tuy nhiên, Tào Thuần kiên quyết muốn tấn công, dùng Hổ Báo Kỵ để giành chiến thắng. Từ đây có thể thấy khả năng của đội quân này. Ngoài ra, trong cuộc chiến với Ô Hoàn và truy kích Lưu Bị ở dốc Trường Bản, đội Hổ Báo Kỵ đều truy kích đối phương sau khi phải vượt qua một quãng đường dài. Chẳng hạn như truy kích Lưu Bị là sau khi đã “một đêm vượt 300 dặm”. Đủ thấy tính cơ động và khả năng chiến đấu của đội quân này mạnh mẽ tới mức nào.
Đại Nam
2015-05-09 04:16:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/doi-quan-mau-chien-giup-tao-thao-danh-bai-luu-bi-a187832.html