Sở hữu tới hơn 55% cổ phẩn với trị giá 15.000 tỷ, gia đình Cường Đôla đang nắm trong tay “quyền sinh quyền sát” tại Quốc Cường Gia Lai.
Quốc Cường Gia Lai (QCG) là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản, khai thác – chế biến gỗ, cao su,… Đây cũng là một trong những tập đoàn kinh tế điển hình tại Việt Nam được “cai trị” bởi các đại gia đình quyền lực.
Quý bà quyền lực và cậu ấm thanh thế
Đứng đầu và cũng là người chèo lái Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan hiện đang là cổ đông lớn nhất tại tập đoàn này. Tiếp đến là “tiểu thư” Nguyễn Ngọc Huyền My, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan), cuối cùng là “cậu ấm” Nguyễn Quốc Cường.
Tin tức ngày 25/12/2014, HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra Nghị quyết thông qua kết quả phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi trái phiếu và cấn trừ nợ. Theo đó, QCG đã phát hành tổng số 145 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 1.417 tỷ đồng để chuyển đổi trái phiếu và cấn trừ nợ.
Gia đình Cường Đôla đang nắm “quyền sinh quyền sát” tại Quốc Cường Gia Lai
Trong kì phát hành này, bà Nguyễn Thị Như Loan là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của QCG đã nhận 41,3 triệu cổ phiếu.
Sau giao dịch, tổng tài sản bà Như Loan sở hữu tại QCG lên tới gần 102 triệu cổ phiếu ( chiếm khoảng 37,5% vốn điều lệ của công ty), trị giá xấp xỉ 960 tỷ đồng.
Bà Loan cũng là nữ doanh nhân đứng vị trí thứ 21 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2014.
“Tiểu thư” Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) là người sở hữu nhiều cổ phần thứ 2 tại Quốc Cường Gia Lai. Đây là nhân vật được đánh giá khá “bí ẩn” khi không hề có mặt trong Hội đồng quản trị cũng như Ban Tổng Giám đốc của QCG.
Từ một cổ đông nhỏ lẻ với số vốn sở hữu chỉ chiếm 0,29% vốn điều lệ, sau đợt phát hành cổ phiếu trên, cô đã nhanh chóng gia tăng khối tàn sản “khủng” của mình.
Với mức giá cấn trừ công nợ 10.000 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu mà Huyền My nhận được có giá trị là hơn 390 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 14,32% vốn điều lệ. Hiện cô đã lọt vào Top 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan) là cái tên đáng chú ý tiếp theo của gia đình quyền lực này. Trước đó, bà Nguyệt chỉ là một cổ đông “vô danh” với số vốn 0,01%, tương ứng hơn 3.700 cổ phần QCG.
Tuy nhiên, sau khi được phân phối thêm hơn 9,5 triệu cổ phiếu, hiện bà Nguyệt hiện nắm giữ 3,52% vốn điều lệ của công ty, tương ứng gần 90 tỷ đồng.
Cuối cùng là “cậu ấm” Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla), mặc dù ở cương vị Phó Tổng Giám đốc công ty, nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của doanh nhân này lại vô cùng khiêm tốn. Hiện Cường Đôla đang nắm giữ hơn 537 nghìn cổ phiếu QCG, tương đương với khoảng 5 tỷ đồng.
Như vậy, với việc sở hữu tới hơn 55% cổ phẩn với trị giá khoảng 15.000 tỷ, gia đình Cường Đôla đang nắm trong tay “quyền sinh quyền sát” tại tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.
Trong cơn bão lốc
Cùng với nhiều “ông lớn” khác, cơn lốc mang tên bất động sản đã “cuốn” đi không ít tài sản của Quốc Cường Gia Lai. Từ năm 2011 đến nay, hoạt động kinh doanh của công ty dường như chỉ quẩn quanh 2 cụm từ “thua lỗ” và “sụt giảm”.
Cường Đôla tham gia nhiều hơn vào việc quản trị QCG
Năm 2011 được coi là khởi đầu cho quá trình đi xuống của QCG, lợi nhuận sau thuế của công ty khi đó đã thua lỗ 39,83 tỷ đồng.
Bước sang năm 2012, QCG tiếp tục bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong quý I,II và III của năm 2012, công ty này đã liên tục hứng chịu thua lỗ, tính chung lũy kế trong cả 9 tháng đầu năm, số tiền thua lỗ là 2,64 tỷ đồng. Thậm chí, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai đã bị Hose đưa vào diện cảnh báo.
Năm 2013, QCG vẫn chìm trong sự bết bát. Cụ thể, doanh thu trong quý III/2013 của QCG đạt hơn 37 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, QCG lỗ thuần 2,56 tỷ đồng. Song nhờ lợi nhuận khác 2.8 tỷ đồng nên cuối kỳ QCG ghi nhận lãi 360 triệu đồng. Tính đến 30/9/2013, tiền mặt và tương đương tiền của QCG chỉ còn 1,75 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 48 tỷ đồng vào đầu năm.
Đến năm 2014, dường như QCG vẫn chưa thể gượng dậy. Doanh thu trong quý I/2014 của Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 65% do trong kỳ không có hoạt động bất động sản được ghi nhận. Quý IV/2014, doanh thu của QCG tiếp tục giảm 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, công ty này còn liên tục bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM nhắc nhở chậm công bố thông tin.
Thông tin mới nhất, báo cáo kinh doanh quý I/2015, Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh thu thuần của công ty đạt mức 43 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù doanh thu tăng nhưng do giá vốn hàng bán cũng tăng 16% nên lợi nhuận gộp QCG quý này cũng chỉ còn 6,2 tỷ đồng, giảm tới 39% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính 3,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 2,5 tỷ đồng cộng thêm các khoản chi phí phát sinh và khoản lỗ khác hơn 390 triệu đồng, QCG chỉ còn lãi ròng hơn 600 triệu đồng, giảm tới 64% so với cùng kỳ năm trước.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự đi xuống của Quốc Cường Gia Lai là người ta không còn nhìn thấy hình ảnh “cậu ấm” Cường Đôla với những chiếc siêu xe được nhập mới để bổ sung bộ sưu tập của mình.
Trước đây, Nguyễn Quốc Cường được biết đến bởi sự giàu có, độ chịu chơi của một thiếu gia phố núi khi vung tiền mua hàng loạt siêu xe “khủng”, cái tên Cường Đôla cũng được đặt vì lý do này. Thế nhưng, sau thời gian dài làm ăn thua lỗ, Cường Đôla trở nên “im hơi lặng tiếng”, không còn gây “sốc” với những màn tiêu tiền như nước.
P.Tuyến
2015-05-19 16:56:35
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cong-ty-gia-dinh-tri-bai-2-quyen-luc-lon-cua-me-cuong-dola-a189743.html