Đánh trúng tâm lý ham lãi khủng, chiêu lừa Ponzi tái xuất, giăng ra những bẫy ngầm chờ người dân mắc lưới.
Bằng cách huy động vốn nhàn rỗi đầu tư vào những “siêu dự án ma”, một số công ty, cá nhân đang rao trả mức lãi siêu khủng để hấp dẫn người gửi. Trong khi các chuyên gia kinh tế liên tục nhận diện, vạch mặt trò lừa mang tên Ponzi, cảnh báo nghịch cảnh trắng tay, nhiều người vẫn bị cám dỗ, lừa mị để lao vào trò lừa đảo này… Câu hỏi đặt ra, kẻ nào đang đứng trong bóng tối chi phối trò lừa gây điên đảo dư luận thời gian qua, khiến không ít con mồi mắc bẫy?
Những minh họa về mô hình lừa đảo Ponzi trên thế giới.
Thủ đoạn “kinh điển”- nạn nhân mới
Tìm hiểu thực tế, có công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM rao tin, trả lãi lên đến 2-3%/ngày để huy động vốn. Mức lãi khủng trên thu hút không ít người có tiền nhàn rỗi hoặc chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây có thể là dấu hiệu của chiêu lừa Ponzi, từng xuất hiện vào những năm 1920. Theo đó, đây là hình thức kinh doanh bằng cách vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những “tấm gương” đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để lôi kéo người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao nên lao vào, thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn. Để lôi kéo, hấp dẫn khách hàng, kẻ đứng đầu trò Ponzi rao trả mức lãi không tưởng từ 10- 20%/tháng. Rao tin trên trang cá nhân của mình, tài khoản “Daututhongminh” cho biết: “Tập đoàn trúng gói thầu xây dựng khu phức hợp đô thị xanh tại Q.2 (TP.HCM) nên có bốn gói, với nguồn tiền đầu tư từ 5.000 USD đến 20.000 USD. Mỗi chu kỳ đầu tư chỉ kéo dài trong 4 tháng. Tùy theo từng gói đầu tư, người tham gia sẽ nhận được tiền gốc lẫn lãi từ 1,5-3%/ngày”.
Cụ thể, để lôi kéo và dụ dỗ, kẻ mang tên “Daututhongminh” cho biết: “Không chỉ có lợi tức lớn, nếu các bạn có thể giới thiệu thêm người cho vay, tham gia dự án, bạn sẽ được hưởng lợi ích nhóm từ 5- 10%. Cứ như vậy, bạn càng giới thiệu được nhiều người thì mức lợi ích hoa hồng càng cao. Đến khi bạn có một nhóm người đầu tư sau mình, do mình giới thiệu, chỉ cần mức lợi ích hoa hồng thôi các bạn cũng đã có một số lãi lớn rồi”…
Theo chuyên gia kinh tế Đoàn Văn Thành (trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM), chiêu lừa Ponzi còn được gọi là trò “mượn đầu heo nấu cháo” trên quy mô kỹ nghệ, vay tiền của người này để trả tiền lời của người khác. Nguy hiểm hơn, các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo nghịch cảnh trắng tay nếu bị những lợi nhuận ảo từ mô hình được quảng bá đầy hấp dẫn này.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM cho biết: “Trò lừa Ponzi từng xuất hiện nhiều lần và từng khiến không ít người trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, trò làm ăn này sẽ không thể kéo dài tới vô hạn vì người cho vay không nhiều và không phải ai cũng cả tin. Lúc này, người chủ mưu rất có khả năng sẽ ôm theo tiền của người tham gia bỏ trốn, để lại nhiều người cho vay bị mất tiền”.
Giấc mộng đổi đời – Hiện thực trắng tay
Theo những phân tích của các chuyên gia kinh tế, hậu quả nặng nề nhất có thể xảy đến với người tham gia trò Ponzi là mất cả chì lẫn chài. Trao đổi với PV, luật sư Nông Minh Đức, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Việc huy động tiền của người khác để trả lãi suất là hoạt động có điều kiện, phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các cá nhân, tổ chức hoạt động theo mô hình Ponzi thường không ràng buộc, không đưa ra được những giấy tờ như trên đã là hoạt động vi phạm pháp luật. Pháp luật cũng không chấp nhận các hình thức kinh doanh, hoạt động theo kiểu Ponzi”. Đứng trước những nguy cơ trắng tay từ trò Ponzi đang ngày một bành trướng, các chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng cảnh báo người dân không nên quá cả tin, tham gia.
Theo tìm hiểu của PV, trên các quảng cáo, rao tin của mình, các cá nhân, tổ chức đứng sau trò Ponzi lại không đề cập đến bất cứ rủi ro nào cũng không yêu cầu hoặc có bất kỳ ràng buộc nào đối với người cho vay. Hơn nữa, các chương trình, dự án mà cá nhân, tổ chức vin vào để vay vốn cũng không được công khai, thậm chí, công ty, tổ chức,… không có báo cáo hoạt động kinh doanh. Những điều này dễ khiến cho người có tiền nhàn rỗi tham gia, cũng dễ biến họ rơi vào nghịch cảnh trắng tay.
Sự nguy hiểm của trò lừa Ponzi từng trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều nền kinh tế. Không chỉ trong nước mà thế giới từng chứng kiến nhiều cú lừa kinh điển bằng hình thức Ponzi. Theo đó, các nhà kinh tế, chuyên viên chống lừa đảo ngoài lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của hình thức Ponzi còn đưa ra những cách thức phát hiện, tránh né chiêu lừa đang trên đà phát triển nói trên. Cụ thể, chuyên viên chống lừa đảo kinh tế Bill E.Branscum (Mỹ), đưa ra những kinh nghiệm để tránh được các cạm bẫy của “Kế hoạch Ponzi”. Có ý kiến cho rằng, để thoát khỏi cạm bẫy của Ponzi, chúng ta cần tránh mọi dự án kinh doanh đòi hỏi phải nộp “phí gia nhập” và điều kiện chỉ có hoa hồng hoặc lợi nhuận sau khi bạn tuyển mộ được người khác tham gia. Hơn thế, các chuyên gia cũng khuyến cáo người tham gia nên kiểm chứng các thông tin thu được về đối tác qua những nguồn chính thức đồng thời tìm hiểu các thông tin về dự án và chủ nhân qua các văn bản pháp lý. Các công ty làm ăn chân chính bao giờ cũng có đủ những thông tin pháp lý cần thiết.
Không có cơ sở để pháp luật can thiệp khi bị lừa Luật sư Nguyễn Sơn (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Thường thì hoạt động theo mô hình Ponzi không có hợp đồng, chứng từ, giấy tờ pháp lý liên quan,… Với mục đích dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia trò lừa của mình, kẻ đứng sau kế hoạch Ponzi thường chỉ yêu cầu người tham gia đầu tư dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau. Do đó, khi có những phát sinh liên quan đến vấn đề pháp lý, hoặc người đầu tư bị mất tiền cũng không thể nhờ pháp luật can thiệp được”. Từng là nạn nhân của trò lừa Ponzi, chị P.T.K.L. (37 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết: “Lãi suất của những người vận hành chiêu lừa Ponzi quá hấp dẫn khiến tôi mê muội. Trước đây, tôi cũng từng tham gia đầu tư vào một dự án xây dựng khu đô thị phức hợp tại địa bàn quận. Lúc đó, tôi vừa rút vốn từ công ty hơn 20 năm làm cổ đông để đầu tư vào dự án nói trên do một người bạn thân giới thiệu. Tôi đầu tư hơn 10.000 USD và được hứa là sẽ nhận mỗi ngày 3% lãi suất. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, tôi không hề nhận được đồng nào. Thậm chí, tôi còn cố gắng giới thiệu mấy chị bạn, bà con tham gia để nhận tiền hoa hồng nhưng cũng không được trả. Rất may, khi phát hiện dấu hiệu mình bị lừa, tôi nhanh chóng cùng những người từng được tôi giới thiệu tham gia cho vay đòi lại tiền vốn. Vì là người quen nên tôi chỉ đòi lại vốn và cho qua hết những lợi tức mà đáng ra tôi phải được nhận như đã hứa”. |
Hà Nguyễn – Ngọc Lài
2015-05-20 16:16:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-chieu-lua-bay-nguoi-dung-cua-ponzi-a189845.html