Đó là đánh giá được đưa ra tại chương trình “Diễn đàn phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp” và Công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 được tổ chức sáng nay 15/4.
Chương trình diễn ra tại Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Diễn đàn có sự tham gia của ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI), ông Mai Xuân Hùng (phó Chủ nhiệm UB kinh tế Quốc hội), ông Tomoyuki Kimura (Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB), Ông Hà Công Tuấn (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT) và đông đảo chuyên gia kinh tế cũng như đại diện doanh nghiệp.
Chương trình là sự phối hợp giữa VCCI với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Đây là cơ hội để thảo luận sâu sắc hơn về những khuyến nghị rút ra từ báo cáo, góp phần hình thành các nhóm đề xuất chính sách phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp.
Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp 2014 do VCCI công bố, kinh tế Việt Nam tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6%, cao hơn mức tăng 12,1% của nhập khẩu, đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, đạt mức cao nhất 2 tỷ USD.
Lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, tỷ giá VND/USD duy trì ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2014 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,4%. Năm qua môi trường kinh doanh được đánh giá là có cải thiện.
Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải hiện nay là: hiệu suất sử dụng lao động thấp và chậm cải thiện. Hiệu suất sử dụng giảm đi từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 15,7 lần năm 2014. Trong đó, hiệu suất lao động khu vực Nhà nước đạt hiệu quả cao hơn, trong khi các doanh nghiệp FDI luôn có hiệu suất sử dụng lao động thấp nhất.
Nước ta đang thiếu hụt lực lượng các doanh nghiệp ở quy mô vừa. Lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống còn 18 lao động năm 2014. Có 99% doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Trong năm 2014 số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cao, quy mô ngày càng nhỏ, tỷ lệ thua lỗ ngày càng tăng. Tính chung toàn bộ doanh nghiệp, tỷ lệ kinh doanh thua lỗ lên đến 45%.
Hiệu suất sinh lợi thấp có xu hướng giảm đi dẫn đến lợi nhuận thấp, từ đó khiến doanh nghiệp không có khả năng tích lũy do đó dễ bị tổn thương khi thị trường biến động, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ.
Theo báo cáo thì quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì càng khó tham gia vào chuỗi cung ứng. Nguyên nhân được xác định là do doanh nghiệp chưa tiếp cận được công nghệ phù hợp, quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, nguyên liệu sản xuất phụ kiện vẫn phải nhập khẩu bên cạnh đó là giá thành sản xuất linh kiện cao nên giá thành sản phẩm khi hoàn thiện bị “đội giá”. Nguyên nhân cuối cùng là tay nghề của công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu mà công việc đòi hỏi.
Video tham khảo:
Công nhân mất trắng vì doanh nghiệp phá sản
Bên cạnh đó, chương trình còn tập trung nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp. Theo ông Vũ Tiến Lộc thì việc đại gia Việt Nam quay sang đầu tư vào nông nghiệp là hướng đi đúng đắn, có tầm nhìn xa. Do đó để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần tổ chức mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Việc này thực sự phát triển và thành công đột phá khi trở thành trào lưu.
Rất nhiều ý kiến tham luận được trình bày tại diễn đàn, từ đó những khuyến nghị, chính sách cùng gợi ý cho sự phát triển của doanh nghiệp, đã được nêu ra. Với những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như kinh doanh nông nghiệp đang gặp phải, trong thời gian tới cùng với những cải tổ trong chính sách điều hành cùng với sự quan tâm sát sao của các ban ngành nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những thành công khởi sắc.
Hoàng Hà
2015-04-14 23:16:20
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-2014-cua-viet-nam-a183650.html