Trong cuộc họp đại hội cổ đông mới đây của Sacombank, việc sáp nhập Southern Bank lại được nhắc tới với nhiều lợi ích và sự trấn an cổ đông của Phó chủ tịch HĐQT Trầm Bê.
Thương vụ mua bán và sáp nhập này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank
Trong quá trình siết chặt cơ cấu nhằm quy hoạch lại hệ thống tài chính của Việt Nam, các thương vụ sáp nhập ngân hàng đang được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt.
Tại Đại hội cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) ngày 21/4, HĐQT Sacombank đã trình cổ đông tái xác nhận chủ trương sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank trong năm 2015.
Mặc dù chủ trương sáp nhập Sacombank và Southern Bank đã được thông qua hơn 1 năm nhưng đến này vẫn chưa tiến hành xong do nhiều nguyên nhân. Hiện tại, hai ngân hàng đang xây dựng đề án tái cơ cấu hoàn chỉnh và chờ ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, HĐQT Sacombank cho biết, sau khi có ý kiến chấp thuận về nguyên tắc của NHNN về đề án sáp nhập, HĐQT Sacombank sẽ tiếp tục phối hợp với HĐQT Southern Bank tập trung chỉ đạo tổ chức, triển khai kế hoạch sáp nhập của hai ngân hàng một cách có hiệu quả nhất sau khi đề án được cổ đông và cơ quan quản lý thông qua.
Lợi ích lâu dài
Theo lời trấn an của Phó chủ tịch HĐQT Trầm Bê, HĐQT Sacobank mới hoạt động được 2 năm và tình hình ngân hàng thời kỳ trước rất khó khăn do ảnh hưởng thị trường bất động sản nên dù cố gắng cũng không thể nhanh chóng vực dậy ngân hàng.
Đối với việc sáp nhập với Southern Bank, Sacombank được 141 chi nhánh, PGD và 4.000 nhân viên không cần đào tạo. Đây là cái được lớn nhất. Thậm chí cho dù Sacombank tăng vốn thêm 10.000 tỷ đồng cũng không nhận được điều này.
Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank sẽ giúp Sacombank nhanh chóng mở rộng hệ thống, từ 416 điểm giao dịch (lớn thứ 3 toàn ngành ngân hàng) lên 557 điểm giao dịch (so với con số 688 của BIDV và 391 của VCB); đồng thời, giúp tăng 46% tổng tài sản của Sacombank và cải thiện tính minh bạch thông qua giảm tình trạng sở hữu chéo và giao dịch của các bên có liên quan. Đây sẽ là nền tảng cho tăng trưởng và vị thế lâu dài của Ngân hàng trên thị trường.
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng nhận định, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong xu hướng hiện nay, sáp nhập là tất yếu và không chỉ giữa các ngân hàng nhỏ, ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn, mà cả giữa các ngân hàng lớn với nhau. Vị lãnh đao này cũng nhìn nhận cái được trước tiên của thương vụ M&A Southern Bank – Sacombank là giảm được tình trạng sở hữu chéo.
Mất mát trước mắt
Tuy nhiên, thương vụ này có thể gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Sacombank.
Trong tài liệu trình cổ đông không đưa ra phương án sáp nhập cũng như tỷ lệ chuyển đổi cổ phần sáp nhập, tuy nhiên trao đổi bên lề đại hội, ông Trầm Bê – Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết: “Theo ý kiến cá nhân của tôi, tôi mong muốn cơ quan chức năng chấp thuận tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khi sáp nhập Sacombank và Southern Bank là 1:0,7”.
Ngay trong cuộc họp, cổ đông cũng đã chất vấn rằng, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của cổ đông Sacombank khi Southern Bank sáp nhập vào và làm thị giá cổ phiếu Sacombank sụt giảm? Bởi thị giá STB (cổ phiếu của Sacombank) hiện khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu Southern Bank đang giao dịch trên thị trường OTC khoảng hơn 5.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy tỷ lệ 1:0,7 có hợp lý không?
Bên cạnh đó, rất nhiều câu hỏi đã được cổ đông đưa ra như nợ xấu của Southern Bank rất cao, như vậy sau sáp nhập lợi nhuận STB sẽ bù phần trích lập cho PNB (cổ phiếu Southern Bank), năm sau STB còn lợi nhuận không?
Thực tế, thương vụ M&A này sẽ chất gánh nặng nợ xấu và hiệu quả thấp của Southern Bank lên vai Sacombank. Trong vài năm gần đây, biên lãi ròng (NIM) và lợi nhuận ròng từ lãi (NII) của Southern Bank liên tục giảm mạnh. NIM giảm dần từ 2,04% trong năm 2009 xuống 0,83% năm 2010; 0,35% năm 2011; âm 0,59% trong năm 2012 (lỗ 285 tỷ đồng) và 0,51% trong 9 tháng đầu năm 2013. NII từ chỗ tăng 87% trong năm 2009 chuyển sang giảm 24% trong năm 2010, giảm 46% trong năm 2011 và về dưới 0 (lỗ) trong năm 2012.
Southern Bank vẫn chưa công bố kế quả hoạt động của năm 2013, nhưng theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm qua, lợi nhuận chưa đạt 50% kế hoạch cả năm là 650 tỷ đồng trước thuế. Trong khi đó, nợ xấu có dấu hiệu tăng lên gần 4%, với nợ có khả năng mất vốn chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, ông Trầm Bê cũng khẳng định: “Việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank làm cổ đông Sacombank lo lắng là điều dễ hiểu. Việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank có cái được, cái mất ở cả Southern Bank và Sacombank, nhưng tôi tin rằng chúng ta được nhiều hơn mất”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định: “Nếu Southern Bank có nhiều nợ xấu, theo nguyên tắc, sau sáp nhập, Sacombank sẽ tăng thêm gánh nặng lớn về nợ xấu, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhưng điều đó chưa hẳn sẽ bất lợi cho Sacombank vì ngoài nợ xấu, Sacombank còn sở hữu những lợi ích như thị phần, nhân lực, quan hệ khách hàng của Southern Bank. Cụ thể như số cơ sở, chi nhánh, phòng giao dịch, Sacombank từ 416 sẽ được cộng thêm 141 cơ sở cũ của Southern Bank, việc sáp nhập sẽ có lợi cho 2 cả hai ngân hàng”. |
Kiều Hương
2015-04-21 20:32:22