Không vận Trẻ em Việt Nam là tên gọi một chiến dịch di tản quy mô lớn của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam hồi năm 1975.
Theo tin tức trên Daily Republic, ngày 3/4/1975, dưới sự chỉ huy của Tổng thống Gerald Ford, quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch Operation Babylift (Tạm dịch: Không vận Trẻ em) để đưa hàng nghìn trẻ em Việt được xác định làm con nuôi rời khỏi Sài Gòn bằng máy bay.
Ngày 4/4/1975, chiếc máy bay quân sự C5 chở trẻ em người Việt rời Sài Gòn đã bị rơi sau khi cất cánh khiến 138 người thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ mồ côi Việt Nam.
Khi đó, cơ phó Tilford Harp, đại úy Keith Malone và cơ trưởng – đại úy Dennis Traynor, là những người ngồi trên khoang lái của chiếc C5 chở hơn 300 người.
“Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết”, ông Harp nói trong một cuộc phỏng vấn với Daily Republic hồi năm 1995, 20 năm sau khi thảm họa xảy ra. Ký ức về ngày tai nạn máy bay kinh hoàng hôm đó vẫn khắc sâu trong tâm trí của ông Harp.
Hiện trường chiếc máy bay vận tải C5 rơi, khiến 78 trẻ Việt Nam thiệt mạng. Ảnh Corbis.
Sau khi cất cánh được khoảng 10 phút, ba ổ khóa giữ thang máy bay lại không được khóa khiến nó trở nên lỏng lẻo và cửa áp suất bị bung khỏi chiếc C-5 ở độ cao hơn 7.000 m.
“Một tiếng nổ lớn và buồng lái mờ đi”, ông Malone kể. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi cửa áp suất va đập vào thân máy bay và phá vỡ nhiều bộ phận quan trọng.
“Chúng tôi chỉ có thể điều khiển máy bay được một phần”, ông Harp nói.
Các phi công cố gắng điều khiển máy bay trở lại sân bay Tân Sơn Nhất để hạ cánh khẩn cấp nhưng chiếc phi cơ hư hỏng nặng nên nó rơi xuống cánh đồng.
Ông Harp, người đã có kinh nghiệm 1.200 giờ bay, mô tả căn cứ không quân Tân Sơn Nhất lúc đó hỗn loạn, khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa sắp sụp đổ.
“Chúng tôi bị mất điện. Khoang bay rất tối vì bùn bao phủ kính chắn gió”, Harp nhớ lại lúc chiếc phi cơ rơi xuống và vỡ thành bốn phần nằm rải rác trên cánh đồng.
Những đứa trẻ mồ côi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay DC8 khi chúng đang được đưa tới Mỹ hồi tháng 4/1975 trong chuyến bay Không vận Trẻ em đầu tiên. (Ảnh AP)
Mặc dù theo thống kê của các nhà chức trách, 138 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn này nhưng Harp cũng không biết rõ có chính xác bao nhiêu người trên chiếc phi cơ. 176 người may mắn sống sót, trong đó có 150 trẻ mồ côi.
Trong chuyến bay này, phi công Malone được chỉ định tham gia chuyến bay để có cơ hội làm quen nhiều hơn với hoạt động của phi cơ. Ông được sắp xếp ngồi giữa Harp và Traynor.
“Điều đó đã cứu mạng tôi, bằng không, tôi sẽ ngồi dưới khoang hàng hóa”, Malone kể lại.
Được biết, bất chấp sau vụ tai nạn, chính phủ Mỹ vẫn thực hiện chiến dịch Babylift tới ngày 26/4. Theo ước tính của Mỹ, các phi cơ đã đưa gần 2.700 trẻ em rời Việt Nam. Hàng ngàn đứa trẻ đã rời khỏi Việt Nam bằng đường hàng không và được nhận nuôi bởi các gia đình trên khắp thế giới.
Xem thêm video:
Máy bay QZ 8501 AirAsia đã rơi xuống biển?
Thiên Bình
2015-04-06 20:32:06