Liên tục và dồn dập xuất hiện “dị vật trong chai” khiến Tân Hiệp Phát lao đao trong cuộc khủng hoảng thương hiệu. Có hàng loạt lý do để đưa ra lý giải, nhưng một sự thật mà ít ai nghĩ tới.
Có hàng loạt lý do để đưa ra lý giải, nhưng một sự thật ít ai nghĩ tới về những chiêu bẩn “phá” nhau trên thị trường của những ông lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Tân Hiệp Phát không nằm ngoài cuộc thanh trừng giữa các “đại gia”, khi doanh nghiệp này đang nắm trong tay một thị phần không nhỏ trong thế giới đồ uống giải khát không cồn…
Cuộc thanh trừng giữa các… đại gia?
Còn nhớ cách đây không lâu, trong sự vụ tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới liên quan đến một người dân ở TP.HCM bị công an “còng tay” khi đang nhận một khoản tiền lớn của Tân Hiệp Phát để im lặng về chai nước có “dị vật trong chai”. Khi đó, đại diện Tân Hiệp Phát không giấu giếm thẳng thừng tuyên bố với báo giới, họ gặp phải chiêu cạnh tranh “bẩn” trong các vụ khiếu nại về sản phẩm của mình. Mặc dù, thời điểm đó, Tân Hiệp Phát phát đi thông điệp này được đánh giá là không mấy thích hợp, nhưng nó cũng cho thấy, ông lớn nước ngọt này đã phần nào nhận diện ra “đối thủ” đang đưa mình vào cuộc khủng hoảng truyền thông trầm trọng.
Tân Hiệp Phát đang “cầu cứu” các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ hành vi bị “chơi bẩn” trên thương trường.
Liệu có phải Tân Hiệp Phát nói như vậy để đá trách nhiệm sau những lùm xùm xảy ra với sản phẩm của mình? Xin thưa, họ cũng có cơ sở và trách nhiệm với những phát ngôn đó. Theo những tài liệu mà PV bản báo thu thập được trong quá trình đào sâu vào những “vết nứt” của doanh nghiệp này cho thấy, thực sự đã có một “bàn tay lớn” can thiệp vào những chai nước bất thường của Tân Hiệp Phát.
Điển hình là sự vụ một nữ chủ quán café ở huyện Châu Thành (Tây Ninh) có tên H., theo đó, ngày 11/2/2015, sau khi nhận được thông tin từ chị H. về chai nước Number 1 gắn thương hiệu mình có vấn đề, Tân Hiệp Phát đã cử đại diện đến. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Tân Hiệp Phát, vài ngày sau, chị H. tuyên bố xanh rờn, chị đã nhận được đề nghị của một hãng nước ngọt lớn (xin được giấu danh tính – PV), sẽ bỏ tiền đầu tư cửa hàng cho chị, đổi lại chị phải cung cấp cho họ sản phẩm mắc lỗi gắn mác Tân Hiệp Phát. Chị H. cũng không giấu giếm cho biết, đại diện của hãng nước ngọt lớn này còn có ý “xiên xỏ” khi cho rằng, Tân Hiệp Phát không lo được đời sống tốt cho những người đang phân phối sản phẩm của mình. Người chủ chai nước này cũng đề nghị phía Tân Hiệp Phát sớm có cách giải quyết để chị ta tính chuyện nhận lời với hãng nước ngọt lớn kia.
Không những thế, tiếp tục tìm hiểu, phóng viên còn phát hiện ra thông tin, cách đó không lâu, khi mà những sản phẩm của Tân Hiệp Phát như Dr. Thanh; Trà xanh 0 độ,… đang làm mưa, làm gió trên thị trường đồ uống nước giải khát, thì nhận được lời đề nghị nhượng thương hiệu của một đại gia nước ngọt nổi tiếng trên thế giới. Chưa dừng lại, người đứng đầu Tân Hiệp Phát còn được mời sang chính “tổng hành dinh” của “ông lớn” này để thương lượng về cuộc “sáp nhập” với mức giá khổng lồ. Những tưởng thêm một “đại gia” nước ngọt khác của Việt Nam lại bị thâu tóm, nhưng Tân Hiệp Phát đã nói “không” và tiếp tục đổ hàng đống tiền đầu tư cho dây chuyền công nghệ hàng đầu thế giới. Đương nhiên, khi đó, Tân Hiệp Phát đã chấp nhận đương đầu với cuộc chiến sinh tồn đầy khắc nghiệt của thị trường này.
Video xem thêm:
Người từng bị Tân Hiệp Phát ‘tố’ tống tiền năm 2009
Cạnh tranh không lành mạnh – người tiêu dùng thiệt!
Liệu Tân Hiệp Phát thực sự có kẻ xấu dùng chiêu bẩn phá trên thị trường hay không? Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng cho mỗi doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Cạnh tranh tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp phải thúc đẩy tìm mọi biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao và cạnh tranh hơn để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng từ đó dễ dàng lựa chọn các sản phẩm phù hợp với túi tiền và sở thích của mình. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, cạnh tranh cũng có thể mang lại những hậu quả tiêu cực to lớn, nếu các doanh nghiệp áp dụng những phương thức cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp đối thủ nhằm chiếm thị phần.
Với nhiều năm tham gia tranh tụng trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, luật sư Tạ Quốc Cường (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004, một hành vi được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi đáp ứng các điều kiện sau: Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi phải là doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường, doanh nghiệp theo quy định của Luật Cạnh tranh được hiểu với nghĩa rộng hơn so với Luật Doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác được phép kinh doanh như hộ kinh doanh, hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài; Thứ hai, hành vi này đi ngược lại các chuẩn mực thông thường của đạo đức kinh doanh; Thứ ba, hậu quả của hành vi là gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thậm chí là Nhà nước.
Cũng theo luật sư Cường, cụ thể hóa cho định nghĩa này, Luật Cạnh tranh đã liệt kê 9 loại hành vi được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó phân tích các yếu tố của từng loại hành vi. Trong 9 loại hành vi được quy định, “Gièm pha doanh nghiệp” và “Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác” là 2 trong 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường được các doanh nghiệp “không lành mạnh” sử dụng nhằm hạ gục đối thủ trên thương trường.
Theo đó, “Gièm pha doanh nghiệp” là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó, còn “Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác” là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Các dạng thức biểu hiện của hai loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh này được thể hiện dưới nhiều hình thức và biến dạng phức tạp, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ cao phát triển như hiện nay.
Đối chiếu với sự việc của Tân Hiệp Phát, vị luật sư này cho rằng, có thể Tân Hiệp Phát đang đối diện với một đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên để xác định rõ hành vi và đối tượng thực hiện, doanh nghiệp này cần có những bằng chứng cụ thể. “Trong trường hợp này, Tân Hiệp Phát có thể nhờ đến các cơ quan chức năng can thiệp, có thể là cơ quan công an, nhất là trong thời điểm gần đây, lợi dụng sự lan truyền trên mạng xã hội về sự việc công ty Tân Hiệp Phát bị khách hàng khiếu nại về chất lượng hàng hóa, đã xuất hiện những thông tin không đúng hoặc đã bị cắt xén và gọt giũa có chủ ý, thậm chí là “vạch trần” sơ suất nhỏ của công ty này ngay cả khi doanh nghiệp này có những nỗ lực để giải quyết khủng hoảng”, luật sư Cường nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, một khi các phương thức cạnh tranh lành mạnh bị biến tướng bằng các “chiêu trò không lành mạnh”, thì nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chân chính, mà sâu xa hơn, còn làm cho người tiêu dùng mất đi quyền cơ bản nhất là quyền lựa chọn và sử dụng các sản phẩm có chất lượng với giá thành phù hợp.
“Hiện nay, cạnh tranh không lành mạnh đang ngày càng xuất hiện nhiều và càng khó kiểm soát hơn, không chỉ bởi những hành vi biến dạng và “ném đá giấu tay” của những thủ phạm ẩn danh, mà bên cạnh đó là sự hỗ trợ “vô tình” hay “cố ý” của các trang mạng xã hội được kết nối bằng những thiết bị hiện đại. Và do vậy, nên có lẽ, các quy định của Luật Cạnh tranh cho dù đã xuất hiện hơn 10 năm nhưng vẫn đóng một vai trò mơ hồ và mang tính hình thức khi từng câu chữ, điều luật dường như bất lực trước những hành vi thực tế đã, đang và sẽ diễn ra”. (Luật sư Tạ Quốc Cường, đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
Trần Quyết – Văn Chương
2015-04-07 18:40:27
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/giai-mat-chuyen-con-ruoi-nua-ti-khuynh-dao-dai-gia-thp-a182291.html