Mỗi đêm có hàng trăm con lợn chết, bệnh được bày bán ở chợ Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) nhưng người đứng đầu trạm Thú y huyện lại khẳng định là không có vấn đề gì.
Liệu có bảo kê?
Vị lãnh đạo trạm Thú y huyện Thạch Thất cho biết thêm: “Vì có cán bộ của ngành túc trực thường xuyên khi chợ diễn ra, còn việc kiểm tra là kiểm tra bằng cảm quan, có người lạ đến bán mới kiểm tra. Hơn nữa, chúng tôi đã mang mẫu đi kiểm tra vẫn không có vấn đề gì…”.
Thực tế, nếu không phải là người ở gần khu vực cây xăng xã Bình Phú (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) thì ít ai biết được rạng sáng hàng ngày, hàng trăm con lợn thịt được tiêu thụ ở đây. Đây cũng chính là đầu mối cung cấp lượng lớn thịt lợn cho thị trường xung quanh khu vực. Vấn đề ở chỗ, thịt lợn do chợ này phân phối có cả thịt lợn “bẩn”, thịt tồn bán không hết chuyển từ nơi khác đến, thậm chí cả thịt lợn chết cũng lẫn trong số ấy.
Địa điểm chợ bán thịt lợn Bình Phú hoạt động về đêm nên ít người biết rằng đây lại là nơi mỗi đêm cung cấp hàng trăm con lợn không rõ nguồn gốc.
Theo quan sát của chúng tôi trong buổi thâm nhập thực tế như đã phản ánh trước đó, cảnh người mua, người bán tấp nập, nếu là người lạ vào mua hàng cũng không dễ gì. Trong hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi vào vai khách hàng đến mua thịt luôn có người theo chân, để theo dõi hành động và cử chỉ của vị khách lạ.
Tuy không phải là điểm chợ được quy hoạch cố định nhưng theo tìm hiểu qua một số chủ quầy hàng được biết, mỗi con lợn được bán ở đây, chủ sẽ phải nộp 10.000 đồng cho người quản lý. Còn ai là người quản lý thì không phải ai cũng biết. Nếu không nộp sẽ không được bán. Ngoài ra, mỗi xe chở hàng cũng phải nộp thêm 3.000 đồng được cho là phí trông xe.
Được biết, chợ thịt lợn này đã có gần chục năm nay, trước đó chợ nằm ở khu Hữu Bằng. Nhưng do địa điểm chợ cũ ẩm thấp, trời mưa to là bị ngập nên từ năm 2008, chợ thịt lợn đêm được chuyển về đoạn cây xăng xã Bình Phú để hoạt động…
Kiểm tra thịt lợn bằng… cảm quan
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Duy Đáng (Trạm trưởng) và ông Nguyễn Hùng Cường (Phó trạm trưởng trạm Thú y huyện Thạch Thất). Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Đáng cho biết: “Thực trạng lợn bẩn ở chợ buôn bán thịt lợn đêm ở xã Bình Phú là không có. Vì chúng tôi vẫn có cán bộ thường xuyên ở đó kiểm tra. Thời điểm trước tết cũng có báo chí nói đến vấn đề này, nhưng chúng tôi đã kiểm tra và thấy họ chỉ trải bạt bày bán dưới vỉa hè là không đảm bảo thôi. Vấn đề này chúng tôi đã khắc phục và điều chỉnh rồi. Còn chợ hoạt động là do nhu cầu của người dân. Chúng tôi là cơ quan chức năng phải biết việc đó, phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo, nó vẫn bình thường không có vấn đề gì…”.
Ông Nguyễn Duy Đáng (Trạm trưởng trạm Thú y huyện Thạch Thất) đang trao đổi với PV báo Người Đưa Tin.
Trước câu hỏi của PV đặt ra có cả tình trạng thịt lợn đã đổi màu do để lâu và có mùi, không phải là lợn mới thịt cũng được bày bán tại chợ, ông Nguyễn Hùng Cường cho rằng: “Không lẽ thịt lợn cứ đổi màu thì bẩn, các anh có gì để phân tích, hôi thì thịt lợn nào cũng hôi. Các anh chỉ nhìn bằng cảm quan thôi. Muốn đánh giá chất lượng phải mang mẫu đi xét nghiệm mới biết được, chúng tôi cũng đã mang mẫu đi xét nghiệm rồi, nhưng không có vấn đề gì”. Như vậy, theo như lời ông Cường, bên phía trạm Thú y huyện Thạch Thất đã mang mẫu đi kiểm tra và kết quả là vẫn bình thường. Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị được xem kết quả này thì hai vị lãnh đạo trạm Thú y lại không cung cấp được!?
Còn về vấn đề giá bán thịt lợn ở chợ Bình Phú lại thấp hơn thị trường nhiều lần, ông Nguyễn Hùng Cường lý giải: “Có một số đối tượng do tranh chấp điểm bán, với mục đích để đưa phóng viên báo chí vào cuộc, để chính quyền địa phương giải tán địa điểm bán thịt lợn đó đi, để quay về khu vực chợ cũ. Trong khi khu chợ cũ vừa đông dân sinh sống, vừa ẩm thấp. Những đối tượng này tuy ở đó nhưng không có hàng bán, không tin, các anh cứ hỏi là rõ ngay…”.
Hãi hùng những ‘cơ sở ma’ kinh doanh thực phẩm bẩn
Khi phóng viên hỏi thịt lợn có đóng dấu kiểm dịch tại chợ hay không, ông Đáng cho biết là không được phép đóng dấu, mà chỉ đóng dấu ở cơ sở giết mổ. Cán bộ thú y túc trực ở đó chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm. Khi chủ lò đổ hàng xuống bán, cán bộ thú y sẽ nhìn bằng cảm quan, trình độ chuyên môn thấy thịt đảm bảo ATVSTP thì mới cho giao dịch. Khi người bán vào chợ, nhân viên sẽ hỏi nguồn gốc thịt lợn và xem đó có phải là những người bán thường xuyên hay không. Nếu thấy người lạ đến bán thì kiểm tra.
Ngoài ra, ông Đáng cũng cho biết thêm, chợ Bình Phú được chuyển từ nơi khác đến từ năm 2008, chợ hoạt động từ 2h đến 5h. Trung bình mỗi đêm, chợ tiêu thụ khoảng trên dưới 100 con lợn cũng tùy vào thời điểm, cũng tùy theo nhu cầu. Vì chợ hoạt động trong thời gian ngắn lúc trời còn tối, nếu hoạt động cả ngày thì không cho phép!?
Cũng qua đó, dư luận có quyền đặt nghi vấn: Phải chăng có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, phải chăng có sự bảo kê để chợ trái phép này ngang nhiên hoạt động?
Trao đổi với PV, ông Hoàng Vĩnh Hiền (Đội trưởng đội QLTT số 21 – chi cục QLTT TP.Hà Nội) khẳng định: “Thịt lợn bán về đêm ở Bình Phú do UBND xã Bình Phú và trạm thú y quản lý, thu phí và kiểm dịch rồi nên không có vấn đề gì đâu. Còn đối với đội Quản lý thị trường thì về ban đêm không làm việc, chỉ khi nào có yêu cầu phối hợp mới làm. Theo quy định thì chỉ có cơ quan thú y mới được phép kiểm tra kiểm dịch việc giết mổ. Nếu phát hiện bất thường thì báo cho quản lý thị trường xử lý”. |
Đào Sơn
2015-04-13 16:40:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cho-khong-phep-lon-duoc-kiem-tra-bang-cam-quan-a183309.html