ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Lý Quang Diệu đưa Singapore “hóa rồng” như thế nào?
Monday, March 23, 2015 3:18
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Sáng sớm ngày 23-3, chính phủ Singapore phát đi thông báo cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời. Không chỉ riêng người dân Singapore mà cả thế giới tiếc thương cho sự ra đi của “cha đẻ” nước Cộng hòa Singapore – người có công lớn trong công cuộc giúp nền kinh tế nước này khởi sắc rực rỡ.

Lý Quang Diệu đưa Singapore

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từ trần ngày 23-3

Từng đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng từ năm 1959 đến năm 1990, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được xem là người có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của Singapore. Tên tuổi của ông gắn với những thành tựu phát triển vượt bậc của Singapore kể từ khi nước này tách ra khỏi Malaysia để trở thành một quốc gia độc lập.

Giữ vai trò lãnh đạo khi đất nước Singapore nghèo tài nguyên thiên nhiên và năng lực phòng thủ hạn chế, ông Lý Quang Diệu đã khởi xướng một loạt kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và cải cách. Những mũi nhọn trong kế hoạch của ông là biến Singapore thành điểm xuất khẩu hàng hóa lớn, nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân, thu hút đầu tư nước ngoài. Mô hình quản lý đất nước của ông luôn được đánh giá hiệu quả, tương tự với cách thức quản lý của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Phải công nhận rằng những gì ông Lý Quang Diệu đã làm với quốc gia nhỏ bé của mình là một phép màu về mặt kinh tế.

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất mà ông Lý Quang Diệu đã làm để phát triển kinh tế là thành lập Ban Phát triển Kinh tế (EDB) ngay từ năm 1961 với mục đích tạo lập nên các chính sách kinh tế quốc gia. Ban đầu, EDB tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất, thu hút vốn đầu tư. Nhiều tập đoàn công nghiệp được thành lập. Chính sách thuế hấp dẫn, chi phí hoạt động thập cùng môi trường nhân công nói tiếng Anh đã thu hút hàng loạt tập đoàn, công ty của nước ngoài ồ ạt đổ đến Singapore làm ăn. Nước này cũng thu hút được hai đại gia dầu lửa của thế giới là Shell và Essco đến xây dựng nhà máy lọc dầu. Đến giữa năm 1970, Singapore trở thành trung tâm lọc dầu lớn thứ ba thế giới.

Với những chính sách sáng suốt của mình, ông Lý từng bước biến Singapore thành trung tâm vận tải và dịch vụ tài chính lớn với một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới.

Ông Lý đã tìm cách để khẳng định vai trò của Singapore bằng cách biến nước này là đầu mối quan trọng trong các lĩnh vực nhất định, huy động vốn đầu tư trong các ngành công nghiệp chiến lược như cảng, vận tải, xây dựng và hàng không, dần dần từng bước giúp các lĩnh vực này hoạt động hiệu quả, có thế mạnh đủ để cạnh tranh với các đối thủ trên toàn cầu, từ đó thu hút hàng trăm công ty phương Tây đặt trụ sở ở Singapore.

Lý Quang Diệu đưa Singapore

Dưới “bàn tay ma thuật” của Lý Quang Diệu, kinh tế Singapore đã khởi sắc rực rỡ

Trong thập kỷ 60 và 70, khi nền kinh tế của các nước châu Á khác chững lại do biến động xã hội và chính trị thì chính phủ Singapore lại tương đối ổn định và thậm chí nước này còn thành lập các khu công nghiệp, trường cao đẳng đào tạo cho người lao động và giảm thuế doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty điện tử, một yếu tố giúp Singapore trở thành một trung tâm xuất khẩu từ đó nâng mức tăng trưởng của nền kinh tế nước này.

Theo Trung tâm Tăng trưởng và Phát triển Groningen, GDP đầu người của Singapore khi ông Lý lên nắm quyền năm 1959 là hơn 2.100 USD, và hơn 2.600 USD vào năm 1965, khi Singapore trở thành quốc gia độc lập. Con số này tăng lên hơn 14.200 USD vào năm 1990, khi ông rời ghế thủ tướng. Năm 2013, Singapore là nước có thu nhập đầu người đứng thứ ba thế giới. “Ông Lý Quang Diệu là người giúp thúc đẩy các phép màu kinh tế châu Á”, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng phát biểu vào tháng 10/2009.

Để nói về thành công kinh tế của Thủ tướng Lý Quang Diệu, có thể nhắc đến những tập đoàn, công ty được thành lập dưới thời ông mà nay đã trở thành những cái tên lừng danh thế giới. Năm 1968, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) được thành lập và nay, DBS trở thành ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á. Năm 1972, Singapore Airlines ra đời và hiện là một trong 5 hãng hàng không lớn nhất châu Á về mặt giá trị thị trường.

Năm 1974, công ty đầu tư của Nhà nước Temasek Holdings được thành lập nhằm quản lý các khoản đầu tư và tài sản của Chính phủ. Ngày nay, Termasek quản lý khối tài sản 162 tỷ USD, với CEO là bà Ho Ching, vợ của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Còn năm 1981, Singapore khai trương sân bay Changi và ngày nay thành một trong sân bay quốc tế hàng đầu thế giới.

Trong 31 năm đảm nhận vị trí lãnh đạo đất nước, ông Lý Quang Diệu đã có công đem lại cho Singapore mức tăng trưởng kinh tế vũ bão, đưa Singapore trở thành một trong những cường quốc kinh tế của châu Á, là hình mẫu của thế giới về quản lý đất nước. Singapore cũng được bầu chọn là quốc gia sạch nhất, có chỉ số hạnh phúc thuộc hàng cao nhất thế giới, người dân Singapore có thu nhập, phúc lợi thuộc hạng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu luôn được người dân Singapore hết lòng tôn kính và được gọi với cái tên trìu mến “người cha của đất nước Singapore”.

Trong thời gian cầm quyền, tuy ông Lý luôn chú trọng vào kinh tế nhưng vẫn kết nối lĩnh vực này với các mặt khác của đất nước. Song song việc phát triển kinh tế, ông định hướng xây dựng Singapore với hình ảnh là một “Thành phố vườn” với bạn bè quốc tế, điều này vẫn được duy trì đến ngày nay.

Ngay sau khi Singapore thông báo cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu qua đời sáng sớm 23-3, nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn và ca ngợi ông Lý.

Khi hay tin ông Lý Quang Diệu từ trần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Thủ tướng Lý Hiển Long và người dân Singapore: “Một chính khách có tầm nhìn xa, một con sư tử giữa các nhà lãnh đạo, cuộc đời của ông Lý là những bài học giá trị cho tất cả mọi người. Tin tức về sự ra đi của ông thật đáng buồn”.

Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì tôn vinh những thành tựu mà ông Lý Quang Diệu đã đạt được trong công cuộc biến nước này thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới.

Bà Lagarde chia sẻ: “Tôi buồn rầu khi hay tin ông Lý Quang Diệu, người cha của Singapore đã qua đời. Ông Lý là một chính khách có tầm nhìn xa và kiên quyết đấu tranh vì nhân tài, nền giáo dục hiệu quả và từ đó biến Singapore thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng ca ngợi ông Lý Quang Diệu: “Ông ấy là một người khổng lồ thực sự của lịch sử, sẽ được nhiều thế hệ nhớ tới với tư cách là người cha sáng lập đất nước Singapore hiện đại và là một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất của châu Á”.

Kiều Hương

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.