“Giá xăng không những không tăng, mà còn có thể giảm nếu tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Sáng hôm nay (10/)3, Ủy ban thường vụ đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với một số mặt hàng. 100% tổng số đại biểu có mặt đã đồng ý tăng thuế BVMT đối với mặt xăng từ 1000đồng/lít lên 3000đồng/lít, không tăng thuế BVMT đối với dầu hỏa.
Sau khi tính toán, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu như sau: Tăng mức thuế BVMT đối với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, tăng 2.000 đồng/lít. Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay, dầu các loại và mỡ nhờn sẽ tăng lên tương ứng, cụ thể:
Xăng, trừ etanol, thuế suất hiện hành 1000 đồng/lít, tăng thành 3000 đồng/lít; Nhiên liệu bay thuế suất hiện hành lên 1000đồng/lít, tăng thành 3000đồng/lít; Dầu diezel thuế suất hiện hành 500đồng/lít, tăng thành 1.500đồng/lít; Dầu mazut thuế suất hiện hành là 300đồng/lít, nay tăng thành 900đồng/lít; Dầu nhờn thuế suất hiện hành 300đồng/lít, tăng thành 900đồng/lít; Mỡ nhờn thuế suất hiện hành 300đồng/kg, tăng thành 900đồng/kg; Riêng mặt hàng Dầu hỏa thuế suất vẫn giữ nguyên như hiện hành là 300đồng/lít.
Tại phiên họp, 100% các đại biểu đã biểu quyết tăng thuế bảo vệ môi trường đối với 6/7 mặt hàng xăng dầu như tờ trình của Chính phủ, và thống nhất không tăng biểu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng dầu hỏa (thuế BVMT đối với dầu hỏa vẫn giữ nguyên như trước đây là 300 đồng/lít). Như vậy, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu tăng từ 600 đồng đến 2000 đồng/lít.
“Giá xăng không những không tăng, mà còn có thể giảm nếu tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. (Ảnh minh họa).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu tăng thuế BVMT lên 1000đồng/lít thì ngân sách nhà nước cũng tăng thêm khoảng 14 – 15 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường sẽ được tiến hành song song với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến giá xăng, dầu trong nước.
Cụ thể, theo cam kết ASEAN, thuế nhập khẩu xăng, dầu của Việt Nam sẽ giảm từ 35% xuống còn 25%, khoản điều chỉnh giảm này thấp hơn khoản điều chỉnh tăng thuế suất bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ 1000 lên 3000 đồng/lít. Do vậy, nếu tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng thì giá xăng không những không tăng, mà còn có thể giảm.
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng có thể đảm bảo phù hợp với giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu, theo Bộ trưởng Tài chính.
Chính phủ dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường năm 2015 tăng thêm do điều chỉnh mức thuế sẽ được điều tiết 100% cho ngân sách trung ương, nhưng UB Thường vụ QH không đồng tình.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để bảo vệ môi trường, không được dùng để bù hay chi vào các khoản khác. Môi trường đang cần tập trung bảo vệ, đây là việc của cả trung ương và địa phương, không thể thu hết về trung ương để bù cho việc giảm thuế nhập khẩu”.
Mức thuế trên sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4 tới.
Ở một động thái khái, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, ở thời điểm hiện tại, tình hình giá bán vẫn đang âm, do giá xăng dầu thành phẩm tăng cao.
Họ không dám chắc khả năng tới đây, giá bán lẻ có tiếp tục đứng yên như 2 kỳ trước hay không.
Theo cập nhật, dầu thô trên thế giới có giảm chút ít trong tuần qua. Ngày 8/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI đã từ đỉnh cao 51,53 USD/thùng hôm 4/3 giảm chỉ còn 50,5 USD/thùng.
Mặc dù vậy, giá các mặt hàng thành phẩm vẫn tăng đều và đã tiến tới ngưỡng 73-74 USD/thùng, cao hơn hẳn ngưỡng 67-68 USD/thùng của 15 ngày trước đó.
Do đó, giá bán lẻ hiện nay đã âm nặng so với giá cơ sở. Cụ thể, giá xăng A92 hiện nay đã bán âm hơn 3.020 đồng/lít, dầu diezen âm 1.465 đồng/lít, dầu hoả âm 1.407 đồng/lít và madut âm 1.983 đồng/kg.
Kể từ 24/2, Bộ Công Thương cho phép xả Quỹ bình ổn với các mức từ 1.350 – 2.448 đồng/kg, tuỳ loại thì giá bán xăng dầu hiện nay vẫn “lỗ”.
Việc giá dầu thô tiếp tục phục hồi nhiều khả năng sẽ làm tăng giá xăng khi Quỹ bình ổn được sử dụng hết.
Đại diện SaigonPetro cho hay, “dự kiến 2 ngày tới sẽ tới kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo, phương án cụ thể sẽ phụ thuộc vào điều hành của Liên Bộ Công Thương-Tài chính. Nếu giá thế giới tăng, chúng tôi cho rằng, hợp lý nhất là vừa xả Quỹ một phần, vừa tăng giá một phần để cân đối.”
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, khi tăng thuế bảo vệ môi trường, thì thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%.
Ông Dũng cho biết thêm, giá xăng dầu bán lẻ tại VN hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng), Trung Quốc, do đó xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là giảm thu một phần ngân sách nhà nước.
Trước đó, dư luận đã dậy sóng khi lo lắng giá xăng sẽ tăng trước đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường.
Trao đổi với PetroNews, ông Nguyễn Việt Khoa (giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, đến thời điểm này, với tình hình giá dầu thế giới chưa có xu hướng tăng mạnh, thậm chí còn giảm nhẹ. Và lý do tăng giá xăng do áp lực tăng thuế bảo vệ môi trường đã không còn. Thì có khả năng một quyết định tăng giá mạnh đối với xăng dầu là khó xảy ra.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-03-10 04:32:23
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/gia-xang-2-ngay-nua-co-tang-manh-a177465.html