Chào các bố, mẹ. Mình năm nay 35 tuổi, tình cờ tham gia nhóm này qua 1 người bạn, 1 người em vì thấy ở đây có nhiều câu hỏi/trả lời rất đang học hỏi, cũng như nhiều kinh nghiệm đã được anh Tùng Lâm đính lên trang đầu rất bổ ích.
Như yêu cầu của 1 số mẹ mình sẽ chia sẻ cách tạo 1 cái xi lanh (hình dưới) dùng để rửa mũi vừa an toàn, vừa dễ làm mà mang lại hiệu quả cao hơn các loại công cụ rửa mũi đang có trên thị trường như Pari (nhà mình trước cũng dùng cái này) hay chai muối sinh lý loại 10ml bán sẵn ở thị trường.
Ưu điểm của cái này so với chai muối sinh lý 10ml mà các mẹ hay dùng là dung tích lớn, lực bơm mạnh nhẹ theo ý mà không phải dùng sức nhiều, không phải bơm nhiều lần khiến con phát hoảng, hạn chế tối đa nước chảy xuống miệng gây sặc và vừa vặn đủ kín cửa mũi để tạo đủ áp lực tống nhầy trong xoang mũi ra ngoài sạch sẽ.
Nhược điểm: nhược điểm duy nhất mình thấy là nó có vẻ hơi to và khó làm bằng 1 tay, nên khi làm có 2 người thì sẽ dễ dàng hơn (cái này cần sự hợp tác của các ông bố). Một người giữ đầu con, chỉnh hướng nghiêng..1 người bơm.
Cách làm như sau:
-Các bạn ra hàng thuốc tây mua 1 cái xi lanh loại 30ml (cái loại mà ở bv họ hay dùng để tiêm kháng sinh cho các con bị nằm điều trị ấy), và 1 cái công cụ rửa mũi 2 dây (cái loại hàng thuốc bán đâu vài chục ấy).
-Giờ các bạn nhìn vào hình xilanh của mình và để ý thấy điểm tiếp giáp nối giữa 2 vật thể: 1 bên là xi lanh, 1 bên là phần đầu bị cắt của phần tiếp giáp mũi con của cái hút mũi nhưng được chừa khoảng 1cm phần silicon hay cao su.
-Bạn nối 2 phần lại với nhau vừa khít là được.
Xong rồi, quá đơn giản phải không nào.
Hướng dẫn sơ qua cách xịt rửa: lúc đầu các bạn áp kín cái đầu công cụ vào lỗ mũi con và bơm với lực vừa đủ nhẹ rồi mạnh dần đều, dứt khoát để nhầy trong xoang mũi được bong ra dễ dàng mà không gây sặc cho con. Lúc đầu sẽ chưa quen, nhưng khi đã quen rồi các bạn (và cả con) sẽ rất thích vì nó chứa được nhiều nước muối hơn nên không phải rửa nhiều lần, lực cũng mạnh hơn nên sạch hơn. Nước bắn ra thành tia lớn nên sẽ hạn chế tối đa lượng nước chảy vào miệng như với các công cụ khác.
Nếu 2 mũi cũng nghẹt nhầy thì xịt bên nào trước cũng được, nhưng nếu bên trái nặng hơn thì xịt từ bên phải và ngược lại.
Rửa xong nhớ vệ sinh lại sạch sẽ bằng nước nóng rồi phơi khô, lần sau khi dùng cũng vệ sinh trước khi rửa (hút nước nóng rồi bơm ra vài lần là được).
Mũi bé nào chỉ có nhầy trong thì rửa xong lấy cái hút mũi khác hút nhẹ qua (hút nhẹ nhé) ở cửa mũi cho khô phần ngoài và ống mũi rồi xịt muối biển (hâm ấm) vào trong mỗi bên mũi.
Còn nếu bé nào có nhầy vàng xanh đặc rồi thì ngoài việc rửa như trên xong các bạn nhỏ thêm nemydexan để hết viêm nhiễm khuẩn (nemydexan không nên dùng quá nhiều và quá 1 tuần nhưng rửa theo cách này thì cũng ít khi bị mũi quá 1 tuần).
Dù mũi có nghẹt hay sổ các bạn cũng không nên dùng mấy cái nhỏ mũi hoặc xịt mũi như Otrivin..cứ kiên trì rửa mũi nước muối sinh lý thôi nhé. Nhỏ Otrivin có thể làm thông mũi, khô mũi tức thì nhưng nhầy sẽ dính lại và nếu có ho thì sẽ khó khỏi, dùng lâu dài sẽ hỏng hết mũi của con. Chắc nhiều bạn đều biết điều này.
Đặc biệt nên rửa trước khi đi ngủ để mũi con được thông thoáng, kiên trì đến khi nào cháu không còn nhầy và khô thì thôi.
Có 1 số bạn băn khoăn sợ cách trên gây viêm tai giữa thì mình có ý kiến thế này.
Có thể các bạn rửa mũi không đúng cách nên gây ra áp lực lên tai, gây ra viêm tai giữa. Như cách rửa bằng lọ nước muối sinh lý 10ml hoặc bình rửa Pari thì khi các bạn bóp lực để rửa sẽ không dứt khoát được 1 lần bóp, nên sẽ xẩy ra tình trạng bóp rồi lại nhả tay ra, điều này vô tình khiến cho công cụ rửa lại thành công cụ hút tạo thành áp lực lâu dần biến thành viêm tai giữa. Nó giống như việc các bạn thường xuyên hút mũi mạnh cho các con vậy, nó cũng tạo ra 1 áp lực mạnh và xẩy ra viêm tai giữa.
Cách dẫn lưu dòng nước để không bị xuống tai:
Các bạn chỉ hơi nghiêng đầu bé để dẫn dòng chứ ko nên ép đầu bé áp xuống sàn như vậy ống tai sẽ thấp hơn mũi và dễ vtg. Nghiêng 1 góc khoảng 45 độ so với hướng 12h theo phương thẳng đứng( như khi mình đứng thẳng và hơi nghẹo đầu ấy). Bơm từ mũi trên chảy xuống dưới. Khi này tai cũng cân bằng hoặc cao hơn mũi, và vì lực bơm 1 lần dứt khoát nên không xẩy ra tình trạng vừa bơm, vừa hút gây nhói đau tai.
1 ngày chỉ cần rửa 1-3 lần thôi là được rồi, không cần rửa nhiều cũng không tốt.
Nếu cách rửa trên gây tốn kém vì phải mua nhiều chai nước muối sinh lý thì tôi hướng dẫn các bạn cách pha nước muối với tỉ lệ 0.9% như nước muối sinh lý. Nước muối sinh lý 0.9% thực chất là 9 gram muối tinh hòa với 1 lít nước.
Cách pha như sau: bạn mua loại muối trắng tinh ở siêu thị (ko mua loại có i ốt nhé) rồi pha 1 nửa thìa cafe tương đương 2.5 gram (loại thìa nhỏ 5gram ấy) với 1 cốc thủy tinh khoảng 250ml nước ấm là được 1 cốc nước muối sinh lý 0.9%. Cái này tương đối thôi nhé vì mình pha bằng tay smile emoticon nhưng bạn có thể nếm thử độ đậm nhạt so với nmsl 0.9% để điều chỉnh (không cần cầu kỳ chính xác tỉ lệ quá đâu, có muối để sát trùng là tốt rồi).
Lưu ý là không được pha đậm quá nhé, không tốt đâu.
Cũng với cách pha này các bạn có thể pha 1 cha nước muối sẵn để các con súc miệng trước và sau khi ngủ dậy, nhưng pha đậm hơn tỉ lệ trên để khi sử dụng ta hòa chung với nước sôi để dùng là vừa (1 thìa cafe 5gram với 250ml nước)
Chúc các bạn thành công. Bạn nào gặp khó khăn khi làm hoặc khi thao tác rửa thì cứ hỏi mình sẽ giúp.
Video hướng dẫn cụ thể
vote cho sáng kiến của bạn này.Mình đã dùng phương pháp này rồi, cực hiệu quả nhé các bạn. Nếu các bạn làm đúng hướng dẫn thì ko bao giờ nước muối vào tai con được đâu. Các bộ mẹ nên làm thử cho bản thân mình trước. khi nào cảm thấy tự tin rồi mới làm cho con. Bắt buộc phải là xilanh 20/30, nếu nhỏ hơn thì lực nước ko đủ để đẩy chất nhầy ra, và đặc biệt là khi nào nước muối phải chảy ra thành dòng ở lỗ bên kia thì mới đúng. và cm chú ý khi nhỏ mũi thì để nghiêng cái xilanh (khoảng 30 độ) (xi lanh để vào sát mé ngoài của sống mũi và hướng sang lỗ mũi bên cạnh) thì đảm bảo nước mũi ko đi vào họng và cũng ko bao giờ lên tai bé được.
Lê Huy Hoàng Chia sẻ cách chữa bệnh cho trẻ không dùng kháng sinh