Nikola Tesla: Vị thầy phù thủy bị quên lãng – P.1
Wednesday, February 25, 2015 21:01
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Ts. Phạm Thùy Dương, biên dịch
Hình 1. Nikola Tesla đưa 500.000 volt xuyên qua cơ thể mình để minh họa một đèn chân không trong một bức ảnh dùng kỹ thuật chồng hình [khoảng 1898]. |
Tóm tắt: Tesla đã chết như một người đàn ông bị quên lãng vì nhiều lý do, bao gồm các biến đổi về tâm lý, sự ghen tỵ của đồng nghiệp và sự lão hóa tự nhiên qua thời gian. Tuy nhiên, hai sự kiện trọng tâm năm 1901, xuất hiện nổi trội hơn các yếu tố khác. Sự kiện đầu tiên liên quan đến tuyên bố kỳ lạ của Tesla về khả năng tiếp xúc với người ngoài hành tinh. Điều thứ hai là một thỏa thuận kinh doanh với J. Pierpont Morgan và sự cạnh tranh gay gắt với Guglielmo Marconi. Bài báo này sẽ dõi theo Tesla thiên tài liên quan đến các sự kiện này, và cũng nhằm tìm kiếm các tài liệu lịch sử chứng minh rằng Tesla đã chịu đựng chứng suy nhược thần kinh vào năm 1906. Do sự thất bại với Morgan, cũng như sự thất bại của xã hội trong việc ủng hộ một người đàn ông đã có những đóng góp thật lớn, các kế hoạch của nhà sáng chế cho một hệ thống phát ánh sáng, năng lượng và thông tin không dây rộng khắp toàn thế giới đã chưa bao giờ thành hiện thực.
Giới thiệu
Nikola Tesla là một trong những nhà sáng chế điện tử vĩ đại nhất của thời hiện đại, người mà công trình cơ bản của ông, gồm có phát minh ra động cơ cảm ứng, hệ thống dòng điện xoay chiều đa pha, đèn huỳnh quang, thiết bị điều khiển từ xa và trí thông minh nhân tạo, là trọng tâm của xã hội kỹ nghệ hiện đại của chúng ta; tuy nhiên rất ít người được nghe đến tên ông. Thậm chí suốt cả cuộc đời của nhà sáng chế, một tác giả đã thừa nhận rằng khi Tesla được đề xuất là người Mĩ gốc Nam Tư vĩ đại nhất còn sống, ông đã “hoàn toàn im lặng… Cái tên của ông thậm chí chẳng có chút quen thuộc trong xã hội” [8].
Mặc dù một số nhà sử học đã viết những cuốn tiểu sử về Tesla cho “Tesla không thể bị quên lãng bởi một thế giới hay quên”[15], thế giới đã lãng quên và có những lý do nhất định giải thích tại sao. William Terbo, cháu trai của Tesla, chủ nhiệm của Hiệp Hội Tesla, đã nói rằng một nguyên do chính của việc không công nhận tên của chú ông là bởi vì không có một tập đoàn nào được gắn liền với nó. Mặc dù là một yếu tố góp phần vào, nhưng điều này không trả lời đầy đủ câu hỏi bởi vì cũng không có tập đoàn nào gắn liền với tên tuổi của những nhà sáng chế tương tự mà chúng ta vẫn nhớ đến như anh em nhà Wright, Cyrus McCormick hay Eli Whitney.
Năm 1983 tôi đã thực hiện một khảo sát việc nhận ra tên một số nhà sáng chế quan trọng đối với 169 sinh viên chuyên ngành điện – điện tử đang học tại các trường Cao Đẳng Cộng Đồng Bristol (Massachusetts, Hoa kỳ – 80 sinh viên), Đại Học Rhode Island (43 sinh viên), và Cao Đẳng Cộng Đồng Nassau (Long Island, New York – 46 sinh viên). Kết quả cuộc khảo sát cho thấy chỉ 28 người tham gia (17%) đã nhận ra tên của Tesla, trong đó 49 sinh viên (28%) đã xác định chính xác Marconi và 159 sinh viên (91%) biết đến Edison. Trong khi 24 sinh viên của nhóm kỹ thuật điện Đại Học Rhode Island (55%) biết Tesla là ai, sinh viên không thuộc nhóm kỹ thuật đã không có ai có thể nhận ra tên của ông [37].
Hơn nữa, trong 13 cuốn sách giáo khoa về lịch sử các sáng chế (được liệt kê trong mục lục tài liệu tham khảo), mặc dù Edison đã xuất hiện trong tất cả và Marconi trong hầu hết các tài liệu, tên của Tesla chỉ xuất hiện trong 5 cuốn sách, và trong đó chỉ có 3 (23%) đã giải thích sự đóng góp của ông một cách rõ ràng [37, 4, 5, 7, 8, 12, 13, 17, 18, 20, 24, 26, 45, 48]. Trong khi hầu hết các bài viết về Tesla chấp nhận trạng thái mập mờ về ông như một điều đương nhiên, không có một nỗ lực toàn thể nào để cố gắng giải thích các lý do tại sao. Bài viết này cố gắng phân tích các nguyên nhân chính.
Hình 2. Mẫu tiêu đề nhấn mạnh nhiều thành tựu của Tesla
Lịch sử
Vào năm 1888, Tesla đã giới thiệu đến thế giới hệ dòng điện xoay chiều đa pha. Trước sáng chế của Tesla, dòng xoay chiều tự nhiên được chuyển đổi thành một chiều bằng một thiết bị không hiệu quả được gọi là máy chỉnh lưu (“commutator” – một chuỗi các chổi dây). Sự tổn thất năng lượng trong máy chỉnh lưu là rất lớn, vì thế, các máy phát điện chỉ có thể tải điện khoảng một dặm, và như vậy chỉ chiếu sáng được các hộ gia đình.
Sau sáng chế của Tesla, điện năng có thể được truyền tải đến hàng tram dặm; bởi vì nhà sáng chế đã nghĩ ra một cách thức tổ chức cho hai (hoặc nhiều hơn) dòng điện lệch pha với nhau để chúng tạo ra một trường điện từ xoay trong không gian. Một nam châm tiếp nhận được đặt trong trường điện từ này có thể quay một động cơ mà không dùng đến máy chỉnh lưu. Ông cũng đã giải thích hiệu ứng này bằng toán học. Hầu như chỉ trong 24 giờ, phát minh của Tesla đã tạo ra một bước nhảy rất lớn trong kỹ nghệ điện.
Vài năm trước đó, Tesla đã đưa hệ thống mới này cho Thomas Edison, người đã tuyển dụng Tesla sau khi ông di cư sang Mĩ. Rủi thay, Edison là một người chuyên về điện một chiều (DC) và thận trọng với dòng điện xoay chiều cao tần, cái mà ông cho là trái ngược và nguy hiểm. Tuy nhiên, George Westinghouse, một đối thủ của Edison competitor [33] và là người nghiệp dư về các thiết bị điện xoay chiều đã nhận ra tầm quan trọng của sáng sáng chế ôn Tesla và liền sau đó đã mua lại phát minh này với giá gần một triệu đô la cộng với tiền bản quyền.
Hình 3. Hệ điện đa pha của Tesla đã được sử dụng để chiếu sáng Hội Chợ Thế Giới Chicago năm 1893… một sự kiện xã hội và văn hóa cực kỳ được ưa chuộng và có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Hàng triệu người Mĩ đã tham dự Hội Chợ trong suốt thời gian tồn tại sáu tháng của nó bên bờ Hồ Michigan, và thêm hàng triệu người nữa đã sống với di sản của nó trong suốt thế kỷ hai mươi và đến thế kỷ hai mươi mốt.
Westinghouse đã không chỉ đơn thuần mua một thiết bị không dùng đến máy chỉnh lưu, ông còn có được bản quyền cho toàn bộ một hệ thống năng lượng phức tạp đến nỗi nó đã phải được chia thành bảy phát minh riêng và 40 bằng sáng chế! Trong gói này gồm có các phát minh như:
· a. cuộn dây Tesla
· b. máy phát dòng điện xoay chiều
· c. các động cơ cảm ứng đồng bộ và phụ thuộc tải.
· d. từ trường xoay chiều, một quy tắc hoàn toàn mới đằng sau hệ đa pha.
Đến năm 1895 sáng chế của Tesla đã được sử dụng thành công ở Thụy Sĩ, Đức và Anh, tại Hội Chợ Thế Giới Chicago và Thác Niagara. Nó cũng là các phương tiện cho phép chế tạo thành công hệ thống đường sắt điện. Ngày nay, hầu như mỗi trạm điện năng trên hành tinh đều hàm ơn khai sinh nhờ Tesla, vì phát minh của ông đã được duy trì không thay đổi suốt trọn một thế kỷ sau khi nó ra đời. Chỉ là một cá nhân đơn lẻ nhưng Tesla đã thay đổi tiến trình lịch sử một cách đáng kể.
Mặc dù ông là một nhân vật rất nổi tiếng trong suốt Thời Đại Vàng (Gilded Age), một ngôi sao trên trang nhất của các tờ báo The New York Times, Review of Reviews, Colliers, Electrical World & Engineer và The Century, Tesla đã chết trong quên lãng. Mỉa mai thay, phần lớn các bạn bè và đồng nghiệp của ông vẫn là những nhân vật lịch sử được ghi nhận. Những danh nhân đó bao gồm nhà văn Mark Twain, người đã được chụp hình trong phòng thí nghiệm của Tesla năm 1894, George Westinghouse, Thomas Edison, Rudyard Kipling, John Jacob Astor (người tài trợ cho Tesla và duy trì một nơi cư trú cho ông ở khách sạn 5 sao Waldorf Astoria), Stanford White (kiến trúc sư và nhà thiết kế nổi tiếng của tháp truyền điện bạc mệnh Tesla ở Wardenclyffe), và J. Pierpont Morgan, đối tác kinh doanh của Tesla năm 1901, và cũng là người đàn ông giàu nhất và quyền lực nhất thời bấy giờ. Tesla không phải là một nhà phát minh ẩn sĩ bí mật; ông là một người có học thức lịch lãm thuộc tầng lớp tinh hoa xã hội của thập kỷ 1890.
Câu chuyện về sự suy giảm danh tiếng của Nikola Tesla kết hợp những bằng chứng tâm lý và lịch sử [32], [34], [37]; bởi vì dường như dù ông là tác giả không bàn cãi của hệ thống điện được sử dụng ngày nay, và các phát minh khác của ông bao gồm truyền thông không dây (ví dụ như máy vô tuyến điện), đèn neon và đèn huỳnh quang, thiết bị điều khiển từ xa, và robot, ta sẽ nghĩ rằng mỗi đứa trẻ lớn lên biết đến tên của Tesla, cũng giống như chúng biết đến Newton, Galileo, Edison, Henry Ford hay Marconi.
Ta cũng sẽ nghĩ rằng mỗi kỹ sư điện sẽ biết Tesla là ai, nhưng thực tế không nhiều người biết.
Hình 4. Dòng điện áp cao đi qua cơ thể trước khi nó kích hoạt các ngọn đèn đốt cháy. Vòng lặp được sắp xếp trong cuộn dây cộng hưởng bởi nhà văn Clemens (Mark Twain) Từ tạp chí Thế Kỷ (Century Magazine), tháng 4 năm 1895.
Để giải thích tại sao như vậy, hai sự kiện quan trọng sẽ được bàn luận, cả hai đều lên đến đỉnh điểm vào năm 1901: mối quan hệ Tesla/Morgan và niềm tin của nhà sáng chế vào khả năng truyền thông liên hành tinh. Cả hai đều liên hệ mật thiết đến sự suy sụp của nhà phát minh vĩ đại này.
Niên biểu mối quan hệ Tesla/Morgan
Năm 1884 Tesla đã đến Mĩ để làm việc cho Thomas Edison. Vào thời điểm đó Morgan đã có liên hệ về tài chính với “Phù Thủy Công Viên Menlo” qua hơn bốn năm. Quả ra, Morgan là công dân cá nhân đầu tiên trong lịch sử có được ánh sáng điện trong nhà của mình [29]. Năm 1891 Morgan đã đẩy Edison ra khỏi công ty Edison Electric của mình bởi vì nhà phát minh đã gây ra một món nợ lên đến 3,5 triệu đô la [16]. Bằng cách sáp nhập công ty với Thomson-Houston, General Electric (GE) đã ra đời.
Lúc đó chỉ có một vấn đề: GE cần hệ thống đa pha của Tesla. Các kỹ sư của Morgan như Steinmetz và Thomson biết rằng, về lâu dài, họ khó có thể sống sót với các máy phát điện một chiều ban sơ của Edison. Vì thế Morgan đã tiếp cận Westinghouse vào giữa thập kỷ 1890 để giao dịch các quyền về bằng sáng chế xe đẩy Vanderpoel lấy hệ thống đa pha của Tesla [27]. Do các ràng buộc của hợp đồng của Tesla với Westinghouse, nhà phát minh đã không nhận được lợi nhuận trực tiếp từ phi vụ thương mại khổng lồ này.
Hình 5. Chiếc telautomaton thực tế đầu tiên. Một thiết bị có tất cả trong nó những chuyển dịch và vận hành của một cơ chế bên trong được điều khiển từ xa không dây. Tesla đã trình diễn nó vào năm 1898 ở Khu Vườn Quảng Trường Madison!
Vào năm 1898, Tesla đã chế tạo và trình diễn tại nhà thi đấu Madison Square Garden (Boston, Hoa kỳ) chiếc thuyền nhỏ có thể bắn ngư lôi điều khiển từ xa. Nhà thi đấu Madison là một kiến trúc đồ sộ và vĩ đại được thiết kế và điều hành bởi kiến trúc sư Stanford White. Chiếc máy này, mà Tesla gọi là teleautomaton, chứa đựng tất cả các nguyên tắc của máy vô tuyến điện, hoạt động điện tử ở khoảng cách xa và cũng là một robot. Báo chí đã gọi sáng kiến này là một “tàu ngư lôi không có thủy thủ đoàn” [38].
Năm 1899, sau khi chuyển đến Colorado Springs để xây dựng phòng thí nghiệm truyền điện không dây nhằm để gửi các xung điện khắp toàn cầu, Tesla đã gửi những bức ảnh điện tử tuyệt vời (vào ngày 29 tháng 10) đến nhà tài trợ của mình, John Jacob Astor và những người bạn thân như R.U. Johnson (biên tập của tạp chí Thế Kỷ – The Century), vợ ông (bà Kathryn Tesla) và Stanford White [42/Scherf]. Vì Morgan đang làm việc với McKim của công ty kiến trúc McKim, Mead & White, về việc xây dựng Thư Viện Morgan Library vào thời điểm đó, và cả hai Morgan và White là hai người trọng yếu trong Khu Vườn, cũng rất có thể là White đã đưa những tấm ảnh này cho Morgan xem.
Tuy nhiên, trong khi Tesla đang ở miền Tây nước Mỹ và mất liên lạc với New York, Marconi đã bắt đầu tạo ra một danh tiếng trên toàn thế giới. Chính trong những tháng đó, các thí nghiệm ngoạn mục của Tesla, bao gồm cả việc tạo ra những tia chớp hơn 30 m, nhà phát minh trẻ người Ý (Marconi) đã chiếm ngay trang nhất của tờ The New York Times với việc phủ sóng không dây những chiếc du thuyền trong cuộc thi đua America Cup. Tesla đã ý thức khá rõ về sự trùng hợp này vì người thư ký/quản lý George Scherff, người đã coi sóc phòng thí nghiệm ở thành phố New York vào thời điểm đó, đã viết cho ông vào ngày 2 tháng 10 năm 1899 rằng “The New York Herald tiếp tục thổi bùng Marconi” [42].
Morgan, một thành viên của Hiệp Hội Du Thuyền New York, chắc chắn đã rất ấn tượng với thành công của Marconi, và ta có thể nói, khi nhìn lại, rằng sự kiện này cũng đã phủ bóng trước thất bại cuối cùng của Tesla trong cuộc đua không dây. Vì thế, sự trở lại của Tesla về New York vài tháng sau đó vào tháng 1 năm 1900, đã được đón nhận với những cảm xúc lẫn lộn. Suy nghĩ của Morgan về khả năng một sự kết hợp với Tesla thực là cực kỳ phức tạp bởi Tesla vốn đã là một người phức tạp. Vào tháng tư năm 1894, Tesla đã được mô tả bởi một tác giả như là một người mơ mộng nhưng cũng là “một nhà phát minh phi thường từ Thế Giới Phương Đông, người mà có lẽ được trông chờ ít hơn nếu ông cầm một cây đèn thần của Aladin trong tay mình” [25].
Dĩ nhiên là, ta có thể nói rằng bản thân Tesla đã ủng hộ và trên thực tế ấp ủ hình tượng này như trong các bài giảng và các hình ảnh ngoạn mục của ông đã chứng tỏ. Tesla đã sử dụng đầy đủ các mẹo nhiếp ảnh, ví dụ như kỹ thuật chồng hình, và các tuyên bố táo bạo để hỗ trợ cho sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, đầu tiên và trên hết, Tesla là một kỹ sư có tính kỷ luật. Trong khi ở Colorado, nhà phát minh đã thể hiện thành công rằng ông có thể du hành thế giới với các xung điện; ông cũng báo cáo rằng ông đã chiếu sáng các bóng đèn bằng các phương tiện truyền tải không dây cách phòng thí nghiệm của ông khoảng 25 dặm. Sự nghiệp và các kế hoạch cho tương lai của Tesla đã được công bố trong một bài luận 25.000 từ đăng trên tạp chí Thế Kỷ (The Century) vào tháng 6 năm 1900 với tiêu đề “Vấn đề gia tăng năng lượng của con người” [39].
Hình 6. Tesla xuất hiện trong tư thế ngồi tĩnh lặng bên cuộn dây 12 triệu volt ở Colorado Springs… thực sự đây là bức hình dùng kỹ thuật chồng hai lớp (một kỹ thuật mà Tesla thường sử dụng nhiều trong các nghiên cứu của ông).
Nếu Morgan có thể cày xuyên qua 10.000 đến 15.000 từ triết lý, ông đã có thể đọc trong bài luận đó về nguyên lý cộng hưởng (bí mật đằng sau mạch điều chỉnh), chiếc máy teleautomaton và những ý tưởng xuất sắc của Tesla về làm thế nào ông sẽ phân phối điện từ máy phát khuyếch đại của mình. Nói một cách ngắn gọn, Tesla dự định dựng một tháp điện lớn với bề mặt tròn bên trên được trang bị với nhiều đầu nhọn để lưu trữ năng lượng. Chiều cao của tháp được xác định chính xác bằng quan hệ hài hòa của nó với kích thước và các đặc tính điện từ của trái đất.
Chiếc tháp thực sự tại Wardenclyffe cao đến 57 m và sâu đến hơn 36 m, vậy nên tổng chiều dài của thiết bị khoảng hơn 93 m [1], [6], [9], [19]. Dọc theo phần trung tâm của tháp là một cuộn dây sơ cấp và một cuộn dây thứ cấp và các tụ điện nhằm nâng các rung động điện lên đến hàng triệu volt. Thiết bị của Tesla liên quan đến sự truyền tải các rung động điện cao độ vào trái đất và sự tiếp nhận chúng bởi những tháp nhận tương tự được phân phối ở bất kỳ điểm xa xôi nào trên địa cầu.
Hình 7. Phòng thí nghiệm trên cao của Tesla ở Colorado Springs. Phần lớn các công trình gây tranh cãi của Tesla bao gồm các thử nghiệm thí điểm về truyền tải năng lượng không dây đã được diễn ra ở đây.
Không khí lỏng ở nhiệt độ -197°C [44; US Patent 685,012], được tạo ra bởi các bộ dao động cơ của Tesla [44; US Patent 5141,68], sẽ được dùng để tạo nên một “lỗ chìm” [39] để thu hút các sóng đứng lan truyền; và đồng thời, nhiệt độ cực kỳ thấp sẽ làm tăng thêm cường độ, độ phóng đại và thời gian của các dao động bắt được một cách lạ thường. Rất có thể, Tesla cũng đã sử dụng nguyên lý siêu dẫn – một điều có khả năng chuyển hóa đáng kể bản chất của các năng lượng đi vào. Lịch sử lĩnh vực siêu dẫn có nguồn gốc của nó vào đầu những năm 1900 [3].
Các xung truyền, về mặt toán học được điều chỉnh đến một tần số cộng hưởng hay dòng điện của trái đất sẽ “quay trở lại … từ những biên giới xa xôi của trái đất” và tràn lên các tháp tiếp nhận nơi mà năng lượng có thể được lưu trữ trong các đỉnh hình củ hành hay truyền đến các thiết bị cơ khí bằng nhiều cách khác nhau bao gồm truyền năng lượng theo các đường thẳng xuyên qua không gian, bằng các sợi dây, bằng thiết lập luân phiên giữa mặt đất và trạm cuối trên cao hoặc bằng cách chuyển hóa năng lượng đến các tần số cao hơn và phân phối chúng thông qua môi trường tự nhiên [44; US Patent 685956].
Trong bài báo trên tạp chí Thế Kỷ (The Century), từ trang 199 đến 205 [39] đã nói đến việc Tesla dự định bơm năng lượng từ trái đất bằng cách chuyển đổi chúng thành một dạng khác. Để giúp chúng ta hình dung được vấn đề, ông đưa ra một ý tưởng tương tự về việc dùng điện phân để chuyển hóa nước thành hydrogen và oxygen khi nó đi qua một thùng chứa (đặt ở dưới đáy một cái hồ). Nếu hệ thống hoàn hảo, thùng chứa sẽ không bao giờ đầy và dòng nước đi vào có thể được khai thác, sẽ gần như chạy mãi (hoặc cho đến khi nguồn cung cấp cạn kiệt). Tesla tuyên bố rõ ràng rằng điều kiện lý tưởng đó không thể đạt được. Nguyên lý này, tuy nhiên, xuất hiện khá vững vàng, các thiết bị cộng hưởng và điều kiện cực lạnh (có lẽ như siêu dẫn) sẽ thu hút năng lượng và các máy truyền điện khuếch đại sẽ chuyển đổi nó để phân phối.
Hình 8. Chữ ký phía trên Tesla ký ngay sau chuyến trở về thắng lợi của ông từ Colorado Springs cho thấy sự bay bổng và tự đại. Chữ ký bên dưới cho thấy tâm trí nghiêm trang hơn, được viết sau khi Tesla nhận thức rằng Marconi đã cướp những ý tưởng của ông.
Dù ông vẫn còn một chút nghi ngờ, Morgan đã bị ấn tượng, và vào những tháng cuối của năm 1900, Tesla được mời đến nhà Morgan trên đại lộ Madison nơi ông đã làm gia đình đó thích thú với những thiết bị tĩnh điện và không dây thú vị. Tesla cũng đã gặp gỡ người bạn Ann của mình, con gái Morgan, và thảo luận về một mối hợp tác tiềm năng với nhà tài chính đại gia. Trùng hợp thay, vài tháng trước khi Tesla hoàn thành thỏa thuận tiền bạc với Morgan, ngay trước khi chuyến trở về thắng lợi từ Colorado, chữ viết tay và chữ ký của Tesla bắt đầu thể hiện những kiểu cách kỳ lạ.
(còn tiếp)
Marc J. Seifer
Box 32 • Kingston, RI 02881
mseifer@cox.net
+1(401) 294-2414
Tạp chí ExtraOrdinary Technology
(Volume 4, Issue 1; Jan/Feb/Mar 2006)
Theo http://www.nangluongmoisaigon.org/tesla—th7847y-phugrave-th7911y-b7883-quecircn-latildeng.html
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo