ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Lễ hội chém lợn : Liệu người lớn có thực sự lo cho trẻ em?
Tuesday, February 3, 2015 21:29
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Gần đây có cuộc tranh cãi gay gắt quanh lễ hội chém lợn, Zeronews giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Phạm Khánh Sơn. Mời độc giả cùng tranh luận.
Một số người bày tỏ quan điểm lo lắng cho con trẻ khi tồn tại một lễ hội đầy tính bạo lực, dã man như lễ hội chém lợn. Tuy nhiên, trong những bức hình và clip đó, tôi lại thấy rất ít bóng dáng trẻ em trong đó. Và chính xác là người lớn đang tự phát tán cho nhau, đang tự nhân rộng nhưng lại cho rằng những hình ảnh này tác động tiêu cực tới nhận thức của con trẻ.
B4INREMOTE-aHR0cDovLzIuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1adi1SMXZrUTktdy9WTkdlVmFGTko1SS9BQUFBQUFBQVRYcy9ZeVhpeGZwOVNldy9zMTYwMC9sJUUxJUJCJTg1JTJCaCVFMSVCQiU5OWklMkJjaCVDMyVBOW0lMkJsJUUxJUJCJUEzbi5qcGc=
Văn hóa nói chung và những tập tục nói riêng là thứ được hun đúc từ hàng trăm năm, thậm chí nghìn năm, chứ không phải là thứ nhất thời có được. Tập tục không ngẫu nhiên sinh ra và tồn tại bền vững đến thế, và chắc chắn cũng không ngẫu nhiên mất đi một cách chóng vánh đến thế, chỉ bởi một vài lập luận cứng nhắc, và lý thuyết sáo rỗng.
Chúng ta hướng tới văn minh, nhưng điều đó không có nghĩa là phải a dua với những giá trị văn minh mà chính bản thân chúng ta cũng chưa hiểu tường tận về nó. Văn hóa ngấm dần qua ngày tháng vào máu, vào thịt, vào hơi thở, vào tâm hồn, chứ văn hóa chắc chắn không thể là thứ có được chỉ với vài ba tuyên bố nhân danh tổ chức này nọ.
Mỗi nền văn hóa đều có đặc trưng riêng, chẳng hạn như comple – cravat là thứ trang phục văn minh, nhưng ai dám chê khăn đóng áo dài của dân tộc Việt Nam là phản văn hóa, và lạc hậu, và chối bỏ nó? Đôi đũa tre tượng trưng cho một nét nguồn cội làng quê lúa nước, nó chắc chắn khác hẳn với dao, nĩa của người phương Tây, nhưng ai dám bảo nó là phản văn hóa, và lạc hậu, và chối bỏ nó?
Quay trở lại lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, tôi vừa thấy vui vừa thấy buồn khi đọc những ý kiến lên án sự kiện này. Vui vì ở đâu tôi cũng thấy trẻ em của chúng ta được đưa lên hàng đầu trong mọi tranh luận, người ta lo lắng cho sự tác động tiêu cực lên tâm hồn con trẻ, người ta thể hiện thiện tính của mình trong việc xót thương cho cái chết của những chú lợn trong lễ hiến tế. 
Nhưng, tôi buồn vì tôi biết rằng, một khi đã phải viện dẫn những điều như thế, tức là chúng ta đã hết lý lẽ và sử dụng chúng như một điều ngụy biện cuối cùng, để biện minh cho cái tôi adua và vị kỷ của chính mình!
Tại sao lại adua và tại sao lại vị kỷ? Adua vì đã từ lâu, chúng ta bị cuốn vào những phát ngôn mang “dáng dấp” văn minh mà không hề có một sự kiểm chứng hay cân nhắc thấu đáo. Chưa bao giờ khái niệm “thấy người sang bắt quàng làm họ” lại phổ biến như thế này trong vấn đề nhận thức. Chúng ta dễ bị lôi cuốn bởi đó là một tổ chức quốc tế, hay một vài cá nhân nổi trội trong xã hội, hay một vài tờ báo đình đám khéo léo kích thích tâm lý “bắt chước văn minh” của chúng ta, mà quên rằng không kiểm chứng lại nhận thức của chính bản thân mình, đặc trưng của chính bản thân mình là như thế nào?
Chúng ta không yêu trẻ con để đến mức độ phải phẫn nộ như thế, tôi tin chắc chắn điều đó. Vì nếu điều này là có thật, hẳn chúng ta đã không phải chứng kiến bao nhiêu trường hợp ngược đãi trẻ con trong bao nhiêu năm qua? Tình yêu này nếu có thật, vẫn chỉ là thứ tình yêu được thể hiện bằng ngôn ngữ và bàn phím trên báo chí và trên mạng ảo, chứ có vẻ như khá tiết kiệm ở đời sống thường ngày.
Vị kỷ là bởi, hàng ngày chúng ta vẫn đang dùng thịt lợn như một thức ăn chủ đạo trong gia đình, điều này là hiển nhiên và phải khẳng định rằng dân tộc này đã tồn tại được bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm chúng ta dùng …thịt lợn, đó là bất biến, cha ông chúng ta đã dùng, chúng ta dùng, và chắc chắn con cháu chúng ta còn dùng vĩnh viễn, nhưng vào ngay lúc này, tự nhiên lại có một khoảnh khắc chúng ta đưa miếng thịt lên miệng và lại nhỏ giọt nước mắt khóc thương nó, và chúng ta tự hào rằng mình là người văn minh?
Chúng ta bảo, ừ, nhưng nên giết thịt nó kín đáo, và nhẹ nhàng, mà quên mất rằng đây là một lễ hội hàng năm mới có một lần, đây là lễ hội của cộng đồng và nó phải thuộc về cộng đồng, và con lợn lúc này là vật hiến tế trong lễ hội đó! Lưu ý rằng hiến tế là một thứ văn hóa đã tồn tại từ rất lâu đời và có mặt ở bất cứ quốc gia nào chứ không phải chỉ mỗi chúng ta, và đã là lễ hội, chắc chắn nó phải khác với các hoạt động đời sống thường ngày. Thực ra cũng đã rõ, không ai bố trí lò mổ gần trường học cả, không ai xách lợn ra giữa đường để mổ cả, luật pháp không cho phép điều đó, cộng đồng không chấp nhận điều đó.
Hãy yêu thương con trẻ của mình một cách thiết thực và nhân văn hơn. Thay vì bị cuốn vào những hình ảnh giết lợn trong lễ hội, chúng ta hãy giảng giải cho trẻ về khái niệm văn hóa hiến tế, về những tập tục mà cha ông ta đã sáng tạo và bảo tồn, về nét đẹp của nó. Trẻ con như một tờ giấy trắng, và chúng ta đều biết với nhau rằng, chính sự chân thành chúng ta, chính nhận thức và tư duy, và tình yêu của chúng ta mới là yếu tố tiên quyết để vẽ nên bức tranh tâm hồn của trẻ, chứ dứt khoát không thể bởi vài ba hình ảnh đang được truyền nhau trên mạng như thế!
Phạm Khánh Sơn/ Vietnamnet
Lễ hội chém lợn: Dã man hay không dã man?
Gần đây có cuộc tranh cãi gay gắt quanh lễ hội chém lợn, TTOL giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Bùi Chọn Lọc. Mời độc giả cùng tranh luận.
Năm 2013, bộ phim Hunger Games của Mỹ bị cấm chiếu tại Việt Nam dù nhiều nước cho phép. Ngay cả bộ phim Việt Nam “Bụi đời chợ Lớn” cũng không qua nổi vòng kiểm duyệt của Cục điện ảnh để ra rạp. Không phải do yếu tố chính trị. Không phải do nội dung đồi truỵ. 
Chính bởi vì nội dung của chúng quá bạo lực khi hàng chục người giết lẫn nhau để tồn tại hay hàng trăm người của hai băng đảng vác dao kiếm lao vào quyết ăn thua đủ trên phố.
Như vậy rõ ràng cơ quan có thẩm quyền về văn hoá, nơi có trình độ chuyên môn rất cao ở nhiều lĩnh vực đã rất quan tâm những hình ảnh bạo lực như vậy tác động xấu tới nhân cách con người. Theo Zing News, ông Phan Ðình Tân – Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL cho biết: “Bộ VH-TT&DL không ủng hộ những hành vi có tính chất bạo lực, man rợ tại các lễ hội như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.
Vậy tại sao Bộ và Sở Văn Hoá – Thể Thao – Du Lịch tỉnh Bắc Ninh lại không phúc đáp lại thư của tổ chức Động vật Châu Á (AAF)?
Lễ hội Chém lợn được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, tại thôn Ném
Đây là một lễ hội truyền thống lâu đời
Để bác bỏ một lễ hội truyền thống lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống của một địa phương không phải là câu chuyện đùng một cái làm theo đề xuất của một tổ chức nào đó. Nhất là khi nó gắn liền với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc và gắn liền với một vị tướng và đội quân đã có công chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ là điều nên làm.
Bà Nguyễn Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, cho rằng có nhiều cách giáo dục và thay thế bằng những hoạt động khác dường như là một phát biểu chưa thoả đáng. Nếu cái gì ta cũng thay thế thì dần dà chúng ta sẽ giữ lại được điều gì? Đồng bào Tây Nguyên thay vì đâm trâu thì đua trâu và nhân dân Bắc Ninh thay vì chém lợn sẽ vật nhau với lợn chăng? Bà có nói đến việc giết mổ không gây đau đớn cho động vật thì rõ ràng đâm trâu một nhát vào tim, chặt phăng thủ cấp lợn sẽ dẫn tới cái chết nhanh chóng hơn hẳn so với đưa chúng vào phòng hơi ngạt như phương Tây. Hay bà đề cập tới chuyện chọc tiết từ từ chảy để đánh tiết canh?
Việc có những hành vi đối xử tàn tệ với động vật hay mang tính chất man rợ gây tác động tâm lý tới người xem sẽ cần điều chỉnh. Tuy nhiên cái nào cần điều chỉnh và điều chỉnh thế nào thì cần có nghiên cứu. Đây là việc mà đáng lẽ các cơ quan văn hoá của tỉnh Bắc Ninh đã phải làm từ lâu chứ không phải đợi AAF lên tiếng.
Thói quen nuôi và giết mổ động vật của Việt Nam khác phương Tây
Không như các nước phương Tây, dân chúng ở Việt Nam hiện vẫn giữ thói quen giao tiếp xã hội khá thân mật trong cộng đồng. Việc tiếp xúc, trò chuyện cởi mở và thậm chí là ăn uống với nhau diễn ra rất thường xuyên. Có thể vì vậy nên vai trò của vật nuôi để làm bạn không cao. Mốt nuôi chó, mèo, chuột để làm bạn cũng chỉ mới có ở các đô thị lớn theo làn sóng văn hoá phương Tây tràn vào. Ở các làng quê, đa phần chúng chỉ được nuôi để giữ nhà, bắt chuột và lấy thịt.
Do đa phần cư dân làm nông nghiệp nên việc giết thịt động vật ngay tại gia đình khá phổ biến. Chúng ta hoàn toàn coi việc giết mổ gà, vịt, chó, mèo, lợn hay trâu, bò để làm thực phẩm là việc đơn giản, nghiễm nhiên và không có gì phải cân nhắc đến chuyện thực thi như thế nào. Bởi nếu không giết mổ thì sẽ rất tốn kém để mua thịt được làm sẵn trong tâm lý nơm nớp lo sợ về an toàn thực phẩm.
Chuyện nhìn chọc tiết chó, lợn với trẻ em ở quê rất phổ biến. Chuyện các em xem bố dìm chết con mèo dưới ao hay mẹ bóp mũi chim bồ câu để mổ thịt là hết sức bình thường. Còn việc giữ hộ con gà để cắt tiết xảy ra gần như cơm bữa. Có hề gì đâu cảnh máu chảy khi mà từ nhỏ ta đã nhìn đến phát nhàm. Bôi máu lợn lên đồng tiền cầu may ở lễ hội đã thấm tháp gì so với việc xơi một bát tiết canh đỏ choét bất chấp nguy cơ bệnh dịch.
Đó mới là cái đáng quan ngại nhất chứ không phải là cái lễ hội kia.
Hoà nhập chứ không hoà tan
Văn hoá là cái gốc của của một dân tộc. Cả nghìn năm dưới ách đô hộ của Trung Hoa, dù chịu bao nhiêu huỷ hoại và sự xâm lăng văn hoá nhưng hồn cốt Việt vẫn được lưu giữ trong các làng quê. Và những người Việt ấy đã giữ lại cho chúng ta nước Việt Nam hôm nay không giống với bất kì quốc gia nào. 
Truyền thống giữ nước, chống ngoại xâm là điều mà thế hệ người Việt nào cũng gửi gắm lại cho những người kế tục. Nhưng chống ngoại xâm bây giờ phải tính tới cả việc xâm lăng về văn hoá. Chúng ta cần cảnh giác cao với những giá trị phương Tây được du nhập vào một cách tinh vi qua những thứ tưởng như rất đạo đức, rất nhân văn. Chính bởi vậy ta tiếp thu cái tinh hoa của họ chứ không vì thế mà xoá bỏ đi cái làm nên bản chất của chính mình.
Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn. Ảnh: Internet
AAF (Tổ chức Động vật châu Á) là một tổ chức phi chính phủ, có quyền truyền bá về ý thức bảo vệ động vật, về hạn chế các hành vi đối xử tàn bạo với động vật nhưng họ không nên phản đối một lễ hội cổ truyền của người Việt.
Đó chẳng phải là đang cố gắng xoá đi những thành trì cuối cùng bảo vệ văn hoá dân tộc trước thứ văn hoá lai căng, kệch cỡm đang tràn ngập ở thế hệ trẻ hay sao?
Nhưng, để thay đổi cho nó nhân văn hơn, thiết nghĩ lễ hội nên giới hạn độ tuổi tham dự. Ta làm với phim được thì tại sao với một hoạt động đời thực thế này lại bỏ qua?


Bùi Chọn Lọc – Vietnamnet
Ẩn ức pha lê
Gần đây có cuộc tranh cãi gay gắt quanh lễ hội chém lợn, TTOL giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Hạ Hồng Việt. Mời độc giả cùng tranh luận.
Ẩn ức pha lê – Cái tên này là do mình đặt, nói về thứ mình nhận ra có ở rất nhiều đám đông, dĩ nhiên có cả đám đông người Việt, nhưng với đám đông người Việt thì nó có phần bản sắc hơn.
Pha lê là thứ lung linh và quyến rũ, đồng thời, dễ vỡ và mong manh. Nó tương đồng với niềm tự hào của chúng ta về chính chúng ta. Chúng ta không thật sự mạnh mẽ như chúng ta vẫn tưởng, ẩn ức pha lê đưa chúng ta về thực tại, luôn cho rằng mình là một đất nước nhược tiểu, dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ chứa yếu tố ngoại.
Sính Mỹ, sính Nhật, sính Isarel là một ví dụ. Giãy nảy lên khi một tổ chức nước ngoài vận động chiến dịch ngăn chặn một tục lệ ở một làng nhỏ lẽ ra không ai quan tâm, là một ví dụ.
Chúng ta hay bị giật mình khi có bất cứ thứ gì viết về đất nước chúng ta bằng tiếng Anh. 10 đặc điểm của người Việt do một viện nghiên cứu xã hội học của Hoa Kỳ nào đó thực hiện cũng vậy. Tin sái cổ và lôi nó ra làm bằng chứng chửi nhau, phê phán nhau. Vấn đề không phải là đúng hay sai, mà là cái cách chúng ta vin vào “cái gì đó” từ nước ngoài nhận xét mình, tức là nó uy tín. Mặc dù chả ai biết Viện nghiên cứu kia ở đâu. Một lời bịa đặt có uy tín, chỉ vì nó đến từ bên ngoài quốc gia, và được viết bằng tiếng Anh.
Tâm thư của du học sinh Nhật nói về thói xấu người Việt cũng thế, không ai biết du học sinh đó là ai, nhưng chỉ cần biết vậy là đủ để lôi lên để chửi chính mình, chửi xung quanh. Cuối cùng, đó lại là tâm thư trong một chiến dịch truyền thông của một nhãn hàng cà phê không tiện nói tên.
Việc một nữ doanh nhân bị đuổi khỏi gian hàng công ty Đức trong một hội chợ tổ chức tại Hồng Kông, chỉ vì mang quốc tịch Việt Nam cũng thế. Thay vì chỉ trích phía gian hàng hội chợ làm ăn không đàng hoàng, phân biệt chủng tộc, ẩn ức pha lê làm chúng ta dễ vỡ, tự nghĩ mình thấp hèn và nhược tiểu, và lại tự chửi mình và chửi người xung quanh. Chỉ nhìn vào những thứ tệ hại rồi nói rằng đất nước đã đến bến bờ của sự tuyệt vọng.
Pha lê tỏa sáng lung linh nhưng có thể vỡ bất cứ lúc nào, đó đâu phải lòng tự hào, đó đơn giản là một ảo giác giả tạo để tự làm vui chính mình thì đúng hơn.
Người Việt Nam không có câu chuyện kể về một dân tộc. Chúng ta nói quá nhiều về lịch sử, nhưng bỏ qua hiện tại và càng không bận tâm đến tương lai. Bỏ qua hiện tại thì lấy đâu ra sự tự tin để mà tự hào.
Như vụ việc chém lợn gần đây nhất, kẻ dã man và tàn bạo không phải là những kẻ chém lợn, mà chính là những kẻ đăng những clip chém lợn lên, là những kẻ lan truyền những hình ảnh man rợ và máu me đó lên các trang mạng xã hội. Lợn vẫn chết nếu không có hội làng chém lợn, đó là một điều khẳng định. Những kẻ ngoại lai kia hiểu điều đó, nhưng họ có lẽ biết về ẩn ức pha lê của người Việt, và đã thành công khi làm dân mình xôn xao và lao đao, chỉ vì con lợn đã bị chết theo một cách khác thông thường.
Nhưng chúng ta không đủ tỉnh táo để nhìn nhận điều đó, rằng đăng một clip máu me lên Facebook để cổ động cho một chiến dịch đánh vào lòng tự trọng của một dân tộc, là một hành vi rất không đàng hoàng.
Hạ Hồng Việt/ Vietnamnet
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.