Gary McKinnon hack NASA để tìm sự thật về người ngoài hành tinh
Thursday, February 26, 2015 20:28
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Năm 2002, hacker Gary McKinnon đã bị Cơ quan chống tội mạng công nghệ cao quốc gia của Anh bắt giữ vì tội đã xâm nhập vào các hệ thống mạng máy tính của Quân đội Mỹ và Cơ quan hàng không vũ trụ NASA. Tuy nhiên, động cơ cuộc tấn công gần đây mới được McKinnon tiết lộ: “Tôi bỏ 2 năm cho việc này để tìm kiếm các bằng chứng hình ảnh về… phi thuyền của người ngoài hành tinh, và công nghệ năng lượng mới”.
Toà án Mỹ hiện đang muốn đưa McKinnon ra xét xử, và nếu bị phán quyết tại Mỹ, hacker này có thể phải đối mặt với mức án lên tới 60 năm sau song sắt .
Hacker Gary McKinnon bỏ 2 năm trời để tìm kiếm bằng chứng về sự sống ngoài trái đất trên hệ thống máy tính của NASA.(Nguồn Getty Images)
Do bị cấm sử dụng Internet, Gary McKinnon đã phải trao đổi trực tiếp với người dẫn chương trình Click của BBC, ông Spencer Kelly để nói về nỗ lực 2 năm đó của mình, trước khi bị dẫn độ sang Mỹ vào thứ 4 (10/5) tới.
Spencer Kelly: Đây là danh sách các tội danh đang cáo buộc anh: Tấn công vào các mạng máy tính của Quân đội Mỹ, Mạng Hải quân, Mạng Không lực Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng, và cơ quan hàng không vũ trụ NASA, cùng với các tội khác nữa. Vì sao vậy?
Gary McKinnon: Tôi đã tìm kiếm các công nghệ bí mật, chẳng hạn như công nghệ UFO của người ngoài hành tinh (cười). Tôi nghĩ đó là những bí mật lớn nhất trên thế giới bởi giá trị có vẻ khôi hài của nó, nhưng đó là một thứ rất quan trọng.
Những người già không đủ tiền trợ cấp để trả hoá đơn nhiên liệu hàng tháng, các quốc gia bị tấn công vì những hợp đồng dầu mỏ cho phương Tây, nhưng trong khi đó, những cơ quan bí mật của một chính phủ lại đang ngồi lên trên công nghệ năng lượng miễn phí đang được giữ kín.
SK: Anh đã cố gắng tìm kiếm những thứ mình muốn tại NASA, Bộ Quốc phòng Mỹ như thế nào?
GM: Không như các thông tin báo chí mà có thể anh tin tưởng, việc xâm nhập không quá cao siêu và xuất chúng như vậy. Tôi tìm kiếm các mật khẩu để trắng (blank passwords – không phải gõ gì, chỉ bấm enter là đăng nhập được), bằng cách viết một script Perl nhỏ gắn vào các chương trình quét mật khẩu trắng của người khác. Nhờ đó, anh có thể quét được tới 65.000 máy tính chỉ trong vòng 8 phút.
SK: Vậy anh đang nói rằng anh đã quét thấy những máy tính có quyền bảo mật cấp cao, quyền administrator, nhưng lại không hề có mật khẩu – Có phải chúng được thiết lập ngầm định ban đầu như vậy?
GM: Đúng, chính xác.
SK: Có phải anh là hacker duy nhất vượt qua được hệ thống phòng thủ quan trọng, nhưng mức kiên cố hơi thấp hơn mong đợi một chút, này?
GM: Anh nói đúng về mức phòng thủ kiên cố, và ở đây chẳng có tuyến phòng thủ nào cả. Đó thực sự là một nơi “vườn không nhà trống” đối với các hacker nước ngoài. Anh có thể chạy một lệnh hệ thống khi anh chui được vào chiếc máy tính có kết nối mạng tới mọi nơi trên thế giới, kiểm tra địa chỉ IP để xem nó có phải là nơi đang hosting một hệ thống mạng quân đội hoặc quốc phòng nào khác hay không.
Mới đây, cơ quan kiểm định quốc gia của Mỹ một lần nữa lại vừa công bố báo cáo cho biết hệ thống an ninh liên bang của họ rất rất yếu kém.
SK: Thế anh đã xâm nhập vào các hệ thống máy tính này trong khoảng thời gian bao lâu? Chỉ một lần duy nhất hay nhiều lần trong hàng tuần?
GM: Ồ không, sao lại ngắn thế. Tôi vào đó trong 2 năm trời liền.
SK: Và anh không hề bị phát hiện trong 2 năm đó?
GM: Đúng thế. Tôi đã rất cẩn thận khi ra vào các hệ thống đó.
SK: Thế anh phải vào lúc nửa đêm à?
GM: Đúng, tôi luôn tận dụng sự khác biệt múi giờ đề qua mặt khâu kiểm soát. Làm điều đó lúc nửa đêm thì sẽ có ít người xung quanh anh. Nhưng có một lần, khi một kỹ sư quản trị mạng nhìn thấy tôi trong hệ thống máy tính đó và chúng tôi đã nói chuyện với nhau qua WordPad. Đó là một chuyện rất lạ kỳ.
SK: Thế anh ta nói gì? và anh trả lời như thế nào?
GM: Anh ta hỏi “Anh đang làm gì vậy?” với một tâm trạng hơi sốc. Tôi trả lời rằng tôi từ Trung tâm bảo mật máy tính quân sự của Mỹ, và anh ta có thể hoàn toàn tin tưởng tôi được.
SK: Thế anh có tìm được thứ mình muốn không?
GM: Có chứ.
SK: Cho chúng tôi biết về nó đi.
Một con chim, hay một chiếc máy bay? Gary đã không thể lấy được bức ảnh mà anh ta nhìn thấy..
GM: Có một nhóm mang tên Disclosure Project (Dự án phơi trần sự thật). Họ đã tổng hợp một quyển sách gồm 400 nhân chứng là các chuyên gia đủ loại, từ những người điều hành không lưu cho máy bay dân sự cho tới những người vận hành hệ thống radar quân sự. Quyển sách này được cung cấp cho những lãnh đạo chịu trách nhiệm quyết định việc có khai hoả các tên lửa hạt nhân hay không.
Họ là những người rất đáng tin cậy hơn tất thảy những người khác, tất cả đều khẳng định là có. Đó là công nghệ UFO, đó là phi trọng lực (anti-gravity), đó là nguồn năng lượng mới có thể khai thác vô tận và không mất tiền mua, và nguồn gốc bên ngoài trái đất của chúng, họ đã “tóm” được phi thuyền và phân tích cấu tạo của nó.
SK: Thế anh tìm được gì bên trong NASA?
GM: Một trong những người đó là chuyên gia về hình ảnh của NASA, và cô ta cho biết trong toà nhà thứ 8 của Trung tâm vũ trụ Johnson, họ thường lọc ra các hình ảnh của UFO từ hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao. Cái mà cô ta đề cập tới ở đó là những thư mục có tên “filtered” (đã lọc) và “unfiltered” (chưa lọc), “processed” (đã xử lý) và “raw” (thô), đại loại như vậy.
Tôi lấy được 1 bức ảnh ra khỏi thư mục đó, và vẫn nhớ rằng lúc đó tôi sử dụng đường truyền Internet dial-up 56k, chậm hơn nhiều lần so với bây giờ vì đó vẫn là thời kỳ của dial-up. Sử dụng một chương trình kiểm soát máy tính từ xa, tôi đã giảm độ chi tiết màu của tấm ảnh xuống chỉ còn 4bit và độ phân giải màn hình rất thấp. Thậm chí khi đã làm như vậy, việc lấy được tấm ảnh đó về vẫn rất khó khăn vì tốc độ đường truyền quá thấp.
Nhưng hình ảnh tôi có được trên màn hình thực sự đáng kinh ngạc. Đó là một thành quả đỉnh điểm trong tất cả những nỗ lực của tôi. Đó là một bức ảnh mà chắc chắn không phải là tác phẩm dàn dựng nhân tạo.
Đó là một vật thể lơ lửng bên trên bán cầu của trái đất, có vẻ giống như một vệ tinh. Nó có hình điếu thuốc cigar với các đường cong tròn cả ở trên dưới, trái phải và hai đầu. Mặc dù là một hình ảnh có độ phân giải thấp, nhưng nó được chụp rất gần.
Vật thể đó được nằm lơ lửng trong không gian, bán cầu của trái đất hiện diện phía bên dưới nó, và không hề có đinh tán, không có vết ghép nối, không có chi tiết nào giống với các chi tiết thông thường được con người tạo ra.
SK: Liệu có phải đó là một tác phẩm sử dụng kỹ xảo đồ hoạ?
GM: Tôi không biết… Với tôi, nó không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người phụ nữ đó đã nói: “Điều đó đã xảy ra, tại toà nhà này, trong trung tâm nghiên cứu vũ trụ đó”. Tôi “truy cập” vào toà nhà đó, trung tâm đó, và nhìn thấy chính xác tấm ảnh đó.
SK: Anh có lưu được bản copy nào của nó không? Nó được download về máy tính của anh chứ?
GM: Không!, chương trình xem đồ hoạ từ xa hoạt động theo dạng “từng khung hình một” (frame by frame). Đó là một ứng dụng Java, nên sẽ chẳng thể lưu tấm ảnh nào về ổ cứng của tôi, hoặc nếu có chăng cũng chỉ là một khung hình tại 1 thời điểm.
SK: Thế anh có lấy được khung hình nào không?
GM: Không.
SK: Điều gì đã xảy ra vậy?
GM: Mỗi khi tôi cắt hình để lấy ra theo kiểu print screen, hình ảnh đều biến mất.
SK: Anh đã xử lý để làm giảm thời gian download tấm ảnh về rồi cơ mà?
GM: Đúng, nhưng tôi đã nhìn thấy bàn tay của anh ta (kỹ sư quản trị mạng) can thiệp vào và ngăn chặn quá trình đó.
SK: Anh có nhận thức được rằng việc anh đã làm là trái với pháp luật, một điều sai trái hay không?
GM: Truy cập trái phép là trái luật, và đó là một điều sai trái.
SK: Anh nghĩ thế nào về việc phải trừng trị thích đáng với những kẻ có hành động tương tự như những gì anh đã làm?
GM: Trước tiên, vì những thứ mà tôi đặt mục đích tìm kiếm, tôi nghĩ tôi đã đúng về mặt đạo đức.. Mặc dù giờ tôi đã ân hận về việc này, tôi nghĩ rằng công nghệ năng lượng miễn phí nên được công bố rộng rãi.
Tôi muốn được xét xử tại nước mình, theo Luật lạm dụng máy tính trái phép (Computer Misuse Act) của anh, và tôi muốn được xem những bằng chứng, hoặc ít nhất là những bằng chứng của người Mỹ để họ đủ sở cứ đòi dẫn độ tôi sang đó. Bởi tôi biết rằng, không hề có bằng chứng phá hoại nào do tôi thực hiện.
GM: Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!.
(*) Chương trình Click của BBC: NASA đã trả lời Click rằng họ không bình luận gì về các vấn đề bảo mật máy tính hay các vấn đề pháp lý liên quan tới vụ việc này. Họ thậm chí phủ nhận cả khả năng từng mô phỏng các hình ảnh để lừa đảo. Cơ quan này cho biết họ đã có một chính sách về không cấm đoán và công bố sự thực đầy đủ, cũng như hiện không có bằng chứng trực tiếp nào về sự sống ngoài hành tinh.
Theo VietNamNet
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo