Gà bơm nước, măng tẩm hóa chất, nầm thối, thực phẩm chức năng giả… là hàng loạt vụ thực phẩm “bẩn” bị cơ quan chức năng thu giữ ngay cận Tết.
Gà bơm nước để ăn gian trọng lượng giữa chợ Hà Nội
Ngày 27/12, Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) cùng Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống (gia cầm sạch) tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phát hiện nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời điểm kiểm tra, nhà chức trách bắt quả tang nhân viên cơ sở bán gia cầm này đang bơm dung dịch chất lỏng vào gà đã qua sơ chế.
Làm việc với cơ quan chức năng, anh Hoàng Văn Điện – nhân viên cửa hàng cho biết mỗi ngày bơm nước cho 20 -30 con gà để chống hao hụt trong quá trình bảo quản và bán có lãi. Nhân viên này khai nước bơm vào gà lấy ở trong chợ, không rõ có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Mục đích của việc bơm nước là để gia cầm sau sơ chế trông đẹp, nặng cân hơn.
Chủ cơ sở kinh doanh “gà sạch” này cho biết, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ vài chục con gà bơm nước. Số gà trên chủ yếu được mua gom ở chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín). Sau khi nhập về, những con gà gầy, gà xấu sẽ được nhân viên “tân trang”.
Gà được “làm đẹp” sau đó được đóng dấu giả của Chi cục thú y hòng qua mặt người tiêu dùng. Chủ cơ sở cho hay dấu kiểm dịch thú y giả mua của một người bán rong. Hành vi lừa gạt người tiêu dùng diễn ra ngay tại khu chợ lớn nhất, nhì ở Hà Nội mà Ban quản lý chợ cũng như chính quyền địa phương không hề hay biết.
Bên trong cơ sở này, đoàn liên ngành còn phát hiện một số lượng lớn gà, vịt đông lạnh bốc mùi. Tất cả số gia cầm này không có hóa đơn chứng từ, không có giấy kiểm dịch, số lượng 514 kg.
Gia cầm không rõ nguồn gốc sẽ bị cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy theo quy định.
Phát hiện 43 tấn măng ngâm hóa chất độc
Chiều 15/1, Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Môi trường (C49B-Bộ Công an) cùng lực lượng Quản lý thị trường 4A, các ban ngành, địa phương phối hợp bất ngờ kiểm tra 3 căn nhà không số của các chủ hộ gồm: ông Ngô Xuân Thái, bà Ngô Thị Đăng và ông Lê Văn Lâm( thuộc khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM); bắt quả tang việc kinh doanh, sản xuất và chế biến măng ngâm tẩm hóa chất, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm(ATVSTP).
Toàn bộ số măng tươi được sản xuất, chế biến theo công thức rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng gồm: măng + hóa chất + nước, ngâm trong vòng 12 giờ, sau đó có thể lưu giữ măng tươi được suốt 2 năm theo lời chủ cơ sở khai nhận. Ghi nhận tại hiện trường, có hàng chục thùng phi nhựa lớn, nhỏ được chứa măng ngâm nước và hóa chất. Đặc biệt, tại cơ sở của hộ ông Lê Văn Lâm, măng được lèn đầy trong các thùng phi nhựa, hoàn toàn để ngoài trời, trên nền đất vườn bụi bậm. Chủ hộ này còn kết hợp chăn nuôi tại khu vườn rất nhiều gia cầm, không khí ẩm thấp và ô nhiễm. Cả 3 hộ trên không trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan tới hồ sơ qui định của cơ quan chức năng về giấy chứng nhận ATVSTP, hay thẩm định cơ sở SX thực phẩm. Nhân viên của 3 hộ này cũng không được tập huấn về ATVSTP.
Các chủ cơ sở khai nhận mua hóa chất trên tại chợ Kim Biên TP HCM với giá 26.000 đ/kg với tác dụng để giữ măng được tươi lâu, trắng, giòn và không bị mất mùi, màu sắc tự nhiên. Khi lực lượng kiểm tra thử lấy ngón tay miết vào hóa chất trắng trên đã có cảm giác ngay tức thì là nóng và rát cho thấy đây là chất tẩy cực độc.Tổng số măng phát hiện tại 3 cơ sở trên là 43.720 kg măng( tức trên 43 tấn), cùng với số lượng hóa chất thu giữ được là 15 kg. Điều đáng chú ý là hóa chất này được đựng trong bao bì có in hình bên ngoài đầu lâu xương chéo, nhưng phần “nhãn phụ sản phẩm” mới là điều khiến đoàn kiểm tra chú ý, tại mục Biện pháp phòng ngừa, ghi: yêu cầu hỗ trợ y tế khi nuốt phải. Sản phẩm Có hạn sử dụng : 2 năm. Nguồn gốc xuất xứ: Trung Quốc.
Bà Ngô Thị Đăng khai nhận về qui trình ngâm, tẩm măng như sau: Măng được thu gom tại Lâm Đồng về, sau đó cắt hết các phần già đi, rửa nước và cắt ngắn cho vừa rồi ngâm trong dung dịch hóa chất trên theo tỉ lệ: 200 lít nước cộng 1 muỗng cà phê hóa chất, dùng ngâm được 2 bao (khoảng 100- 140 kg) trong vòng 12 giờ. Sau đó có thể vô tư giữ từ 1-2 năm để bán dần. Thậm chí măng đã có màu đen kịt ngâm vào hóa chất này cũng sẽ trở nên trắng nõn. Các chủ cơ sở khai nhận, cung cấp măng trên cho rất nhiều chủ hàng tại các chợ trên địa bàn thành phố. Thậm chí các cơ sở Nhà hàng, quán ăn kinh doanh món lẩu dê, thịt cầy…có dùng tới lượng măng nhiều trong chế biến món ăn đều là khách hàng của các cơ sở này.
Trước hết, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ quan ban ngành địa phương cùng phối hợp giám sát, yêu cầu các hộ trên ngưng kinh doanh, sản xuất măng nguy hại trên, thực hiện niêm phong số hóa chất, lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm để làm cơ sở xử lý.
Nầm lợn thối ‘vây’ bữa ăn dịp cận Tết
Khoảng 9h ngày 30/1, tổ công tác của Đội 2 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 Công an Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Công an phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) phát hiện vụ việc trên vào khoảng 9h10 ngày 30/1 tại địa bàn phường Long Biên. Theo đó, vào khoảng thời gian trên, lực lượng công an phát hiện một phụ nữ đi xe máy chở một thùng xốp đằng sau có biểu hiện nghi vấn, nên đã dừng phương tiện để kiểm tra.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong thùng xốp có 80kg nầm lợn. Chủ xe đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa nói trên khi cơ quan công an yêu cầu. Chủ xe nhanh chóng được làm rõ là Vũ Thị Bằng (SN 1974, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). Tiếp tục kiểm tra tại ki ốt Vũ Thị Bằng đang thuê ở địa chỉ tổ 14 phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội), tổ công tác đã thu giữ thêm 6 thùng xốp đựng nầm lợn.
Thông tin ban đầu cho thấy, số nầm lợn được phát hiện là 510 kg, một số đã bốc mùi hôi thối và không có hóa đơn chứng từ. Chủ số hàng nói trên được làm rõ là Vũ Duy Bằng (SN 1981, tạm trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Vũ Duy Bằng khai nhận với cơ quan công an mua số nầm lợn trên từ Trung Quốc, rồi vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội. Về đến Hà Nội, người này thuê ki ốt để chứa hàng. Theo lời khai của Bằng, số hàng này sẽ được tiêu thụ tại một số chợ ở Hà Nội.
Bắt giữ hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả các thương hiệu nổi tiếng
Thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội), đơn vị vừa phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lí kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội kiểm tra, phát hiện và bắt giữ khoảng 15 tấn thực phẩm chức năng giả.
Khoảng 11h ngày 24/1, Đội 4 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp Đội 8 – Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lí kinh tế và chức vụ (Công an TP Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra chiếc xe ô tô Santafe BKS 29A – 768.38 trên phố Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội có biểu hiện nghi vấn.
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe đang chở 170 hộp sữa ong chúa làm giả nhãn hiệu Costa/Royal Jelly 1450.
Tài xế Nguyễn Tuấn Linh (SN 1984), trú tại Khối 12, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An khai nhận hiện đang làm thuê và vận chuyển hàng cho Hoàng Thị Hồng Liên (SN 1982), trú tại Thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An), khi đang trên đường giao số hàng trên cho một đối tượng trên phố Trần Khát Chân thì bị bắt giữ.
Mở rộng điều ra, lực lượng chức năng tiếp tục khám xét khẩn cấp 5 kho hàng của đối tượng Liên tại chợ đầu mối Lim, Tiên Du, Bắc Ninh gồm Kho 24, 25, 45, 46, 47. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ gồm 505 thùng các tông và 14 bao tải thực phẩm chức năng giả các loại, tem nhãn, vỏ lọ…, 6 máy sản xuất, đóng gói thực phẩm chức năng. Tổng cộng, số thực phẩm chức năng giả mà cơ quan công an thu giữ khoảng hơn 15 tấn gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu, tảo Nhật…
Thủ kho hàng là Nguyễn Công Việt (SN 1986), trú tại Thị trấn Lim, Bắc Ninh cũng khai nhận đang làm thuê cho Hoàng Thị Hồng Liên.
Hiện Hoàng Thị Hồng Liên cùng các đối tượng đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã nhập khẩu các viên nang sữa ong chúa, tảo biển, Gulucosamin,… từ Trung Quốc, sau đó in tem giả của các nước Úc, Mỹ, Nhật.. rồi tự đóng gói theo đơn đặt hàng của các cửa hàng thuốc.
Trước đó, trưa ngày 2/8/2013, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Công an Hà Nội đã tiến hành kiểm tra phát hiện và bắt giữ đối tượng Hoàng Nghĩa Dũng (em trai của Liên, SN 1983), quê ở xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của Dũng tại địa chỉ 166B, cụm 13 Thái Hà, Đống Đa (Hà Nội), đối tượng vẫn đang ung dung đóng gói thực phẩm chức năng giả.
Tại đây, cơ quan Công an đã phát hiện gần 100 thùng thực phẩm với các loại hộp đã đóng sẵn như sữa ong chúa, tỏi đen, vây cá mập… đều được gắn mác xuất xứ từ thị trường Úc, Mỹ… Đối tượng Dũng đã không xuất trình được giấy tờ cũng như nguồn gốc của sản phẩm và thừa nhận đó là thực phẩm chức năng giả. Số hàng trên Dũng mua lại của một người Việt Nam trên cửa khẩu Lạng Sơn và hàng đều do người nước ngoài sản xuất.
Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
An Nhiên (Tổng hợp)