Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ truyện Từ Thức gặp tiên trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Câu chuyện này gắn liền với một hang động vô cùng nổi tiếng ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Truyện kể rằng Từ Thức là người ở Hóa Châu (tức Thanh Hóa ngày nay), làm quan tri huyện ở Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Từ Thức vốn thích ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn phong cảnh và uống rượu làm thơ. Trong dịp đến hội xem hoa, chàng thấy một thiếu nữ xinh đẹp, vì vô ý làm gãy cành mẫu đơn mà bị nhà chùa giữ lại. Với tấm lòng nghĩa hiệp, chàng liền cởi chiếc áo gấm mặc ngoài để giúp người thiếu nữ chuộc tội. Từ Thức từ quan không lâu sau đó để tiếp tục thú vui non nước. Một hôm, trông ra cửa biển Thần Phù, chàng thấy có áng mây ngũ sắc kết thành hình hoa sen. Từ Thức bèn chèo thuyền ra phía núi và bước vào bên trong chiếc hang lưng chừng núi… Chiếc hang ấy chính là động tiên nơi chàng sánh duyên với nàng Giáng Hương ở hội xem hoa hôm nào.
Động tiên vốn có tên gọi là “Bích Đào”, nằm trên dãy núi Tam Điệp, thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; vì gắn liền với cuộc tình Từ Thức – Giáng Tiên nên được dân gian gọi là “Động Từ Thức”.
Khung cảnh bên trong và xung quanh động vẫn còn giữ được nét hoang sơ và thơ mộng. Động nằm trên sườn một ngọn núi đá nhỏ, xung quanh là cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
Đường lên động là những bậc thang dài chừng 100m. Cây cối mọc um tùm, những cành dây leo đan bện lại, mềm mại như những chiếc võng trời.
Ngoài cửa động có một miếu nhỏ gọi là miếu Sơn Thần, nghĩa là nơi thờ thần Núi. Ngay trên cửa động là hai phiến đá, một đặt trên nền động và một nằm trên vách đá cao hơn. Trên đó là bài thơ của Lê Quý Đôn được khắc năm 1905 – cho đến nay vẫn văng vẳng nỗi niềm thương cảm cho cuộc tình ly biệt của chàng Từ Thức.
Bản gốc tiếng Nôm:
Văn đạo thần tiên sự diểu mang
Bích đào động khẩu thái hoang lương
Càn khôn nhất hạt cùng Từ Thức
Vân thủy song nga lão Giáng Hương
Thạch động hữu thanh khao hiểu nguyệt
Diêm điền vô vị nát thu sương
Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng
Thùy thức Thiên Thai diệc hí trường
(Lê Quý Đôn)
Dịch thơ:
Thần tiên vẫn bảo chuyện mơ màng,
Động Bích Đào kia cỏ mọc hoang.
Trời bể tìm tòi, mê huyện Thức!
Nước mây chờ đợi, mệt nàng Hương!
Vang om thạch động trăng gần sáng,
Nhạt nhẽo diêm điền muối đẫm sương,
Giấc mộng Thiên Thai mong mỏi mãi,
Ai hay cũng chỉ hí du trường!
Bên trong động là vô số nhũ đá với nhiều hình dáng độc đáo, như đàn lợn, rồng ấp trứng, rùa quỳ, voi phục, măng mọc…
Khu động chính gồm có 2 phần: phần ngoài khá rộng, bên trên là mái trần hình vòng cung giống như một chiếc bát khổng lồ úp xuống. Bên dưới mái vòng cung là một nhũ đá mang hình dáng của trái đào tiên – vì vậy mà động mới có tên gọi là “Bích Đào”.
Nền đá bên dưới khá phẳng và nhẵn, đặc biệt vẫn còn lưu lại vết tích của đền thờ Từ Thức. Gần đó, những đụn nhũ thạch lấp lánh nhiều màu sắc: Nhũ thạch màu xanh chảy từ trên xuống với những hình tròn xếp chồng lên nhau được gọi là “kho tiền”; Nhũ thạch màu vàng giống như từng thỏi đá óng ánh màu hoàng kim được gọi là “kho vàng”; Nhũ thạch nhỏ hơn và có màu trắng toát được gọi là “kho muối”; còn nhũ thạch màu nâu bạc với những hòn đá mịn và gắn chặt vào nhau được gọi là “kho gạo”.
Bước sâu hơn vào bên trong là một cổ tam sinh với đủ trâu, dê, lợn, mâm cỗ, mâm ngũ quả,… tất cả đều bằng đá nhưng tương đối giống thật. Lòng động càng rộng hơn khi tiếp tục tiến vào trong lòng núi.
Đã hơn sáu trăm năm trôi qua, nhưng vẫn còn đó những vết tích của cuộc tình duyên chốn tiên cảnh: đó là buồng tắm của Giáng Hương, là thư phòng của Từ Thức, là những trái đào tiên, là vầng trăng và cả đôi chim thạch nhũ. Đó còn là dàn nhạc cụ bằng đá với đủ cả đàn và trống. Nếu gõ vào thanh nhũ, ta sẽ được thưởng thức nhiều thanh âm có cung bậc khác nhau.
Nếu để ý kỹ, ta sẽ phát hiện 2 dấu chân người trên đá, được gọi là dấu chân Từ Thức. Một vài nụ đá có đường nét kẻ trên bề mặt đá phẳng tạo thành bàn cờ tiên. Tiếp nữa là vũng nước trong suốt, nhìn thấu cả những hòn đá dưới đáy. Đây có lẽ là nơi nàng Giáng Hương vẫn ngâm mình.
Sâu hơn bên trong động là một ngã rẽ, tương truyền đó là đường lên cõi tiên của Từ Thức. Ở đây, ta sẽ thấy hình ảnh chàng Từ Thức đang nằm vắt tay suy ngẫm, bên cạnh đó là cảnh chàng bay lên trời. Trên đường là quán nghỉ chân bằng đá và những mắc treo áo và mũ – tất nhiên đều bằng đá. Cạnh đó là một ngã rẽ bí ẩn khác, theo hình xoáy ốc, được cho là ‘đường xuống Âm Phủ’. Năm 1960, một đoàn thám hiểm ngoại quốc đã xuống thăm khu vực “Âm Phủ” này, và rồi phát hiện một dòng nước chảy xiết. Điều thú vị là nếu ai thả một quả bưởi xuống ngách hang này, hôm sau sẽ thấy quả bưởi ấy lững lờ trôi ra sông Tam Điệp.
Cảnh động huyền ảo, vừa phảng phất ý vị của chốn bồng lai tiên cảnh, vừa thấm đẫm cái tình của mối nhân duyên thơ mộng. Có lẽ động Từ Thức là một trong số rất ít những chứng tích còn lại về cõi thần tiên trên nhân thế.
Hồng Liên
(Hình ảnh sưu tầm từ website giacngo.vn)
Theo daikynguyenvn.com