Giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít kể từ ngày 6/1. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, giá xăng dầu liên tiếp giảm khiến doanh nghiệp bị lỗ.
Kiến nghị sửa cơ chế quản kinh doanh xăng dầu
Kể từ 16h30 ngày 6/1/2015, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít. Theo đó, xăng RON 92 giảm giá 310 đồng, xuống còn 17.570 đồng một lít. Đây là lần giảm đầu tiên của giá xăng trong năm 2015.
Trước đó, năm 2014 mặt hàng này liên tục được điều chỉnh với 5 lần tăng và 12 lần giảm giá. Mức giảm tổng cộng là 7.769 đồng. Mặt hàng dầu diezen cũng giảm 360 đồng còn 16.630 đồng. Dầu hỏa và dầu madut giảm lần lượt 290 đồng và 205 đồng còn 17.110 đồng và 13.295 đồng.
Cùng với đó, mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng giảm từ 800 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này lại tăng khá mạnh. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng tăng thêm 8%, lên mức 35%; dầu diezel và dầu hỏa tăng thuế thêm 7%, lên mức tương ứng là 30% và 35%. Riêng dầu mazut tăng thuế thêm 11%, lên mức 35%.
Tin tức trên báo An ninh Thủ đô, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, giá xăng dầu liên tiếp giảm khiến doanh nghiệp bị lỗ. Gần đây nhất, tại hội nghị triển khai công tác năm của Bộ Công Thương cuối tháng 12-2014, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ, hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2014 bị lỗ. Đại diện Petrolimex nói: “Do công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83 (về kinh doanh xăng dầu) lấy theo bình quân 15 ngày giá thế giới (sát ngày công bố giá cơ sở); trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định dẫn đến giá bán thường thấp hơn giá vốn.
Hệ quả, doanh nghiệp phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và phát sinh lỗ. Chưa kể, để hạn chế kinh doanh mất vốn trong xu thế giá giảm, các đại lý/tổng đại lý thường chỉ mua hàng cầm chừng (để tối ưu hóa tồn kho, giảm dự trữ) đủ đáp ứng nhu cầu bán hàng cho khách nên dự trữ lưu thông dồn về thương nhân đầu mối nên dễ xảy ra bất ổn thị trường”. Từ tình hình này, Petrolimex kiến nghị liên Bộ Tài chính – Công Thương xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định tại Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, việc chi quỹ này được áp dụng cho cả trường hợp giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ diễn ra trong thời gian dài, giúp doanh nghiệp không mất vốn.
Theo một chuyên gia kinh tế, người dân luôn đòi hỏi giá xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ khác đều phải minh bạch. “Nhưng minh bạch giá xăng dầu rất khó. Doanh nghiệp luôn đề nghị điều chỉnh kiểu này, điều chỉnh kiểu khác”- vị chuyên gia này nói. Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh giá xăng giảm liên tục hiện nay, nhưng chuyên gia kinh tế này cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng kiến nghị của doanh nghiệp. “Khi giá cơ sở cao hơn giá lẻ, doanh nghiệp cũng xin trích quỹ. Giờ giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ, doanh nghiệp cũng xin trích quỹ. Lý giải để người dân hiểu và đồng tình không phải dễ” – chuyên gia này bình luận.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, giá xăng dầu liên tiếp giảm khiến doanh nghiệp bị lỗ. (Ảnh minh họa).
Giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải vẫn y nguyên
Thông tin trên báo ĐS&PL, trước sức ép ngày càng tăng của dư luận xã hội về việc giảm giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm sâu, nhiều lãnh đạo Hiệp hội Vận tải và Hiệp hội Vận tải hàng hóa của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đăng đàn “kêu khó”.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vận tải đang “câu giờ” để thu lợi nhờ vào mức chênh lệch giữa giá xăng dầu giảm và cước vận tải hiện hành. Một số lãnh đạo các Hiệp hội Vận tải lại cho rằng, họ đang làm đúng lộ trình được quy định và không thể giảm giá ngay lập tức vì vướng nhiều khâu, nhiều thủ tục.
Trả lời báo chí, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, việc điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu phải theo lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, có những mặt hàng giá xăng dầu không chiếm tỉ trọng lớn trong việc cấu thành giá, chẳng hạn những loại hàng tươi sống, đòi hỏi chất lượng dịch vụ vận chuyển cao… nên cũng có nhiều cái khó trong việc giảm giá ngay. Cũng theo ông Hiệp thì việc quy định mức giá chủ yếu vẫn thuộc về các chủ hàng là chính bởi không nhà vận tải nào lại quy định giá với chủ hàng. Nếu theo lập luận này thì cốt lõi vấn đề không nằm ở ngành vận tải mà ở yếu tố khác?
Ông Lâm Đại Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng cho biết phương án của Hiệp hội là giảm giá trực tiếp trên giá xăng dầu. Có điều việc giảm giá sẽ được áp dụng sau 7 ngày từ ngày giá xăng dầu giảm và mức giảm sẽ tùy vào từng tuyến đường và lộ trình khác nhau.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội trong cuộc trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật cũng cho rằng, giá cước vận tải phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào khác chứ không riêng mặt hàng xăng dầu. Trong những yếu tố cấu thành nên giá vận tải hiện nay thì có những yếu tố đang có xu hướng tăng nên không phải cứ giá xăng giảm là điều chỉnh giá cước ngay được. Không những thế họ còn đưa ra nhiều khó khăn khác nữa để giải thích cho việc chậm trễ giảm giá cước.
“Chúng tôi phải cân nhắc cẩn trọng vì mỗi lần tăng, giảm giá mất rất nhiều thủ tục và cũng gây rối loạn công tác quản lý của các đơn vị vận tải. Việc giảm giá theo xăng dầu đang được các đơn vị vận tải nghiên cứu và cân đối. Vì thế chúng tôi rất mong dư luận thông cảm cho những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải. Ngày 25/12 mới đây, tôi đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn về việc giảm giá cước và yêu cầu việc này cần hoàn thành trước ngày 15/1/2015″- ông Bùi Danh Liên nói.
An Nhiên (Tổng hợp)
2015-01-06 22:40:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/xang-dau-giam-gia-doanh-nghiep-kinh-doanh-xang-dau-keu-lo-a169974.html