Dâng hương là tập tục lâu đời trong sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng của người Việt thực hiện tại bàn thờ gia tiên hoặc đình chùa… thể hiện sự giao tiếp giữa người đời với vong linh.
Thường khi dâng hương người ta thắp một nén hương. Nhưng xưa kia cho rằng, thắp “nhang hai nén” là muốn tỏ sự ăn năn xám hối về một sai phạm nào đó với bề trên đã khuất, hoặc với Thần-Phật… và mong được giải thoát. Sau này mấy ai thắp hương để phô bày cái xấu và thực hiện triết lý “thắp hương theo số lẻ” nên việc thắp hương hai nén không còn!
Thắp “nhang ba nén” là để cầu mong Gia tiên, Thần – Phật ban phúc, ban lộc, hoặc giải cho những nỗi oan ức mà ở nơi trần thế này dáng vào họ.
Như vậy, thắp hương thường 1 nén hoặc 3 nén (số lẻ). Theo Triết lý Âm – Dương, số lẻ tượng trưng sự “thiêng liêng của Trời”. Luật Cơ-Ngẫu của Dịch lý, số lẻ thuộc về Dương, số chẵn thuộc về Âm.
Riêng con số 3 còn nhiều ý nghĩa khác: 3 điểm hình học tạo nên mặt phẳng, để “vững như kiềng 3 chân”. Viết con số chỉ số lượng hàng triệu, hang tỷ.., người ta quy định, cứ 3 con số liền nhau thì có một dấu chấm.
Số 3 mang nghĩa “cần và đủ” cho nhiều việc ở đời, như: “Áo có 3 manh, cơm đủ 3 bữa, nhà có 3 gian”…cuộc sống như vậy là đã tạm ổn. Trong Dịch lý, số 3 là số thành của quẻ Ly, tượng trưng cho trong sáng, cho sự mở của Trời – Đất (Âm – Dương), số 3 là “số sinh vượng”.
Số 3 biểu tượng cho “Lưỡng Long chầu (triều) Nguyệt” thường được trang trí trên Bát hương (Bình nhang). Bát hương dù to hay nhỏ, dù đặt tại bàn thờ Gia tiên, hoặc ở Đình – Chùa – Đền … đều có trang trí hình hai con Rồng chầu vào một Mặt trăng. Theo Dịch lý, đôi Rồng – “song Dương” (hai hào Dương), một Mặt trăng – “nhất Âm” (một hào Âm). Mặt trăng ở giữa, hai Rồng chầu hai bên là hình Quẻ Ly ( ).
Tục thờ Táo quân – hai ông một bà – của người Việt Nam, cũng đặt một mũ Đàn bà ở giữa, hai mũ của Đàn ông ở hai bên, cũng là quẻ Ly trong Kinh dịch. Ly có tượng điển hình là “lửa”. Lửa là trung tâm của bếp, biểu hiện cho sự sống thường nhật của con người.
Số 3, con số “mẫu mực” của người Đông Nam Á: “Tam toà Thánh mẫu”, ba ngôi “Tam bảo” (Phật – Pháp – Tăng), ba pho “Tam thế” (Phật quá khứ – Phật hiện tại – Phật tương lai), mâm cỗ “Tam sinh: Trâu – lợn – dê”, Bàn thờ “Tam cấp”, vái ba vái, lễ ba lễ, lạy ba lạy,…
Số 3 liên quan đến quan niệm Triết học về Vũ tru của người Phương Đông, như: “Thiên – Nhân – Địa” (Trời – Người – Đất). Người là “Nguyên lý hợp nhất kết hợp Trời – Đất”, vì thế mới có câu dạy người Quân tử rằng: “Trí làm trai phải đứng giữa Trời và Đất” và chữ Vương (王: Vua) mới mang nghĩa “Tam tài”. Người xưa rất coi trọng nghĩa của “thế Tam tài”, làm việc gì cũng xem xét tới tương hợp của “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hoà”, và chỉ như vậy công việc mới thành công. Khát vọng của con người là phấn đấu vươn lên để đạt được ba phẩm chất “Chân – Thiện – Mỹ”. Trong tục thờ phụng Tổ tiên của người Việt Nam, khi dâng hương người ta dùng ba nén với ý nghĩa rất cao quý.
Filed under: Phong tục Việt Nam Tagged: 1 nén hương, 3 nén hương, thắp hương
2015-01-21 06:26:15
Nguồn: https://khoahocvadoisong.wordpress.com/2015/01/21/tai-sao-thap-huong-thuong-1-nen-hoac-3-nen/