Những loại trái cây “ruột” của nhiều người lại là những loại dễ bị thương lái cho “ăn” hóa chất nhất. Mít, chuối, đu đủ, sầu riêng được “ăn” hóa chất để phù phép từ xanh thành chín chỉ trong chớp mắt, hồng xiêm ngâm bột sắt cho vừa ngọt vừa thơm…
Mít chín nhanh nhờ hóa chất kích mủ cao su
Với cách thông thường, những trái mít già khi hái xuống sẽ được đóng cọc vào cuống, phơi nắng hoặc ủ để chín tự nhiên. Nhưng ở những vựa mít thì người ta bơm hóa chất trực tiếp vào trái, ép chín siêu tốc.
Sản phẩm làm chín trái với giá 38.000 đồng/bình 500 ml do Viện Sinh học nhiệt đới và Công ty TNHH Sinh học HPH ở 327/37 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM sản xuất hiện đang được bán công khai và tràn lan trên thị trường.
Đây là loại thuốc dạng lỏng, sệt, có màu vàng như dầu ăn, mùi rất khó chịu. Theo một người dân, chỉ cần đục một lỗ ngay cuống mít, sau đó tiêm thẳng vào khoảng 5 cc thuốc , hôm sau sẽ có một trái mít chín với màu sắc rất đẹp.
Do mít non có vị nhạt những thương lái luôn chọn mít già để tiêm thuốc làm cho mít chín nhanh, đều mà người ăn vẫn cảm nhận được độ ngọt, thơm của mít.
Trong thành phần của bình thuốc này có ghi rõ được sản xuất từ chất Ethephon, là chất dùng để kích thích mủ cao su.
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng, có 12 công ty đăng ký dùng Ethephon để kích thích cây cao su nhưng hoàn toàn không có tên Công ty HPH hay Viện Sinh học nhiệt đới.
Đặc biệt, hóa chất này cũng không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Quyết định 867/BYT ngày 4-4-1998 của Bộ Y tế. Ông Trần Minh Tân khẳng định đây là thuốc lưu hành lậu.
Chuối được tấm ngập trong hóa chất độc hại cho nhanh chín
Trước tình trạng sử dụng bừa bãi hóa chất để làm trái cây chín đều, mẫu mã đẹp người dân biết trước sẽ chết dần chết mòn vì thuốc độc mà vẫn phải ăn những loại rau củ quả này.
Ai bỏ tiền mua hàng cũng muốn mua được một món hàng tươi ngon, bắt mắt, chất lượng. Thế nhưng lâu nay lại xuất hiện nghịch lý, “thượng đế” sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn chỉ để mua được mớ trái cây có vết sâu đục, vỏ rám đen sần sùi xấu xí với mục đích đổi lại sự an toàn cho bản thân và gia đình theo kiểu hên xui.
Chuối tắm hóa chất độc chết người chỉ với một lọ hóa chất nhỏ xíu, giá bèo 2.000 đồng nhập từ Trung Quốc cộng với vài chục lít nước lã, một số chủ vựa chuối đã có thể thúc chín được 70 nải chuối với công nghệ vô cùng đơn giản là tắm chuối qua hóa chất. Qua ngày hôm sau, những nải chuối này đã chín vàng đều và loại chuối chín siêu tốc được đem bán khắp nơi.
Với những chủ vựa vô lương tâm, dùng thuốc này lợi cả đôi đường vì vừa đỡ tốn công dấm cho chuối chín, lại bán ra được giá cao. Họ biết mười mươi đây là hóa chất độc hại, ăn vào có thể chết. Bởi vậy họ đã từng tiết lộ rằng chuối chín kiểu này chỉ để bán cho người ta chứ không bao giờ ăn.
Theo cơ quan chức năng, hóa chất được dùng để thúc chuối chín là một loại hóa chất cực kỳ độc, không được phép sử dụng, thành phần có chứa asen và các tạp chất phốt pho. Loại hóa chất này khi đã ngấm vào chuối sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, khiến ăn chuối xong sẽ thấy nôn nao, tổn thương thượng thận, nghiêm trọng hơn là mất trí nhớ, rất nguy hiểm.
Chuối chín ép bằng hóa chất thường có vỏ màu vàng tươi tắn rất bắt mắt, rõ ràng là dễ tiêu thụ. Nhưng khi ăn thì thấy rằng vỏ ngoài tuy chín, nhưng ruột chuối vẫn còn sống, ăn còn chát như chuối xanh. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt quả tang được một số vựa chuối ở Hà Nội sử dụng thủ đoạn này, nhưng xử phạt vẫn chỉ dừng lại ở phạt hành chính rồi thôi.
Có ai chắc chắn rằng sau khi nộp phạt, các chủ vựa kiểu này sẽ… bỏ nghề? Tắm cho chuối mau chín đã đành, nhưng vừa qua ở Quảng Ngãi cũng bắt quả tang được chủ vựa chuối hơn 10 năm hành nghề tắm cho chuối để giữ tươi và xanh lâu. Chủ vựa này cũng khai hóa chất được chuyển về từ Trung Quốc, không biết đó là thuốc gì, chỉ biết tắm cho chuối xanh sẽ giữ được tình trạng “trường sinh bất lão” của chuối được lâu.
Sầu riêng bị tắm, bị chích chất độc
Một số thương lái thu mua sầu riêng ở khu vực miền Tây, Đồng Nai và Đắk Lắk thường rất hay dùng loại hóa chất (lại cũng mua từ Trung Quốc) để giúp cho trái cây chín đồng loạt một lượt. Họ thường mua nguyên cả vườn sầu riêng, mít, xoài, sau đó hái hết trái non lẫn trái già đem… nhúng thuốc ngay trước mắt chủ vườn rồi vận chuyển đi nơi khác vào những thời điểm trái cây hút hàng, giá cao. Có những nơi, chẳng cần thương lái hay chủ vựa phải mó tay, chủ vườn cũng tự đầu độc khách hàng luôn.
Trái cây chín vội theo kiểu này người mua thường rất khó phát hiện ra. Ngoài vỏ, trái cây rõ là đã chín, khi bổ ra, múi sầu riêng cũng vàng ươm, những múi mít cũng chín vàng, vàng đến cả từng cái xơ (trước kia có loại hóa chất giúp mít chín nhưng chỉ chín múi, người tiêu dùng có kinh nghiệm chỉ cần nhìn thấy xơ còn trắng là biết mít chín ép, không mua nữa). Thuốc ép trái chín hàng loạt là một loại bột trắng, không hề có nhãn mác đã bị khuyến cáo không được sử dụng. Vậy mà chúng vẫn được bày bán rất phổ biến tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã xác định bột này có nguồn gốc từ chất ethrel, được phép sử dụng trên rau quả ở châu Âu, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hàm lượng cho phép sử dụng và nguồn gốc của thuốc được quy định rất nghiêm ngặt, trong khi ở Việt Nam, chúng được sử dụng bừa bãi, vô tội vạ.
Hồng xiêm ngâm bột sắt vừa ngọt vừa thơm
Đây là một trong những loại trái cây phải sử dụng nhiều chất bảo quản nhất để chúng có thể bóng bẩy, mượt mà, hút khách mua. Các chuyên gia về công nghệ hóa học cho biết, loại hóa chất dùng cho hồng xiêm là bột sắt nhuộm, một chất rất độc hại nhưng lại được bán phổ biến và tràn lan tại nhiều chợ hoa quả, thực phẩm.
Bột sắt là hợp chất gây hại cho gan, thận, có thể gây ung thư da, ung thư bàng quang. Thậm chí, nếu thường xuyên tiếp xúc với bột sắt sẽ mắc chứng viêm da, hen suyễn, co giật, hôn mê. Tương tự như với mít, sầu riêng, các chủ vựa thường hái cả hồng xiêm non lẫn già, qua khâu nhuộm bột sắt là hồng xiêm sẽ chuyển thành màu vàng thẫm khiến người mua lầm tưởng là hồng đã già.
Người kỹ tính, cẩn thận trước khi mua có thể sẽ nếm trước để đánh giá mùi, vị, nhưng họ sẽ bị dễ dàng qua mặt vì hồng nhuộm bột sắt còn giữ được mùi thơm và hương vị của trái hồng.
Đủ đủ cũng được thúc chín bằng hóa chất
Tin tức trên báo Kinh doanh & Pháp luật, một số người dân tại vựa đu đủ ở xã Tiền Phong, Ân Thi, Hưng Yên, đã dùng thủ thuật ép chín này cho hàng trăm loại đu đủ khác nhau để bán. Đu đủ từ xanh, non đế già đều chín trong vài giờ khi nhỏ 1 giọt hóa chất vào.
Đặc biệt, loại thần dược này rất nhỏ chỉ từ 15 – 30ml, giá chỉ 2.000 đồng/ lọ nhưng có thể làm chín cả gần tạ hoa quả. Trước đây, để thúc chín tại ấp Bầu Tre, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai. Anh Hoa, một chủ vườn ở đây, chỉ dẫn: “Chất làm chín trái cây có bán khắp nơi. Chuối, dứa, mãng cầu, dưa hấu… chỉ cần nhúng sơ qua sau hai ngày là chuyển sang màu vàng, ba ngày là chín đẹp. Ngày thứ tư mà ăn không kịp có khi nó rục, gãy hết luôn”.
Một vài kinh nghiệm tránh mua trái cây có hóa chất: Chuối: Chuối chín “sạch”, không ngâm tẩm hóa chất có thể phân biệt bằng mắt thường nhờ những đặc điểm: Trái chuối căng tròn (khi chuối già, chín vỏ thường căng, các góc không còn gồ lên như chuối non). Màu vàng của vỏ chuối không tươi roi rói mà vàng sậm, xỉn hơn, chuối có mùi thơm tự nhiên. Trên lớp vỏ vàng sậm có những chấm đen, nâu như tàn nhang (chuối trứng cuốc). Nếu chuối chín kỹ, có thể có những vệt thâm đen sẫm màu. Trong khi chuối tắm qua hóa chất, 10 trái chín vàng đều như một thì với chuối chín tự nhiên, có trái chín trước, có trái chín sau, không chín cùng một lúc. Chuối chín cây chín từ từ, có khi cuống vẫn màu xanh. Chuối có hóa chất cả trái lẫn cuống đều vàng ruộm. Hồng xiêm: Bột sắt có thể giúp trái hồng có màu vàng sậm bắt mắt, cạnh đó còn không làm thay đổi mùi cũng như vị ngọt của trái hồng xiêm. Muốn chọn được hồng xiêm không tẩm bột sắt, về mặt cảm quan nên chọn trái hồng vỏ không quá nhẵn, không chọn trái hồng vàng sậm. Nên chọn trái hồng mà trên vỏ vẫn còn có những đường vân màu xanh. Mít: Mít chín cây hoặc chín bằng cách đóng cọc, phơi nắng cho chín trước tiên được nhận biết qua mùi thơm của mít chín rất đặc trưng. Trước kia, có người phân biệt mít chín ép thông qua xơ mít màu trắng, trong khi múi mít đã chín. Nhưng nay có loại thuốc làm cả múi và xơ mít đều vàng ươm, bởi vậy cách nhận biết này không còn “hiệu nghiệm” nữa. Có thể nhận biết mít “sạch” thông qua quan sát bề ngoài trái mít. Đó là quả mít căng, các gai mít nở to. Khi bổ ra, các múi mít nở to, vàng đều, mùi và vị thơm ngọt. Sầu riêng: Sầu riêng chín tự nhiên có mùi thơm nồng, chỉ cần tách nhẹ dưới đít trái là vỏ sẽ nứt ra theo từng múi. Sầu riêng chín ép rất khó tách vỏ từ phần đít, nên người bán loại sầu riêng này thường tách vỏ từ phần giữa trái. Múi sầu riêng chín ép thường sượng, nhạt, thậm chí không ăn được. Đu đủ: Cũng như chuối, đu đủ thường được thu hoạch xanh. Khi về thành phố, đu đủ bị làm ép chín để trông bóng đẹp hơn, dễ bán hơn. Chính vì vậy, đa phần người tiêu dùng nếu không có kinh nghiệm sẽ rất khó phát hiện ra đâu là đu đủ chín cây và đâu là đu đủ đã được kích chín. Thông thường, đu đủ ép chín sẽ có màu vàng óng, vỏ trơn, khi ấn tay vào không có độ lún. Khi gọt vỏ vẫn còn nhiều nhựa, khi ăn ruột không mềm, ngọt, thơm mà cứng, sượng, vị ngọt rất nhẹ. Điều này trái ngược hoàn toàn với đu đủ chín cây vì đu đủ chín cây có vị ngọt tự nhiên, vỏ hay bị rám, không còn nhựa, thịt quả ăn mềm, thơm. |
An Nhiên (Tổng hợp)
2015-01-12 16:32:18