Tôi đã nhiều lần đề cập, các chính thể triều Lý – Trần – Lê – Nguyễn từng tự xưng Trung quốc, Hoa Hạ, thậm chí là Hán, với ngụ ý đất nước văn minh, cộng đồng người văn minh ở khu vực trung tâm, trước khi những từ này trở thành danh từ riêng đặc chỉ China vào cuối thể kỷ XIX (*). Hán hay Việt ở đây chỉ là vỏ khái niệm, ngầm ý cho biết sự nhận đồng về văn hóa của vua quan Việt Nam so với Trung Quốc. Các triều đại được lập nên ở bốn nước Việt, Trung, Hàn, Nhật đều là những cá thể riêng biệt, đặt định lễ giáo, vận dụng tư tưởng Nho gia, sử dụng văn tự chữ vuông sáng tác văn học, ghi chép chính sử theo những phương thức riêng biệt.
Trong tranh minh họa kèm theo đây:
Văn bia Dụ Lăng (Năm 1504) viết: Trung quốc mạnh mẽ, man di khiếp sợ.
Đại Nam thực lục viết: “Đại Thanh, tổ tiên là người Mãn [...] Xét, Mãn là mọi rợ còn như thế. Huống hồ nước ta là đất Nam Hà văn vật, không thể đem so với bọn ấy được.” (Đệ nhị kỷ, Quyển 26, Tr.22) “Đất mọi đã lệ thuộc bản đồ của ta từ lâu, dân mọi cũng là con đỏ của ta, phải nên bảo ban dìu dắt, để ngày một nhiễm theo phong tục Hán [...] Phàm những thứ cần dùng đều phải học theo dân Hán, chăm việc làm lụng. Đến như ngôn ngữ thì bảo chúng dần tập nói tiếng Hán. Ăn uống và quần áo cũng dạy cho dần theo tục Hán…” (Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ, Quyển 163, Tr.22)
Những từ Trung quốc, Hoa, Hán trong các bản dịch Việt ngữ lưu hành hiện nay, đã bị ”đánh lận”, dịch thành ”nước ta”, ”Việt ta”, ”trong nước”. Và lâu nay, dưới nền giáo dục XHCN, người ta luôn rao giảng về bản sắc văn hóa Việt, về tinh thần dân tộc Việt, song song với việc diễn giải lịch sử, tư tưởng, văn hóa của các triều đại phong kiến trước đây theo tinh thần này. Việc làm này thực chất là đang tự lừa dối chính mình. Nó sẽ ngày một nguy hiểm hơn, khi tư tưởng dân tộc đang có chiều hướng cực đoan, và việc bài Hoa ngày càng quá khích.
Một người bạn tôi từng nói “trong lịch sử, lần đầu tiên người Việt chống xâm lăng phương Bắc bởi một thế hệ không biết tiếng Hán, bởi một thế hệ trí thức không thể đọc nổi các văn tự gốc viết về lịch sử của chính dân tộc mình!” Và, chính trong lúc sức đề kháng văn hóa, chính trị của người Việt yếu ớt như hiện nay, tôi lại càng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc học chữ Hán, của việc học, đọc sử. Người Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn học chữ Hán, tuyệt đối không vì họ muốn sáp nhập vào Trung Quốc, mà bởi họ thấy cần hiểu lịch sử, văn hóa, tư tưởng của chính dân tộc họ viết nên trong hơn ngàn năm nay. Để gạn đục khơi trong nền văn hóa Á Đông, song song với việc áp dụng tư tưởng dân chủ, tiến bộ từ các nước Âu Mỹ. Và hơn nữa, họ hiểu được cách ứng xử của tổ tiên họ với Trung Quốc, cũng như hiểu hơn về chính người Trung Quốc.
Chú thích:
(*). Phần viết về quan niệm này tôi đã trình bày trong sách Ngàn năm áo mũ, từ trang 19 – 47. Đây là bản rút gọn trên mạng:
Ngoài ra trong bài báo này, tôi cũng trả lời câu hỏi về yếu tố HÁN của Việt và Hàn.