Uber sẽ phải đóng thuế nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên gồm nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Và trong khi dịch vụ Uber đang “ăn nên làm ra” tại TPHCM thì tại HN dịch vụ này lại rất “đìu hiu”.
Uber sẽ phải chịu 2 loại thuế
Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang xem xét phương án tính thuế đối với dịch vụ Uber.
Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên gồm nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trên nguyên tắc có phát sinh thu nhập thì phải đảm bảo nghĩa vụ thuế với Nhà nước, cơ quan thuế tính toán: thuế giá trị gia tăng trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu ngành kinh doanh vận tải là 2%.
Ông Nguyễn Quang Tiến – vụ trưởng, phó trưởng ban thường trực Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế – cho biết Tổng cục Thuế đã làm việc cụ thể với đại diện Công ty Uber International Holding B.V và xác định các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam.
Hiện phía Uber đang có ba khoản thu nhập gồm: phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán Visa Card, MasterCard, AMEX. Theo đó, phía Uber sẽ chuyển 80% cước cho doanh nghiệp vận tải và hưởng phí dịch vụ 20%.
Cũng theo Tổng cục Thuế, mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết hợp đồng, thu tiền khách hàng đến chi tiền cho doanh nghiệp vận tải đều do Công ty Uber International Holding B.V thực hiện.
Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang xem xét phương án tính thuế đối với dịch vụ Uber.
Công ty TNHH Uber Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 14/10/2014 chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo và chưa đến kỳ khai nộp thuế.
Tuy nhiên, các dữ liệu, chứng từ thanh toán được lưu trữ đồng thời ở máy chủ nước ngoài và ở cả phía Việt Nam. Do vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để đối chiếu, kiểm chứng khi cần thiết.
Hà Nội khó trở thành “đất lành” của Uber?
Nếu Uber đang rất phát triển tại TPHCM thì tại HN, lượng xe chạy Uber hiện chưa nhiều, thậm chí 1 số khu vực từ vành đai 2 hầu như “bỏ trắng”.
Theo tin tức trên báo Người lao động, một số bạn đọc sau các thông tin phản ảnh tình hình Uber phía nam cho biết họ đã thử rà quét dịch vụ này trên địa bàn Hà Nội nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Khu vực trung tâm thủ đô có thể tìm thấy xe Uber, thậm chí xe rất sang, còn các khu vực khác, dịch vụ Uber “không tìm được xe nào”.
Lý giải thực tế này, 1 thành viên Uber TP HCM sau khi đi khảo sát ở Hà Nội nhìn nhận, khác biệt về tâm lý tiêu dùng là rào cản lớn nhất khiến dịch vụ xe gọi này không hiệu quả lắm ở đây.
“Chưa có nhiều người Hà Nội chuộng dùng Visa, nhất là giới trẻ Hà thành, ít khi chọn cách “quẹt thẻ” để mua sắm. Cung cách phổ biến là trả tiền mặt, lập tức. Với các lái xe, việc mở 1 thẻ ATM cũng là hy hữu, thì nói gì đến nhu cầu dùng thẻ VISA có thể thanh toán ra ngoài” – thành viên này biểu lộ như vậy.
Các nhóm tiêu dùng có thể dùng thẻ Visa tại Hà Nội, là giới kinh doanh liên quan tài chính, những lĩnh vực thương mại…, thì lại thường đã có phương tiện cá nhân đi lại, và khi cần vận tải công cộng sẽ “ngoắc taxi” nhanh hơn là cần mẫn “bấm tìm lái xe Uber”.
Nếu Uber đang rất phát triển tại TPHCM thì tại HN, lượng xe chạy Uber hiện chưa nhiều, thậm chí 1 số khu vực từ vành đai 2 hầu như “bỏ trắng”. (Ảnh minh họa).
Một thực trạng nữa, hơi dị biệt tại Hà Nội, du khách cũng ít có tâm lý dùng thẻ thanh toán. Lý do đơn giản, đa số cơ sở dịch vụ tại Hà Nội là khách sạn, nhà hàng hay lữ hành, đều thu phụ phí 3% nếu khách thanh toán qua thẻ Visa hay ATM.
Trong khi tại TP HCM, xu hướng “quẹt thẻ” phổ biến hơn, nhiều điểm dịch vụ sẵn sàng giảm thêm giá, khuyến mãi ưu đãi cho khách hàng không thanh toán tiền mặt.
Vì vậy, phải chăng đây là lý do khiến Uber khó tìm được “chỗ đậu” ở thành phố này, bởi cơ cấu tính cước hoàn toàn dựa vào thẻ thanh toán trực tuyến quốc tế?
Lý do thứ 2 khiến nhiều người khó tìm được dịch vụ Uber ở Hà Nội, là… khó có người đầu tư xe sang để “chạy Uber”. Giám đốc 1 công ty tin học khu vực Cầu Giấy thổ lộ tâm lý nhiều người ở Hà Nội là “cần dáng dấp thể hiện đẳng cấp”, nên rất chuộng mua các loại phương tiện sang trọng đời mới nhưng chủ yếu sẽ… cất trong gara. Để sử dụng những chiếc xe trị giá bạc tỷ vào việc “chạy taxi”, với họ là điều không chấp nhận được. Do đó, tỉ lệ người có ôtô riêng đăng ký Uber sẽ không nhiều.
Một cá nhân tiêu dùng đã thử dùng Uber trong 2 tuần qua tại Hà Nội tâm sự: “Các tài xế đến đón tôi đều không có xe xịn”.
Ngoài ra, tâm lý cũng là một rào cản khiến nhiều người tiêu dùng tại Hà Nội chưa tiếp cận Uber. Một số bạn trẻ khi được hỏi, trả lời rằng họ vẫn sử dụng taxi truyền thống vì “nghe nói” Uber là dịch vụ “xe lậu bị cấm hoạt động”. Thậm chí thông tin “Uber bị nhiều nước phản đối” cũng được 1 số người tiêu dùng theo dõi với tâm lý “chờ xem cơ quan chức năng có ủng hộ hay không, có ban hành chính sách không mới dùng”.
Tuy nhiên, nhìn về bề sâu, đa số người tiêu dùng Hà Nội đều xác định Uber sẽ có cơ hội tốt một khi được xác định chính sách hỗ trợ phát triển ở đây. “Thực trạng chuộng hình thức đang là vấn đề nóng của nhiều bạn trẻ tại Hà Nội. Do đó, nếu phân tích về nhu cầu, Uber quả thật sẽ có 1 cơ hội không tồi. Nếu có xe tốt, xe giá trị, chắc chắn tài xế chạy Uber sẽ được nối kết liên tục. Có điều để được như vậy, dịch vụ này cần có thời gian để người tiêu dùng trải nghiệm” – một lái xe Mai Linh khu vực Giải Phóng bày tỏ.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-22 04:32:22
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/uber-se-chiu-2-loai-thue-chua-phat-trien-o-ha-noi-a167788.html