Đánh điểm và phục kích diệt viện binh là chiến thuật đã được QĐND Việt Nam sử dụng từ thời đánh Pháp và sang thời đánh Mỹ nó tiếp tục là ngón đòn sở trường của ta khiến đối phương ngao ngán.
Chiến thuật khiến kẻ địch ngán ngẩm
Do đặc điểm của cả quân Pháp và quân Mỹ đều là những đội quân xâm lược cho nên chúng luôn phải giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng để hành quân càn quét và chia nhỏ lực lượng để chiếm đất đai. Nguyên tắc của quân sự là tập trung lực lượng nhưng đối mặt với thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam, kẻ địch mà tập trung quân chủ lực để càn quét chỗ này thì chỗ khác lực lượng lại mỏng tạo điều kiện cho du kích phát triển. Nhưng nếu phân tán lực lượng ra nhiều nơi để đóng giữ thì không có lực lượng lớn để chiến đấu chống lại các đội quân chủ lực của ta.
Chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong một cuộc diễn tập. Ảnh minh họa.
Điều đó là một mâu thuẫn thường trực của các đội quân xâm lược. Tướng Westmoreland – từng làm Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam trong sách Tường trình của một quân nhân đã phải thừa nhận: “Một khó khăn cơ bản là ở chỗ quân đội Việt Nam thiếu quân số để có mặt khắp mọi nơi ngay tức khắc. Nếu các đơn vị quân đội Nam Việt Nam đi tìm hoặc đánh đuổi các đơn vị lớn của địch thì quân du kích địa phương lại có thể nổ vào và giành lại quyền kiểm soát trước một đám dân vệ được trang bị tồi, được chỉ huy kém và không có cơ động chiến đấu cao. Thế nhưng nếu không đánh bại các đơn vị lớn thì không thể co an ninh. Đúng như lời Lewis Carrolls Red Queen đã nói, các bạn cần phải chạy liên miên để ở lại một chỗ”.
Thực chất, đoạn nói trên của Westmoreland cũng chưa nhìn vào sự thực lắm bởi vì đến những năm 1966, 1967, Mỹ có đến hơn nửa triệu quân và quân đội Việt Nam Cộng hòa được xây dựng lên gần 1 triệu nhưng mâu thuẫn ‘thiếu quân số để có mặt khắp mọi nơi’ vẫn cứ diễn ra. Chính Westmoreland cũng vẫn xin thêm quân từ Mỹ trước khi chiến dịch Tết Mậu Thân diễn ra.
Tướng Westmoreland.
Trở lại câu chuyện chiến thuật vây điểm diệt viện. Westmoreland đã buộc phải thừa nhận rằng đây là điểm mạnh của quân đội ta. Viên tướng này viết: “Phục kích là chỗ mạnh của Việt cộng (Cách người Mỹ gọi binh sỹ Việt Nam thời chiến tranh) và là chỗ yếu của quân đội Nam Việt Nam. Bằng phục kích, trong nhiều dịp Việt cộng đã tiêu diệt nhiều đại đội của quân đội Nam Việt Nam. Mặc dù lực lượng máy bay lên thẳng của Mỹ đã tăng lên tới mức ở mỗi sư đoàn quân đội Nam Việt Nam có một đại đội máy bay thuộc lục quân Mỹ hoặc một phi đoàn thuộc lính thủy đánh bộ Mỹ, phần lớn sự di chuyển của quân đội Nam Việt Nam vẫn phải dùng đường bộ. Một chiến thuật thông thường của Việt cộng là đánh vào một tiền đồn của quân đội Nam Việt Nam rồi nằm chờ lực lượng dự bị của quân Nam Việt Nam hành quân đường bộ đến cứu tiền đồn đó”.
Từ chỗ nhìn nhận về chiến thuật của quân ta như vậy, Westmoreland đã đề ra các biện pháp phản ứng, thậm chí còn viết những cẩm nang mà ông ta gọi là các “thẻ nhỏ bỏ túi” để làm thất bại chiến thuật của ta. Cách làm của ông ta là thúc giục các chỉ huy quân sự phải tuần tra trước rồi mới chuyển quân nhằm phát hiện các ổ phục kích ở một địa điểm cố định. Viên tướng Mỹ quan niệm: “Vì địch ở yên một chỗ nên chúng có thể bị đánh thọc sườn và bị tiêu diệt”.
Tuy nhiên, kế sách của Westmoreland cũng chẳng mang lại bao nhiêu tác dụng khi quân đội ta vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật này và giành được những thắng lợi. Đáng nói, chiến thuật này không chỉ giành thắng lợi trước quân Việt Nam Cộng hòa mà ngay cả chính quân Mỹ cũng phải bó tay.
Trận Ia-Drang, quân Mỹ nếm mùi ‘phục kích’
Ngay trong cuối năm 1965, ở thung lũng Ia-drang, nơi quân Mỹ và quân chủ lực của ta đụng độ lớn trận đầu tiên, bộ binh Mỹ đã ‘nếm mùi’ chiến thuật vây điểm diệt viện mà Westmoreland tưởng chừng đã ‘thuộc lòng’.
Để mở màn chiến dịch, Trung đoàn 33 của quân ta vây đồn Plei Me nằm gần đường số 19B nối Đức Cơ với thị xã Pleiku và đường 14 nối Phú Nhơn với Buôn Ma Thuột. Ta dự kiến chiến dịch diễn ra trong 3 đợt. Đợt 1 là vây đồn và diệt quân VNCH cứu viện. Đợt 2 tiếp tục vây đồn để buộc quân Mỹ tham chiến. Đợt 3 tập trung lực lượng diệt một cánh quân Mỹ và kết thúc chiến dịch.
Tranh mô tả lính Mỹ thảm hại trong trận Ia-Drang.
Ngày 23/10, một chiến đoàn VNCH từ Phú Mỹ hành quân lên Pleime để giải cứu rơi vào ổ phục kích của quân ta. Trận đánh đã diễn ra từ lúc 16h30 đến 18h cùng ngày. Theo Wikipedia, Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi nhận đã diệt 59 xe tăng, xe bọc thép và 800 quân đối phương; thu được 2 pháo và 6 xe đạn, 40 súng các loại.
Sau trận này, Trung đoàn 33 lui về thung lũng Ia-Drang cách đó 10km về phía Tây để phòng thủ còn quân Mỹ bắt đầu cho máy bay oanh tạc các khu vực để tìm diệt quân ta.
Mỹ bắt đầu đổ quân xuống bờ nam sông Ia-Drang. Cho đến ngày 11/11, trực thăng Mỹ đã hoàn thành việc đổ Lữ đoàn 3 không kỵ xuống.
Ngày 14/11, một Tiểu đoàn của Lữ đoàn 3 đổ bộ xuống bãi đáp X-ray chỉ cách Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 66 QĐNDVN khoảng 200m. Mặc dù lúc đó các cán bộ của đơn vị đi vắng nhưng Tiểu đoàn 9 đã tự tổ chức chiến đấu. Sau đó Tiểu đoàn trưởng chạy về nắm được 1 đại đội và một khẩu súng cối tiếp tục đánh vào quân Mỹ.
Quân Mỹ bị đánh liên tục. Một Trung đội bị vây chặt ở bãi đáp, viên trung đội trưởng tử trận. Đến 17h chiều, khi quân Mỹ gọi phi pháo yểm trợ, quân đội ta chủ động rút khỏi trận địa với kết quả là diệt khoảng 150 lính Mỹ và bắn rơi 1 máy bay chiến đấu.
Một bức tranh khác vẽ về trận đánh ở thung lũng Ia-Drang, nơi quân Mỹ chịu thiệt hại nặng nề.
Lúc 5h30 sáng 15/11, Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 66 lại bất ngờ tấn công tiểu đoàn 1/7. Sau loạt cối 82mm, chiến sĩ ta xông vào đột kích và đánh giáp lá cà với địch. Mỹ cho máy bay ném bom trợ chiến nhưng lúc này đội hình xen kẽ nên bom napalm của họ cũng khiến chính quân Mỹ mất thêm 24 người và bị thương 20 người. Đêm 15 rạng sáng 16, Tiểu đoàn 7 tổ chức tập kích một lần nữa nhưng lần này quân Mỹ đã bố phòng kỹ nên trận tập kích không gây được nhiều thiệt hại cho địch.
Trận đánh lớn tiếp tục diễn ra vào ngày 17/11 khi Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 được tung vào trận. Sáng 17, Tiểu đoàn 2/7 của Lữ đoàn 3 Mỹ phát hiện ra vị trí của Tiểu đoàn 8 ở bờ sông Ia-Drang và tổ chức tấn công lúc đơn vị này đang nghỉ trưa nhưng họ lại bị rơi vào phục kích.
Nguyên nhân là Tiểu đoàn 8 hành quân về sở chỉ huy Trung đoàn theo đội hình sẵn sàng tao ngộ chiến (đánh khi tình cờ gặp địch trên đường hành quân). Đến ngã ba đường làng Tung và làng Sinh thì Tiểu đoàn trưởng cho dừng lại triển khai đội hình chiến đấu.
Tiểu đoàn tổ chức 2 thê đội: Thê đội 1 gồm Đại đội 6 (thiếu 1 trung đội). Thê đội 2 gồm Đại đội 7 và Trung đội còn lại của Đại đội 6. Chính Đại đội 6 đã phát hiện ra quân Mỹ đang đi về hướng Tiểu đoàn 8. Khi quân Mỹ còn cách khoảng 40 đến 50m, Đại đội trưởng ra lệnh cho súng đại liên bắn. Các Trung đội cũng bắn mạnh và bắt đầu xung phong.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 8 dúng súng máy tấn công bên sườn đội hình đối phương rồi đột ngột đổi hướng đánh thẳng vào chúng, thực hiện chiến thuật chia cắt và đánh mặt đối mặt. Chiến thuật này khiến vũ khí nặng của quân Mỹ không yểm trợ được bộ binh vì sợ bắn thì thương vong cả quân mình. Trong khi đó, quân ta chiếm được các vị trí cao hơn nên dễ dàng phát hỏa vào đội hình địch đang di chuyển.
Kết quả quân đội Mỹ bị thiệt hại nặng, Đại đội A bị mất 50 người còn Đại đội C mất 20 người trong những phút đầu. Mọi việc còn tồi tệ hơn khi Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 33 QĐND Việt Nam đến và tấn công Tiểu đoàn 2/7 Mỹ từ phía sau lưng. Lữ đoàn 3 của Mỹ buộc phải điều nốt Tiểu đoàn 2/5 tới trận địa để yểm trợ cho Tiểu đoàn 2/7 rút lui. Đến 8h tối ngày 18/11, trận chiến ở thung lũng Ia-Drang kết thúc khi quân đội Mỹ rút khỏi nơi đây và chịu thiệt hại nặng nề. 155 lính thiệt mạng và 121 người bị thương, tức là thương vong chiếm 2/3 lực lượng.
Theo hồi ký Chiến trường mới của tướng Nguyễn Hữu An – người chỉ huy trận Ia-Drang năm xưa: “Kết quả cuối cùng ta đã giành được thắng lợi to lớn vượt xa dự kiến ban đầu, khoảng 1200 tên Mỹ bị thương vong, ta tiêu diệt Tiểu đoàn 1 và 2 của Lữ đoàn 3 kỵ binh bay, tiêu hao nặng Tiểu đoàn 3 và một số đại đội, bắn rơi 26 máy bay và thu nhiều súng đạn”.
Theo Wikipedia, ông Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó đang ở thăm Việt Nam Cộng hòa đã đến quan sát chiến trường Pleime và trở về nói rằng: “Quân đội Mỹ ở Việt Nam đã có đủ những vũ khí và phương tiện mà những người chỉ huy quân sự các nước khác chỉ thấy trong mơ. Thế mà, mỗi khi đối phương tiếp nhận giao chiến là trên 90% các trận đánh, quyền chủ động thuộc về họ”.
Trần Vũ
2014-12-22 06:56:19
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tuong-my-ngan-nhat-chien-thuat-nao-cua-qdnd-viet-nam-a167854.html