>>> Elon Musk bày tỏ lo ngại về trí thông minh nhân tạo
Giáo sư Hawking bị mắc một căn bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ bên, khiến ông bị liệt hoàn toàn và không thể nói như người bình thường. Thay vào đó, ông phải giao tiếp bằng một thiết bị hỗ trợ phát giọng nói và công nghệ dự đoán từ ngữ từ Swiftkey để giúp ông viết. Đây chính là những hình thức cơ bản của AI. Khi phóng viên đặt câu hỏi xoay quanh công nghệ mà ông đang sử dụng hàng ngày, ông đã đưa ra lời cảnh báo khá ảm đạm về tương lai của con người và AI.
Giáo sư Stephen Hawking
“Một khi trí tuệ nhân tạo đã phát triển hoàn thiện thì đó cũng chính là dấu chấm hết cho sự tồn tại của con người. AI sẽ tự chọn cách làm của nó, nó sẽ tự tái thiết kế theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Trong khi đó, con người là sinh vật bị giới hạn bởi quá trình tiến hóa chậm chạp, con người không thể nào đấu tranh với AI và sẽ sớm bị nó qua mặt”.
Ngoài lời cảnh báo về sự phát triển của AI thì giáo sư Hawking cũng chia sẻ tầm nhìn của ông về lợi ích và hiểm họa của internet. Ông cho rằng các công ty mạng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chống lại các mối đe dọa, khủng bố an ninh mạng nhưng vừa phải đảm bảo cho người dùng không bị mất tự do và tính bảo mật cá nhân.
Không riêng Stephen Hawking mà Elon Musk, nhà đồng sáng lập và CEO của Tesla Motor cũng đã từng nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về sự phát triển của AI. Dù Elon được biết đến với nhiều ý tưởng “trên cung trăng” nhưng khi đề cập đến AI, ông cho rằng “chúng ta đang triệu hồi quỷ dữ” và nó sẽ làm phản con người như trong phim Terminator.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác vẫn hy vọng về những tiềm năng to lớn của AI trong tương lai. Rollo Carpenter, nhà sáng lập trang mạng Cleverbot (ứng dụng web sử dụng thuật toán AI để trò chuyện với con người) cho rằng: “Chúng ta còn đủ khả năng để kiểm soát sự phát triển của AI trong một thời gian dài nữa và nó vẫn có tiềm năng để giải quyết những vấn đề chính đáng của thế giới trong tương lai”.
Tham khảo: BBC, Neurogadget.