Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
“Việc tăng giá điện hay không được thực hiện theo lộ trình, còn bây giờ EVN chưa có đề xuất gì và Chính phủ cũng chưa có quyết định gì”, đại diện EVN cho biết.
Thông tin trên báo Đất Việt, ông Cao Quang Quỳnh, Phó Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng EVN trước thông tin Tập đoàn đang có dự định tăng giá điện khi đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 lên 1.652,19 đồng/KWh, tăng 9,5% so với giá bán điện hiện hành.
Rất nhiều tờ báo đã đăng tải thông tin này và cho biết thêm, đề xuất tăng giá điện đang được Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) xem xét. Nếu được thông qua thì đây sẽ là mức tăng giá điện cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
“EVN không hề đưa ra thông tin nào như thế. Việc tăng giá điện hay không được thực hiện theo lộ trình, còn bây giờ EVN chưa có đề xuất gì và Chính phủ cũng chưa có quyết định gì”.
Trước đó, Văn phòng Bộ Công thương đã có văn bản thông báo kết luận của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại hội nghị giao ban tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11/ Trong đó, có yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp Tổng cục Năng lượng nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Về việc này, Phó Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng EVN cho rằng, văn bản trên là thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, còn thời điểm như thế nào trong đó hoàn toàn không ghi rõ.
Lần gần nhất giá điện được điều chỉnh tăng là vào ngày 1/8/2013, với mức tăng thêm 71,85 đồng. Theo Quyết định 2165 ngày 11/11/2013 của Thủ tướng, đến năm 2015, khung giá điện được tăng từ 1.437-1.835 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT), mức cao nhất sẽ tăng 21,6% so với hiện nay. Do đó, nếu giá điện tăng ở mức 9,5% thì hoàn toàn nằm trong khung giá.
Ngoài ra, Quyết định 69 của Chính phủ ban hành tháng 11/2013 cho phép EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi 7%; từ 7%-10% phải xin ý kiến Bộ Công Thương; từ trên 10% phải xin ý kiến Thủ tướng. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá điện là 6 tháng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, cần lưu ý mức giá điều chỉnh thực tế phải dựa trên biến động đầu vào để tính toán cho hợp lý, không thể cứng nhắc áp theo lộ trình hay dự kiến giá thành được hình thành từ thời điểm trước. Lý do vì nhiều chi phí đã biến động quá mạnh trong những tháng cuối năm giúp cho EVN giảm bớt nhiều gánh nặng đầu vào.
Đáng kể là giá dầu giảm tới hơn 30% nên dù nguồn điện phát dầu cuối năm tăng nhưng việc giảm sâu giá dầu vẫn giúp EVN “dễ thở” hơn. Ngoài ra, trừ thời điểm cuối năm khô hạn, nhìn chung thủy điện trong năm 2014 khá thuận lợi, mặt hàng than tiến tới giá thị trường cũng giảm so với trước…
Muốn tăng phải chứng minh chi phí đầu vào
Thông tin trên báo Tiền Phong, theo một chuyên gia, EVN có thể dựa vào hai quyết định của Thủ tướng để điều chỉnh giá điện. Cụ thể, với Quyết định 2165 ngày 11/11/2013, Thủ tướng cho phép tới năm 2015, giá điện bình quân được kịch trần 1.835 đồng/kWh, tăng 21,6% so với hiện nay. Cùng đó, với Quyết định 69 ngày 19/11/2013, Thủ tướng cũng cho phép EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi tới 7% (thay vì 5% như trước đây).
Lợi thế của EVN cũng được đích thân một phó tổng giám đốc EVN khẳng định khi trả lời Tiền Phong trước đây: Điện là lĩnh vực đặc thù, rất ít chuyên gia biết rõ cơ cấu giá thành. Điểm lợi thế khác, EVN có thể vin vào yếu tố phải tăng giá bán để bù đắp khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá từ các năm trước.
Ở khía cạnh khác, nếu EVN muốn tăng giá điện sẽ phải đối mặt với việc chứng minh chi phí đầu vào đang gia tăng mạnh buộc ngành điện phải tăng giá (vì bất khả kháng, thay vì tự động tăng giá cho đủ ngưỡng được Chính phủ cho phép trước đó).
Việc chứng minh đầu vào của ngành điện tăng không dễ dàng khi suốt một thời gian dài qua các thông số đầu vào đang ổn định, thậm chí những yếu tố rất quan trọng trong cơ cấu giá thành điện lại giảm. Đặc biệt, giá đầu vào là nhiên liệu than và dầu DO liên tiếp giảm trong thời gian qua.
EVN cũng có thể vin cớ từ 1/1/2015, giá khí ngoài bao tiêu bán cho điện sẽ khiến giá thành điện tăng thêm từ 5.000 – 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ làm giá thành điện tăng thêm 20-46 đồng/kWh so với giá bình quân hiện hành. Một số yếu tố nữa sẽ được ngành điện tính tới là giá than bán cho điện cũng như việc tăng thuế tài nguyên nước (từ 2-4%) để kêu khó và đòi tăng giá.
Nhưng điểm khó với EVN và điều ngành điện không muốn đề cập đến nhiều (dù Tiền Phong và các báo đã nhiều lần đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành điện), đó chính là mức lãi hằng năm của EVN. Theo thông tin riêng, từ năm 2012 đến nay, EVN liên tục có lãi với mức lợi nhuận khá lớn. Cụ thể năm 2012, EVN lãi trên 4.400 tỷ đồng. Năm 2013, lãnh đạo EVN khi trao đổi với báo chí cũng chỉ thông báo có lãi mà không nêu con số cụ thể. Trong báo cáo giám sát tóm tắt gửi Bộ Công Thương (công bố khoảng tháng 6/2014), tập đoàn này năm 2013 đã có mức lợi nhuận hợp nhất lên tới 9.197 tỷ đồng. EVN đạt lợi nhuận sau thuế là 8.239 tỷ đồng. Ngay cả sau khi bù lỗ các khoản lỗ lũy kế, lợi nhuận của toàn tập đoàn vẫn còn tới 547 tỷ đồng.
Một nguồn thu không nhỏ khác, lên tới vài trăm tỷ đồng của EVN từ đầu năm đến nay là tiền thu được từ thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-18 22:40:21
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tang-gia-dien-evn-khang-dinh-chua-co-de-xuat-gi-a167358.html