Chiếc ô tô tự chế động cơ xe máy để chở con đi của một người bố tại Nghệ An chưa hết ‘nóng’, thì mới đây, cũng tại Nghệ An, lại xuất hiện chiếc xe ô tô tự chế thứ 2. Mục đích của chủ nhân làm ra chiếc xe này là để đưa cháu đi học.
Thông tin trên báo Dân Việt, ông Phạm Đình Công (SN 1959) trú tại xóm 4, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) là người thứ 2 làm xe ô tô tự chế bằng động cơ xe máy
Ông Công cho biết: “Nhưng lúc nắng mưa, chở cháu đi học bằng áo mưa rất bất tiện, cháu lại hay ốm đau… Tình cờ, đầu năm 2013 tôi phát hiện ở tiệm thu mua phế liệu ở gần nhà có bán một động cơ xe máy LiFan đã cũ. Tôi đã mua về và quyết tâm chế tạo bằng được chiếc xe ô tô để đưa đón cháu đi học. Lúc đó, ai cũng nói tôi là gàn, là khùng nhưng khi chiếc xe hoàn thành và di chuyển được thì mọi người đều bất ngờ…”
Chiếc ô tô tự chế của ông Công được làm từ động cơ xe máy.
Được biết, vào tháng 3/2013 ông bắt đầu mần mò chế tạo chiếc xe “hàng độc”, vợ và nhiều người hàng xóm cứ thấy ông cặm cũi chế tạo chiếc xe thì cho rằng ông bị “khùng”, bị “điên” và cho rằng làm sao có thể chế tạo ra được chiếc ô tô mà có thể di chuyển được bằng động cơ xe máy? Lúc này, nhiều người rất hoài nghi.
Nhưng 3 tháng sau, “lão nông dân” này bất ngờ xuất hiện trên đường cùng chiếc xe đưa cháu Phạm Hoàng Lê Khanh (SN 2012) – cháu nội, đi học trên chiếc xe “độc” này thì lúc này ai cũng tò mò, thích thú và thán phục ông.
Quan sát chiếc xe ô tô tự chế của ông Công thì được biết, chiếc xe có 2 chỗ ngồi, được cấu tạo như một chiếc ô tô mi ni 4 bánh, có vô lăng, có chân phanh, chân ga, hộp số lùi, “bông cầu”, “vi sai”… đều một tay ông mày mò, sáng tạo nên. Vỏ chiếc xe “độc đáo” này được ông gò và sơn màu vàng rất tỷ mỷ công phu.
Chiếc xe có 2 chỗ ngồi, được cấu tạo như một chiếc ô tô mi ni 4 bánh, có vô lăng, có chân phanh, chân ga, hộp số lùi, “bông cầu”, “vi sai”…
Theo ông Công chiếc xe được vận hành như nguyên lý của xe ô tô nhưng tất cả đều dùng phụ tùng của xe máy. Xe vẫn chạy bằng xích, 100km tiêu hao 2 lít xăng, xe có trọng lượng 1,5 tạ, chạy với tốc độ tối đa là 30 đến 35km/1giờ.
Để tiết kiệm chi phí tất cả những phụ tùng làm nên chiếc xe này đều được mua từ hàng phế liệu, nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ông cũng đã bỏ ra khoảng 30 triệu đồng mới chế được chiếc xe này.
Hiện nay, chiếc xe vẫn là phương tiện để đưa đón cháu đi học mỗi lúc trời mưa nắng thất thường. Thỉnh thoảng lúc trời nắng ấm ông vẫn chở cháu đi dạo phố bằng chiếc xe ô tô tự chế này. Ông Công vẫn biết rằng dù là phương tiện tự chế và bị pháp luật cấm lưu thông trên đường, nhưng vì hoàn cảnh gia đình và tình thương dành cho cháu mà đã mày mò, sáng tạo chiếc xe này.
Trước đó, anh Nguyễn Kim Sơn (36 tuổi, trú xóm 1, xã Bài Sơn, Đô Lương), sáng chế ra chiếc ô tô tự chế từ động cơ xe máy để chở con đi học thu hút sự chú ý của dư luận. Chiếc xe này được anh Sơn thiết kế từ việc gò, hàn các thanh sắt thép để thành khung sườn. Mái che của xe được thiết kế từ những mảnh nhôm được gò và bắt vít lại với nhau. Bên trong nội thất khá đơn giản nhưng cũng đủ cho 4 người ngồi.
Dù tự chế, nhưng xe vẫn thiết kế đầy đủ gương chiếu hậu, kính chắn gió phía trước, đầy đủ đèn chiếu sáng cùng đèn xi nhan và chiếc gạt nước… như xe thật.
Chiếc ô tô tự chế từ động cơ xe máy để chở con đi học của anh Sơn.
Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An, vấn đề tự chế ô tô để lưu thông trên đường là hoàn toàn không được phép và vi phạm quy định của pháp luật.
Khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, kiểm tra về kĩ thuật, an toàn xe, nếu chiếc xe này lưu thông trên đường thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt theo Nghị định 171.
“Việc này là nghiêm cấm. Cho dù anh có đưa công nghệ tiên tiến bậc nhất Châu Âu về để sáng tạo thì cũng phải qua kiểm tra, đăng kiểm thì mới được lưu hành.
Tất cả những chiếc xe lưu hành đều phải được kiểm định và qua cơ quan chức năng cấp phép. Chẳng hạn như những chiếc xe làm cho người khuyết tật cũng đều phải kiểm tra và đăng kí qua cơ quan chức năng thì mơi được lưu thông sử dụng” – ông Kỳ nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ khác, một giảng viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự nêu quan điểm, với trường hợp xe tự chế thì phải đăng ký mẫu mã sản phẩm.
Vị này nhấn mạnh: “Xe không qua kiểm định mà lưu hành là phạm luật vì có thể gây nguy hiểm cho người khác, tuy nhiên, các cơ quan chức năng địa phương nên tìm hiểu thấu đáo, nếu thấy người này có tài chế tạo thực sự thì nên khuyến thích làm những việc ý nghĩa hơn.
Lãnh đạo địa phương nên tìm hiểu để hướng dẫn người này đăng ký sản phẩm. Nhiều trường hợp nếu sản phẩm đạt yêu cầu thì có thể sản xuất để sử dụng cho nhiều người”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-22 22:32:35
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/lai-xuat-hien-o-to-tu-che-de-dua-chau-di-hoc-o-nghe-an-a167901.html