Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, Đặc công gồm cả Đặc công bộ và Đặc công nước và hải quân đánh bộ là những lực lượng được huấn luyện rất kỹ để nhận những nhiệm vụ khó khăn.
Lực lượng đặc công của quân đội Việt Nam ra đời từ trong kháng chiến chống Pháp và trở thành một Binh chủng vào ngày 19/3/1967. Theo sách Lịch sử bộ đội đặc công QĐND Việt Nam, từ Đặc công là viết tắt của cụm từ “công đồn đặc biệt”. Bộ đội đặc công trong kháng chiến chống Pháp đã đánh hàng ngàn trận gây nhiều tổn thất cho địch. Với lối đánh bất ngờ, táo bạo, các chiến sĩ đặc công đã luồn sâu, đánh hiểm vào nhiều mục tiêu nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm gây nỗi ám ảnh cho chúng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng đặc công lại càng phát triển mạnh mẽ thành 3 nhánh: đặc công bộ, đặc công nước, đặc công biệt động. Đặc công bộ đã phát triển mạnh đến cấp trung đoàn, lữ đoàn và hình thành nhiều đơn vị nổi danh như Lữ đoàn 198, Lữ đoàn 429, Lữ đoàn 113…
Một chiến sĩ hải quân đánh bộ của Việt Nam với khẩu súng trường tấn công Tar-21 do Israel sản xuất.
Đặc công nước có đơn vị nổi tiếng là đoàn đặc công 10 hay còn gọi là đặc công rừng Sác do những chiến công oanh liệt ở rừng Sác thời chống Mỹ. Ngoài ra lực lượng đặc công nước cũng ghi dấu ấn với những trận đánh ở cảng Cửa Việt năm 1972 và đặc biệt là chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975.
Đặc công biệt động là lực lượng phát triển, trưởng thành và ghi dấu ấn ở thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, biệt động Sài Gòn đã đánh hàng ngàn trận, diệt nhiều sinh lực địch và quan trọng là gây nỗi ám ảnh thường xuyên cho quân Mỹ và tay sai ở ngay chính sào huyệt mà chúng tưởng là an toàn nhất.
Các chiến sĩ đặc công trong cuộc biểu diễn gần đây. Ảnh: báo Quân đội nhân dân.
Theo sách Lịch sử bộ đội đặc công QĐND Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng này đã đánh hàng chục nghìn trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn quân đối phương, tiêu diệt 1600 khẩu pháo, 30 giàn tên lửa, 9000 xe quân sự, 2,7 triệu tấn bom đạn, 600 triệu lít xăng dầu. Đánh chìm và đánh hỏng 400 tàu xuồng chiến đấu.
Những chiến sĩ đặc công được huấn luyện rất kỹ về các kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, chất nổ và đặc biệt là thủ thuật ngụy trang. Ngụy trang là chìa khóa thành công trong việc xâm nhập vào căn cứ địch.
Các chiến sĩ đặc công trong huấn luyện tiềm nhập.
Huấn luyện đặc công nước còn khó khăn hơn. Để trở thành đặc công nước, các chiến sĩ cũng phải trải qua mọi bài tập như đặc công bộ nhưng phải rèn luyện thêm rất nhiều vì môi trường chiến đấu là dưới nước, khó khăn vất vả hơn trên cạn.
Lực lượng đặc công nước mà nhiều quân đội gọi là người nhái là những chiến sĩ có khả năng ít người thường làm được. Họ phải trải qua những bài tập khắc nghiệt như vùi mình trong cát nóng mùa hè, ngâm mình trong nước lạnh mùa đông.
Một lần phát biểu trên báo Tuổi trẻ, ông Đỗ Quang Khải – Phó Chủ nhiệm chính trị của đoàn M26 đặc công hải quân cho biết: “Người nhái là lực lượng đặc biệt trong quân đội, tác chiến bằng kỹ thuật lặn xa và lặn sâu, được trang bị các loại máy móc đặc chủng hiện đại… Cho nên sức khỏe phải thật vượt trội. Trong những người đạt sức khỏe loại 1, chúng tôi chọn những người sức khỏe tương đương phi công – tức là tiền đình cực tốt để chịu được sức quay, thể lực tốt để chịu được sức ép của nước từ 1 đến 5 atmosphere. Từ mặt nước xuống cứ 10m là 1 atmosphere, 5 atmosphere tương đương độ sâu 50m. Thí sinh được yêu cầu phải xuống sâu được 10 đến 20m. Mỗi năm chúng tôi chỉ tuyển được 20-30 người. Có năm trong hàng ngàn người mới chọn được 10 người”.
Hai chiến sĩ đặc công nước Việt Nam trong một buổi huấn luyện.
Thông thường, chương trình huấn luyện một ‘người nhái’ mất 2 năm. Sau khi hoàn tất các bài huấn luyện, một đặc công nước của Việt Nam có thể bơi liên tục 10 km không phát ra tiếng động, lặn xa 1000m và sâu 20 đến 30m.
Ngoài đặc công bộ và đặc công nước, một lực lượng nữa cũng được huấn luyện rất kỹ càng là hải quân đánh bộ.
Xem thêm video: Thử so tài đặc công Việt Nam và đặc nhiệm Trung Quốc:
Đây là lực lượng có nhiệm vụ đóng quân bảo vệ các đảo, đá hoặc tấn công, đổ bộ đường biển lên đất liền hoặc lên các đảo bị nước ngoài chiếm đóng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.
Theo Wikipedia, lính hải quân đánh bộ Việt Nam cũng được huấn luyện rất kỹ. Họ được huấn luyện bơi từ tay không đến bơi mang theo vũ khí trang bị. Ngoài ra, để có thể tác chiến trên biển, họ được luyện thử sóng bằng những bài tập như đu quay, đi trên cầu sóng liên tục chao đảo. Những bài tập này nhằm rèn luyện cho những người sợ độ cao và tiền đình kém.
Hải quân đánh bộ Việt Nam trong một cuộc tập đổ bộ.
Mỗi lính hải quân đánh bộ phải bơi được từ 3 đến 5 km và mang theo 35 đến 40 kg trang bị. Khi đã đạt yêu cầu về bơi, chiến sĩ hải quân đánh bộ sẽ bước vào huấn luyện thả trôi. Thường là các chiến sĩ sẽ phải thả trôi liên tục từ 8h đến 16h mới được vớt lên trong khoảng cách 7 đến 10 km.
Hải quân đánh bộ cũng hay được gọi là đặc công hải quân vì đặc thù nhiệm vụ và kỹ năng chiến đấu của hai lực lượng này tương tự như nhau. Tuy nhiên đặc công hải quân là lực lượng đặc nhiệm của Quân chủng Hải quân hay còn gọi là đặc công nước còn hải quân đánh bộ là lực lượng chuyên biệt phòng thủ đảo hoặc đổ bộ lên đảo, lên đất liền như ở trên đã nói.
Trần Vũ
2014-12-16 03:16:11
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dau-la-cac-luc-luong-dac-biet-tinh-nhue-cua-viet-nam-a166913.html