Trần Quang Đức
Hồi còn học tại Đại học Bắc Kinh, tôi chơi với một anh bạn người Mông Cổ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Lịch sử cùng trường. Một bữa cơm no rượu say, anh bạn này ‘xúc động’ nói: Đ.mẹ, bọn nó lại dám bảo nhà Nguyên là của chúng nó chứ. Nhà Nguyên là của người Mông Cổ! Là của bọn tôi! (Tiếc là anh bạn này mấy năm sau đã tự sát trong kí túc)
Một bận khác, trên taxi, trong câu chuyện trò với một bác tài xế già tuổi người Bắc Kinh, bác này cũng ngang nhiên nói, Trung Quốc thời Nguyên, quốc thổ rộng lớn nhất, phía Tây chiếm cả mấy nước Hungari…
Gần đây ở ta chiếu phim Hoàng hậu Ki của Hàn Quốc, đại để có 1 số duyên do, khiến Hàn Quốc hiện nay cũng có quan điểm cho rằng nhà Nguyên là của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, xét ở góc nhìn khác, có một cách nói lưu hành trong giới có học ở Trung Quốc rằng “Tống mất không còn Trung Quốc, Minh diệt không còn Hoa Hạ” 宋亡之後無中國,明亡之後無華夏, bởi trên thực tế, cuộc xâm lăng và tàn sát của quân Nguyên Mông và sau này là Mãn Thanh đối với người “Trung nguyên” đã diễn ra hết sức khủng khiếp. Thời Tống thì chỉ biết sau khi triều đình Tống bị bức ra ngoài biển hơn một tháng, cuối cùng đương đêm đại thần Lục Tú Phu phải ôm ấu chúa nhảy xuống biển tự tử, kéo theo một loạt các sĩ đại phu tuẫn tiết. Sau 1 đêm, 10.000 xác quan quân nhà Tống nổi lềnh phềnh trên mặt biển. Mấy trăm năm sau đó, khi Mãn Thanh diệt nhà Minh, đã thảm sát khắp nơi, trong đó con số tử vong mà có sử liệu làm chứng thì phải hơn 800.000 người Dương Châu, 700.000 người Quảng Châu, 500.000 người Gia Định, 100.000 người Triều châu v.v. đều bị “làm cỏ”. Sự thực là đã có rất nhiều quan – quân – dân người Tống, Minh đã chạy sang Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt nam khi triều đại Tống, Minh diệt vong.
Trong Ngàn năm áo mũ tôi cũng từng chỉ ra rằng, triều đình Việt từng nhiều lần tự xưng là Trung Quốc, Hoa Hạ, đặc biệt vào những khi “Trung nguyên” bị Mông Thát, Mãn Thanh tiêu diệt. Cùng chia sẻ một khối tri thức chung, văn hóa chung từ các sách vở chữ Hán, đến khi Tống – Minh diệt vong, dân ‘man di’ làm chủ Trung Quốc, thì triều đình Việt tự nhận kế thừa tính chính thống của văn minh Hoa Hạ. Cách gọi Trung Quốc, Hoa Hạ vào thời bấy giờ khi chưa có khái niệm /dân tộc/, vốn chỉ sự văn minh, ở trung tâm mà thôi. Điều này đã có nhiều nghiên cứu, không hề mới mẻ ở các nước Trung –Nhật – Hàn, Mỹ. Nhưng ở ta, tôi không nói tới vấn đề thoát Trung ở mặt kinh tế, chính trị; do có sự đứt gãy về tư tưởng văn hóa diễn ra vào nửa đầu thế kỷ 20, giờ lại cộng thêm sự “phẫn khích” trong việc bài Hoa, “vô tri” đối với lịch sử, thành thử cứ thấy cái gì giống phương Bắc là lập tức quy về 1 khái niệm chung là TÀU. Hễ TÀU là bị ghét cmnr. Nhưng trên thực tế thì Tàu có dăm bảy đường Tàu, Việt cũng đâu chỉ có một Việt.
Chỉ cần nói 2000 năm giở lại đây thôi. Giữa Tàu Hán, Tàu Đường, Tàu Tống, Tàu Nguyên, Tàu Minh, Tàu Thanh, Tàu Cộng, bối cảnh xã hội khác nhau, văn hóa khác nhau, trang phục khác nhau, tiếng nói khác nhau. Văn hóa vùng miền ở Trung Quốc cũng rất phức tạp. Ở Việt Nam tình hình không khác. Liệu có bao sự tương đồng giữa Việt Đông Sơn so với Việt Lý – Trần, Việt Lê, Việt Nguyễn và giờ là Việt Cộng??? Thế nhưng, nền giáo dục, tuyên truyền ở Ta và Tàu hiện nay lại luôn nhấn mạnh, đề cao khái niệm một dân tộc Việt, một dân tộc Hán. Có rất rất nhiều bạn Tàu phẫn nộ và “chém” tôi đến cùng khi năm 2009 tôi phát biểu trong mạng renren rằng, Hán cũng tạp chủng chứ không phải là một tộc người thuần nhất.
Về mặt ngôn ngữ, từ “dân tộc” do người Nhật tạo ra khi dịch các khái niệm của phương Tây, du nhập vào ta qua sách vở Trung Quốc cuối tk 19, đầu tk 20. Về mặt nội hàm tư tưởng, xét từ những tư liệu hiện có có thể nhận thấy trước thế kỷ 19 thì tư duy về sự độc lập nhà nước là có, nhưng tư duy về chủng tộc, dân tộc thì không. Cho nên trong hơn ngàn năm, vua quan Việt mới tự nhận là Hoa Hạ, là Trung Quốc, rồi sau này là Hán, đều xét ở góc độ văn minh văn hóa. Đến khi khái niệm, nội hàm “dân tộc” du nhập theo tư trào phương Tây, các trí thức Việt lúc này đã suy ngẫm, và biện luận rằng Việt cũng là Hán tộc. Việt Sử yếu của Hoàng Cao Khải và rồi đến Tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ biên đều là những bài viết đầu tiên đề cập tới vấn đề này. Và thoạt kỳ thủy, các cụ ấy đều nghĩ rằng “Dân tộc Nam ta là Hán tộc không còn nghi ngờ gì nữa” (Hoàng Cao Khải), hay “nhân chủng nước Nam ta đồng hóa thành Hán tộc không còn nghi ngờ gì nữa. Ôi đường đường Hán tộc diệt Xi Vưu, xua Tam Miêu, đuổi Kinh Man, dần đần phát đạt, ban đầu từ Hoàng Hà, sau đó xuống sông Dương Tử, rồi sau đó xuống phía Tây Giang rồi đến đất này, có tính chất văn minh, có năng lực cạnh tranh, có thể thu Chiêm Thành, chiếm Chân Lạp, dẹp man mọi, chinh phục tất cả giống người cũ mà nghiễm nhiên trở thành chủ vùng đất này!” (Tạp chí Nam Phong). Thời hai cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, nhắc đến Tàu và Nhật vẫn còn cho rằng họ với ta ”đồng văn đồng chủng”. Rõ ràng đã có 1 sự biến chuyển rất lớn giữa quan niệm của trí thức Việt đầu thế kỷ 20 và ngày nay về khái niệm dân tộc. Song giờ đây, bằng nhiều chứng cứ, ta hiểu rằng vấn đề không đơn giản như vậy. Đó chỉ là sự tư biện chất phác một thời mà thôi. Song cái sự chất phác ấy lại thể hiện tính sơ khai của cái gọi là tinh thần dân tộc. Càng về sau, khái niệm “dân tộc” ngày càng được diễn giải khác đi, rồi bị lợi dụng, cổ súy, dần trở thành 1 thứ tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, không được xây dựng trên nền tảng tri thức.
Tóm lại, Hán hay Việt tất cả chỉ là vỏ khái niệm. Không nên suy nghĩ đơn giản rằng, vì có 1 khái niệm nên có 1 nội hàm đơn nhất. Người Ấn chuộng tư duy siêu hình, nên khi bàn về TRÍ TUỆ họ phân biệt rạch ròi các level giác ngộ mà định ra nhiều danh xưng khác nhau. Cũng như người Việt phân biệt được đủ các loại cá mú tôm tép, chim, thu, nụ, đé, trê, chắm, quả, chép v.v. Sự phân biệt rạch ròi đối với các khái niệm, sự vật, hiện tượng thể hiện sự phát triển về tri thức, sự hiểu biết của con người. Mọi sự nhập nhằng, quy chụp vào một khái niệm chung chung, đơn nhất thì sẽ còn cách xa lắm mới đến được con đường văn minh.
Ảnh minh họa: Các kiểu tóc Mãn Thanh thời kỳ đầu, trung kỳ, và hậu kỳ. Người thời Minh