Kể từ khi Việt Nam bắt đầu hiện đại hóa lực lượng hải quân, chúng tôi luôn tự hỏi khi nào Hải quân Việt Nam có một tàu sân bay như các cường quốc.
Tàu sân bay ngày càng trở thành một biểu tượng của các cường quốc quân sự. Trên website gpo.gov của Mỹ năm 1997 người ta đã đánh giá: “Kể từ Thế chiến II, các nhóm tàu sân bay đã trở thành một yếu tố chính trị và quân sự then chốt trong việc đạt được các mục tiêu của sự hiện diện cũng như khả năng phản ứng khủng hoảng với hỏa lực cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ trong một cuộc xung đột có thể xảy ra. Những khả năng này được biết đến và tôn trọng trên toàn thế giới, qua đó củng cố răn đe. Các tàu sân bay tạo thành các khối xây dựng của lực lượng hải quân”.
Tàu sân bay Truman của Mỹ. Ảnh minh họa.
Tàu sân bay là biểu tượng của các cường quốc và là một phương tiện quan trọng để một lực lượng hải quân vươn lên thành hải quân nước xanh (hải quân đại dương chứ không chỉ hoạt động ven bờ). Bây giờ chúng ta hãy xem xét vào chủ đề chính là khi nào Việt Nam có thể sở hữu một tàu sân bay.
Khả năng công nghiệp trong nước
Xét đến ngành đóng tàu quân sự thì chỉ đến vài năm gần đây, Việt Nam mới tự đóng được một tàu chiến. Đó là các tàu TT-400-TP và tàu tên lửa Molniya.
Cũng cần lưu ý thêm là tàu TT-400-TP được cho là tự đóng nhưng các vũ khí lắp đặt trên tàu chủ yếu vẫn phải mua ở nước ngoài. Chẳng hạn các hệ thống radar, pháo cao tốc… chúng ta vẫn chưa tự sản xuất được.
Một tàu Molniya do Việt Nam tự đóng đang chạy thử nghiệm.
Còn tàu tên lửa Molniya là tàu ta đóng theo giấy phép và dây chuyền công nghệ của Nga. Trong quá trình đóng vẫn có các chuyên gia Nga cố vấn kỹ thuật. Dĩ nhiên, phần lớn hệ thống vũ khí chính trên tàu như tên lửa chống hạm, pháo cao tốc… vẫn là nhập khẩu, chưa tự sản xuất được.
Trong khi đó, một tàu sân bay phức tạp hơn một tàu tên lửa rất nhiều. Do vậy, xét về khả năng công nghiệp quốc phòng Việt Nam, trong nhiều năm tới có lẽ cũng chưa thể tự đóng được tàu sân bay.
Khả năng đầu tư mua sắm
Dù trình độ công nghiệp quốc phòng còn hạn chế, Việt Nam vẫn đang sở hữu nhiều vũ khí hiện đại do bỏ tiền ra mua sắm. Vậy có khả năng Việt Nam bỏ tiền ra mua một tàu sân bay hay không?
Trước hết chúng ta hãy xem xét giá cả của các tàu sân bay. Theo Tổng cục Thống kê của Mỹ tính toán năm 1997, chi phí để đóng một tàu sân bay thông thường của họ là khoảng 3 tỷ USD còn chi phí trung bình để đóng một tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân là khoảng 6,5 tỷ USD.
Gần đây nhất, nước Anh đang đóng 2 tàu sân bay với chi phí cũng lên tới gần 10 tỷ USD. Theo Financial Times, năm 2007, nước Anh có kế hoạch đóng 2 tàu sân bay với chi phí ban đầu là 3,5 tỷ Bảng (khoảng 5,6 tỷ USD) nhưng đến khi thực hiện đã đội lên thành 6,2 tỷ Bảng (bằng gần 10 tỷ USD).
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam dao động trong khoảng 2% GDP. Theo sách trắng quốc phòng Việt Nam công bố năm 2009, ngân sách quốc phòng trong 4 năm liên tiếp từ 2005 đến 2008 đều dao động ở 2 % GDP. Trong đó năm 2008 chiếm 1,8 % với con số là 27.024 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD theo thời giá lúc đó).
Năm 2013, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, GDP của Việt Nam tính theo sức mua tương đương thì đứng thứ 42 thế giới, với con số đạt được là 141 tỷ USD. Giả sử ngân sách quốc phòng các năm gần đây vẫn là 2 % thì ngân sách quốc phòng năm 2013 sẽ là khoảng 2,8 tỷ USD.
Như vậy phải sử dụng ngân sách quốc phòng gần 2 năm mới đủ để đóng 1 tàu sân bay cỡ 70.000 tấn như chiếc Queen Elizabeth của nước Anh.
Tuy nhiên, khoản tiền lớn bỏ ra khi đóng tàu sân bay chưa phải là khoản cuối cùng. Theo tính toán của người Mỹ, chi phí vận hành một chiếc tàu sân bay trung bình là 220 triệu USD một năm.
Trên trang web Quora.com, trong một bài viết có tựa đề tạm dịch là “Vì sao không có nhiều quốc gia sử dụng tàu sân bay?” đã nhận xét: “Ngay cả khi một tàu sân bay là một món quà miễn phí, nghĩa là một nước nào đó không phải mất tiền để đóng nó thì để làm bất cứ điều gì với nó cũng là một đề xuất đắt tiền. Ước tính chi phí vận hành một tàu sân bay thông thường của Mỹ là 220 triệu USD một năm. Ngay cả trong trường hợp không phải điều chỉnh theo giá lạm phát, 220 triệu USD có thể là ngân sách quốc phòng trong cả năm của những nước như Albania hay Tanzania”.
Một tàu sân bay không thể hoạt động đơn lẻ mà phải kết hợp với cả nhóm tàu chiến để bảo vệ nó.
Trang web nói trên cũng phân tích: “Một quốc gia mua tàu sân bay đầu tiên của nó sẽ phải phát triển học thuyết mới, các chương trình đào tạo, các cảng, cơ sở hạ tầng cũng như phát triển hàng không hải quân. Nước đó sẽ phải cơ cấu lại lực lượng hải quân của mình để kết hợp với tàu sân bay mới, vừa để bảo vệ vừa để tận dụng khả năng của tàu sân bay. Tôi không thể ước lượng hết được phải chi phí bao nhiêu, nhưng khoản chi sẽ không phải là tầm thường”.
Khi sở hữu một tàu sân bay, bắt buộc phải xây dựng đội hình một nhóm tàu sân bay. Theo tiêu chuẩn Mỹ, một nhóm tàu sân bay gồm: 1 tàu sân bay, 6 tàu chiến mặt nước, trong đó ít nhất là 3 tuần dương hạm hoặc tàu khu trục với hệ thống Aegis và 4 tàu có thể bắn tên lửa Tomahawk cũng như mang các trực thăng chống ngầm; 2 chiếc tàu ngầm tấn công cùng 1 tàu đa năng hỗ trợ chiến đấu.
Nếu không như vậy, các tàu sân bay sẽ trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương khi đối phương sử dụng tàu ngầm tấn công. Qua những phân tích trên, chúng ta rút ra kết luận là với khả năng kinh tế của Việt Nam hiện tại, mua một tàu sân bay là quá sức chịu đựng. Do vậy, trong tương lai một vài chục năm tới, Việt Nam chưa thể sở hữu các tàu sân bay như của Mỹ, Nga hay Anh.
Trần Vũ
2014-12-05 01:56:11
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bao-gio-viet-nam-co-tau-san-bay-a165338.html