Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa – Giáo dục và Đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion chính thức công bố báo cáo kết quả dự án khảo sát xã hội về “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh”. Đây là khảo sát xã hội đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực này và được đánh giá là có ý nghĩa lớn trong việc góp phần mang lại những thông tin hữu ích cho những người làm cha mẹ – một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trong việc nuôi dạy con cái trong đời sống xã hội hiện nay.
Trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng…) từ rất sớm: Dưới 3 tuổi chiếm đến 19%; 3 đến 5 tuổi chiếm 59% trong nhóm trẻ là đối tượng được khảo sát. Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4-7% vào các ngày nghỉ, lễ, Tết). Phần lớn phụ huynh tỏ ra rất lạc quan về những lợi ích tích cực mà thiết bị thông minh mang lại cho con em mình, họ xem đây là phương tiện giúp trẻ thông minh, nhanh nhạy, có vốn kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi thuận tiện, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy đại đa số phụ huynh Việt Nam đang bị động trong việc cho con em tiếp cận và sử dụng các thiết bị thông minh này. Họ hoàn toàn lúng túng trước việc phân định hiệu quả tích cực hay nguy cơ tiêu cực đối với con em mình.
(ảnh minh họa :internet)
Vì vậy, bên cạnh các lợi điểm, phần lớn phụ huynh cũng cho biết con em mình có nguy cơ xao nhãng việc học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân, dễ rơi vào tình trạng phụ thuộc và nghiện, suy giảm khả năng tưởng tượng…
Bị động trong việc cho trẻ tiếp cận và sử dụng thiết bị thông minh, thậm chí, nhiều phụ huynh còn có khuynh hướng dùng thiết bị này để “giữ trẻ” thay mình. Không có thông tin và kiến thức rõ ràng về lợi ích và tác hại của lĩnh vực sản phẩm này đến con em mình khiến cho phụ huynh hoang mang, không có định hướng và giải pháp để giúp trẻ sử dụng thiết bị thông minh một cách đúng đắn và hữu ích…
Khảo sát “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” được tiến hành trong tháng 10/2014 thông qua các công cụ trực tuyến, với sự tham gia của 1.051 hỏi đáp viên là cha mẹ của 1.802 trẻ em từ 3 đến 12 tuổi đang sinh sống tại 4 thành phố lớn trên cả nước là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. TS. Nguyễn Đức Lộc – Phó trưởng Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn – phản biện dự án, chia sẻ: “Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần làm cho cuộc sống của con người tiện nghi hơn, việc tiếp cận tri thức của nhân loại cũng nhanh chóng hơn. Những chuyển biến đời sống xã hội ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh hiện cũng đang khá lúng túng trong việc ứng xử thế nào đối với các thiết bị kỹ thuật số thông minh này để con cái không bị tác hại khi sử dụng”.
(ảnh minh họa :internet)
Nhân loại đang sống trong kỷ nguyên số, thiết bị thông minh đã trở thành một phần trong đời sống của nhiều cá nhân, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Do đó, hiểu về thực trạng, nhận thức đúng về lợi ích, nguy cơ, tác hại, trang bị sự chủ động và kiến thức phù hợp để có định hướng và cách thức sử dụng hiệu quả nhất cho sự phát triển của trẻ chính là thái độ đúng đắn cần có của phụ huynh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo cho rằng: “Một trong những khó khăn của gia đình trẻ Việt Nam hiện nay là làm thế nào để cha mẹ cân bằng thời gian giữa công việc, các mối quan hệ gia đình – xã hội và việc nuôi dạy con cái. Họ- những vợ chồng trẻ, thường có rất ít con (1-2 con) nên đặt hết kỳ vọng cũng như dành những điều kiện tốt nhất cho con cái của mình. Việc cho con tiếp cận các thiết bị thông minh ngay từ nhỏ cũng là một cách thể hiện những điều đó. Tuy nhiên, làm thế nào để các thiết bị thông minh phát huy ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển tinh thần và trí tuệ của trẻ thì không phải cha mẹ nào cũng quan tâm và hiểu biết đầy đủ. Do vậy, hầu hết các trường hợp trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của nhiều cha mẹ. Rất nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi phải tuyên bố con của mình cần cai nghiện việc sử dụng các thiết bị thông minh. Thực trạng này phần nào phản ảnh cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến tác động, cả mặt tích cực và tiêu cực, của thiết bị công nghệ đối với trẻ. Vì thế, họ không thật quan tâm đến việc kiểm soát và dạy con sử dụng thiết bị công nghệ theo cách hữu ích nhất. Điều này cũng cho thấy cha mẹ phần lớn đã dễ dãi trong cách giáo dục con!”.
Trước nguy cơ trẻ em nghiện các thiết bị thông minh, Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp – Trưởng Khoa Tâm lý học, Đại học KHXH & NV TP.HCM kiến nghị: “Trẻ càng nhỏ, càng ít sử dụng thiết bị thông minh càng tốt. Vì nếu trẻ chơi quá nhiều và không kiểm soát sẽ mất nhiều thời gian vào thiết bị thông minh, không hoàn thành các nhiệm vụ thiết yếu đã nêu phần trên sẽ dẫn tới sự phát triển lệch lạc về nhân cách, nhiều trẻ như vậy trong một xã hội sẽ dẫn đến một khủng hoảng về tính nhân văn, vì bản thân thiết bị thông minh tự nó gây ra nghiện và kiến thức có được trong thiết bị thông minh không bao giờ bằng kiến thức tự nhiên và xã hội bên ngoài (kiến thức ảo trong các thiết bị thông minh không bao giờ có thể so sánh về chất lượng được với kiến thức thật, đời thường). Trước 6 tuổi không nên cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh (cùng lắm cho xem tivi là được). Trên 6 tuổi, học cấp 1 (học sinh tiểu học) có thể cho sử dụng thiết bị thông minh khoảng 2 giờ vào 2 ngày cuối tuần. Lên cấp 2 (học sinh trường trung học cơ sở) cần quản lý chặt với thời gian và nội dung cụ thể, cấp 3 (học sinh trường trung học phổ thông) học trên máy vi tính với thời gian quy định trên nội dung bài học ở trường. Tuyệt đối không được ứng dụng thiết bị thông minh một cách chính thức vào học sinh cấp 1 (trường tiểu học). Trẻ cần được chạy nhảy, vui chơi, tham gia các hoạt động trong môi trường tự nhiên là quan trọng”.
Theo Vietdaikynguyen.com