ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Không thày đố mày làm nên
Wednesday, November 19, 2014 22:31
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Người thày đầu tiên của tôi là ba tôi – và ông dạy tôi bằng cách không dạy gì cả. Ba tôi là giáo sư, tiến sỹ đầu một nghành. Tôi còn nhớ khi ông lấy bẳng tiến sỹ khoa học, tạp chí Liên Xô Ngày Nay, một tạp chí tựa như Times ở Mỹ đăng ảnh ông hết nguyên trang bìa. Tuy là cán bộ khoa học nhưng cách ông dạy tôi khác với mọi người. Ba tôi đi Nga từ khi tôi còn chưa sinh và cuộc nói chuyện đầu tiên với ông mà tôi còn nhớ là khi tôi 8 tuổi. Suốt tuổi thơ, tôi biết ông qua các bức ảnh và bưu thiếp ông gửi từ Liên Xô. Tuổi thơ của tôi không có ai mua đồ chơi. Thứ đồ chơi duy nhất tôi có là hai bộ đồ lắp ráp mà ông gửi về. Muốn có xe tăng, tôi sẽ tự lắp xe tăng. Muốn có máy bay, tôi sẽ tự mày mò và ráp ra chiếc máy bay đó. Mãi sau này tôi mới hiểu rằng bộ đồ chơi lắp ráp đó đã giúp tôi rất nhiều. Dù bất cứ ở nơi nào và thiếu thốn phương tiện tới mức nào, tôi cũng có thể học cách tạo ra các công cụ phức tạp từ những thứ đơn giản nhất. 
B4INREMOTE-aHR0cDovLzMuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1yaDRUdWVHeXhTSS9WRzFScDBoNnZlSS9BQUFBQUFBQVJfNC9TaDhOSzlTUXFVQS9zMTYwMC9raG9uZ3RoYXlkb21heS1sYW1uZW4uanBn
Bài học thứ hai mà ông dạy tôi là về lao động và học tập. Hồi bé, nhà tôi ở trên một khu vực có nền yếu. Cứ vài năm, nhà lại lút nứt đến mức phải sửa lớn. Khi tôi bắt đầu vào cấp 3, tôi không thích học lắm – đơn giản vì tôi không thích cái không khí suốt ngày thi đua của cái lớp “chọn” nơi tôi học. Đến mùa hè, khi nhà tôi lại phải sửa lớn. Ba tôi bảo tôi đi làm phụ hồ cho công nhân. Ba khuyến khích tôi làm thật tốt. Sau mùa hè đó, tôi có thể lao động như một phụ hồ thực sự. Điều đó có nghĩa là tôi có thể tung và bắt 5 – 6 viên gạch chồng lên nhau, trộn hồ hoặc thậm chí là xây và trát. 
Sau mùa hè đó, bố tôi cho tôi tiền để tiêu vặt. Số tiền bằng đúng số mà ông trả cho một thợ xây. Lúc đó ông chỉ nói rằng tôi có thể lựa chọn, học để có thể sau này đỡ vất vả hơn hoặc chọn vất vả về thể lực nhưng không phải suy nghĩ. Khác với cha mẹ khác, coi việc học và thành tích học tập của con cái là cái gì đó rất đáng tự hào, đến khi tôi đã học lớp 12, thì ông vẫn nghĩ tôi lớp 11. Nhưng sau mùa hè đó, tôi đã tự thông suốt con đường học hành của tôi.
Năm tôi lớp 7, tôi học thêm văn với một thày giáo trường Trưng Vương. Tôi bắt đầu học với thày như một trò học thêm và đến giờ coi thày như cha, như bác. Khi bố mẹ tôi đi nước ngoài, hai vợ chồng bác tôi nhận nuôi tôi cả 2 năm. Tôi sống với các con thày và lần đầu tiên trong đời một đứa con một như tôi hiểu và được cảm nhận thế nào là tình anh em. Ngoài ra, sống với gia đình thày tôi, tôi thấy được sự công bằng của cả hai bác khi đối xử không phân biệt giữa các con và tôi. Nghề luật của tôi đòi hỏi đặc biệt về khả năng đọc và hiểu ngữ nghĩa. Cách đây vài tháng, một lần tôi rất bực vì mấy nhân viên giỏi nhất của tôi loay hoay mãi vẫn không hiểu được nghĩa một câu dài khoảng 9-10 dòng gì đó. Đôi với tôi, những mọi câu viết – dù dài cả trăm dòng – thì việc hiểu nghĩa cũng rất đơn giản, miễn là câu đó viết đúng ngữ pháp. Tôi bực vì phải giảng cho nhân viên của tôi thế nào là bổ ngữ, trạng ngữ, là tính từ, cấu trúc, thứ tự thành phần câu. Tôi dạy cho nhân viên phương pháp phân tích câu mà tôi đã học được từ thày 25 năm trước. Sau khi giảng xong, tôi hỏi các nhân viên “có công bằng không khi anh phải giảng cho bọn em những thứ mà các thày cô dạy trong trường năm lớp 7, lớp 8″. Câu trả lời làm tôi ngạc nhiên hơn – đó là các nhân viên của tôi chưa bao giờ được học những thứ mà tôi được dạy. Từ lúc còn đi học, tôi biết thày tôi là một trong những thày giáo dạy văn hay nhất Hà Nội và Sở giáo dục thường mời thày đi giảng cho các thày cô giáo khác để làm mẫu. Thế nhưng chỉ khi nghe nhân viên tôi nói, tôi mới nhận ra rằng không phải ai cũng có may mắn được một người thày như bác tôi giảng dạy. Không phải ai cũng có được một người thày mà những gì thày dạy hồi lớp 7, lớp 8 lại có thể mang ra để hành nghề kiếm cơm gần hai chục năm sau như vậy. 
Người thày thứ ba là một người bạn của ba tôi. Ngày tôi bé, nhà tôi gần Chợ Giời, nơi trẻ con thường ngỗ nghịch. Mẹ tôi sợ tôi hư nên hay nhốt tôi ở nhà. Nhà tôi nhỏ, 16 mét vuông chật kín đồ đạc. Bác tôi thương tôi buồn nên thường mang sách bác mượn trong thư viện của đài truyền hình trung ương cho tôi đọc. Đó là lý do tôi đọc những tác phẩm như “Trăm năm cô đơn”, “Chùm nho nổi giận”, “Võ đài sau dây thép gai” từ khi bé tý. Sách của bác tôi toàn sách cho người lớn, do đó, không phải ngay từ đầu tôi đã thích. Tôi nhớ, một lần khi đọc “Daghestan của tôi” của Rasul Gamzatov, tôi than thở với bác là chán vì trong đó có nhiều đoạn độc thoại quá. Bác đọc lại một đoạn cho tôi. Trong đoạn đó, tác giả kể rằng ở vùng Caucasus, người ta tin rằng những người lính khi hy sinh cho tổ quốc sẽ hoá thân vào những chim ưng. Gamzatov có một người anh là phi công đã hy sinh trong chiến tranh vệ quốc, và đó là lý do, mỗi lần ông ấy nhìn lên những cánh chim ưng bay liệng trên núi đồi Daghestan, ông như nhìn thấy anh trai mình đang bay liệng trên đó. Từ ngày đó, mỗi lần nhìn vào một trang sách, tôi không còn thấy mình bị gò bó trong bốn bức tường nữa. Tôi thấy mình có cánh và có thể bay tới mọi miền mà tôi muốn – chừng nào tôi còn có sách để đọc. Đến giờ, tôi vẫn không thể sống mà không đọc là vì vậy. 
Người thày thứ tư của tôi là một khách hàng. Anh không bao giờ dạy tôi điều gì nhưng suốt trong những năm làm việc với anh, tôi học được từ anh nhiều đến mức giờ đây, mỗi khi có việc gì khó, tôi lại nghĩ “nếu trong hoàn cảnh này thì anh ấy sẽ làm như thế nào?” Tôi thường soạn cho anh các hợp đồng dài hàng chục trang. Thế nhưng khi bán nhà cho tôi, anh là người soạn hợp đồng, một hợp đồng chỉ có một trang duy nhất. Anh soạn và tôi ký mà không cần nghĩ. Tôi nghĩ là trong cuộc đời làm luật sư, tôi sẽ chẳng bao giờ có thể thuyết phục nổi ai đồng ý với các điều khoản mà anh viết cho tôi như: tôi nhận nhà ngay khi tôi đóng chưa đủ nổi 1/4 số tiền căn nhà và số tiền còn lại thì “được thanh toán khi nào bên mua có khả năng và trong mọi trường hợp giá bán không đổi”. Trong cuộc đời, dạy kiến thức đã khó nhưng dạy cho người khác có niềm tin còn khó hơn. Tôi may mắn được gặp những người có thể dạy cho người khác có được niềm tin. 
Trong cuộc đời tôi còn có rất nhiều người là thày của tôi nữa. Những người đó không có chức danh thày giáo. Thậm chí họ không bao giờ nghĩ rằng họ đã dạy tôi. Nhưng điều may mắn cho tôi là tôi luôn muốn học, và do đó, tôi có thể học ở mọi nơi mọi lúc. Tôi đã học rất nhiều từ một anh bạn bằng cách cứ cuối năm thì lại mời anh ấy đi cafe để “báo cáo tổng kết” công việc của tôi và kế hoạch năm tới. Anh chỉ comment vài điểm hoặc thậm chí kể một vài chuyện chẳng liên quan, nhưng bao giờ tôi cũng học được một điều gì đó bổ ích. Hoặc như một ông anh khác của tôi. Từ khi hai anh em biết nhau, có rất nhiều lần hai anh em tranh cãi. Những điều anh ấy nói, anh ấy bảo tôi làm, rất nhiều lần tôi làm ngược lại. Tuy nhiên, ngẫm đi ngẫm lại, cái gì anh ấy nói tôi cũng dùng được cả – chỉ duy nhất là tôi có tự thừa nhận điều đó hay không mà thôi. Có rất rất nhiều người như thế, những người đã dạy tôi từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ chuyện gia đình tới chuyện kinh doanh, từ kiến thức đến lối sống, từ niềm tin tới cách suy nghĩ. Đến giờ, khi ngồi viết một note cho ngày 20/11, tôi mới nhận ra rằng tôi sẽ chẳng là ai cả nếu không có những người đã đi qua đời tôi và dù vô tình hay cố ý đã dạy tôi nên người. Đến giờ tôi mới hiểu câu “không thày đố mày làm nên” mà các cụ hay nói!
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.