Lôi Sở Niên đứng trước tòa với hai tay bị còng trong phiên xét xử các tội danh “lừa đảo, giả mạo con dấu cơ quan nhà nước và giả mạo con dấu công ty” vào ngày 3/11/2014. Lôi Sở Niên từng được tuyên dương là “Người hùng trẻ tuổi” vì đã cứu các bạn cùng lớp sau trận động đất Tứ Xuyên 2008. (Ảnh West China Metropolis Daily)
Một “người hùng trẻ tuổi” nổi tiếng từng cứu 7 bạn học của mình trong trận động đất lớn tại Tứ Xuyên năm 2008 đã phải ra hầu tòa ngày 3/11 với các tội danh “lừa đảo, giả mạo con dấu cơ quan nhà nước và giả mạo con dấu công ty”- theo báo chí Trung Quốc.
Lôi Sở Niên sinh năm 1992, được phong là “Người hùng trẻ tuổi” và được nhà nước rầm rộ tuyên dương sau trận động đất 7.9 độ rich te ở hạt Wenchuan, tỉnh Tứ Xuyên, ngày 12/5/2008.
Lôi Sở Niên bị cáo buộc phạm tội lừa đảo trong 5 vụ việc xảy ra từ tháng 1 đến tháng 9/2013, chiếm đoạt 460.000 tệ (75.262 đôla Mỹ)- theo báo Tin tức Tứ Xuyên. Theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, thu nhập trung bình hàng năm của một gia đình tại Trung Quốc năm 2012 là 13.000 tệ (2.126 đôla Mỹ).
Theo công tố viên, Lôi Sở Niên có thể sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù do “mức độ nghiêm trọng của vụ án. Lôi khai với công tố viên rằng, cậu không có việc làm và tất cả số tiền cậu chiếm đoạt nhờ lừa đảo người khác đã bị tiêu xài phung phí- theo tờ Tin tức Tứ Xuyên.
Không bạn bè hay người thân nào của Lôi tới dự phiên tòa, ngoại trừ một số nạn nhân. Các nạn nhân trả lời tờ Tin tức Tứ Xuyên rằng thái độ của Lôi tại phiên tòa rất đáng thất vọng – họ nói cậu không hề tỏ ra hối hận vì việc làm của mình.
Lôi đã trở thành người của công chúng sau khi câu chuyện cứu bạn của cậu được tuyên truyền mạnh mẽ 6 năm trước đây. Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường lựa chọn tuyên truyền các hình tượng anh hùng như là một cách đánh bóng hình ảnh và đề cao sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Trong thảm kịch động đất tại Wenchan với 87.000 người chết, chiến dịch tuyên truyền “người hùng trẻ tuổi” đã thành công làm chệch hướng chú ý của dư luận khỏi những trách nhiệm chính phủ phải gánh chịu.
“Để tuyên truyền cho những cái gọi là giá trị, họ [chính phủ] ép biến một đứa trẻ thành một tấm gương đạo đức rồi để mặc cho thế giới của người lớn hủy hoại đứa trẻ. Tấm gương đạo đức cuối cùng cũng sụp đổ và người hùng thì bị ném sang bên”.
Cư dân mạng Trung Quốc
Cùng lúc đó, chính phủ phải giữ cho những thông tin về trách nhiệm của mình đối với thảm họa không rò rỉ ra ngoài dư luận. Hàng ngàn học sinh đã chết vì chất lượng xây dựng tồi tệ, nhưng những báo cáo về các ngôi trường được xây dựng kém chất lượng đều bị kiểm duyệt không cho đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Trong câu chuyện anh hùng của Lôi, khi trận động đất bắt đầu, cậu chạy ngược lên cầu thang để gọi các bạn chạy ra ngoài. Hành động này của cậu được chính phủ ca ngợi là dũng cảm và quên mình, dù nhiều người Trung Quốc cho rằng hành động của Lôi là nguy hiểm và không phù hợp khi xảy ra động đất.
“Hành động này rất phi lý và nguy hiểm. Những hành động kiểu thế không nên được khuyến khích. Trong sách hướng dẫn an toàn của trường học, học sinh được dạy phải chạy xuống cầu thang thay vì ngược lại. Đó là sự vô trách nhiệm khi để trẻ em coi những hành động anh hùng kiểu này là đúng đắn”. Nhà bình luận chính trị Trung Quốc và phụ trách chuyên mục He Sanwei viết trên blog cá nhân.
Tuy vậy, Lôi vẫn được tuyên dương là một trong 20 “Người hùng trẻ tuổi trong trận động đất” và trở thành một trong những người rước đuốc tại Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh năm 2008. Nhờ vinh dự này, Lôi đã được tuyển thẳng vào trường trung học điểm mà không phải thi đầu vào cũng như được miễn toàn bộ học phí – theo báo chí Trung Quốc.
Giới truyền thông nhà nước xếp hàng để đưa tin về Lôi, cho đăng những buổi phỏng vấn độc quyền, làm phim tài liệu về cậu. Lôi cũng từng phát biểu tại các cơ quan chính phủ và địa phương.
Sau cuộc tuyên truyền rầm rộ như vậy, tội lỗi của Lôi là một cái tát thẳng vào mặt các quan chức ĐCSTQ. Truyền thông nhà nước cố đổ tội cho cậu là đã không giữ mình được tốt sau khi bất ngờ nhận được những vinh dự và danh tiếng đó. Trong khi đó cư dân mạng Trung Quốc lại cho rằng hành động của Lôi là kết quả của một hệ thống xã hội đã thúc đẩy một đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh đó.
“Sự sa ngã của Lôi là do chơi với bạn xấu, không kiên định và thiếu sự định hướng từ mọi người… Danh tiếng và quyền lực nhanh chóng là con đường ngắn nhất để hủy hoại một con người” – một đăng tải trên blog của cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ từ Nhân Dân Nhật Báo.
Trường hợp của Lôi Sở Niên đã thu hút nhiều bàn luận trên mạng Internet Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng chỉ trích hệ thống cộng sản, đạo đức xã hội và phản ứng của giới truyền thông về trường hợp này.
Một cư dân mạng biệt danh là “Old man from Xian City” viết một phản biện đối với đăng tải của tờ Nhân Dân Nhật Báo: “Kẻ phạm tội thật sự chính là bối cảnh xã hội đang khuyến khích sự nôn nóng, tham vọng và thành công nhanh chóng. Để tuyên truyền cho những cái gọi là giá trị đó, họ [chính phủ] ép một đứa trẻ trở thành một tấm gương đạo đức rồi bỏ mặc cho thế giới của người lớn hủy hoại đứa trẻ. Tấm gương đạo đức cuối cùng cũng sụp đổ và người hùng thì bị ném sang bên”.
Theo Vietdaikynguyen.com