Liên bộ Công Thương – Tài chính lại dự kiến nâng chi phí hoa hồng xăng dầu thêm 10-22% từ ngày 1/11 tới. Xăng sẽ được tính hoa hồng đến hơn 1.000 đồng/lít. Nếu như dự thảo này được thông qua, rất có thể giá xăng dầu bán lẻ cũng sẽ tăng theo, ít nhất là vì cộng thêm phần chênh lệch trên.
Hoa hồng tăng, giá cũng sẽ tăng
Theo tin tức trên báo Vietnamnet, giữa lúc giá xăng dầu đang hạ nhiệt, liên bộ Công Thương – Tài chính lại dự kiến nâng chi phí hoa hồng xăng dầu thêm 10-22% từ ngày 1/11 tới. Xăng sẽ được tính hoa hồng đến hơn 1.000 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay.
Kế hoạch trên vừa được liên bộ Công Thương – Tài chính lồng ghép trong dự thảo Thông tư liên tịch về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, dự thảo thông tư này quy định, chi phí kinh doanh bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng tối đa là 1.050 đồng/lít; dầu hỏa, dầu diezen tối đa 950 đồng/lít và dầu madut tối đa là 600 đồng/kg.
So với mức hiện nay, chi phí kinh doanh áp dụng cho xăng sẽ tăng 190 đồng/lít, tương ứng tăng 22%. Đối với dầu, mức chi phí mới tăng 90 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ tăng 10%, tăng 100 đồng/lít đối với dầu madut, tăng 20%. Đây sẽ là lần thứ 2 chi phí kinh doanh định mức được điều chỉnh tăng.
Nếu như dự thảo này được thông qua, rất có thể giá xăng dầu bán lẻ cũng sẽ tăng theo, ít nhất là vì cộng thêm phần chênh lệch trên.
Nếu như dự thảo này được thông qua, rất có thể giá xăng dầu bán lẻ cũng sẽ tăng theo, ít nhất là vì cộng thêm phần chênh lệch trên.
Năm 2009, khi Nghị định 84 ra đời để khởi động cho việc đưa giá xăng dầu tiệm cận giá thị trường, chi phí kinh doanh do Bộ Tài chính quy định theo Thông tư 234, chỉ ở mức 600 đồng/lít đối với xăng, dầu hoả và dầu diezen và 400 đồng/kg đối với dầu madut bán buôn.
Sau 3 năm doanh nghiệp liên tục kiến nghị, tháng 3/2013, mức chi phí này đã được tăng lên 260 đồng/lít đối xăng, dầu hoả và dầu diezen và thêm 100 đồng/kg đối với dầu madut, áp dụng cho đến nay.
Theo cơ chế hiện hành, ít nhất là một nửa trong mức chi phí trên sẽ được dành trả thù lao cho các đại lý bán lẻ xăng dầu. Mặc dù thực tế thị trường, doanh nghiệp cần chiếm thị phần, đẩy hàng thường thù lao hoa hồng luôn cao hơn mức quy định, có lúc lên tới hơn 1.000 đồng/lít.
Ngoài điểm mới trên, công thức tính giá cơ sở theo cơ chế mới vẫn như cũ, có 9 thành tố, trong đó, mức trích lập Quỹ bình ổn vẫn là 300 đồng/lít, kg. Lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp xăng dầu vẫn tiếp tục được tính là 300 đồng/lít, kg.
Giá CIF xăng dầu được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc thay vì 30 ngày như Nghị định 84.
Đừng bắt người tiêu dùng phải gánh cả chi phí hoa hồng cho đại lí!
Bày tỏ quan điểm về vấn đề chi phí kinh doanh định mức và mức hoa hồng xăng dầu trên báo Infonet, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội cho rằng:
Về việc tăng chi phí định mức, cần phải xem xét một cách công bằng, khách quan bởi tham gia thị trường xăng dầu của Việt Nam không chỉ có xăng dầu nhập khẩu mà cả xăng dầu sản xuất trong nước nên các khoản chi phí này phải có cơ sở và định mức tính toán rõ ràng, minh bạch, không để từ một phía là các đầu mối nhập khẩu xăng dầu yêu cầu vì suốt gần 30 năm đổi mới ở nước ta chỉ có khoảng 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
“Việc đẩy mức chi phí hoa hồng xăng bán lẻ để rồi lại đổ lên đầu người tiêu dùng và lại xin nhà nước bổ sung chi phí, đây cũng là một dạng của “chuyển giá”, “chuyển chi phí”.
Có một thực tế cần được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công khai, minh bạch với người tiêu dùng là chi phí định mức kinh doanh cho một lít xăng hiện nay bất hợp lý ở chỗ nào? Doanh nghiệp đã thực hiện tiết giảm chi phí kinh doanh đến đâu hay là có tình trạng doanh nghiệp tư nhân thì tối ưu hóa đầu vào, giảm thiểu chi phí đầu vào còn doanh nghiệp nhà nước lại tối đa hóa chi phí đầu vào? Logistics xăng dầu hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện đến đâu, mục tiêu của logistics xăng dầu là gì? Phân chia lợi ích trong chuỗi cung ứng các sản phẩm xăng dầu ở Việt Nam như thế nào?
Đặc biệt là vì sao khi doanh nghiệp kêu chi phí kinh doanh định mức thấp, không bù đắp đủ chi phí nhưng doanh nghiệp xăng dầu lại hào phóng chi mức hoa hồng cho các đại lý kinh doanh xăng dầu cao? Trên thực tế, tại nhiều địa phương hiện tượng chạy xin để mở các cửa hàng xăng dầu diễn ra khá phổ biến.
Vấn đề quan trọng là chi phí kinh doanh định mức, chiết khấu kinh doanh xăng dầu trong điều kiện thị trường còn độc quyền như hiện nay thì phải được các cơ quan nhà nước khách quan, công tâm kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
GS.TS Đặng Đình Đào khẳng định: “Việc đẩy mức chi phí hoa hồng xăng bán lẻ để rồi lại đổ lên đầu người tiêu dùng và lại xin nhà nước bổ sung chi phí, đây cũng là một dạng của “chuyển giá”, “chuyển chi phí” để xin nhà nước bù lỗ, bù chi phí, trong khi doanh nghiệp làm ăn vẫn có lãi, thị trường luôn ổn định. Thực tế, việc muốn có thêm các nhà kinh doanh, các nhà nhập khẩu xăng dầu gia nhập thị trường ở Việt Nam không phải là dễ bởi mặc dù luôn kêu lỗ nhưng không doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào chịu từ bỏ để cho doanh nghiệp khác họ làm thay.
Theo tôi, thay vì tăng chi phí định mức kinh doanh lên thì Bộ Tài Chính nên giám sát chặt chẽ việc chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Không để người tiêu dùng vốn đã chịu thiệt lâu nay giờ phải gánh thêm cả chi phí hoa hồng cho đại lý”.
An Nhiên (Tổng hợp)
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường
2014-10-16 22:24:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/phi-hoa-hong-xang-dau-tang-dung-bat-nguoi-tieu-dung-ganh-a153185.html