ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Nội Bài, Tân Sơn Nhất là sân bay tệ nhất Châu Á: Ý kiến người trong cuộc
Monday, October 20, 2014 23:33
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Về việc sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất “lọt” vào danh sách top 10 sân bay tệ nhất châu Á của trang SleepingInAirports.net, dưới đây là ý kiến của những “người trong cuộc” về nhận xét trên.

“Tệ” do quá tải

Trao đổi với Thanh Niên Online sáng 20/10, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết chưa nắm được kết quả xếp hạng này. “Việc xếp hạng cũng phải cân nhắc xem là trang web của tổ chức nào, có uy tín không. Nhưng không cần xếp hạng, nếu hành khách đi các sân bay trong khu vực cũng có thể tự so sánh, về mặt hạ tầng, dịch vụ chúng ta đang kém hơn khá nhiều”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo ACV cũng cho rằng, việc Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị đánh giá chất lượng dịch vụ, hạ tầng kém cũng phản ánh một phần thực tế tại hai sân bay này. Thiết kế Nội Bài chỉ có 6 triệu khách, nhưng hiện tại đã phục vụ lên tới 13 triệu khách, quá tải hơn gấp đôi. Tương tự, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã quá tải cả nhà ga quốc nội lẫn quốc tế, khi lượng khách đã tăng lên 22 triệu/năm, dù đã cơi nới thêm. Vì diện tích hạn chế, quá tải, hạ tầng đã xây từ lâu nên theo ông Hùng, cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện tại đều không có điều kiện để nâng cấp chất lượng dịch vụ.

“Chất lượng dịch vụ cung cấp ở cả 2 sân bay đang ở mức tối thiểu, thậm chí thiếu nhiều tiện ích nếu so với nhiều sân bay trong khu vực. Đây là lý do chúng ta đang phải cơi nới, mở rộng, xây mới thêm như nhà ga T2 Nội Bài hay mở rộng Tân Sơn Nhất. Cuối năm nay khi T2 Nội Bài và nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động, hy vọng chất lượng dịch vụ cung cấp cho hành khách sẽ được cải thiện”, ông Hùng kỳ vọng.

Liên quan đến thông tin trên website http://www.sleepinginairports.net xếp loại Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam vào danh sách 10 cảng hàng không kém nhất năm 2014 tại châu Á, theo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, ngành hàng không đã có nhiều nỗ lực để cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, trong đó có các dịch vụ tại cảng hàng không.

Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cảng đã có các giải pháp quyết liệt, thiết thực như đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn dịch vụ, nâng cao ý thức, thái độ làm việc của nhân viên hàng không. Chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.

Cũng theo Cục, qua tìm hiểu trang mạng trên, được biết việc xếp hạng cảng hàng không thuần túy dựa trên việc bình chọn của người truy cập qua mạng. Trang mạng nêu trên không phải của một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không.

“Kết quả bình chọn nêu trên chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian qua. Dù vậy, Cục vẫn coi đây là một thông tin quan trọng để có các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không Việt Nam, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất”, đại diện Cục Hàng không cho hay.

Nội Bài, Tân Sơn Nhất là sân bay tệ nhất Châu Á: Ý kiến người trong cuộc - Ảnh 1

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhìn nhận, việc sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị một trang web xếp vào top 10 tệ nhất châu Á dễ hiểu nếu nhìn vào thực trạng quá tải hiện nay. (Ảnh minh họa).

Đánh giá Nội Bài, Tân Sơn Nhất là sân bay tệ nhất, không oan

Cũng theo tin tức trên báo Thanh Niên, nhận xét về việc sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất “lọt” vào danh sách top 10 sân bay tệ nhất châu Á của trang SleepingInAirports.Net, tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không bày tỏ: Tôi thấy cách họ đánh giá khá toàn diện.

Ông Nam nói: “Trang mạng SleepingInAirports.Net không phải là tổ chức nghiên cứu và xếp hạng độc lập, nhưng nó phản ánh sự đánh giá của hành khách đi máy bay. Họ là khách hàng của các hãng hàng không và sân bay, là người chi tiền mua dịch vụ, sự đánh giá của họ không thể bỏ qua nếu chúng ta cầu thị.

Đánh giá của họ phản ánh góc nhìn của nhiều hành khách trẻ tuổi, trong đó có “du lịch ba-lô”. Những người này chú trọng danh mục các dịch vụ ở một sân bay (như khu nghỉ tiện nghi chờ chuyến bay, nước uống miễn phí, wifi, có nhiều quán ăn không…). Chính đây lại là những thứ mà các sân bay của chúng ta thiếu nhất.

Tôi thấy cách họ đánh giá khá toàn diện, cả về danh mục dịch vụ (cái gì có, cái gì không có) và về chất lượng một số dịch vụ cụ thể. Những thứ họ chê ở hai sân bay của ta cũng không có gì là oan ức cho lắm. Chúng ta cũng thấy thế, biết thế, nhưng không nói ra thôi.

Ở đây có hai vấn đề: chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng con người trong tất cả các mảng hoạt động của sân bay. Bao trùm lên cả hai cái đó là năng lực đầu tư và khả năng quản lý – điều hành sân bay. Nhà ga nhỏ bé, chật hẹp thì không thể có đa dạng dịch vụ, không thể có sự cạnh tranh cung cấp dịch vụ. Con người thiếu ý thức, kỹ năng thì không thể mang lại chất lượng dịch vụ tốt. Mà con người ở sân bay lại nằm trong rất nhiều tổ chức: cảng hàng không, an ninh hàng không, các hãng hàng không, các công ty phục vụ mặt đất, công an cửa khẩu, hải quan… Nhìn nhận một cách cầu thị thì chúng ta yếu kém về chất lượng trong hầu hết các mảng đó.”.

Ông Nam cho biết thêm:“Tình trạng quá tải mà ông Lê Mạnh Hùng nêu là đúng thực tế. Cách đây hơn 6 năm, tôi đã cảnh báo khả năng sớm “tắc” hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ở hai hạng mục ga hành khách và sân đậu tàu bay. Tình hình đã diễn ra đúng như thế. Các dịch vụ tại các sân bay của ta không thể tối thiểu hơn được nữa, thiếu quá nhiều dịch vụ mà các sân bay khác có như về mua sắm, ẩm thực, giới thiệu văn hoá và du lịch địa phương, nghỉ ngơi, giải trí…

Hành khách phàn nàn về tình trạng độc quyền dịch vụ thể hiện giá tô mì gói, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết liệt chỉ đạo giảm giá mì gói xuống 20.000 đồng, thế là người ta bỏ bán mì gói, mà bán phở và hủ tiếu, những thứ không bị khống chế giá. Nếu mỗi sân bay có mấy quán bán mì, phở, hủ tiếu và ngoài ra còn nhiều đồ ăn khác nữa, họ cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, giá cả, đâu cần các cơ quan nhà nước phải bận tâm về giá tô mì và các đồ ăn khác? Hay như chuyện “hộp ngủ” ở sân bay Nội Bài. Nếu các sân bay của ta có khu nghỉ miễn phí dành cho hành khách đợi chuyến nhiều giờ, có ghế duỗi thẳng cho họ nằm nghỉ, ai còn kêu ca được giá “hộp ngủ” đắt?

Không cơ quan nhà nước nào có thể chạy theo quy định đủ thứ giá dịch vụ ở sân bay. Thế giới chẳng đâu làm như thế. Giải pháp tận gốc phải là sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ, sự đa dạng các dịch vụ và cơ hội lựa chọn của khách hàng trong mỗi một dịch vụ. Muốn thế, các sân bay của ta phải có đủ mặt bằng cho nhiều quán ăn uống từ bình dân đến cao cấp, nhiều quầy bán hàng, phải có khu nghỉ, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác.”.

Nội Bài, Tân Sơn Nhất là sân bay tệ nhất Châu Á: Ý kiến người trong cuộc - Ảnh 2

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không bày tỏ: Tôi thấy cách họ đánh giá khá toàn diện. (Ảnh minh họa).

Và chủ trang web bình chọn lên tiếng

Trang web sleepinginairports.net (tạm dịch: Ngủ ở sân bay) cùng với trang cộng đồng Cheap Like Me Travel Society, là những sản phẩm dành cho cộng đồng khách du lịch quốc tế giá rẻ do cô Donna McSherry – một người Canada thành lập từ năm 1996

Tuy nhiên, đến nay các trang web này đã có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài cộng đồng người du lịch với ngân sách eo hẹp và trở thành một trong những trang đánh giá chất lượng dịch vụ, du lịch nổi tiếng nhất thế giới được các sản phẩm truyền thông lớn như TIME, Reuters, CNN, USA Today, New York Times, CNBC… thường xuyên tham khảo và dẫn chiếu.

Hàng năm, trang web sleepinginairports.net thường công bố bản danh sách top 10 các sân bay tốt nhất và tồi nhất phân chia theo từng khu vực địa lý.

Bà Donna McSherry cho biết về quá trình bình chọn của người sử dụng dịch vụ- những hành khách quốc tế ở tất cả các nơi trên thế giới.

Theo bà ​Donna McSherry, kết quả bình chọn của 18.000 lượt người của trang web “The Guide to Sleeping in Airports” cho thấy “Nội Bài và Tân Sơn Nhất lọt top 10 sân bay tệ nhất châu Á”. “Hàng năm, chúng tôi đều tiến hàng cuộc khảo sát chất lượng của các sân bay dựa trên trải nghiệm thực tế của hành khách. Tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn 4C: Comfort (sự thoải mái: ghế ngồi, không gian yên tĩnh), Convenience (sự thuận tiện sử dụng dịch vụ: cửa hiệu thức ăn 24/24, phòng chờ, phòng tắm và các hoạt động khác), Cleanliness (độ sạch sẽ: bao gồm cả mặt sàn, phòng vệ sinh và ẩm thực) và Customer service (thái độ phục vụ của nhân viên phi trường). Riêng năm 2014, đã có tới 18.000 lượt người tham gia bình chọn”, bà Donna McSherry chia sẻ.

Đồng thời, cô cũng khẳng định kết quả bình chọn của trang web “The Guide to Sleeping in Airports” không phải đánh giá của một tổ chức chuyên môn về dịch vụ hàng không, chỉ là khảo sát thực tế người dùng trên internet nên có thể chưa phản ánh đầy đủ, khách quan việc cải thiện chất lượng của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

An Nhiên (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.