Hãy sống theo lời răn của chúa
Thursday, October 16, 2014 20:07
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Thế hệ trẻ trong họ hàng nhà tôi chắc ít người trong số các con, các cháu biết được rằng, bên ngoại nhà tôi từng theo đạo thiên chúa giáo từ rất lâu. Tuy những thế hệ sau này từ mẹ tôi tới chúng tôi vẫn đi nhà chùa nhưng thiên chúa giáo phần nào vẫn có ảnh hưởng trong gia đình. Cá nhân tôi, bên cạnh việc lên chùa vào ngày lễ, tết thì trước kia tôi cũng thuộc vào diện rất chăm chỉ đi nhà thờ và cho dù bạn dùng bất cứ lý lẽ gì cũng không thể thuyết phục được tôi rằng tôn giáo này tốt, tôn giáo kia không. Bởi vì với tôi, tôn giáo nào cũng hướng tới cái thiện và thiên chúa giáo tồn tại được lâu đời ở khu vực ven sông Hồng quê tôi cũng nhờ vào điều đó.
Nếu bạn có dịp đi qua khu vực từ ngã ba Bạch Hạc lên ngã ba sông Thao, sông Đà, khu vực Phú Thọ, Ba Vì, Vĩnh Phúc, tốt nhất bạn nhìn từ máy bay, bạn sẽ thấy có rất nhiều nhà thờ ở khắp mọi nơi. Chẳng nói đâu xa, ngay nhà tôi đi lên vài cây số đã có mấy nhà thờ rất đẹp, tồn tại từ rất lâu đời:
Nhà thờ Phong Vân – cách nhà tôi chừng hơn 3 Km
Nhà thờ Viên Châu – cách nhà tôi chừng hơn 1 Km
Giáo dân ở khu vực chúng tôi chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất và những gì là “hòa bình hay công lý, tự do hay dân chủ” như một vài giáo xứ khác ở miền trung hay ở Thái Hà đao to búa lớn, họ chẳng bao giờ biết tới và dù có biết cũng chẳng bao giờ quan tâm. Sống tốt đời, đẹp đạo, không lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị và với họ, chúa ngự ở trong tim và xin thề với các bạn rằng, giáo dân ở vùng quê tôi tuy rất nhiều nhưng đố ai ở khu vực khác về kích động được việc gì. Họ nghèo nhưng họ không thiếu sự hiểu biết, họ không có tiền nhưng lý trí của họ đủ nhận ra đâu là chân, đâu là giả. Và cũng chính vì thế từ thời kháng chiến chống Pháp tới kháng chiến chống Mỹ và sau này chống quân bành trướng Bắc Kinh, giáo dân quê tôi vẫn luôn sẵn sàng gửi con cháu lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
Lô cốt thời Pháp thuộc ở khắp nơi trên đê sông Hồng – chứng tích của một thời cả dân tộc phải làm nô lệ
Sang bên phía sông Lô, cuối cầu Việt Trì có làng đạo, nơi đó em gái nuôi của mẹ tôi, tôi gọi là dì, trước kia là dân hàng vạn, sống ở đó làm ruộng từ ngày sông Hồng hết cá. Hồi tôi còn nhỏ hay sang thăm dì và các em, tôi nhận thấy trong nhà tuy nghèo nhưng bề ngoài vẫn như tất cả các gia đình khác. Vẫn có bàn thờ tổ tiên và nếu không nói ra, người ngoài sẽ không bao giờ biết họ theo đạo thiên chúa giáo. Bởi vì trong nhà duy nhất có một cây thánh giá nhỏ gắn ở góc nhà để cho các em tôi mỗi tối đi ngủ ra đó quì gối cầu nguyện và đó là thứ duy nhất có thể nhận biết rằng họ theo đạo thiên chúa giáo.
Có một số bạn sử dụng tôn giáo làm mũi dùi nhằm kích động, gây chia rẽ giáo lương. Thậm chí có bạn sử dụng lập luận rằng “Chỉ có đạo phật đồng hành cùng dân tộc” thì xin thưa rằng, nếu thiên chúa giáo tồn tại 1000 năm với dân tộc cũng sẽ đồng hành cùng dân tộc. Có bạn cho rằng thờ đạo phật mới là đạo của người Việt và thiên chúa giáo là đạo ngoại lai thì xin thưa cho dù ông Jesus là người Do thái thì không lẽ Phật tổ là người thuộc nước Văn Lang hay sao?
Ngược lại có những người theo thiên chúa giáo cũng dùng những lời lẽ công kích từ thời Việt Minh cho tới nay khi đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc bảo vệ nền tự do độc lập của nước nhà. Hết lý lẽ, họ chuyển sang cho rằng “cộng sản thời Pol Pot, Mao…. giết người man rợ, suy ra cộng sản là man rợ” thì tôi xin thưa rằng, ở châu Âu người ta mới công bố hàng trăm ngàn các vụ linh mục hiếp dâm trẻ em vậy thì đó là thiên chúa giáo xấu hay là mấy ông linh mục đó xấu? Chắc chắn là mấy ông linh mục đó chứ thiên chúa giáo không bao giờ dậy giáo dân làm những điều đó.
Tôi lại nhớ câu chuyện gần đây khi về phép, ra nghĩa trang của làng tôi thì thấy hai ngôi mộ của hai gia đình rất gần nhau. Người độ tuổi như tôi trở lên trong làng hẳn không ai quên được chuyện quá khứ của hai gia đình đó, mấy cụ còn sống cùng con cái vác dao, vác súng chém/bắn nhau ra sao. Đánh nhau, hăm dọa giết nhau để rồi đây, khi họ trở thành người thiên cổ, một về cõi vĩnh hằng, một trở về bên thiên chúa. Nhưng liệu kể từ khi họ nhắm mắt, có bao giờ họ thấu hiểu được chân lý sống ở đời. Rằng cuộc đời này vốn vô cùng ngắn ngủi, nếu biết sống vui ngày nào, chết khỏe ngày ấy và nếu cả cuộc đời bạn không phải thù hận ai, khi bước sang thế giới bên kia bạn cũng sẽ được hưởng những gì bạn để lại ở trên cõi đời này. Dù là không nhiều thì chí ít cũng là nụ cười trước khi bạn nhắm mắt vĩnh biệt cõi đời.
-/-
Khai Phùng
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us