Ít người biết, Việt Nam từ năm 1978 đã bắt đầu các dự án chế tạo máy bay quân sự và cho đến nay đã có những kết quả khả quan.
Những chiếc máy bay tự chế đầu tiên
Theo tài liệu của Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân, ngày 4/3/1978, Quân ủy Trung ương phê chuẩn dự án “Xây dựng cơ sở thiết kế và chế thử máy bay cánh quạt loại nhỏ” và giao cho Quân chủng Không quân thực hiện.(lúc đó Quân chủng PK-KQ đang tách làm 2 quân chủng riêng biệt).
Quân chủng Không quân giao dự án cho nhóm cán bộ gồm PTS Trương Khánh Châu làm Chủ nhiệm, PTS Nguyễn Văn Hải làm Phó Chủ nhiệm và phụ trách thiết kế, kỹ sư Cao Văn Bình phụ trách chế thử. Ngoài ra còn có một số kỹ sư khác từ nhiều đơn vị. Đặc biệt nhóm dự án được sự hỗ trợ quan trọng của ông Võ Văn Phúc – Công trình sư thiết kế máy bay của Pháp là cố vấn thiết kế kỹ thuật.
Chiếc máy bay TL-01 tại sân bay Hòa Lạc. Ảnh tư liệu.
Chiếc máy bay 4 chỗ ngồi của Pháp được sử dụng làm mẫu. Các vật liệu để chế tạo thì lấy trong kho chiến lợi phẩm thu được sau chiến tranh. Nhiều bộ phận máy bay đã được tận dụng từ các máy bay cũ.
Sau hơn 2 năm thực hiện, ngày 24/7/1980 chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam chế tạo mang tên TL-1 ra đời. Ngày 25/9 cùng năm, hai phi công Nguyễn Xuân Hiển và Nguyễn Văn Sửu đã thực hiện thành công chuyến bay thử đầu tiên. Tổng cộng, máy bay đã bay thử 10 bài bay với 102 phút trên không.
Ngày 5/10/1980, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng đã đến sân bay Hòa Lạc để kiểm tra việc tổ chức bay thử máy bay TL-1. Sau đó, ngày 30/11/1980, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đến chứng kiến chuyến bay báo cáo của máy bay TL-1.
TL-1 có sải cánh 9,6m, chiều dài máy bay 6,79m, cao 3,28m, diện tích cánh 12,48m2. Nó đạt tốc độ tối đa 265 km/h, tốc độ hạ cánh 98 kh/h, tốc độ lên thẳng 5m/s với trần bay tối đa 4500m. Máy bay có 4 chỗ ngồi với trọng lượng cất cánh tối đa là 1100 kg.
Chiếc máy bay TL-1 trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ.
Sau thành công của TL-1, Bộ Quốc phòng chỉ đạo cho nhóm thiết kế tiếp tục chế tạo loại máy bay huấn luyện phi công. Do đã có kinh nghiệm với TL-1 nên việc chế tạo lần này suôn sẻ hơn. Năm 1984, chiếc máy bay huấn luyện mang tên HL-1 đã hoàn thành và bay thuận lợi ngay trong lần đầu cất cánh. Tổng cộng HL-1 cũng bay thử đầy đủ 10 bài bay với 23 lần cất hạ cánh và 10 giờ bay trên không.
Chiếc HL-1 có tốc độ bay bằng là 275 kh/h, trần bay 4500m, có thể hoạt động liên tục trong 2,5 giờ và nếu có thùng dầu phụ thì thời gian hoạt động đạt 4 giờ. Đặc biệt máy bay được gắn 8 rocket để tấn công mục tiêu.
Sau HL-1, Bộ Quốc phòng lại chỉ thị cho nhóm thiết kế tổ chức nghiên cứu chế tạo máy bay lưỡng dụng có thể cất hạ cánh cả trên mặt nước và trên bộ để phục vụ cho hoạt động ở đảo xa. Đến năm 1987, chiếc HL-2 đã chế tạo và bay thử thành công trên mặt đất nhưng do khó khăn kinh tế chung của đất nước nên dự án HL-2 và cả dự án chế tạo máy bay nói chung đều phải tạm dừng.
Các dự án đang triển khai hiện nay
Sau hơn 10 năm bị gián đoạn, ngày 9/2/2004, Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định số 175/QĐ-BQP giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ thực hiện dự án “Chế tạo máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ VNS-41”.
Chủ nhiệm dự án là Đại tá, TS Võ Tá Quế – Giám đốc nhà máy A-41. Phó Chủ nhiệm dự án là Đại tá, TS Ngô Trí Thăng – Trưởng phòng Nghiên cứu máy bay động cơ thuộc Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ.
Máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ VNS-41 được thiết kế, chế tạo để phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, cứu nạn và huấn luyện phi công sơ cấp.
Máy bay lưỡng dụng VNS-41 mang số hiệu 401 trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ.
Ngày 9/12/2004, máy bay VNS-41 mang số hiệu 401 đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên tại hồ Trị An tỉnh Đồng Nai.
Năm 2005, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ hoàn thiện chiếc máy bay 401 và sản xuất thêm 4 chiếc khác. Các máy bay VNS-41 sau đó được sử dụng cho nhiệm vụ huấn luyện tại Trung đoàn Không quân 916.
Về tính năng kỹ thuật, máy bay VNS-41 cao 2,535m, dài 6,980m; khối lượng rỗng 528 kg. Máy bay được gắn 2 động cơ Rotax-582 (công suất 64 mã lực) của Áo cho phép nó đạt vận tốc từ 120 đến 135 km/h với trần bay 3000m. Toàn bộ thân chính, thân đuôi, cánh giữa máy bay được làm bằng vật liệu composite cao cấp với mức độ nội địa hóa 70%.
Một chiếc UAV-02 đang được hoàn thiện tại Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ. Ảnh: báo Quân đội nhân dân.
Bên cạnh đó, khi bắt đầu nối lại chương trình nghiên cứu, chế tạo máy bay, quân đội Việt Nam đã chú ý ngay đến các máy bay không người lái và cũng đạt được những thành quả nhất định.
Theo tin từ Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ, cho đến nay, viện này đã triển khai nghiên cứu và chế thử 5 mẫu máy bay không người lái để phục vụ huấn luyện chặn kích cho máy bay Su-30MK2. Trong số đó mẫu UAV-02 và UAV-01 được lựa chọn bay thử nghiệm. Quá trình thử nghiệm cho thấy UAV-02 có tính năng cao hơn.
Với 2 động cơ phản lực, UAV-02 có thể đạt tốc độ bay hành trình từ 250 đến 350 km/h. Toàn bộ máy bay này nặng 38 kg khi nạp đủ nhiên liệu. Nó có thể bay cao tối đa 8000m và phạm vi hoạt động là 100 km.
Máy bay UAV-02 đã được đưa vào sân bay Thọ Xuân thử nghiệm làm mục tiêu cho Su-30MK2 tập chặn kích. Cuộc thử nghiệm thành công tốt đẹp và các chuyên gia khẳng định UAV-02 đủ điều kiện làm mục tiêu cho các máy bay Su-30MK2 huấn luyện chặn kích.
Hiện nay, Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ đang tiếp tục hoàn thiện mẫu UAV-03 và UAV-04 với những công nghệ mới như: đạt tốc độ cận âm 0,85 Mach, thời gian và bán kính bay tăng lên, có khả năng bay giám sát biển, đảo…
Như vậy, ngành công nghiệp chế tạo máy bay của quân đội Việt Nam mới chỉ có lịch sử từ năm 1978 đến nay với thời gian 36 năm mà trong đó mất hơn 10 năm bị gián đoạn. Thế nhưng với những kết quả như vừa nêu, có thể nói rằng đó là các thành quả rất đáng tự hào. Những tiến bộ kỹ thuật thể hiện qua các kết quả nói trên sẽ tạo đà cho ngành công nghiệp chế tạo máy bay của ta tiến xa hơn để có thể chế tạo máy bay chiến đấu cho quân đội.
Trần Vũ
2014-10-29 01:08:10
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/giai-ma-cac-du-an-che-tao-may-bay-quan-su-cua-viet-nam-a159967.html