Tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng đầu tư vào thị trường thương mại điện tử, bầu Đức đi trồng ngô, mía và nuôi bò,.. Còn những đại gia Việt khác đang “cất” bao tiền khổng lồ của mình ở đâu?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn thâu tóm thị trường thương mại điện tử
Cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh ngành thương mại điện tử non trẻ tại Việt Nam đang trở nên gay gắt, khi một số đại gia lớn trong lĩnh vực bất động sản đang muốn “tham chiến”. Trong đó, tỷ phú số một Việt Nam, ông chủ của Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đang có nhiều kế hoạch muốn thâu tóm thị trường này.
inEcom hiện là một trong những nhánh chuyên hoạt động lĩnh vực thương mại đang rất có tiếng tại Việt Nam của Vingroup – một trong những công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam và được thành lập dưới bàn tay của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Trong tháng 2-1014, VinEcom đã nhận được nguồn vốn đầu tư 50 triệu USD từ tập đoàn này để nhảy vào thị trường thương mại điện tử.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, kể từ khi Vingroup công bố chiến lược chuyển sang đầu tư thương mại điện tử, thị trường đến lúc này vẫn tỏ ra hoài nghi liệu tập đoàn này có đủ không gian rộng lớn để phát triển một tham vọng trái ngành hay không. Trong đó, nhiều ý kiến cũng khẳng định, tỷ phú này đang “vung tay quá trán” với một ngành mà ông chưa rành. Tuy nhiên, từ tháng 2-2014 đến nay, ông Phạm Nhật Vượng đã chứng minh rằng chiến lược đầu tư vào thương mại điện tử của mình là đúng hướng, và xua tan mọi nghi ngại trên thương trường.
VinEcom đang manh nha một kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh bằng động thái thương thảo thâu tóm hoặc hợp tác kinh doanh với một số nhà phát triển thương mại điện tử lớn tại Việt Nam hiện nay, trong đó có trang Vật Giá, Hotdeal.vn, Cungmua.vn…
Một chuyên gia kinh tế cho Tinnhanhdiaoc.vn biết, ông Phạm Nhật Vượng quả là một nhà đầu tư rất khôn ngoan trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang trầm lắng hiện nay. Theo đó, chỉ có thông qua thương mại điện tử thì VinEcom mới đẩy được chiến lược phát triển bất động sản của tập đoàn mẹ ra thị trường, việc còn lại là thu về doanh số bán hàng.
“Nói cách khác, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang rất nóng khi mà hàng loạt nhà đầu tư lớn đang thâm nhập vào thị trường này. Do đó, không lý gì mà Vingroup lại có thể bỏ lỡ cơ hội này khi không cạnh tranh với những thương hiệu như Lazada, Tiki, Zalora, Lana Project và nhiều hơn nữa”, chuyên gia này cho biết thêm.
Để có thể cạnh tranh trong một thị trường còn non trẻ và đang rất nóng, Vingroup đang có chiến lược “săn đầu người” là các chuyên gia lão luyện trên thị trường này về đầu quân cho mình.
Bầu Đức đầu tư vào ngô, bò, mía
Vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, đã rót 500 tỷ đồng vào dự án ở Lào, Campuchia. Cụ thể, 200 tỷ đồng để đầu tư vào dự án trồng, chăm sóc 9.000 ha cao su tại tỉnh Rattanakiri, Campuchia; 300 tỷ đồng cũng được tập đoàn rót vào dự án trồng, chăm sóc 25.000 ha cao su và cọ dầu ở Attapeu, Lào.
Mới đây, trong buổi đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, Chủ tịch HAGL – ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bày tỏ mong muốn tích cực phát triển tập đoàn theo hướng nông nghiệp. Ngoài dầu cọ và cao su, bầu Đức cho biết đẩy mạnh trồng 10.000 ha bắp và nuôi 100.000 con bò tại Lào trong năm nay.
Bầu Đức bộc bạch, HAGL có rất nhiều cổ đông trung thành, theo chân tập đoàn từ những ngày mới trồng cây cao su ở Lào và Campuchia. “5 năm qua tiền tươi thóc thật nộp đều đều nhưng lợi nhuận lại không đáng kể.
Nhiều cổ đông tâm sự với tôi rằng các dự án phát triển rất thuận lợi nhưng chờ lợi nhuận quá lâu, sốt ruột vô cùng. Vì vậy, tôi phải nghĩ đến cây bắp, con bò để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”, bầu Đức nói.
Kết quả kinh doanh quý 1/2014 cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Hoàng Anh Gia Lai đạt 924,84 tỷ đồng, tăng 202,54 tỷ đồng, tương ứng 28,04% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, doanh thu từ mía đường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai. Đây là bằng chứng chứng minh quyết định sang Lào và Campuchia làm “nông dân” của bầu Đức ngày càng là quyết định sáng suốt.
Trước đó, vào hồi cuối tháng 3, HAGL vừa được chấp thuận cho phép nhập khẩu 30.000 tấn đường thu hoạch tại Lào về Việt Nam và bán cho Công ty cổ phần Đường Biên Hòa.
Quý II/2014, trong báo cáo của HAGL sẽ xuất hiện nguồn thu từ bắp và dự kiến năm 2015, sản lượng bắp sẽ tăng gấp đôi do các dự án tại Lào và Campuchia đều trồng 2 vụ liên tục. “Tập đoàn được xoay vòng vốn nhanh, cổ đông cũng vui lây vì có thêm lợi nhuận”, ông Đức nói.
Với dự án nuôi bò, người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam tiết lộ ông bắt tay với Vissan, công ty sữa NutiFood sẵn sàng dốc 12 nghìn tỷ đồng để đầu tư tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236 ngàn con.
Để đảm bảo thức ăn chăn nuôi cho số lượng bò “khủng” như trên, theo “Bầu Đức”, ông sử dụng diện tích đất ban đầu khoảng 4.000 ha, trong đó diện tích trồng cỏ 3.400 ha và 600 ha xây dựng hạ tầng phục vụ chăn nuôi.
“Chúng tôi có lợi thế là không nhập thức ăn vì hiện HAGL đang trồng 3 ngàn ha ngô, 30 ngàn ha trồng cỏ voi cho bò và cây gò dầu. Do nguồn thức ăn tự sản xuất nên giá thành thịt bò và sữa sẽ giảm rất nhiều”- ông Đức khẳng định, đồng thời nói thêm hiện HAGL và 2 đối tác đang có trên 2 nghìn kỹ sư nông nghiệp cùng quy mô 120 nông trường ở Lào và Việt Nam.
Vinamilk thành “anh chăn bò”
Được đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành sữa, Vinamilk hiện cũng đang ráo riết chạy đua trong việc trở thành một “anh chăn bò” cùng các “ông lớn” ngành sữa khác.
Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, Vinamilk đã đầu tư khoảng 800 tỷ đồng xây dựng 5 trang trại có quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, trong đó có 8.000 con bò sữa, cho 90 tấn sữa/ngày. Công ty còn liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con bò trên cả nước, thu mua 460 tấn sữa/ngày.
Vinamilk cho biết, kế hoạch đến năm 2015, số bò sữa mà doanh nghiệp này nắm giữ sẽ ở vào khoảng 46.000 con với 9 trang trại bò sữa phân bố rộng khắp cả nước, trong đó sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới lần lượt ở Thanh Hóa (có quy mô 3.000 con), Tây Ninh (quy mô 10.000 con), Hà Tĩnh (3.000 con) và Nông trường Thống nhất (với 25.000 con).
Vinamilk kỳ vọng với 46.000 con bò sữa sẽ phần nào “hóa giải” được bài toán nguyên liệu sản xuất khi số bò này sẽ mang lại 20% số nguyên liệu cần thiết. 80% còn lại sẽ nhận cung ứng từ các hộ nông dân và nhập khẩu từ nước ngoài.
TH đầu tư 1,2 tỷ USD tạo “đế chế” sữa tươi
Tháng 2/2010, hàng ngàn con bò nhập khẩu từ New Zealand đã về đến Nghĩa Đàn và chỉ 7 tháng sau, dòng sữa tươi sạch TH true MILK chính thức ra đời, đánh dấu hành trình của một thương hiệu đình đám. Cho đến nay, trang trại bò sữa TH đã có tới 35.000 con bò. Theo kế hoạch, quy mô của trang trại sẽ tăng lên 137.000 con vào năm 2017, đáp ứng khoảng 50% nguồn nguyên liệu sữa tươi cả nước và đến năm 2020 là 203.000 con, bằng 50% tổng đàn bò cả nước.
Với quy mô lên tới 37.000 ha, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, đây là dự án lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Đây cũng là dự án bò sữa lớn, hiện đại và có năng suất cao nhất khu vực (30-40 lít/ngày/con). Việc đầu tư bài bản từ nuôi bò, trồng cỏ đến chế biến sữa đã biến TH là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chủ động được hoàn toàn sữa nguyên liệu đầu vào, không hề phải nhập khẩu.
Không chỉ thuê nhà tư vấn Israel, bà chủ TH còn “chịu chơi” đến mức thuê cả nông dân Israel về chăm sóc bò sữa trong giai đoạn đầu. “Cách làm của chúng tôi nói ngắn gọn là sự kết hợp giữa trí tuệ Việt – tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới”, bà Hương nói về cách “đi tắt” để vượt qua rất nhiều đối thủ trên thị trường sữa.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường
2014-10-22 22:32:31
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dai-gia-viet-dang-cat-bao-tien-khong-lo-cua-minh-o-dau-a153969.html